Vương quốc Anh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 94 - 107)

Anh quốc là một trong số các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật sớm phát triển, vì vậy không phải là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ nhưng Anh quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong hoạt động khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ. Từ năm 1959, Uỷ ban vũ trụ quốc gia của Anh quốc đã được thành lập, Uỷ ban này có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Anh về các vấn đề vũ trụ và thực hiện các chương trình nghiên cứu vũ trụ. Năm 1962, Anh quốc cũng tham gia vào việc chế tạo vệ tinh quốc tế đầu tiên – Ariel I, đến năm 1967 vệ tinh đầu tiên của Vương quốc Anh Ariel III được hoàn thành, sự ra mắt của Ariel II ngày 5/5/1967 là sự kiện đánh dấu bước phát triển mang tính lịch sử của ngành công nghệ vũ trụ Anh quốc. Ngày 28/10/1971, vệ tinh Prospero được đưa vào vũ trụ bởi tên lửa Arrow, như vậy lần đầu tiên một vệ tinh của Vương quốc Anh được đưa vào vũ trụ bởi chính tên lửa do Anh quốc sản xuất. Đến năm 1992, Michael Foale trở thành công dân Vương quốc Anh đầu tiên bay vào khoảng không vũ trụ trên con tàu STS45 Space Shuttle [37].

Đồng thời với những thành tựu trong khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ trên, Anh quốc đã tiến hành xây dựng và ban hành Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trong khoảng không vũ trụ của các tổ chức, cá nhân được thành lập ở Vương quốc Anh, vùng lãnh thổ ở nước ngoài thuộc Vương quốc Anh, lãnh thổ phụ thuộc hoàng gia Anh và đảm bảo việc tuân thủ thực hiện các cam kết về nghĩa vụ quốc tế của Vương quốc Anh tại các điều ước quốc tế và các nguyên tắc về việc sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm cả trách nhiệm pháp lý đối với các thiệt hại gây ra bởi các vật thể vũ trụ, việc đăng ký đưa các vật thể vào khoảng không vũ trụ, các nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới Trái đất.

2.9.2.1. Cơ cấu và bố cục đạo luật khoảng không vũ trụ năm 1986

Luật khoảng không vũ trụ của Vương quốc Anh được Nữ hoàng Anh ban hành ngày 18 tháng 7 năm 1986, gồm 4 phần, 15 điều [38].

Phần một gồm 2 điều quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của bộ luật, cụ thể là các hình thức hoạt động và các đối tượng được cấp phép hoạt động trong khoảng không vũ trụ.

Phần hai gồm 4 điều (điều 3, 4, 5, 6) quy định về hoạt động cấp phép: quyền hạn của cơ quan cấp phép; các điều kiện cần có để được cấp phép hoạt động trong khoảng không vũ trụ và các trường hợp chuyển nhượng, huỷ bỏ, thay đổi hoặc đình chỉ giấy phép hoạt động.

Phần ba gồm 4 điều (điều 7, 8, 9, 10) quy định về các hoạt động kiểm soát quốc gia khác đối với các hoạt động về vũ trụ như: vấn đề đăng ký phóng vật thể vào khoảng không vũ trụ, vấn đề giám sát việc tiến hành các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc tiến hành các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ gây ra.

Phần bốn có 5 điều, điều 11, 12, 13, 14 và điều 15 quy định về việc xử lý vi phạm trong các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ và một số

quy định chung về việc giải thích từ ngữ được sử dụng trong đạo luật và hiệu lực của đạo luật [38].

2.9.2.2. Một số nội dung cơ bản của đạo luật khoảng không vũ trụ năm 1986

* Quyền hạn của cơ quan cấp phép:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có quyền cấp giấy phép cho các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ nếu các hoạt động đó phù hợp với quy định. Ngoài quyền cấp phép, Bộ trưởng Bộ ngoại giao còn có các quyền hạn sau:

- Xây dựng hình thức và nội dung các quy định liên quan đến việc cấp giấy phép và các giấy tờ khác có liên quan đến đơn xin cấp phép;

- Quy định các thủ tục có liên quan đến đơn xin cấp phép và việc uỷ quyền sửa chữa các vi phạm về thủ tục;

- Xác định thời hạn cho các hoạt động nào liên quan đến đơn xin cấp phép và gia hạn cho các thời hạn này;

- Xác định các khoản phí theo quy định.

