Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý ngân sách nhà nước tại tỉnh Luang Prabang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Trang 112 - 116)

8. Cấu trúc của luận án

3.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

3.3.1. Kết quả đạt được

- Về thu NSNN.

Những năng gần đây tình hình thu NSNN tại tỉnh Luang Prabang luôn đạt kết quả cao, hoàn thành vượt mức dự toán giao ở hầu hết các chỉ tiêu. Cơ cấu thu NSNN từng bước được cải thiện, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu cân đối NSNN đạt cao, giai đoạn 2015 - 2019 đạt bình quân 89,9% [60].

Tổng thu NSNN cả năm 2019 đạt 390.650 tỷ kip, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ kip), đạt tỷ lệ động viên 23,3% GDP, trong đó, từ thuế và phí đạt 21,5%GDP. Thu nội địa đạt 102,9% dự toán (vượt 6.650 tỷ kip). Thu từ du lịch đạt 91,1% dự toán (giảm 5.700 tỷ kip). Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,6% dự toán (giảm 1.200 tỷ kip); Thu viện trợ ước đạt 6.000 tỷ kip (tăng 1.000 tỷ kip so với dự toán) [57].

- Về chi NSNN.

Quá trình tổ chức thực hiện dự toán chi trong giai đoạn 2015 -2019 đã đảm bảo được đầy đủ các nhiệm vụ chi theo dự toán giao, nhìn chung các đơn vị dự toán đã quản lý điều hành, sử dụng ngân sách đều quán triệt được nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt đảm bảo kinh phí kịp thời cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát sinh ngoài dự toán.

+ Cụ thể hóa khuôn khổ pháp lý quản lý chi tiêu ngân sách.

Việc phân cấp tài chính đã góp phần nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương, qua đó tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động độc lập hơn trong khả năng của mình để xây dựng chính sách chi tiêu, mà còn hướng tới việc nâng cao tính trách nhiệm về chính trị, tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý NSĐP. Các dịch vụ công cộng được cung cấp trong hệ thống thống nhất của Chính phủ, nay đã được phân cấp cho tới chính quyền tỉnh, huyện. Chính quyền địa phương ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển con người.

+ Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Hoàn thiện hệ thống định mức chi ngân sách thường xuyên làm cơ sở phân bổ ngân sách. Sau khi ban hành Luật NSNN, Chính phủ đã ban hành hệ thống định mức chi tiêu ngân sách hàng năm và các định mức thường xuyên sửa đổi. Những định mức được tiêu chuẩn hóa và áp dụng cho các mục chi trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Dựa vào hệ thống định mức, chính quyền địa phương dự toán nhu cầu chi tiêu và phân bổ nguồn lực tài chính... Có thể nói, phương pháp xác lập hệ thống định mức chi tiêu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định hiệu quả về phân bổ và hiệu quả về mặt kỹ thuật trong chi NSNN.

Kế hoạch chi thường xuyên là một bộ phận quan trọng của kế hoạch chi ngân sách của tỉnh, do đó khi lập kế hoạch chi thường xuyên, tỉnh đã căn cứ

vào chủ trương của Nhà nước về duy trì, phát triển các hoạt động thuộc bộ máy quản lý nhà nước, các hoạt động sự nghiệp, hoạt động quốc phòng an ninh và các hoạt động xã hội khác trong từng giai đoạn nhất định. Căn cứ vào quyết định mức phân bổ dự toán chi ngân sách hàng năm, căn cứ khả năng tài chính ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, lãnh đạo tỉnh ban hành quy định định mức phân bổ ngân sách để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách địa phương cho từng năm. Trong việc chi cho các sự nghiệp y tế, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp giáo dục, chi đào tạo, sự nghiệp quốc phòng, sự nghiệp an ninh… đã quy định định mức phân bổ cho cấp tỉnh, cấp huyện theo đơn vị kíp/người dân/năm.

Định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho đơn vị trực thuộc và các huyện thị được quy định theo từng năm. Về chi quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đã phân bổ theo số lượng biên chế trong cơ quan, tùy theo từng cấp hành chính và đơn vị sự nghiệp, có tính đến hệ số cho các cán bộ công tác ở các huyện miền núi.

