Chế độ pháp lý đối với vật thể vũ trụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 45 - 47)

Vật thể vũ trụ theo nguyên bản tiếng Anh là “Space object”, từ “object” có nghĩa là đồ vật, vật thể có tính chất nhân tạo, do con người làm ra, cụm từ “Space object” có thể tạm dịch là vật thể vũ trụ và được ngầm hiểu là các vật thể do con người sáng tạo ra được đưa vào vũ trụ.

Tuy nhiên, định nghĩa vật thể vũ trụ cụ thể là gì? thì cho đến nay pháp luật vũ trụ quốc tế vẫn chưa xác định được. Theo quy định tại Điểm d, Điều 1,

Công ước về việc chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972 [18] và Điểm b, Điều 1, Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ năm 1975 [19] thì vật thể vũ trụ ở đây được hiểu bao gồm cả các bộ phận cấu thành vật thể cũng như là tên lửa phóng và các thành phần của tên lửa phóng.

Vật thể vũ trụ chỉ được phóng vào khoảng không vũ trụ sau khi quốc gia phóng vật thể vũ trụ đó đăng ký các thông số của vật thể vũ trụ theo quy định với Tổng thư ký Liên hợp quốc (việc đăng ký vật thể phóng vật thể vụ trụ sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau).

Theo quy định tại Điểm c, Điều 1, Công ước về chịu trách nhiệm quốc tế đối với các thiệt hại do vật thể vũ trụ gây ra năm 1972 [18] và Điểm a, Điều 1, Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ năm 1975 [19] thì cụm từ “quốc gia phóng vật thể vũ trụ” bao gồm quốc gia tiến hành hoặc cho tiến hành đưa vật thể vào vũ trụ; quốc gia có lãnh thổ hoặc trang thiết bị được sử dụng để đưa vật thể vào vũ trụ.

Như vậy, có thể hiểu quốc gia phóng vật thể vũ trụ có thể là quốc gia trực tiếp tiến hành việc phóng vật thể vũ trụ nhưng cũng có thể là quốc gia cho tiến hành việc phóng vật thể – gián tiếp tiến hành việc phóng vật thể hoặc quốc gia có trang thiết bị hoặc lãnh thổ được sử dụng vào việc phóng vật thể vũ trụ đó.

Định nghĩa về quốc gia phóng vật thể vũ trụ như trên là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều quốc gia trên thế giới không đủ trình độ khoa học, công nghệ vũ trụ nhưng có nhu cầu sử dụng khoảng không vũ trụ có thể hợp tác với các quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ vũ trụ tiên tiến về việc phóng vật thể lên khoảng không vũ trụ. Tuỳ thuộc vào vị trí địa lý, mục đích sử dụng vật thể vũ trụ của mỗi quốc gia mà địa điểm phóng vật thể vũ trụ phải được tiến ở các địa điểm khác nhau. Vì vậy, việc xác định

quốc gia phóng vật thể vũ trụ là quốc gia trực tiếp phóng vật thể hay là các quốc gia cho tiến hành việc phóng vật thể, quốc gia có trang thiết bị hoặc lãnh thổ được sử dụng vào việc phóng vật thể vũ trụ còn tuỳ thuộc vào quy định của luật vũ trụ quốc tế và thoả thuận giữa các quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 45 - 47)