.Giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 69 - 72)

2.1 .Cơ sở lý luận của nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa

2.2.1 .Giới hạn thềm lục địa của quốc gia ven biển

Khái niệm pháp lý của thềm lục địa gắn chặt với ranh giới phía trong và ranh giới phía ngoài của nó, trong đó thuyết thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền với tư cách là bản chất pháp lý của thềm lục địa giữ vai trò quyết định trong việc xác định giới hạn của thềm lục địa dưới góc độ pháp lý.

Theo quy định của Công ước lấy ranh giới địa mạo giữa vành đai lục địa và đáy sâu thẳm của đại dương làm cơ sở. Do vậy, ranh giới phía ngoài của thềm lục địa trùng với bề ngoài của rìa lục địa. Tuy vậy, chiều rộng của thềm lục địa không phải là như nhau trong tất cả mọi trường hợp. Chính vì lý do này mà đảm bảo tương quan lợi ích cho các quốc gia ven biển và các quốc gia không có biển mà những điều khoản đối với chiều rộng tối đa của thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý.

Để xác định ranh giới phía trong của thềm lục địa, Điều 1 Công ước Giơnevơ 1958 và Điều 76 Công ước Liên hợp quốc 1982 đều quy định rằng: thềm lục địa của quốc gia ven biển nằm bên ngoài lãnh thổ của quốc gia đó. [3].

Tuy nhiên khác với Công ước Giơnevơ năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp trong đó không có quy phạm về chiều rộng tối đa của lãnh hải, Công ước Luật biển 1982 đã quy định chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Vì vậy, ranh giới phía trong của thềm lục địa là chính xác và được xác định với nghĩa là trong mọi trường hợp nó không được nằm ngoài giới hạn 12 hải lý.

Còn ranh giới phía ngoài của thềm lục địa: Theo Công ước 1982 của Liên hợp quốc tại Điều 76, khoản 5 thì thềm lục địa có “chiều rộng tối thiểu” và “chiều rộng tối đa”

-Chiều rộng tối thiểu: là 200 hải lý kể từ đường cơ sở khi bề ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở không đến 200 hải lý. Ranh giới này trùng với ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế.

-Chiều rộng tối đa: là không quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở, hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m, mặc dù vành đai lục địa ở nơi này còn tiếp tục mở rộng ra ngoài biển khơi.

Trong trường hợp chiều rộng tối đa của thềm lục địa và từ đó là ranh giới ngoài của thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý kể từ đường cơ

sở, kể cả trường hợp ranh giới phía ngoài của thềm ở nơi đó có núi ngầm. (Điều 76 khoản 6)

Như vậy theo quy định của Công ước Luật biển 1982 thì ranh giới phía ngoài của thềm lục địa được xác định theo hai tiêu chuẩn: “tiêu chuẩn khoảng cách” và “tiêu chuẩn độ sâu”[4]

* Theo tiêu chuẩn khoảng cách kể từ đường cơ sở, ranh giới phía ngoài của thềm lục địa có thể thiết lập bằng ba cách: [4].

- Lấy bờ ngoài của rìa lục địa khi bờ ngoài này cách đường cơ sở 200 hải lý.

- Lấy khoảng cách 200 hải lý kể từ đường cơ sở khi vành đai lục địa chưa mở rộng đến 200 hải lý.

- Lấy khoảng cách tối đa không quá 350 hải lý kể từ đường sở ở những nơi thềm lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý.

Trong ba cách trên thì cách thứ nhất và thứ hai được áp dụng vớ đa số vùng thềm.

* Theo tiêu chuẩn độ sâu, ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể thiết lập bằng cách lấy khoảng cách không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m-là đường nối liền các điểm có cùng chiều sâu 2500m nước.

Để việc xác định ranh giới chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được chính xác và để có thể hoạch định được vùng đáy biển quốc tế, một vùng tài sản chung cho toàn nhân loại thì khi thềm lục địa mở rộng ra ngoài giới hạn 200 hải lý, Công ước Luật biển 1982 quy định một loạt điều khoản về việc xác lập ranh giới phía ngoài của thềm lục địa như sau: [4].

Điều 76, khoản 7 quy định: “Quốc gia ven biển ấn định ranh giới phía ngoài thềm lục địa của mình khi thềm này mở rộng quá 200 hải lý bằng cách nối liền các điểm cố định được xác định bằng hệ toạ độ kinh vĩ tuyến thành các đoạn thẳng có chiều dài không quá 60 hải lý”

Điều 76, khoản 4: “Khi bờ ngoài của rìa lục đại nằm ngoài khoảng cách 200 hải lý kể từ đường cơ sở, ranh giới ngoài của thềm lục địa sẽ là một đường thẳng được vạch theo đúng Điều 76, khoản 7, trong đó các điểm xa nhất (tận cùng) trên đường thẳng có bề dày lớp đá trầm tích không quá 1% khoảng cách ngắn nhất tính từ điểm đó tới chân dốc lục địa hoặc đường thẳng này được vạch bằng cách nối các điểm này nằm cách chân dốc lục địa không quá 60 hải lý. Chân dốc lục địa được quy định là chỗ mà tại điểm đó độ dốc biến đổi cực đại.

