Quyền của các quốc gia trong chế độ pháp lý của vật thể vũ trụ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 52 - 54)

Ngoài các trách nhiệm pháp lý trên, các quốc gia còn có một số quyền nhất định trong các quy chế pháp lý về vật thể vũ trụ quốc tế.

Vật thể vũ trụ khi được phóng vào khoảng không vũ trụ, hoặc đưa lên Mặt trăng hay các thiên thể khác – khu vực thuộc quyền sở hữu chung của nhân loại - thuộc quyền tài phán và quyền kiểm soát của quốc gia đã phóng vật thể đó. Vật thể vũ trụ, các bộ phận cấu thành vật thể, kể cả phi hành đoàn khi ở ngoài khoảng không vũ trụ, trên các thiên thể, khi quay về Trái đất hay các vật thể được xây dựng, lắp đặt trên các thiên thể đều thuộc quyền sở hữu của quốc gia phóng vật thể vũ trụ. Quyền sở hữu vật thể vũ trụ trên được thể hiện rất rõ khi vật thể hoặc các bộ phận cấu thành vật thể được tìm thấy ở

ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia phóng vật thể sẽ được hoàn trả lại cho quốc gia sở hữu vật thể đó (theo quy định tại Điều 8, Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967) [16].

Có thể nói, quốc gia có vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ giữ quyền tài phán và quyền kiểm soát đối với vật thể đó, khi vật thể ở trong khoảng không vũ trụ hay trên một thiên thể. Quyền sở hữu đối với các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ, kể cả các vật thể được lắp đặt, xây dựng trên một thiên thể và quyền sở hữu đối với các bộ phận cấu thành vật thể được bảo toàn nguyên vẹn khi các vật thể hay các bộ phận cấu thành đó ở trong khoảng không vũ trụ hay trên một thiên thể và khi trở về Trái đất.

Bất cứ quốc gia nào là thành viên của Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu, sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 đều có quyền tiếp cận, sử dụng các vật thể vũ trụ, cụ thể là các trạm, các thiết bị lắp đặt, các trang thiết bị khác và các tàu vũ trụ trên Mặt trăng, trên các thiên thể khác của quốc gia khác theo nguyên tắc có đi có lại (theo quy định tại Điều 12, Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của quốc gia trong nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967) [16].

Tuy nhiên, trước khi tiếp cận, sử dụng các vật thể vũ trụ thuộc quyền sở hữu của quốc gia khác, các đại diện của các quốc gia trên phải thông báo trước chuyến tiếp cận dự định tiến hành, để tham khảo ý kiến và để áp dụng mọi biện pháp đề phòng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường tại nơi có thiết bị cần tiếp cận.

Hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ là một lĩnh vực đặc biệt nên chế độ pháp lý đối với vật thể vũ trụ có những đặc trưng riêng. Trong quy chế pháp lý về vật thể vũ trụ quốc tế, trách nhiệm pháp lý của các quốc

gia được đặt lên hàng đầu, còn các quyền của quốc gia được quy định rất mờ nhạt, không được nhấn mạnh nhằm ràng buộc các quốc gia nhiều hơn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trong việc sử dụng vật thể vũ trụ phục vụ hoạt động khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu pháp luật quốc tế, pháp luật một số nước trên thế giới và liên hệ với pháp luật Việt Nam về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoảng không vũ trụ (Trang 52 - 54)