Hoàn thiện xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương việt nam – techcombank (Trang 59 - 62)

3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NGÂN HÀNG TMCP KỸ THƯƠNG VIỆT NAM

3.3.Hoàn thiện xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo

3.3.1. Hoàn thiện cách xác định nhu cầu đào tạo

Do đặc tính của Ngân hàng nên dùng các cách tính dựa trên các công thức về tổng hao phí thời gian lao động, hao mòn máy móc thiết bị, hệ số sử dụng máy móc là không phù hợp. Do vậy, việc xác định nhu cầu đào tạo là công việc hết sức khó khăn và cần được thường xuyên thêm các phương pháp mới để cho kết quả chính xác hơn.

Cách xác định nhu cầu đào tạo của Techcombank còn trải qua nhiều bước làm tốn nhiều thời gian và chi phí mà kết quả chưa có độ chính xác cao. Để tốt hơn thì Ngân hàng nên dùng thêm các phương pháp như xác định nhu cầu đào tạo dựa trên phiếu điều tra để xác định ai cần đào tạo, cần đào tạo về chuyên môn gì để họ có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi người đánh giá phải trung thực và khách quan. Hơn nữa, có thể dùng phương pháp phân tích tổ chức, phân tích từng nhiệm vụ của CBNV, phân tích CBNV để xác định nhu cầu đào tạo. Ngoài ra còn rất nhiều các phương pháp còn chưa được áp dụng phổ biến ở Việt Nam mà chi phí thấp cần được nghiên cứu và triển khai.

Việc xác định nhu cầu đào tạo của Ngân hàng cần tập trung vào một lĩnh vực quan trọng nhất có ý nghĩa chi phối đến các hoạt động khác của Ngân hàng. Bằng cách ngay từ khi xác đinh nhu cầu đào tạo thì Ban lãnh đạo đã phải chỉ ra lĩnh vực này.

Trung tâm đào tạo cần tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo của CBNV và lắng nghe ý kiến của họ để có kế hoạch đào tạo phù hợp hơn. Hơn nữa, việc xác định nhu cầu đào tạo cần làm rõ cụ thể các phòng cần bao nhiêu? cần ở lĩnh vực chuyên môn gì? để có thể dễ dàng xác định đối tượng đào tạo làm cho các khoá đào tạo được vận hành đúng thời hạn.

3.3.2. Lựa chọn đúng đối tượng đào tạo

Việc lựa chọn đúng đối tượng đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác đào tạo. Việc lựa chọn đúng sẽ giảm được kinh phí cho đào tạo lại nếu học viên không tiếp thu được. Nếu tìm được người muốn học và cần phải học thì chất lượng đào tạo sẽ tăng lên đáng kể. Ngược lại, nếu họ không muốn học mà vẫn phải học thì chất lượng sẽ không cao mà lại tốn chi phí, làm tốn thời gian của học viên.

Vì vậy, việc xác định đúng đối tượng đào tạo cần căn cứ vào kết quả thực hiện công việc của mỗi CBNV, trình độ và khả năng hiện thời của CBNV, chức vụ đang và sắp đảm nhiệm để có kế hoạch cho họ cụ thể. Đồng thời, cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về cử CBNV đi đào tạo của Ngân hàng.

3.3.3. Đa dạng hoá nguồn cung cấp các dịch vụ đào tạo

Việc xác định đối tượng đào tạo cần cho nhiều hơn các phòng ban trong khối tham gia đặc biệt là sự tham gia của Trung tâm đào tạo nơi trực tiếp tiếp xúc với các khoá học.

Techcombank cần hợp tác với nhiều tổ chức đào tạo hơn nữa đặc biệt là các tổ chức đào tạo quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Techcombank nên liên hệ với các tổ chức đào tạo quốc tế và trong nước để cử giám sát viên của mình đi học thử ngẫu nhiên và nhận xét cách giảng dạy cũng như chất lượng khoá học do họ tổ chức để đánh giá có nên thuê hay không.

