Tƣơng quan giữa nhãn hiệu đƣợc sử dụng và thừa nhận rộng rãi với nhãn hiệu thông thƣờng và nhãn hiệu nổi tiếng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 31 - 37)

hiệu thông thƣờng và nhãn hiệu nổi tiếng

Trong nội dung này, sự khác biệt giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi so với nhãn hiệu thông thường được xác lập quyền trên cơ sở được cấp văn bằng bảo hộ và so với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được trình bày làm rõ, từ đó thấy rằng nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi hoàn toàn xứng đáng được hưởng quy chế bảo hộ với tư cách một loại nhãn hiệu độc lập.

a. Khác biệt giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và nhãn hiệu thông thường

Trước khi phân biệt giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và nhãn hiệu thường, cần làm rõ rằng nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi được đề cập là nhãn hiệu chưa được bảo hộ với tư cách một nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong khi đó nhãn hiệu thông thường được đề cập dưới đây là nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ theo quy trình đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và nhãn hiệu thường có sự khác biệt rõ ràng:

̵ Về mức độ được biết tới, tên gọi của hai loại nhãn hiệu đã thể hiện rõ sự khác biệt. Nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi được số lượng lớn người sử dụng biết đến và thừa nhận với tư cách là dấu hiệu để chỉ nguồn gốc hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu đó và để phân biệt với hàng hóa dịch vụ cùng loại từ nguồn gốc khác. Khái niệm nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trong Hiệp định TRIPS cũng nêu rõ về tiêu chí “mức độ biết đến của công chúng liên quan”. Trong khi đó, nhãn hiệu thông thường có thể có phạm vi được biết đến không đáng kể, thậm chí có thể chưa được biết đến trên thị trường, và điều quan trọng là phạm vi công chúng biết đến không phải là một nội dung ảnh hưởng đến quy chế bảo hộ của nhãn hiệu thông thường.

̵ Về căn cứ xác lập, theo Khuyến nghị chung của WIPO về bảo hộ nhãn

hiệu được biết đến rộng rãi, tại Điều 2, Khoản 3, Điểm a, nguyên tắc chung được đưa ra là: việc nhãn hiệu đã đăng ký hay chưa không phải là điều kiện để xác định một nhãn hiệu có phải là là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi hay không. Tương đồng với nội dung bản Khuyến nghị trên, theo pháp luật nhiều quốc gia như Nhật Bản, Israel, Mexico…, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi được hưởng quy chế bảo hộ dù chưa được đăng ký. Trong khi đó, đối với nhãn hiệu thường, không kể một số ít quốc gia bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở sử dụng (first-to-use), đa số các quốc gia trên thế giới bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở đăng ký (first-to-use), có nghĩa rằng nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ khi chưa được đăng ký thành công, trừ trường hợp nhãn hiệu được biết đến rộng rãi hoặc nhãn hiệu nổi tiếng.

̵ Về thời hạn bảo hộ, tương tự như trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, Luật

SHTT 2005 và pháp luật các quốc gia khác và các điều ước quốc tế không quy định cụ thể giới hạn thời gian bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi hay nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, nên có thể hiểu rằng đến khi nào còn đủ căn cứ để chứng minh rằng nhãn hiệu được biết đến rộng rãi thì nhãn hiệu vẫn được hưởng sự bảo hộ. Trong khi đó, đối với nhãn hiệu thường, hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ có hiệu lực kể từ ngày cấp bằng đến hến 10 năm tính từ ngày nộp đơn, theo quy định tại

Điều 93 Khoản 6 Luật SHTT 2005, và cứ mỗi 10 năm phải gia hạn để duy trì hiệu lực. Như vậy, dù có thể gia hạn nhưng sự bảo hộ đối với nhãn hiệu thường bị giới hạn về mặt thời gian.

