PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU ĐƢỢC SỬ DỤNG VÀ THỪA NHẬN RỘNG RÃ
2.2.1. Mức độ biết đến trong bộ phận công chúng liên quan
Trước tiên cần làm rõ khái niệm “công chúng liên quan”. Luật SHTT 2005
không đưa ra định nghĩa hay giải thích nào cho thuật ngữ này. Để làm rõ nội dung thuật ngữ, có thể xem xét Điều 2.2 a) Bản Khuyến nghị chung của WIPO:
Bộ phận công chúng liên quan bao gồm, nhưng không giới hạn bởi:
(i) những người tiêu dùng tiềm năng hoặc người tiêu dùng trên thực tế đối với loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu;
(ii) những người tham gia vào kênh phân phối loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu;
(iii) cộng đồng doanh nghiệp liên quan tới loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu.
Điều 2 Quy định về xác định và bảo hộ nhãn hiệu được biết đến rộng rãi của
Trung Quốc cũng đưa ra giải thích: “Bộ phận công chúng liên quan bao gồm người
tiêu dùng loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu, các nhà sản xuất hàng hóa hoặc nhà cung cấp dịch vụ nêu trên, và thương nhân và những người khác tham gia
vào kên phân phối loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu”.
Có thể hiểu rằng thuật ngữ “liên quan” đề cập tới vị trí, vai trò của chủ thể trong
quá trình sản xuất, lưu trữ, phân phối, sử dụng hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu. Chủ thể có thể có mặt trong nhiều mắt xích như khâu sản xuất, khâu phân phối của chuỗi sản xuất – tiêu thụ nêu trên, cũng có thể chủ thể chỉ có mặt một mắt xích cụ thể như giai đoạn sử dụng, thậm chí chủ thể có thể chưa tham gia vào quá trình trên bởi Bản
Khuyến nghị chung không loại trừ “người tiêu dùng tiềm năng”. Bên cạnh đó, sự “liên
quan” cũng có thể bao hàm vai trò gián tiếp của chủ thể trong việc thúc đấy quá trình
sản xuất, phân phối, ví dụ như đơn vị quảng cáo, xếp hạng thương hiệu, tổ chức hiệp hội nghề nghiệp... Trong khi những quy định của Bản Khuyết nghị chung có thể được giải thích theo phạm vi rất rộng thì Điều 2 Bản Quy định của Trung Quốc đề cập đến
công chúng liên quan ở phạm vi hẹp hơn rất nhiều, chỉ bao gồm “người tiêu dùng”,
“nhà sản xuất hàng hóa hoặc nhà cung cấp dịch vụ” và “người tham gia vào kênh phân phối”.
Xem xét nội dung Điều 75.1 Luật SHTT 2005, có thể thấy rằng cách đưa ra thuật
ngữ “công chúng liên quan” mà không giải thích cụ thể đã tạo điều kiện rất thuận lợi
cho việc chứng minh nhãn hiệu của mình được biết đến rộng rãi bởi chủ sở hữu nhãn hiệu, trên cơ sở điều khoản rất mở, có thể tự do giải thích và vận dụng điều luật theo hướng có lợi cho mình, tận dụng sự biết tới của tất cả các chủ thể có thể được coi là “công chúng liên quan”.
Khi nhắc đến “mức độ biết đến của công chúng liên quan”, nội dung đầu tiêu cần
xem xét là khía cạnh số lượng người biết đến. “Biết đến” đơn thuần là nhận biết, ghi
nhớ về sự tồn tại của nhãn hiệu xác định, không nhất thiết phải xảy ra sự mua bán, sử dụng hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ, trước khi McDonald’s và Starbuck Coffee vào thị trường Việt Nam, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ tuổi, đã biết đến các nhãn hiệu này thông qua phim ảnh, truyền thông… mà chưa một lần sử dụng và các sản phẩm mang các nhãn hiệu trên cũng chưa từng được quảng cáo chính thức tại Việt Nam. Qua ví dụ đó cũng thấy cần lưu ý rằng khi xét về số lượng người
liên quan “biết đến”, cần xem xét đầy đủ các nguyên nhân giúp nhãn hiệu biết đến như
mua bán, sử dụng, quảng cáo và cả các phương tiện truyền thông, giải trí, tin tức…
chứ không chỉ bó hẹp trong “mua bán, sử dụng” và “quảng cáo” theo Điều 75.1 Luật
SHTT 2005. Các nguyên nhân trên cần có vị thế độc lập, không thể coi nguyên nhận
“mua bán, sử dụng” quan trọng hơn các nguyên nhân khác, bởi điều quan trọng nhất là
trả lời được câu hỏi: “Nhãn hiệu có được biết đến hay không”.
Một yếu tố khác thường được xem xét là doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp. Doanh số bán hàng và lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp cao hay thấp trong nhiều trường hợp là hệ quả của số lượng người biết đến nhiều hay ít. Số liệu thống kê về doanh số bán hàng và/hoặc lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp ra thị trường cao hay thấp cần được so sánh với mức trung bình trong thị trường đó và so với chính hàng hóa dịch vụ đó trong những thời kỳ trước đây.
Uy tín của nhãn hiệu được xem xét cũng là nội dung liên quan đến mức độ biết đến của người tiêu dùng liên quan. Hàng hóa dịch vụ có uy tín cao, không kể các hàng hóa dịch vụ xa xỉ dành riêng cho thị trường đặc thù như giới siêu giàu, sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, thể hiện ở thị phần của hàng hóa dịch vụ đó trên thị trường.
Uy tín cao của nhãn hiệu cũng sẽ được thể hiện ở những đánh giá tích của dư luận thông qua các phương tiện truyền thông, sự đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường độc lập hay các giải thưởng liên quan.
Các nội dung trên được thể hiện ở nhiều dạng tài liệu khác nhau. Quy chế Thẩm định Nhãn hiệu của Nhật Bản [37] đề xuất một số tài liệu như: tài liệu in (trích dẫn bài báo, tạp chí, catalog, tờ rơi…) chứa thông tin công bố, quảng cáo; hóa đơn, vận đơn, đơn đặt hàng, sổ sách kế toán; ảnh chụp thể hiện việc sử dụng nhãn hiệu... Trong khi đó, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN gợi ý cung cấp danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được. Có thể thấy rằng Quy chế thẩm định của Nhật Bản và Thông tư 01/2007/TT-BHKCN đều đưa ra các gợi ý tương đồng về đầu mục thông tin tài liệu cần cung cấp để chức minh mức độ được biết đến rộng rãi trong công chúng liên quan, tuy nhiên Thông tư nêu trên của Việt Nam gợi ý chi tiết hơn rất nhiều. Các thông tin tài liệu trên đều có thể góp phần làm rõ số lượng người tiêu dùng biết đến trên cơ sở trình bày mức độ quảng cáo, doanh thu và số lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp, thông tin khảo sát trực tiếp trên thị trường, uy tín trong dư luận...