8. Cấu trúc của luận án
2.2. QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH
2.2.2. Sự cần thiết quản lý ngân sách nhà nước cấp tỉnh
Quản lý NSNN nói chung, NSNN cấp tỉnh nói riêng là cần thiết, bởi các lý do xuất phát từ vai trò của NSNN cấp tỉnh trong hệ thống NSNN và thực tế công tác quản lý NSNN cấp tỉnh của địa phương. Cụ thể:
- NSNN cấp tỉnh là một bộ phận hữu cơ của ngân sách địa phương, là NSNN trên địa bàn tỉnh, đó là vai trò đảm bảo chức năng Nhà nước của chính quyền cấp tỉnh thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Ngân sách cấp tỉnh là nguồn tài chính chủ yếu để đảm bảo cho chính quyền nhà nước cấp tỉnh thực thi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trên địa bàn. Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về quản lý kinh tế, xã hội trên địa bàn theo sự phân cấp trong hệ thống chính quyền nhà nước, chính quyền tỉnh cần phải có nguồn tài chính đủ lớn. Trong số các quỹ tiền tệ mà chính quyền tỉnh được quản lý và sử dụng, thì ngân sách cấp tỉnh được coi là quỹ tiền tệ có quy mô lớn nhất, chỉ được phép sử dụng cho việc thực hiện các nhiệm vụ mà chính quyền tỉnh phải đảm nhận. Do vậy, khả năng đảm bảo nguồn tài chính từ ngân sách tỉnh như thế nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh.
- Ngân sách tỉnh là nguồn lực tài chính quan trọng để giúp chính quyền Nhà nước cấp tỉnh khai thác thế mạnh về kinh tế, xã hội trên địa bàn. Cơ chế phân cấp về quản lý kinh tế, xã hội cho chính quyền tỉnh ngày càng nhiều hơn, tạo thế chủ động cho các tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trong quá trình đó, ngân sách đã đóng góp vai trò không nhỏ thông qua việc tạo lập các nguồn tài chính cần thiết để chính quyền tỉnh đầu tư khai thác các thế mạnh về kinh tế, xã hội, nông thôn và từng bước tạo đà cất cánh cho kinh tế tỉnh những năm sau này.
- Ngân sách tỉnh là công cụ tài chính giúp chính quyền nhà nước cấp trên giám sát hoạt động của chính quyền tỉnh. Với một hệ thống tổ chức Nhà nước thống nhất, đồng thời lại có sự phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn quản lý kinh tế, xã hội cho chính quyền cấp dưới, thì đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên của cơ quan chính quyền nhà nước cấp trên đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền nhà nước cấp dưới. Ngân sách tỉnh trở thành một trong những công cụ hữu hiệu cho chính quyền nhà nước cấp trên thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của chính quyền nhà nước cấp dưới, bởi hầu hết các tỉnh đều có một phần nguồn thu được tạo lập nhờ số chi bổ sung từ ngân sách cấp trên. Muốn nhận được số chi bổ sung của ngân sách cấp trên để tạo nguồn thu cho mình, chính quyền tỉnh buộc phải giải trình toàn bộ cơ cấu thu, chi và chỉ rõ số thiếu hụt; đồng thời phải cam kết thực hiện số thu bổ sung theo đúng quy định của quản lý NSNN hiện hành. Do đó, sự kiểm soát của chính quyền nhà nước cấp trên đối với hoạt động của chính quyền cấp tỉnh trở nên dễ dàng hơn.
- Ngân sách tỉnh định hướng cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đúng đắn, phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong giai đoạn mở cửa hội nhập và giao lưu quốc tế, tăng cường vai trò, vị trí ngân sách tỉnh là hết sức cấp thiết, ngoài việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động Nhà nước, ngân sách tỉnh còn hướng cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đúng đắn, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của địa phương, giải quyết các nhu cầu cấp thiết về vấn đề phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương. Đặc biệt là vấn đề xoá đói giảm nghèo tại các huyện, các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền, giữ vững quốc phòng, an ninh xã hội.
- Công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách cấp tỉnh chưa được chú ý đúng mức. Một số đơn vị do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ công
chức hạn chế, công tác quản lý còn bị buông lỏng... dẫn đến hiệu quả sử dụng NSNN chưa đạt hiệu quả cao.
- Công tác quản lý thu, chi ngân sách tỉnh còn bộc lộ những hạn chế và yếu kém nhất định. Hạn chế cơ bản nhất vẫn là có nhiều sự lãng phí trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, công tác quản lý chi ngân sách chưa được chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Trước yêu cầu đòi hỏi trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, công tác quản lý thu, chi ngân sách tỉnh trong điều kiện hiện nay cần thiết phải được củng cố, tăng cường, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, tăng cường nội lực bằng tài chính, nâng cao hiệu quả chi của Nhà nước để đẩy mạnh và thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại đất nước, làm cho nguồn tài chính công được quản lý chặt chẽ, thống nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Chính vì thế, hoạt động NSNN cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong thu - chi; đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động ngân sách; giảm thiểu lãng phí, tham nhũng trong chi ngân sách; hạn chế thu ngân sách một cách bừa bãi, thiếu kế hoạch, thiếu dự toán; đồng thời tăng dần tính tự chủ của các cấp chính quyền ở địa phương, giảm dần sự phụ thuộc vào NSTW.