̵ Về khả năng phân biệt, trong khi nhãn hiệu thường phải thỏa mãn đầy đủ

các yêu cầu về khả năng phân biệt, nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi có thể không đáp ứng tất cả các tiêu chí nhưng vấn được coi là có tính phân biệt. Ví dụ tại Điều 74.2.a, b, c, đ Luật SHTT 2005, dù là dấu hiệu đơn giản hoặc mô tả chủng loại, phương thức sản xuất, nguồn gốc địa lý của sản phẩm, nhưng nếu dấu hiệu đó là nhãn hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi thì vẫn được coi là có khả năng phân biệt và được cấp văn bằng bảo hộ.

b. Khác biệt giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng Giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được biết đến rộng rãi hay nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, dù khó thấy được đạo luật quốc gia phân biệt rạch ròi giữa hai dạng nhãn hiệu này nhưng sự song song tồn tại và những khác biệt rõ ràng không thể phủ nhận. Trong tạp chí The Trademark Reporter số 86, Frederick W. Mostert cựu chủ tịch của Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (International Trademark

Association – INTA) nhận định: “Người ta thường khuyến nghị rằng có một loại nhãn

hiệu được biết đến rộng rãi đặc biệt, đó là “nhãn hiệu nổi tiếng”. Nhãn hiệu nổi tiếng được cho là có mức độ danh tiếng cao hơn nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và vì vậy xứng đáng được bảo hộ ở phạm vi rộng hơn chống lại các hành vi sử dụng chưa được

phép trên hàng hóa hoặc dịch vụ không cạnh tranh” [23, tr.22].

Sự song song tồn tại của nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng cũng được thừa nhận công khai trong Đạo luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản năm 1993. Cụ thể, Điều 2 Đạo luật này quy định:

Điều 2: Thuật ngữ “cạnh tranh không lành mạnh” được sử dụng trong Đạo luật này có nghĩa như sau:

(i) là hành động gây ra sự nhầm lẫn với hàng hóa hoặc hoạt động kinh doanh của người khác bằng cách sử dụng chỉ dẫn hàng hóa hoặc hoạt động

kinh doanh mà trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn hàng hóa hoặc hoạt động kinh doanh được biết đến rộng rãi bởi những người tiêu dùng […];

(ii) là hành động sử dụng chỉ dẫn hàng hóa hoặc hoạt động kinh doanh trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn hàng hóa hoặc hoạt động kinh doanh nổi tiếng của người khác […];

Hai tiêu chí rõ ràng để phân biệt nhãn hiệu được biết đến rộng rãi hay nhãn hiệu

được sử dụng rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng là Phạm vi bảo hộTiêu chuẩn bảo

hộ.

Nhãn hiệu được biết đến rộng rãi có phạm vi bảo hộ hẹp hơn so với nhãn hiệu nổi tiếng. Phạm vi này được nhắc đến tại Điều 6bis Công ước Paris và Điều 16 Khoản 2 Hiệp định TRIPS, theo đó chỉ bảo hộ nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trong phạm vi hàng hóa và dịch vụ tương tự. Trong khi đó, các dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng, theo Điều 16.3 hiệp định TRIPS sẽ bị loại trừ bất kể dấu hiệu đó được sử dụng cho bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, dù là sản phẩm dịch vụ không tương tự với sản phẩm dịch vụ gắn nhãn hiệu nổi tiếng. Như vậy, nhãn hiệu nổi tiếng có thể được mở rộng phạm vi bảo hộ lớn hơn nhiều so với phạm vi bảo hộ nhãn hiệu được biết đến rộng rãi.

Luật Nhãn hiệu Nhật Bản, Điều 4, Khoản 1, Điểm x và Điểm xv, dù không trực tiếp, cũng thể hiện sự khác biệt về phạm vi nói trên:

Điều 4 (1) Không phụ thuộc vào các Điều khoản trước, nhãn hiệu sẽ không được đăng ký nếu thuộc các trường hợp sau:

(x) nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác được người tiêu dùng biết tới rộng rãi là dấu hiệu chỉ hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh của người đó, nếu như nhãn hiệu đó được sử dụng liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ đó hoặc hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự;

