3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát
3.2.4. Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát hình thức của hợp đồng theo
theo mẫu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền
Pháp luật Việt Nam cũng quy định khá chi tiết về mặt kỹ thuật , hình thức của Hợp đồng theo mẫu . Tại Điều 7 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP, các nhà làm luật yêu cầu tất cả các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải được lập thành văn bản và được soạn thảo bằng tiếng Việt, với phông chữ tiếng Việt, màu chữ và nền giấy tương phản dễ đọc , ngôn ngữ dễ
hiểu... Các quy định này cho thấy pháp luật Việt Nam đã tiếp thu và vận dụng khá tốt kinh nghiệm lập pháp của các nước tiên tiến . Tuy nhiên, quy định này cũng vẫn có những hạn chế bởi dường như các nhà làm luật Việt Nam đã khá cứng nhắc khi bắt buộc tất cả các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải soạn thảo bằng tiếng Việt . Điều này sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thì quy định này của pháp luật Việt Nam còn bộc lộ sự không thống nhất. Theo quy định tại Nghị định 99/2011/NĐ-CP yêu cầu hình thức hợp đồng theo mẫu phải bằng tiếng Việt, trong khi đó, Điều 69 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm hình thức hợp đồng theo mẫu lại có cách hiểu khác, các hành vi vi phạm hình thức hợp đồng theo mẫu bao gồm: Có cỡ chữ nhỏ hơn quy định; Ngôn ngữ hợp đồng phải là tiếng Việt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy đinh khác…Như vậy, có hai câu hỏi đặt ra, một là hợp đồng theo mẫu có nhất thiết phải bằng tiếng Việt và hai là, hợp đồng theo mẫu bằng tiếng Việt thì có đảm bảo được quyền lợi cho tất cả những người tiêu dùng trong xã hội hay không khi mà “người tiêu dùng trong nước đâu chỉ có Việt Nam” [11, tr.33]. Đặc biệt là khi đối tượng áp dụng của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là “người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”, như vậy, liệu với quy định sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Việt có đảm bảo đúng tinh thần “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”.
Nghiên cứu, tiếp thu những quy định pháp luật của các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới, trong thời gian tới nếu Quốc hội xem xét sửa đổi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể tham khảo quy định tại luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Québec năm 1971. Cụ thể, về ngôn ngữ trong
hợp đồng, Điều 26 luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Québec năm 1971 quy định:
Hợp đồng và những văn bản kèm theo nó phải được lập bằng tiếng Pháp, ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thống nhất lựa chọn một ngôn ngữ khác để sử dụng soạn thỏa hợp đồng. Nếu hợp đồng được soạn thảo bằng tiếng Pháp và một ngôn ngữ khác, trong trường hợp có sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ, phải lựa chọn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng [25, tr.26].
Như vậy, trong trường hợp này, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận lựa chọn ngôn ngữ cho phù hợp với điều kiện cũng như là nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Québec năm 1971 cũng tiên liệu được trường hợp cùng một nội dung nhưng bằng hai ngôn ngữ khác nhau, nếu xảy ra trường hợp nội dung quy định khác nhau thì ưu tiên lựa chọn theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, tại Việt Nam nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng tăng mạnh, người tiêu dùng không chỉ là người Việt Nam mà còn là người nước ngoài. Chính vì thế mà những quy định pháp luật về ngôn ngữ trong hợp đồng của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Québec năm 1971 là những điểm mà pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam nên tiếp thu và có chỉnh lý cho phù hợp để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được mở rộng phạm vi một cách tối đa.