Trách nhiệm đăng ký việc phóng vật thể vũ trụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 47 - 49)

Quốc gia phóng vật thể vũ trụ còn phải có trách nhiệm đăng ký các vật thể phóng vào khoảng không vũ trụ. Theo quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5, Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ năm 1975 [19], trách nhiệm đăng ký các vật thể phóng vào khoảng không vũ trụ của các quốc gia phóng vật thể có thể được tóm lược như sau:

+ Quốc gia phóng vật thể phải đăng ký vật thể vào sổ đăng ký mà quốc gia đó có trách nhiệm lưu giữ khi vật thể vũ trụ đó được phóng vào quỹ đạo Trái đất hoặc xa hơn quỹ đạo Trái đất. Quốc gia phóng vật thể có trách nhiệm thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc biết về việc thành lập sổ đăng ký này. Việc lưu giữ, quản lý sổ đăng ký vật thể vũ trụ và các điều kiện lưu giữ, quản lý do quốc gia đăng ký xác định.

Khi hai hay nhiều quốc gia cùng phóng một vật thể vào quỹ đạo Trái đất hoặc xa hơn quỹ đạo Trái đất, thì các quốc gia đó cùng xác định xem quốc gia nào chịu trách nhiệm đăng ký vật thể, đồng thời phải tuân thủ các quy định của luật vũ trụ quốc tế và tuân thủ các thoả thuận đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết giữa các quốc gia phóng vật thể liên quan đến quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với vật thể vũ trụ, đối với phi hành đoàn.

+ Ngay khi có điều kiện quốc gia đăng ký phải cung cấp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các thông tin sau về vật thể vũ trụ được đăng ký trong sổ đăng ký của quốc gia đó gồm: tên của quốc gia hay các quốc gia phóng vật thể vũ trụ; chỉ số riêng hoặc số đăng ký của vật thể; ngày và lãnh thổ hoặc nơi phóng vật thể; các thông số quỹ đạo cơ bản gồm chu kỳ quay, độ nghiêng,

viễn điểm, cận điểm và chức năng chung của vật thể. Tổng thư ký Liên hợp quốc chịu trách nhiệm lưu giữ, quản lý một quyển sổ ghi các thông tin được quốc gia phóng vật thể cung cấp, các thông tin trong sổ này được tra cứu tự do. Quốc gia đăng ký cũng có thể cung cấp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các thông tin bổ sung liên quan đến vật thể vũ trụ đăng ký trong sổ đăng ký của quốc gia đó.

Quốc gia đăng ký, trong khả năng cho phép và ngay khi có thể thực hiện được, phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc biết về các vật thể vũ trụ đã được phóng vào quỹ đạo mà trước đây quốc gia đó đã cung cấp các thông tin liên quan nhưng nay không còn ở trong quỹ đạo Trái đất nữa.

+ Mỗi khi một vật thể vũ trụ được phóng vào quỹ đạo Trái đất hoặc xa hơn quỹ đạo Trái đất được nhận dạng nhờ vào chỉ số riêng hoặc số đăng ký hoặc nhờ vào cả hai, thì khi cung cấp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các thông tin liên quan đến vật thể vũ trụ, quốc gia đăng ký phải thông báo điều đó cho Tổng thư ký Liên hợp quốc biết. Trong trường hợp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ ghi việc thông báo đó vào sổ mình.

Như vậy, bất cứ quốc gia nào cũng phải công bố một cách công khai về việc phóng vật thể của quốc gia mình với đầy đủ các thông tin liên quan đến vật thể được phóng thông qua việc đăng ký với Tổng thư ký Liên hợp quốc và được ghi lại tại sổ đăng ký của Liên hợp quốc như đã trình bày ở trên.

Ngoài ra, để tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thăm dò và khai thác khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình, các quốc gia tiến hành các hoạt động trong khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác, cam kết thông báo, trong mọi điều kiện có thể thực hiện, cho Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng như cho công chúng và cộng đồng khoa học quốc tế biết về bản chất, quá trình tiến hành các hoạt động này, về địa điểm tiến hành

và các kết quả đạt được. Tổng thư ký Liên hợp quốc có trách nhiệm sẵn sàng phổ biến các thông tin đó ngay khi nhận được.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 47 - 49)