Thị trường lao động được kết cấu đặc trưng bởi số lượng và chất lượng lao động. Thị trường lao động mà có số lượng nhiều và chất lượng tốt thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tuyển được nhiều lao động phù hợp với yêu cầu công việc của mình mà không phải tốn kinh phí đào tạo lại. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tuyển được nhiều lao
động có chất lượng cao thì khi môi trường kinh doanh thay đổi số lao động đó sẽ có khả năng nắm bắt và nhanh nhạy thay đổi theo. Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.
Ngược lại, nếu thị trường lao động có chất lượng không cao thì việc tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì phải đào tạo lại gây tốn thêm một khoản kinh phí đào tạo không nhỏ, hơn nữa khi môi trường thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải tốn thêm chi phí để bồi dưỡng, đào tạo lại họ nhiều hơn.
Thị trường Việt Nam hiện nay đang có nhiều cơ hội để phát triển như có lực lượng lao động dồi dào, ít phải thuê thêm lao động, có nền kinh tế đa dạng ngành nghề. Tuy nhiên chất lượng đào tạo còn thấp nên cho chất lượng nguồn nhân lực không cao. Hơn nữa, theo sách niên giám thống kê năm 2010 của Tổng cục thống kê thì năm 2010 cả nước có khoảng 55,4 triệu lao động trong đó ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn là 48,2 %, công nghiệp và xây dựng 22,4% và dịch vụ là 29,4 %. Qua số liệu có thể thấy nguồn lao động nước ta rất cao nhưng cơ cấu lao động chưa phù hợp giữa các ngành. Vấn đề cần đặt ra với nước ta là làm thế nào để tận dụng và phát triển nguồn nhân lực dồi dào đó.