Cũng theo Điều 76 khoản 4.b của Công ước thì chân dốc lục địa được hiểu: “Nếu không có bằng chứng ngược lại, chân dốc lục địa trùng hợp với điểm biến đổi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc”. Như vậy đây là điểm nơi dốc lục địa gặp bờ lục địa, hoặc trong trường hợp không có bờ lục địa, là điểm nơi dốc lục địa gặp đáy lớn đại dương. Nói cách khác, chân dốc lục địa nằm gần ngoài của lục địa, tức là gần nơi chuyển từ vỏ lục địa sang vỏ đại dương.

Mặt khác để xác định sự biển đổi độ dốc đột ngột rõ nét nhất người ta thường lập một biểu đồ hình thái đáy biển từ các thông số đo đạc độ sâu bao phủ toàn bộ phần dốc lục địa và một phần bờ lục địa.

2.2.2. Thềm lục địa được xác định theo bề rộng nằm ngoài giới hạn 200 hải lý

Theo Điều 76 khoản 4 đưa ra hai phương pháp xác định bề rộng của thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Cho nên: Chiều rộng tối đa của thềm lục địa:

- Hoặc là 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. - Hoặc là 100 hải lý cách đường đẳng sâu 2500m.

Nếu theo phương pháp này thì trong khi xác định chiều rộng tối đa của thềm lục địa theo tiêu chuẩn khoảng cách 350 hải lý là đơn giản thì phương pháp xác định đường đẳng sâu 2500m chứa đựng những khó khăn nhất định:

- Đó là những khó khăn về kỹ thuật trong việc xác định độ sâu 2500m bằng các thiết bị đo sâu. Với sai số đo sâu là 1%, sự chênh lệch 25m độ sâu sẽ dịch chuyển đáng kể độ rộng của thềm lục địa hàng chục ki-lô-mét.

- Tại một số vùng, đường đẳng sâu 2500m có thể gần bờ hơn hay ra xa ngoài khơi hơn, do tính chất không đồng đều của địa hình đáy biển.

Cho nên ranh giới ngoài của thềm lục địa không phải chỗ nào cũng đạt tới chiều rộng tối đa là 350 hải lý hoặc cách đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách 100 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Ranh giới ngoài của thềm lục địa của một nước nằm giữa chiều rộng tối thiểu 200 hải lý và chiều rộng tối đa quy định ở trên.

Bởi vậy, việc xác định ranh giớingoài của thềm lục địa sẽ được tính theo: (1).Trường hợp thềm lục địa hẹp vạch một đường 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

(2).Trường hợp thềm lục địa rộng:

- Xác định chân dốc của lục địa là điểm biến đổi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc.

- Xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa hoặc theo phương pháp xác định độ dày 1% trầm tích.

+ Xác định độ dày trầm tích, xây dựng biểu đồ độ dày trầm tích.

+ Xác định khoảng cách tính từ chân dốc lục địa tới các điểm cố định tận cùng tại đó bề dày lớp đá trầm tích bằng ít nhất một phần trăm khoảng cách của khoảng cách đó.

- Hoặc theo phương pháp khoảng cách 60m hải lý tính từ chân dốc của lục địa.

- Hoặc nối các điểm cố định được xác định theo một trong hai phương pháp trên sao cho thành những đoạn thẳng không dài quá 60 hải lý.

- Kiểm tra xem ranh giới này đã thoả mãn các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 hay không? Nó không được vượt quá chiều rộng tối đa của thềm lục địa, hoặc 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hoặc 100 hải lý cách đường đẳng sâu 2500m.

- Xác định toạ độ, thông báo các thông tin về các ranh giới ngoài của thềm lục địa khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa. Quốc gia ven biển thực hiện điều này khi có điều kiện và trong bất cứ hoàn cảnh nào trong một thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia này. uỷ ban này sẽ gửi các kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài của thềm lục địa của quốc gia đó.

- Trong cả hai trường hợp, quốc gia ven biển đều gửi cho Tổng thư ký của Liên Hợp quốc các bản đồ và các điều chỉ dẫn thích đáng, kể cả các dữ kiện trắc địa, chỉ rõ một cách thường xuyên ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình. Tổng thư ký Liên Hợp quốc sẽ công bố các tài liệu này cho tất cả các nước là thành viên của Liên Hợp quốc.

Những quy định trên đây của Công ước Luật biển 1982 chứng tỏ rằng những tiêu chuẩn mới để vạch ranh giới phía ngoài của thềm lục địa là chính xác, rõ ràng. Ranh giới phía ngoài của thềm lục địa được vạch căn cứ vào những đặc điểm địa chất của bản thân vùng đáy biển. Do vậy, mà những tiêu chuẩn trên mang tính khách quan. Nếu phát sinh những khó khăn hoặc tranh chấp khi hoạch định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa ở nơi này, nơi khác do tình hình đáy biển đặt ra thì các bên có thể đệ trình lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa để giải quyết. [5]

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác lập chủ quyền quốc gia về thềm lục địa (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)