- Quyền thanh tra đối với đơn vị được cấp phép về các điều kiện được cấp phép và quyền thanh tra, kiểm tra các trang thiết bị của đơn vị được cấp phép;

- Quyền yêu cầu đơn vị được cấp phép cung cấp trong thời gian sớm nhất các thông tin về: ngày giờ, địa điểm, khu vực phóng vật thể vũ trụ; các thông số quỹ đạo cơ bản (mốc thời gian, sự chuyển dịch, viễn điểm, cận điểm so với Trái đất và các thông số khác theo quy định);

- Quyền thanh tra, sao chép các tài liệu gắn liền với thông tin được yêu cầu;

- Quyền yêu cầu đơn vị được cấp phép cung cấp các sai số dự đoán của các tham số quỹ đạo có thể lệch hướng và các sai lệch không định sẵn;

- Quyền yêu cầu đơn vị được cấp phép quản lý hoạt động của mình đảm bảo việc ngăn chặn tác hại đối với khoảng không vũ trụ hoặc nhưng thay đổi bất lợi cho môi trường trên Trái đất; không làm cản trở các hoạt động nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình khác; không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Vương quốc Anh; bảo vệ an ninh quốc gia;

- Yêu cầu đơn vị được cấp phép bảo hiểm cho những tổn thất và thiệt hại do chính đơn vị được cấp phép gây ra đối với bên thứ ba;

- Yêu cầu đơn vị được cấp phép quản lý đầu tên lửa đã sử dụng ngoài khoảng không vũ trụ sau khi kết thúc vận hành và ngay lập tức thông báo khi việc sử dụng tên lửa kết thúc;

- Quyền cho phép các đơn vị được cấp phép chuyển nhượng, thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động;

- Quyền thu hồi, thay đổi, đình chỉ hoặc huỷ bỏ giấy phép hoạt động. * Các vấn đề liên quan đến việc cấp phép cho các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ:

Việc cấp phép cho các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ tại Vương quốc Anh do “Secretary of State” tạm dịch là Bộ trưởng Bộ ngoại giao thực hiện. Theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ được cấp phép khi thoả mãn ba điều kiện sau:

- Không gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng hay sự an toàn của con người và đất đai;

- Đảm bảo việc tiến hành các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ này phải phù hợp với việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Vương quốc Anh.

Giấy phép gồm các nội dung cơ bản: hoạt động được chấp thuận, thời hạn của giấy phép và các điều kiện phù hợp khác.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 13, Luật khoảng không vũ trụ 1986 của Anh quốc thì việc xin phép phải bắt đầu ít nhất là 6 tháng trước khi bắt đầu các dự án hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ [38].

Việc chuyển nhượng, thay đổi hoặc chấm dứt giấy phép hoạt động trong khoảng không vũ trụ của một đơn vị được tiến hành nếu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng ý bằng văn bản.

Giấy phép bị huỷ bỏ, thu hồi hoặc bị đình chỉ nếu đơn vị được cấp phép vi phạm các điều kiện cấp phép hoặc bất cứ quy định nào tại Luật khoảng không vũ trụ năm 1986.

Việc chỉnh lý, thu hồi hay hết hiệu lực pháp lý của giấy phép không làm ảnh hưởng đến các nghĩa vụ của đơn vị được cấp phép đối với các điều kiện được cấp phép.

* Vấn đề đăng ký vật thể vũ trụ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm duy trì việc đăng ký các vật thể phóng vào vũ trụ của các tổ chức, cá nhân; chấp nhận trách nhiệm pháp lý nếu gây thiệt hại cho bên thứ 3 và phải đảm bảo những hoạt động này không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Vương quốc Anh.

Theo quy định tại khoản 2, 3, Điều 7, Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh thì một vật thể vũ trụ cụ thể chỉ được đăng ký nếu việc phóng vật thể vũ trụ đó vào khoảng không vũ trụ đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Vương quốc Anh. Đồng thời, bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi đăng ký vật thể vũ trụ đều phải trả một khoản phí do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định [38].

Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh đã thể chế hoá các quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề đăng ký vật thể vũ trụ.

* Vấn đề bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 10, Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh, thì Chính phủ của Vương quốc Anh phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu hoạt động của các đơn vị đăng ký hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ theo quy định tại Luật khoảng không vũ trụ 1986 gây thiệt hại cho bên thứ ba [38]. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba trước tiên là trách nhiệm của Chính phủ Anh quốc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại này là loại trách nhiệm điển hình của luật vũ trụ quốc tế. Mọi quốc gia đều phải chịu trách nhiệm quốc tế đối với mọi hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ bất kể là hoạt động của thể nhân, pháp nhân hay của Chính phủ.

Tóm lại, hầu hết các quy định trong Luật khoảng không vũ trụ năm 1986 của Vương quốc Anh đều khởi nguồn từ việc thực hiện nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động về thăm dò, khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ thông qua việc thực hiện các quy định xin giấy phép hoạt động trong khoảng không vũ trụ và tạo điều kiện tuân thủ các điều ước quốc tế về lĩnh vực này.

