Quy chế pháp lý quốc tế đối với việc quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 60 - 63)

nhiệm quốc tế đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực phát sóng truyền hình trực tiếp quan vệ tinh của cá nhân, tổ chức, pháp nhân.. thuộc quốc gia mình, đảm bảo các hoạt động này được thực hiện theo đúng các quy định của luật quốc tế, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và vì mục tiêu duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

2.4. Quy chế pháp lý quốc tế đối với việc quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ khoảng không vũ trụ

Việc quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ bao gồm việc quan sát bề mặt Trái đất từ khoảng không vũ trụ qua việc sử dụng sóng điện từ, bức xạ hoặc nhiễu xạ của các vật thể vũ trụ nhằm quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường. Hoạt động quan sát Trái đất là các hoạt động của hệ thống các vật thể vũ trụ, các dữ liệu nguyên bản được tập hợp và lưu giữ tại các trạm để thực hiện quy trình xử lý, phân tích và giải thích dữ liệu.

Các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ được tiến hành theo luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác và các quy định liên quan của Liên minh viễn thông quốc tế.

Hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ được thực hiện dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 1, Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967. Đặc biệt là nguyên tắc khai thác, sử

dụng khoảng không vũ trụ vì quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt trình độ phát triển kinh tế hoặc khoa học và nguyên tắc mọi quốc gia đều bình đẳng, tự do khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ.

Các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ được tiến hành trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và chủ quyền của mọi quốc gia, dân tộc; làm phong phú tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy việc bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái đất; quyền và lợi ích của các quốc gia khác; phù hợp với pháp luật quốc tế; và thuộc thẩm quyền của quốc gia đó [23].

Các quốc gia thực hiện hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ cần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, mở ra cơ hội cho các quốc gia khác tham gia thực hiện trên cơ sở công bằng và tuân thủ các quy tắc. Để phát huy tối đa lợi ích từ hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ, các quốc gia được thông qua hợp đồng hoặc bằng các thoả thuận khác hỗ trợ về mặt kỹ thuật hoặc thực hiện các dịch vụ cung cấp việc tạo lập, quá trình hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý và giải thích dữ liệu, đặc biệt là trong khuôn khổ thoả thuận khu vực hoặc bất cứ nơi nào khả thi.

Các quốc gia tham gia các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ xác định những dữ liệu đã xử lý thuộc quyền quản lý của mình có khả năng ngăn chặn bất kỳ hiện tượng có hại nào cho môi trường tự nhiên của Trái đất sẽ tiết lộ thông tin đó cho các nước liên quan. Đặc biệt, việc quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ thúc đẩy việc bảo vệ nhân loại trước những thiên tai. Thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác quốc tế, nhất làt là với các quốc gia đang phát triển, một quốc gia thực hiện hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ, theo yêu cầu, phải thảo luận với quốc gia có lãnh thổ bị quan sát để có cơ hội cùng tham gia và cùng có lợi.

Mọi tranh chấp liên quan đến hoạt động quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ đều được giải quyết dựa trên nguyên tắc giải quyết hoà bình các

tranh chấp quốc tế [23].

Để thực hiện phù hợp với quy định tại Điều VI, Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác, quốc gia quản lý vệ tinh quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ phải chịu trách nhiệm quốc tế cho các hoạt động của mình và đảm bảo các hoạt động này được tiến hành dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn được pháp luật quốc tế quy định, bất kể nó được thực hiện bởi Chính phủ hay tổ chức phi Chính phủ của quốc gia đó hay tổ chức quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Nguyên tắc này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các quy định thông thường khác của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia đối với các hoạt động quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ.

Nói tóm lại, quốc gia có các quyền và nghĩa vụ sau trong hoạt động quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ:

- Mọi quốc gia đều có quyền quan sát Trái đất trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và chủ quyền của các quốc gia, dân tộc khác; vì quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới; làm phong phú tài nguyên thiên nhiên; phù hợp với pháp luật quốc tế và trong thẩm quyền của quốc gia đó.

Các quốc gia có trình độ khoa học – kỹ thuật kém phát triển có quyền được hỗ trợ về kỹ thuật từ các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trong hoạt động quan sát trái đất từ vũ trụ trên cơ sở thoả thuận.

Khi quốc gia tiến hành hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ đưa ra dữ liệu gốc và dữ liệu đã qua xử lý có liên quan đến một vùng lãnh thổ nào đó, quốc gia bị quan sát có quyền sử dụng mà không bị phân biệt đối xử hay các quy định về chi phí hợp lý. Các quốc gia bị quan sát có quyền truy cập vào các dữ liệu đã được phân tích có liên quan đến vùng lãnh thổ thuộc quốc gia mình thuộc quyền quản lý của bất kỳ quốc gia nào có tham gia vào hoạt động

quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ để tìm kiếm thông tin cần thiết trên cơ sở lợi ích của các quốc gia đang phát triển.

- Nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia trong hoạt động quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ:

+ Một quốc gia thực hiện chương trình hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ phải thông báo theo yêu cầu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, các thông tin có liên quan đến tính khả thi và hiện thực cho các quốc gia liên quan, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng bởi chương trình này.

+ Các quốc gia tham gia các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ xác định những dữ liệu đã xử lý thuộc quyền quản lý của mình có khả năng ngăn chặn bất kỳ hiện tượng có hại nào cho môi trường tự nhiên của Trái đất cần tiết lộ thông tin đó cho các nước liên quan.

+ Các quốc gia tham gia hoạt động quan sát Trái đất từ khoảng không vũ trụ khi xử lý dữ liệu và phân tích thông tin thuộc quyền quản lý thấy thông tin đó có ích cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc có khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong tương lai cần truyền tải dữ liệu và thông tin một cách nhanh chóng nhất tới các quốc gia này.

Tóm lại, hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ phải được thực hiện vì quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới, các hoạt động quan sát Trái đất từ vũ trụ được tiến hành trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc và chủ quyền của mọi quốc gia, dân tộc, nhằm làm phong phú tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy việc bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 60 - 63)