8. Cấu trúc của luận án
2.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
2.1.4. Hệ thống ngân sách nhà nước
Hệ thống NSNN được hiểu là tổng thể các cấp ngân sách có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu, chi của mỗi cấp ngân sách.
Luật NSNN ra đời chính là sự thể chế hóa cơ chế quản lý NSNN của mỗi quốc gia. Ở CHDCND Lào, tổ chức hệ thống NSNN gắn bó chặt chẽ với việc tổ chức bộ máy nhà nước và vai trò, vị trí của bộ máy đó trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo Hiến pháp. Mỗi cấp chính quyền có một cấp ngân sách riêng cung cấp phương tiện vật chất cho cấp chính quyền đó thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên vùng lãnh thổ. Việc hình thành hệ thống chính quyền nhà nước các cấp là một tất yếu khách quan nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trên mọi vùng lãnh thổ của đất nước. Chính sự ra đời của hệ thống chính quyền nhà nước nhiều cấp đó là tiền đề cần thiết để tổ chức hệ thống ngân sách nhà nước nhiều cấp.
Theo Điều 38 Luật NSNN năm 2015 của CHDCND Lào quy định: “Hệ thống NSNN của nước CHDCND Lào gồm NSTW và NSĐP là hệ thống ngân sách tập trung trong phạm vi cả nước và phân cấp trách nhiệm quản lý. Trong đó, NSTW là ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và đoàn thể cấp trung ương. NSĐP là ngân sách của chính quyền địa phương, các cơ quan tại cấp tỉnh và cấp huyện”. Như vậy, ở Lào, cấp bản làng (tương đương như cấp xã ở Việt Nam) không phải là một cấp ngân sách.
Sơ đồ 2.1. Hệ thống NSNN của nước CHDCND Lào
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Ở nước CHDCND Lào, hệ thống NSNN về cơ bản bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương:
- NSTW phản ánh nhiệm vụ thu, chi theo ngành và giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống NSNN (cũng tương tự như Việt Nạm). Nó bắt nguồn từ vị trí, vai trò của chính quyền trung ương được Hiến pháp quy định đối với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. NSTW cấp phát kinh phí cho yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trung ương (sự nghiệp văn hoá giáo dục, y tế, sự nghiệp an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đầu tư phát triển...). Nó còn là trung tâm điều hoà hoạt động ngân sách của địa phương. Trên thực tế, NSTW là ngân sách của cả nước, tập trung đại bộ phận nguồn tài chính quốc gia và đảm bảo các nhiệm vụ chi tiêu có tính chất huyết mạch của cả nước. NSTW bao gồm các đơn vị dự toán của cấp này, theo đó, mỗi bộ, mỗi cơ quan trung ương là một đơn vị dự toán của NSTW.
- NSĐP là tên chung để chỉ các cấp ngân sách của các cấp chính quyền bên dưới phù hợp với địa giới hành chính các cấp.
+ Ngân sách cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo khai thác nguồn thu tại chỗ, tận dụng tăng thu những nguồn thu được phân cấp, đồng thời phân bổ các
khoản chi, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi tỉnh quản lý, ngoài ra còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới.
+ Ngân sách cấp huyện có nhiệm vụ thu, chi theo Luật ngân sách đồng thời thực hiện quản lý, cấp phát theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp.
Trong hệ thống NSNN của nước CHDCND Lào, NSTW chi phối phần lớn các khoản thu và chi quan trọng, còn NSĐP chỉ được giao nhiệm vụ đảm nhận các khoản thu và chi có tính chất địa phương. Quan hệ giữa các cấp ngân sách được thực hiện theo nguyên tắc Ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương được phân định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể. Thực hiện việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để đảm bảo công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương. Số bổ sung này là khoản thu của ngân sách cấp dưới. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi thuộc chức năng của mình thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó. Ngoài việc bổ sung nguồn thu và uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ chi, không được dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của ngân sách cấp khác trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.