Cơ chế phối hợp trong thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu xã hội hóa thi hành án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 43 - 46)

THỰC TRẠNG XÃ HỘI HOÁ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.3.3.Cơ chế phối hợp trong thi hành án dân sự

Kết quả của công tác THA phần lớn phụ thuộc vào sự phối hợp, trước hết với các ngành nội chính, các cơ quan có liên quan, vai trò của chính quyền cơ sở, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...). Đặc biệt là sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân các cấp và của Ban chỉ đạo THADS. Vì vậy, để công tác THA đạt kết quả thì không thể chỉ là công tác của các CQTHADS, mà còn là trách nhiệm, sự phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức. Mặc dù vậy, các quy định của pháp luật chưa thật sự khả thi, Điều 8 PLTHADS quy định chung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, tư lệnh quân khu và tương đương, cơ quan công an,...

trong việc phối hợp THADS. Nhìn chung, các quy định này phần lớn mang tính nguyên tắc, chưa quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan trong công tác phối hợp, một số ít quy định trong những lĩnh vực cụ thể, nhưng ở góc độ quản lý cấp trên. Vì vậy, chưa thể tạo thành một cơ chế phối hợp hiệu quả, thống nhất trong hoạt động THADS theo đúng nghĩa. Tư tưởng “việc ai người ấy chủ động”, “công việc THA là của CQTHA”, nhiều nơi, nhiều lúc vẫn tồn tại trong ý thức của cán bộ, cơ quan hữu quan.

Trong khi đó, việc xác minh điều kiện THA là việc làm thường xuyên, không thể thiếu của các CHV trong THA. Do đó, trong thực tế, để vấn đề xác minh thuận lợi, THA được nhanh chóng, CHV phải bỏ tiền túi để bồi dưỡng cho cán bộ thuộc các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phối hợp xác minh.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy Uỷ ban nhân dân cấp xã, mặc dù không phải là CQTHA, pháp luật cũng không quy định một cách chi tiết trình tự, thủ tục chuyển giao một số vụ việc có giá trị không quá 500.000đ để Uỷ ban nhân dân xã đôn đốc thi hành, nhưng nhiều địa phương đã tham gia tích cực vào việc chuyển giao THA. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ công tác như “Tổ hỗ trợ công tác THA” hoặc “Tổ ba người”. Một số địa phương, cấp Uỷ và Uỷ ban nhân dân cấp xã đã giao trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác ở cơ sở, phối hợp với Trưởng thôn, Già làng, Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ dân phố đến gia đình người phải THA động viên, thuyết phục người phải THA tự nguyện THA. Công an xã, phường, thị trấn triệu tập người phải THA đến trụ sở cơ quan để cán bộ Tư pháp cấp xã kết hợp với công an viên giải thích, thuyết phục người phải THA nộp tiền THA.

Trong việc tiếp nhận và đôn đốc THA, nhiều Uỷ ban nhân dân cấp xã đã thường xuyên liên hệ, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của CQTHA. Nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã đã thực hiện hoạt động nghiệp vụ THA, như: xác minh rõ điều kiện THA, vận dụng nhiều phương pháp, biện pháp linh hoạt trong việc động viên, giáo dục, thuyết phục người phải THA tự nguyện THA; lập danh sách cụ thể những người phải THA trên địa bàn gửi tới từng khu phố, tổ dân phố, thôn, bản,

các cơ quan, đoàn thể nơi người phải THA công tác hoặc cư trú để phối hợp đôn đốc thi hành. Nhiều cán bộ Tư pháp cấp xã đã đi sâu tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, tâm tư nguyện vọng của các đương sự, từ đó vận dụng cách thức thi hành phù hợp, gắn động viên, giải thích, thuyết phục với áp dụng biện pháp quản lý hành chính hợp pháp ở địa phương, vì thế nhiều trường hợp đương sự tự nguyện THA.

Ở nhiều địa phương, ngoài việc cán bộ Tư pháp cấp xã giữ vai trò chủ yếu trong việc đôn đốc THA, thì nhiều cán bộ khác của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc đoàn thể ở cơ sở như: Kế toán xã, địa chính xã, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ v.v.. đã tham gia tích cực vào hoạt động THA.

Như vậy, mặc dù pháp luật không quy định một cách cụ thể, rõ ràng, thậm chí chưa quy định nhưng để đảm bảo cho công tác THA được thuận lợi, đạt hiệu quả CHV đã có sự phối hợp với các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong việc tổ chức tha. Từ thực tế đó, đặt ra yêu cầu pháp luật cần có những quy định bổ sung phù hợp, kịp thời về XHHTHA, giao cho các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động THA, nâng cao chất lượng THADS.

Chương 3

Một phần của tài liệu xã hội hóa thi hành án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 43 - 46)