+ Sử dụng có hiệu quả NSNN thông qua việc khoán chi hành chính. Trên cơ sở định mức, biên chế các đơn vị được khoán chi ngân sách hàng năm, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng các định mức chi tiêu, quy chế quản lý tài sản công theo đúng quy định. Nếu chi không hết các đơn vị tiết kiệm được số tiền đó. Một ưu điểm của cơ chế khoán chi và giao quyền tự chủ là tạo động lực thúc đẩy đơn vị sử dụng NSNN ngoài số được cấp tích cực huy động các nguồn lực khác hoặc sử dụng nguồn được cấp hợp lý hơn để tăng thu nhập.

Thông qua thực hiện cơ chế tự chủ các đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, tài sản, nguồn nhân lực có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ; công tác quản lý, sử dụng kinh phí được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, góp phần tăng nguồn thu, tiết kiệm chi để bổ sung nguồn kinh phí hoạt động, trích lập

các quỹ, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng thu nhập cho người lao động.

+ Tăng tính minh bạch trong chi tiêu NSĐP.

Tính minh bạch chi tiêu ngân sách có tầm quan trọng trong việc giải trình trước công dân về việc phân bổ nguồn lực tài chính của Nhà nước và giải trình về chất lượng chi tiêu ngân sách tổng thể. Theo đó, Cục thống kê Luang Prabang đã công bố số liệu quyết toán ngân sách dưới dạng ấn phẩm cho mọi đối tượng đặc biệt là trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu từ năm 2012, các số liệu quyết toán NSNN, dự toán thu chi,... cũng được công khai trên hệ thống trang thông tin điện tử của tỉnh, chính quyền các cấp thực hiện niêm yết công khai ngân sách tại trụ sở làm việc...

- Về cân đối NSNN.

Cân đối kết quả thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh Luang Prabang từ năm 2015 đến năm 2019 đã phản ánh được sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế vào ngân sách. Đặc điểm nguồn thu khác nhau thì phân cấp thu cũng khác nhau, nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn là thu từ các DNNN trung ương, các DNNN địa phương, thu thuế công, thương ngoài quốc doanh... được tập trung vào thu ngân sách tỉnh đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cơ cấu chi NSNN đã dần dần thay đổi theo hướng tích cực. Nguồn thu trong nước đã đủ cho chi thường xuyên, tình trạng đi vay hoặc dựa vào phát hành tiền cho chi thường xuyên đã chấm dứt. Trong giai đoạn này, chi đúng đối tượng, có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra. Nhờ những giải pháp trên, số thâm hụt NSNN đã giảm dần qua từng năm và được bù đắp bằng phát triển kinh tế của địa phương.

Mặc dù có bội chi, nhưng các khoản chi lớn là chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nhiệm vụ chi thường xuyên các cấp ngân sách ở địa phương đã gắn phân cấp

ngân sách với phân cấp quản lý ngân sách và với bộ máy hành chính, sự nghiệp. Các đơn vị thuộc cấp nào quản lý thì ngân sách cấp đó đảm nhiệm chi, cơ chế cấp phát và kiểm soát chi được thực hiện thống nhất.

Quỹ ngân sách không bị chiếm dụng, đảm bảo tốt khả năng thanh toán của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách cấp qua KBNN. Thông tin kịp thời, chính xác số liệu thu, chi tồn quỹ ngân sách cho các cấp quản lý ngân sách, đảm bảo cho việc điều hành ngân sách chuẩn xác.

- Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán những năm trở lại đây được chú trọng hơn. Thanh tra và Kiểm toán nhà nước không ngừng được bổ sung lực lượng, nâng cao về chất lượng, năng lực làm việc nên chất lượng thanh tra, kiểm toán tốt hơn. Điều này góp phần hạn chế tiêu cực trong quản lý NSNN ở địa phương.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý ngân sách nhà nước tại tỉnh Luang Prabang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)