Như vậy, qua nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật vũ trụ quốc tế về một số nội dung cơ bản: chế độ pháp lý đối với vật thể vũ trụ; quy chế pháp lý đối với các nhà du hành vũ trụ; vấn đề sử dụng vệ tinh nhân tạo phát sóng truyền hình trực tiếp; vấn đề viễn thám Trái đất; vấn đề sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân trong khoảng không vũ trụ; vấn đề khai thác, sử dụng Mặt trăng và các thiên thể; vấn đề bồi thường thiệt hại; vấn đề hợp tác quốc tế trong khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, chúng ta có thể thấy pháp luật vũ trụ quốc tế đã được xây dựng khá hoàn thiện, quy định những vấn đề cơ bản trong hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ. Qua nghiên cứu,

có thể khẳng định ngành luật vũ trụ là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật có những nét đặc trưng riêng với các quy định khá đặc biệt như: việc tiến hành các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ phải được tiến hành trên cơ sở vì lợi ích của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới; quốc gia phải chịu trách nhiệm quốc tế đối với mọi hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ của tổ chức, cá nhân, pháp nhân thuộc quốc gia mình; khoảng không vũ trụ là “tài sản” chung của nhân loại, không một quốc gia, dân tộc nào được chiếm dụng khoảng không vũ trụ, các thiên thể làm của riêng; hoặc quốc gia có vật thể vũ trụ gây thiệt hại trên bề mặt Trái đất hoặc các phương tiện bay bay trong vùng trời thuộc quyền tài phán quốc gia của quốc gia khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoàn toàn và tuyệt đối bất kể có xác định được lỗi hay không…

Các quy định của Luật vũ trụ quốc tế trên đã được đảm bảo thực thi trên thực tế bởi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, nhiều quốc gia đã nội luật hoá các quy định của luật vũ trụ quốc tế vào luật vũ trụ của quốc gia mình để đảm bảo các quy định này được thực thi một cách nghiêm túc. Trong giới hạn phạm vi của luận văn đã nghiên cứu, tìm hiểu một số nội dung cơ bản của “Luật vũ trụ và hàng không quốc gia 1958”, “Luật thương mại vũ trụ năm 1998” của Hoa Kỳ và “Luật khoảng không vũ trụ 1986” của Vương quốc Anh. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là hai trong một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, các quy định trong luật vũ trụ của hai quốc gia này đều hướng đến việc quản lý thống nhất, chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động này phát triển, mang lại những lợi ích chính trị, kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đảm bảo các hoạt động này đều được thực hiện vì mục đích hoà bình, lợi ích của toàn bộ nhân loại.

Chương III

Vấn đề lý luận, thực tiễn của pháp luật Việt Nam về vũ trụ và một số phương hướng xây dựng, phát triển 3.1. Cơ sở lý luận của pháp luật vũ trụ Việt Nam

3.1.1. Sự ra đời và phát triển của ngành công nghệ vũ trụ

Bốn năm sau khi cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền đất nước kết thúc, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực vũ trụ.

Ngày 27/12/1979, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 454/CP thành lập Uỷ ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Uỷ ban này có nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung khoa học cho chương trình “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam” [31].

Ngày 23/7/1980, chuyến bay vũ trụ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô bắt đầu khởi hành, chuyến bay đã đưa phi hành gia đầu tiên của Việt Nam – Phạm Tuân và phi hành gia V.V. Gorơbatcô người Nga thám hiểm khoảng không vũ trụ trong vòng 8 ngày. Ngày 31/7/1980, chuyến bay đã kết thúc thành công, hoàn thành tốt một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ [60,4].

Tiếp theo nước ta đã triển khai một số chương trình nghiên cứu về vật lý vũ trụ và công nghệ vũ trụ như chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước mã số 48.07 “ứng dụng thành tựu nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ” (1981-1985); chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mã số 46A “Trắc địa bản đồ” (1985-1990) [31]…Qua việc triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu này, Việt Nam đã thu được một số kết quả khả quan, đem lại những ứng dụng nhất định đối với một số ngành như trắc địa, bản đồ, thăm dò và quản lý tài nguyên, dự báo và hạn chế thiên tai, thông tin liên lạc, định vị vệ tinh…

Từ những năm 80 của thế kỷ trước các ngành bưu chính viễn thông, phát thanh, truyền hình, hàng hải đã lắp đặt và đưa vào khai thác nhiều trạm mặt đất như: trạm Hoa Sen, Hoa Sen I tại Phủ Lý và Hoa Sen II tại Thành phố Hồ Chí Minh (thông tin qua hệ Interputnik – hệ thống vệ tinh của Tổ chức Viễn thông vệ tinh quốc tế), trạm VISTA (thông qua hệ Intelsat), mạng các trạm VSAT, trạm truyền chương trình số hoá qua vệ tinh và mạng TVRO, trạm Inmarsat ven biển [31].

Có thể nói vấn đề nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ của nước ta đã được quan tâm và đầu tư khá sớm, đạt được một số thành tựu đáng kể cũng như đã đưa được những thành tựu này ra ứng dụng phục vụ các nhu cầu cần thiết của đất nước. Tuy nhiên, phạm vi và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ của nước ta còn hạn chế, tốc độ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 94 - 107)