Quy chế pháp lý quốc tế đối với nhà du hành vũ trụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 54 - 56)

Theo quy định tại Điều 5, Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm cả Mặt trăng, các thiên thể khác 1967, các nhà du hành vũ trụ còn gọi là phi hành gia được coi như các đặc phái viên của nhân loại gửi vào khoảng không vũ trụ và dành cho họ mọi sự hỗ trợ cần thiết trong trường hợp gặp tai nạn, hay gặp nguy hiểm hoặc phải hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ một quốc gia hoặc trên biển quốc tế.

Các nhà du hành vũ trụ được hưởng các quy chế pháp lý đặc biệt như là đặc phái viên của nhân loại, tuy nhiên quy chế pháp lý dành cho các đặc phái viên phi hành gia lại chưa được quy định một cách cụ thể. Trong Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác 1967 [16] chỉ quy định:

- Trường hợp hạ cánh khẩn cấp trên đất liền hay trên biển, việc trao trả các nhà du hành vũ trụ trở lại quốc gia nơi đăng ký con tầu vũ trụ phải được thực hiện một cách an toàn nhất và trong thời hạn sớm nhất.

- Các nhà du hành vũ trụ nhận được sự hỗ trợ của các nhà du hành vũ trụ khác bất kể là các nhà du hành vũ trụ đó thuộc quốc gia nào khi tiến hành các hoạt động trong khoảng không vũ trụ và trên các thiên thể. Các nhà du hành vũ trụ của một quốc gia có nghĩa vụ phải hỗ trợ các nhà du hành vũ trụ của quốc gia khác.

- Các nhà du hành vũ trụ của một quốc gia bất kỳ nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện của các quốc gia khác. Bất cứ quốc gia nào phát hiện trong khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của các nhà du hành vũ trụ phải thông báo ngay lập tức cho các quốc gia khác hoặc cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về mọi hiện tượng phát hiện được.

Các quy định đối với phi hành gia được ghi nhận trong Hiệp ước quốc tế về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác 1967 trên được xem là những quy định mang tính nguyên tắc. Năm 1968, Hiệp định về cứu hộ phi hành gia, trao trả phi hành gia và các phương tiện được đưa vào khoảng không vũ trụ đã bổ sung chi tiết và đầy đủ hơn các quy định đối với phi hành gia.

Hiệp định về cứu hộ phi hành gia, trao trả phi hành gia và các phương tiện được đưa vào khoảng không vũ trụ năm 1968 được xây dựng trên tinh thần nhân đạo, hợp tác quốc tế và nhằm quy định hành vi ứng xử của các quốc gia khi phát hiện phi hành gia gặp tai nạn, hoặc đang trong tình trạng hiểm nghèo, hạ cánh khẩn cấp, cũng như những quy chế pháp lý đối với phi hành gia.

Nếu vì tai nạn, hoặc trong tình trạng nguy hiểm, tình trạng khẩn cấp hoặc phải hạ cánh không dự tính trước, các phi hành gia trong tàu vũ trụ đã hạ cánh trên vùng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia thì quốc gia này ngay lập tức phải thực hiện các biện pháp có thể nhằm giúp đỡ một các tối ưu để cứu hộ và trao trả các phi hành gia cho quốc gia đã phóng tàu vũ trụ [17].

Nếu sự trợ giúp của quốc gia phóng vật thể có thể thúc đẩy hoạt động cứu hộ mau lẹ hoặc có tác động lớn tới hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, thì các bên liên quan có thể hợp tác với quốc gia phóng vật thể để có thể tìm kiếm và

cứu hộ một cách tổng thể và có hiệu quả tốt nhất. Các hoạt động này phải tuân theo sự chỉ dẫn và kiểm soát chặt chẽ của các bên liên quan và tiếp tục tham khảo ý kiến của quốc gia phóng vật thể.

Bất cứ quốc gia thành viên nào của Hiệp định về cứu hộ phi hành gia, trao trả phi hành gia và các phương tiện được đưa vào khoảng không vũ trụ năm 1968, nếu nhận được thông tin hoặc phát hiện ra các phi hành gia của một tàu vũ trụ hạ cánh trên vùng biển hoặc bất cứ nơi nào thuộc thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào, nếu cần thiết phải mở rộng việc tìm kiếm và cứu hộ, các quốc gia này phải đảm bảo cho các nhân viên cứu hộ được làm việc nhanh chóng. Các quốc gia này cũng có nghĩa vụ phải thông báo thông báo tới quốc gia đã phóng tàu vũ trụ và Tổng thư ký Liên hợp quốc về các biện pháp đã và đang thực hiện.

Có thể nói, các phi hành gia được hưởng chế độ pháp lý đặc biệt khác so các chế độ pháp lý đối với các phi công máy bay, khi ra khỏi Trái đất họ được coi như là người đại diện cho cả nhân loại và nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện của bất kỳ quốc gia nào cũng như phi hành gia khác của bất kỳ quốc gia nào. Khi trở về Trái đất, phi hành gia cũng được hưởng những chế độ pháp lý đặc biệt, bất cứ phi hành gia nào nếu vì tai nạn, hoặc trong tình trạng nguy hiểm, tình trạng khẩn cấp hoặc phải hạ cánh không dự tính trước, phải đáp xuống vùng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia bất kỳ, đều phải được quốc gia này đảm bảo an toàn và nhanh chóng được trao trả lại cho đại diện của quốc gia đã phóng tàu vũ trụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 54 - 56)