(xv) nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ thuộc về hoạt động kinh doanh của người khác (trừ trường hợp quy định tại điểm (x) […]);

Trong một tài liệu của Văn phòng Sáng chế Nhật Bản, hai điểm này được giải

thích như sau: “Điều 4-1-10 trong Luật Nhãn hiệu nhắm tới bảo vệ “nhãn hiệu được

biết đến rộng rãi” (well-known trademarks). […] Mặt khác, tại Điều 4-1-15, mục đích của quy định này là bảo vệ “nhãn hiệu nổi tiếng” (famous trademark) khỏi sự nhầm lẫn với nhãn hiệu của bên thứ ba xảy ra đối với hàng hóa hoặc dịch vụ không tương tự và đối tượng của điểm này là “nhãn hiệu nổi tiếng” [23, tr.24].

Bên cạnh sự khác biệt về khả năng mở rộng phạm vi bảo hộ, so với nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi có tiêu chuẩn bảo hộ thấp hơn. Theo pháp luật nhiều quốc gia, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi chỉ cần được biết đến bởi công chúng có liên quan đến việc phân phối, sử dụng hàng hóa dịch vụ nhãn hiệu. Trong khi đó để được hưởng sự bảo hộ mạnh mẽ hơn với tư cách một nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu có thể cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn, chẳng hạn được biết đến rộng rãi bởi công chúng nói chung, kể cả công chúng không tham gia chuỗi phân phối hay sử dụng hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu, hay được biết đến trong phạm vi cả quốc gia. Ví dụ, theo Luật Sở hữu công nghiệp Mexico sửa đổi năm 2012, một nhãn hiệu được coi là được biết đến rộng rãi nếu nhãn hiệu đó được biết đến bởi những người trong lĩnh vực thương mại của nhãn hiệu đó, không cần được biết tới bởi công chúng nói chung, trong khi đó để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu phải được biết đến bởi đại đa số người tiêu dùng hay công chúng nói chung [34].

Đáng chú ý, để được hưởng chế độ bảo hộ rộng với cả các hàng hóa dịch vụ không tương tự, hay để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng, một nhãn hiệu phải đáp ứng điều kiện đặc biệt. Điều kiện này được nêu trong Điều 16 Khoản 3 Hiệp định TRIPS:

Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ không tương tự với những hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký kèm theo một nhãn hiệu, với điều kiện là việc sử dụng nhãn hiệu đó cho những hàng hóa dịch vụ nói trên có thể chỉ dẫn đến một mối liên hệ giữa những hàng hóa dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký và với điều kiện lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký có nguy cơ bị việc sử dụng nói trên gây tổn hại.

Theo quy định trên của Hiệp định TRIPS, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi theo Điều 16 khoản 2 sẽ không mặc nhiên được hưởng chế độ bảo hộ cao hơn mà phải đáp

ứng các điều kiện đặc biệt, bao gồm: (i) Được đăng ký; (ii) Hàng hóa dịch vụ không tương tự nhưng có thể khiến người tiêu dùng liên hệ tới chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng; (iii) Lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có khả năng bị tổn hại do việc sử dụng nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng dù cho hàng hóa dịch vụ không tương tự. Nội dung này được làm rõ tại Điều 4 Khoản 1 Điểm b Bản Khuyến nghị chung của WIPO về bảo hộ nhãn hiệu được biết đến rộng rãi.

Pháp luật một số quốc gia cũng có cách phân loại nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu được biết đến rộng rãi được bảo vệ mạnh hơn, hay nhãn hiệu nổi tiếng, trên cơ sở đăng ký và thiệt hại có khả năng xảy ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Ví dụ, Điều 8 Khoản 5 Quy chế Nhãn hiệu Liên minh Châu Âu [19, Điều 8.5] quy định: Sau khi có ý kiến phản đối của chủ sở hữu nhãn hiệu tồn tại trước đã đăng ký (registered earlier trademark), nhãn hiệu được nộp đơn sẽ không được đăng ký do trùng, hoặc tương tự, với nhãn hiệu trước đó, bất kể hàng hóa dịch vụ được nộp đơn trùng, tương tự hoặc không tương tự với hàng hóa dịch vụ được đăng ký cho nhãn hiệu trước đó, nếu nhãn hiệu trước đó của Liên minh Châu Âu có danh tiếng (reputation) tại Liên minh, hoặc nhãn hiệu trước đó của quốc gia có danh tiếng tại Quốc gia Thành viên, và nếu việc sử dụng nhãn hiệu được nộp đơn tạo ra lợi thế không công bằng, hoặc gây tổn hại cho tính phân biệt hoặc danh tiếng của nhãn hiệu trước đó.

