Thềm lục địa là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 62 - 63)

2.1 .Cơ sở lý luận của nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa

2.1.1. Thềm lục địa là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia

Theo quan niệm và định nghĩa về lãnh thổ quốc gia đã được công nhận rộng rãi thì “lãnh thổ quốc gia bao gồm các vùng đất, các vùng biển và khoảng không trên các vùng đất và vùng biển đó.” Như vậy, vùng biển cũng là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia. Vùng biển trong đó bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa. Chính những nhân tố này đã làm cơ sở để xuất hiện “Thuyết thềm lục địa”

“Thuyết thềm lục địa” là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển khẳng định mối liên hệ hữu cơ và mối liên hệ về nhiều mặt địa lý, địa chất, kinh tế và chính trị giữa thềm lục địa và lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển. Với những lý do này mà thuyết kéo dài tự nhiên bản thân nó quy định rằng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa là thuộc quốc gia ven biển, chứ không thể thuộc quốc gia khác được. Nếu thềm lục địa không phải là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia ven biển, không phải là phần ngập nước của đất liền quốc gia này thì quốc gia ven biển không thể có được những quyền như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng thuyết kéo dài tự nhiên là cơ sở để khẳng định một cách tự nhiên rằng quốc gia ven biển được ở tư thế thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa, đồng thời cũng khẳng định bản chất của thềm lục địa nói chung và bản chất pháp lý của thềm lục địa nói riêng.

Thuyết kéo dài tự nhiên đã được thể hiện tập trung nhất trong Phán quyết ngày 20 tháng 2 năm 1969 của Toà án quốc tế về thềm lục địa ở Biển Bắc. Toà cho rằng theo pháp luật quốc tế, cơ sở pháp lý để xác lập chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa phát sinh từ một thực trạng là những vùng đáy biển ngập nuớc về mặt thực tế có thể xem là một phần lãnh thổ của quốc gia ven biển đã thực hiện quyền lợi của mình với nghĩa là tuy những vùng bị ngập nước ấy, chúng vẫn là phần kéo dài, phần nối tiếp của lãnh thổ mở rộng ra

biển. Cho nên quyền chủ quyền và tài phán của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa xuất phát từ chủ quyền của quốc gia ven biển với lãnh thổ.

Xét về mặt địa lý, địa chất, thềm lục địa không phải là đường hành hải quốc tế giống như vùng nước biển và đại dương. Về mặt quan hệ quốc tế, thềm lục địa chủ yếu liên quan tới thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này. Thực tế đó làm cho việc quốc gia ven biển khai thác, sử dụng thềm lục địa khác một cách căn bản so với vấn đề sử dụng và khai thác vùng nước của biển cả.

Đáy biển và lòng đất của lãnh hải cũng là phần kéo dài tự nhiên của đất liền và là một bộ phận cấu thành của thềm lục địa xét về tổng thể. Tuy nhiên người ta không thể áp dụng chế độ pháp lý của lãnh hải cho thềm lục địa được, bởi vì khi giải quyết vấn đề thềm lục địa theo pháp luật quốc tế còn cần phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia ven biển cũng như lợi ích của các quốc gia khác,đặc biệt là tự do bơi và tự do bay.

Trên thực tế thì thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia”. Trong vụ thềm lục địa Biển Bắc - 1969 Toà tuyên bố: “Quốc gia ven biển thực thi các quyền đối với thềm lục địa dựa vào chủ quyền của mình trên đất liền, mà thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của nó, và như một sự mở rộng của mình trong việc thực thi các quyền chủ quyền vì mục đích thăm dò đáy biển, và khai thác các tài nguyên thiên nhiên của đáy biển.”

Sự kéo dài tự nhiên này được đặt dưới chủ quyền của quốc gia ven biển, có tính chất cũng như lãnh thổ trên đất liền đặt dưới chủ quyền của quốc gia đó. Nhưng mặt khác người ta cũng thấy rằng thềm lục địa là một vùng biển-là một bộ phận của biển nói chung. Do đó, thềm lục địa không chỉ có quan hệ với những quyền lợi của quốc gia ven biển mà nó còn liên quan tới lợi ích của các nước khác, của cộng đồng quốc tế vì vai trò quan trọng của nó trong lĩnh vực khoa học và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Trong Luật biển quốc tế, nguời ta đã tìm cách giải quyết dung hoà quyền lợi của quốc gia ven biển được thể hiện ở các mặt của chủ quyền quốc gia và quyền lợi của cộng đồng quốc tế thông qua các Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)