Cần có một sự thống nhất giữa trung tâm đào tạo và các tổ chức đào tạo bên ngoài để hoàn thành đúng các kế hoạch để ra. Để làm được điều này cần có một hợp đồng rõ ràng thống nhất giữa hai bên và cần tổ chức các buổi giao lưu để hiểu biết nhiều về nhau hơn.

Ban lãnh đạo cần giao trách nhiệm đánh giá chất lượng các khoá đào tạo nội bộ hay bên ngoài cho trung tâm đào tạo là chính và các CBNV đi học để có sự phản hồi chính xác hơn.

3.3.4. Hoàn thiện chương trình và phương pháp đào tạo

Với các khoá nội bộ, cần tạo lập một đội ngũ chuyên làm tài liệu phục vụ đào tạo. Bộ phận này có trách nhiệm liên hệ giảng viên và thường xuyên theo dõi thực tế của Ngân hàng và bên ngoài để có thế xây dựng tài liệu phong phú hơn, nhiều tình huống hơn và tăng sự phấn khích với CBNV đi học. Việc chuẩn bị đào tạo phải thông qua với giảng viên để họ có kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Hơn nữa, Ngân hàng cần cho mở lại chính sách photo tài liệu cho học viên. Việc này sẽ giúp học viên theo dõi bài giảng tốt hơn và giảm bớt khó khăn cho giảng viên khi giảng dạy.

Mặt khác, trong thời gian tới Ngân hàng nên có kế hoạch liên kết với các tổ chức đào tạo tốt hơn nữa để xây dựng chương trình đào tạo và kiến nghị những phương pháp đào

tạo sao cho đạt hiệu quả cao. Hiện tại, Techcombank chỉ áp dụng phổ biến hai loại phương pháp đào tạo là đào tạo theo phương pháp giảng trên lớp và đào tạo điện tử nên chương trình tương đối khô cứng chưa đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Techcombank có tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị nhưng số lượng còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới Ngân hàng cần tự thiết kế hay liên kết để tạo ra những phương pháp giảng dạy khác như: kèm cặp, các lớp tập huấn nghiệp vụ và luân chuyển, thuyên chuyển công việc. Hơn nữa, các lớp tổ chức theo phương pháp hội thảo cần thực hiện nhiều hơn nữa với sự tham gia của các chuyên gia thiết kế chương trình học.

Với các khoá đào tạo do Techcombank thuê các tổ chức bên ngoài thì có ưu điểm là tài liệu và điều kiện học tập tương đối đầy đủ tuy nhiên tài liệu còn mang tính trừu tượng hoá cao. Phương pháp đào tạo chủ yếu cũng chỉ có hai phương pháp là đào tạo giảng dạy trên lớp học và đào tạo điện tử. Vì vậy, Techcombank cần phải kiến nghị với các tổ chức có các phương pháp đào tạo phong phú hơn như đã kiến nghị ở trên để nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Trong thời gian tới để có chất lượng đào tạo cao hơn nữa thì Ngân hàng có thể áp dụng thêm một số mô hình đào tạo sau:

- Đào tạo kèm cặp: với phương pháp đào tạo này thì có thể áp dụng theo các hình thức như: với các kiến thức có tính chất chuẩn mực Ngân hàng muốn cử người đi học các khoá học chuyên môn mà không thể cử quá nhiều người đi học vì lí do công việc. Thì có thể cử cán bộ có năng lực nắm bắt và truyền đạt theo học các khoá học và khi kết thúc cán bộ đó có thể về truyền đạt cho các cán bộ còn lại trong quá trình làm việc. Hoặc khi Ngân hàng cần trang bị cho một số lượng nhân viên nào đó kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để họ học tập thì Ngân hàng có thể thuê một chuyên gia trong lĩnh vực đó giảng dạy, kèm cặp trực tiếp tại nơi làm việc cho nhân viên.

- Sử dụng các buổi hội thảo, các bài thuyết trình do các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy. Việc sử dụng các chuyên gia giảng dạy tốn ít thời gian nhưng chi phí cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp này đang cho hiệu quả rất cao ở Việt Nam và có khả năng thu hút rất nhiều học viên theo học.