Như vậy, để được coi là nhãn hiệu nổi tiếng, hay ít nhất được bảo hộ ở phạm vi rộng như một nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi, hay nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, phải đáp ứng những tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn so với nhãn hiệu được biết đến rộng rãi thông thường. Điều đó có nghĩa là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, dù có được chính thức thừa nhận hay không, vẫn có những đặc điểm riêng so với nhãn hiệu nổi tiếng, hay cụ thể hơn nhãn hiệu nổi tiếng là loại nhãn hiệu được được biết rộng rãi đặc biệt, với tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn và phạm vi bảo hộ rộng hơn.

c. Sự thống nhất giữa nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng

Tuy có những khác biệt đã nêu trên đây, nhưng nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng có sự thống nhất với nhau, thể hiện ở các điểm sau:

Thư nhất, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng có nguồn gốc xuất hiện chung ở Điều 6bis Công ước Paris. Trong Điều 6bis, chỉ có sự xuất hiện rất chung của nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, thậm chí chưa có tiêu chí cụ thể để xác định mức độ được biết đến rộng rãi của loại nhãn hiệu này. Chỉ đến Điều 16.2 và 16.3 Hiệp định TRIPS, những nội dung thể hiện sự khác biệt giữa hai loại nhãn hiệu mới lộ diện như phân tích tại nội dung b) trên đây, và tại Điều 16.3 cũng ghi nhận rõ điều luật này là sự phát triển từ Điều 6bis Công ước Paris. Như vậy, nhãn hiệu được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu nổi tiếng thống nhất với nhau về nguồn gốc pháp lý.

Thứ hai, những sự khác biệt giữa hai loại nhãn hiệu đã được phân tích rõ ràng tại mục b), tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đó chỉ là sự khác biệt về lượng, cụ thể nhãn hiệu nổi tiếng có phạm vi bảo hộ rộng hơn xét về hàng hóa dịch vụ và tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn so với nhãn hiệu được biết đến rộng rãi. Điều này xuất phát từ nguyên nhân sau: cả hai đều là dạng nhãn hiệu được hưởng quy chế bảo hộ khác biệt so với quy chế bảo hộ thông thương do cả hai có mức độ biết đến cao hơn so với mức phổ biến trung bình của nhãn hiệu nói chung, nếu không được bảo hộ hai dạng nhãn hiệu này theo quy chế riêng thì rất có thể các bên thứ ba sẽ lợi dụng mức độ biết đến rộng rãi hoặc nổi tiếng đó để thực hiện hành vi làm lợi không chính đáng.

Theo đó, có thể khẳng định rằng nhãn hiệu nổi tiếng chính là một dạng đặc biệt của nhãn hiệu được biết đến rộng rãi, với mức độ phổ biến và danh tiếng rất lớn trên thị trường, được hưởng phạm vi bảo hộ rộng hơn và cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn để hưởng quy chế bảo hộ đó. Trên cơ sở đó, các nội dung phân tích về nhãn hiệu được biết đến rộng rãi ở các mục tiếp theo sẽ được thực hiện trên cơ sở các nội dung liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng, tuy nhiên ở mức độ thấp hơn và phạm vi hẹp hơn so với nhãn hiệu nổi tiếng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi theo pháp luật việt nam luân văn ths luật dân sự và tố tụng dân sự 60 38 01 03 (Trang 31 - 37)