- Phương pháp mô hình ứng xử: phương pháp này sử dụng các tình huống được soạn sẵn để cho các học viên tập xử lý các tình huống đó và để kiểm tra khả năng giao tiếp của học viên.

- Phương pháp tự đào tạo: phương pháp này giúp cho học viên tự động tìm tòi, phát huy khả năng nghiên cứu sáng tạo của bản thân mình. Bằng cách thiết kế một thư viện sách với nhiều sách liên quan đến chuyên môn của Ngân hàng hoặc một thư viện điển tử để khi nào gặp khó khăn trong công việc nhân viên có thể tự tìm tòi.

Bên cạnh đó, thì Ngân hàng nên đào tạo lối sống chính trị, tư tưởng bên cạnh kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để nhân viên có một sự trưởng thành toàn diện.

3.3.5. Hoàn thiện đội ngũ giảng viên

Do việc mời giảng viên còn bị thụ động, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: công việc, gia cảnh... nên Ngân hàng cần phải xây dựng một đội ngũ giảng viên có hệ thống có thể thuê giáo viên bên ngoài giảng dạy để khi có lớp học thì giảng viên luôn được đáp ứng tránh việc khoá học bị chậm trễ. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống giảng viên còn phải qua đào tạo để họ chuyên nghiệp hơn, nắm vững kiến thức chuyên môn và cách truyền đạt sao cho có hiệu quả cao nhất.

Với các khoá nội bộ, Ngân hàng cần tìm hiểu để có thế tìm ra những giảng viên có trình độ chuyên môn cao để tiến hành đào tạo họ, truyền cho họ phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt để họ có thể tham gia đội ngũ giảng viên của Ngân hàng tốt hơn nữa. Việc này sẽ tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể so với thuê các giảng viên bên ngoài.

Để làm được vấn đề nêu trên thì Techcombank cần tiến hành những việc như sau: - Tổ chức một cuộc thi tuyển “ giảng viên “ trên toàn hệ thống. Bất kỳ những ai trong hệ thống và những giảng viên đã từng giảng dạy đều có thể dự thi.

- Cử một đội ngũ có kinh nghiệm tiến hành phỏng vấn để kiểm tra khả năng chuyên môn và cách thức truyền đạt, khả năng xử lý tình huống, khả năng hiểu biết về thực tế… Tìm ra những người trúng tuyển.

- Tiến hành đào tạo lại họ bằng một khoá đào tạo ngắn hạn do nội bộ tổ chức. - Cử các giảng viên làm trợ giảng cho các khoá bên ngoài tổ chức hoặc do các tổ chức nước ngoài tổ chức.

- Thiết lập hệ thống đội ngũ giảng viên nội bộ.

3.3.6. Hoàn thiện công tác đánh giá chương trình và kết quả đào tạo

Việc đánh giá kết quả hay chương trình đào tạo đóng vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo. Đánh giá chính xác kết quả, chương trình đào tạo sẽ giúp cho Ngân hàng có kế hoạch chính xác và chi tiết hơn cho những năm sau. Hiện tại, do Techcombank chủ yếu đánh giá chương trình đào tạo và kết quả đào tạo bằng bảng hỏi nên còn chưa đạt hiệu quả cao nên trong thời gian tới Ngân hàng nên kết hợp thêm các phương pháp như phỏng vấn, theo dõi học viên trong quá trình thực hiện công việc để có kết quả sau đào tạo chính xác hơn.

Hơn nữa, việc đánh giá học viên khi kết thúc khoá học chỉ bằng bài kiểm tra trắc nghiệm nên có thể không đánh giá được thực chất chất lượng của họ sau khi được đào tạo. Vì vậy, cần tiến hành theo dõi sau khi đào tạo bằng biện pháp như theo dõi sự thực hiện công việc của học viên.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương việt nam – techcombank (Trang 59 - 62)