Những tồn tại trong thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu xã hội hóa thi hành án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 29)

THỰC TRẠNG XÃ HỘI HOÁ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1.2.Những tồn tại trong thi hành án dân sự

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác THADS hiện nay còn đang đứng trước những khó khăn cần được khắc phục. Hiệu quả của công tác THA còn quá nhiều hạn chế. Trong THADS số lượng vụ việc được chuyển từ kỳ này sang kỳ khác, năm này qua năm khác do không thi hành được chiếm tỷ lệ lớn, có những vụ việc kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa thi hành được dứt điểm (năm 2005 có 327.658 vụ việc tồn đọng chiếm 58,38%; năm 2006 có 331.092 vụ việc tồn đọng chiếm 54,99%; năm 2007 có 311.443 vụ việc tồn đọng chiếm 48,04%; năm 2008 có 313.428 vụ việc tồn đọng và tồn đọng sang năm 2009 là hơn 292.000 vụ việc) [6]. Xuất phát từ lý do này, niềm tin của người dân vào công tác THA nói riêng, sự tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung có sự giảm sút.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng án dân sự bị tồn đọng, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nguyên nhân do quy định của pháp luật.

- Hệ thống pháp luật về THA còn phân tán, thiếu thống nhất, các quy định còn chưa cụ thể, nhiều vấn đề nảy sinh trong hoạt động THA chưa được pháp luật về THA điều chỉnh. Mặt khác, thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các CQTHA chưa được phân định rõ ràng. Công tác quản lý và tổ chức THA đang trong tình trạng xé lẻ, phân tán, không tập trung. Cơ chế và thủ tục tổ chức THA vốn dĩ đã được quy định chặt chẽ, không đồng bộ trong các văn bản pháp luật, thêm vào đó do nhiều nguyên nhân khác nhau cơ chế và thủ tục THA lại được thực hiện chưa nghiêm, không triệt để.

- PLTHADS năm 2004 vẫn chưa khắc phục được tình trạng pháp luật khung, nên có nhiều nội dung sau khi Pháp lệnh được ban hành phải chờ các văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, để có thể thực hiện PLTHADS năm 2004, các cơ quan chức năng đã phải ban hành trên 40

văn bản hướng dẫn như Nghị định, Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch... Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan có nhiệm vụ tổ chức THA mà còn gây khó khăn cho cả người được THA, người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để thực hiện XHHTHA, điều này được thể hiện ở việc, một số nhiệm vụ có thể giao cho tổ chức, cá nhân xã hội thực hiện, nhằm giảm tải cho CQTHA nhưng hiện vẫn do CQTHADS thực hiện. Mặc dù PLTHADS năm 2004 đã đưa ra quy định về thu phí THA, cho phép tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện được tham gia bảo quản tài sản đồng thời với việc quy định bảo quản tại kho của CQTHA hoặc giao cho đương sự trực tiếp bảo quản; cho phép không chỉ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp mà cả các tổ chức bán đấu giá tài sản (doanh nghiệp) được tham gia bán đấu giá tài sản. Nhưng những quy định này mới chỉ mang tính chất chung chung, chưa có quy định một cách rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành do đó rất khó để các tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc quy định XHH một cách chưa triệt để như trên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỉ lệ án tồn đọng không ngừng gia tăng trong những năm qua.

- Những bất cập về phí thi hành án, lãi suất chậm thi hành án chưa được giải quyết. Pháp luật có quy định bắt buộc người được THA phải nộp phí THA, trong khi lẽ ra đây phải là nghĩa vụ của người phải THA, bởi họ mới là bên có lỗi, thua kiện và không tự nguyện thi hành bản án; hay quy định chỉ tính lãi suất chậm thi hành án trả bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nhiều ngân hàng đã kêu về sự bất hợp lý của quy định này, bởi khi khách hàng vay của họ, không trả, phải đưa ra Tòa và ngân hàng thắng kiện, sau đó nếu khách hàng đó vẫn chậm thi hành nghĩa vụ trả tiền thì lãi suất chậm trả chỉ được tính tối đa bằng lãi suất cơ bản, trong khi thực tế lãi suất cơ bản thường thấp hơn rất nhiều so với lãi suất các ngân hàng cho vay. Quy định này khiến các ngân hàng nói riêng và người được THA nói chung thiệt đơn thiệt kép. Mặt khác, nó khuyến khích sự chây ỳ của người phải THA.

Thứ hai, nguyên nhân do tổ chức bộ máy và cán bộ.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác THA hiện nay chưa thực sự đáp ứng được việc gia tăng, tính phức tạp của thực tiễn THA. Tình trạng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đang là vấn đề phổ biến hiện nay.

- Thậm chí, sự yếu kém về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự tha hóa về phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ CHV cũng là một trong những nguyên nhân làm án dân sự bị tồn đọng. Thực tiễn công tác THADS cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng án dân sự tồn đọng hiện nay. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì cũng có những nguyên nhân chủ quan từ chính các cán bộ THA như: Chậm ra quyết định THA; chưa kịp thời xác minh điều kiện THA hoặc không kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người phải THA có điều kiện thi hành; có trường hợp CHV, cán bộ THA trong tác nghiệp THA còn cẩu thả, tuỳ tiện dẫn đến sai phạm; thậm chí có trường hợp thoái hoá, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân... Do đó, ở địa phương có không ít trường hợp đương sự đã phải đâm đơn khiếu nại, tố cáo do CHV lừng khừng ngại "đụng trên, đụng dưới" ở những vụ việc liên quan đến những quan hệ nhạy cảm...

Trong thời gian qua, một số cơ quan THADS đã để xảy ra tình trạng CHV, cán bộ THA vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức của ngành bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo, khiển trách, cách chức, buộc thôi việc (năm 2005 xử lý kỷ luật: 25 trường hợp, năm 2006: 30, năm 2007: 36, năm 2008: 30 trường hợp) hoặc có trường hợp CHV, cán bộ THA vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự [22]

Thứ ba, nguyên nhân do tổ chức thực hiện.

- Những nhức nhối về khiếu tố, can thiệp chưa được pháp luật quy định cụ thể. THADS là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về tài sản

của các bên đương sự. Do vậy, chẳng mấy người tự nguyện THA trừ khi không thể trốn tránh được và những khó khăn, rào cản trong THA vì thế luôn xuất hiện với muôn hình vạn trạng. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp và làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức THA xong, lại bị Toà án, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm liền nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử xong.

Tìm hiểu các vụ việc THADS cụ thể nhận thấy, trong quá trình tổ chức THA cho thấy, nhiều đương sự có điều kiện THA nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện THA, thậm chí có trường hợp còn chống đối quyết liệt, nhiều trường hợp không hiểu trình tự thủ tục THA hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng qui định của pháp luật, nhằm để trì hoãn việc THA. Hoặc nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo, nhưng cơ quan THADS đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thậm chí có trường hợp còn tổ chức tụ tập đông người, gây rối trật tự...

Mặt khác, nhiều trường hợp đang tổ chức THA thì bị Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án cấp dưới và sau đó xét xử lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của các đương sự đối với việc xét xử và THA, khiến họ không an tâm khi thực hiện quyền và nghĩa vụ THA. Rồi cả những bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, có sai lầm hoặc sai sót về số liệu, khi CQTHADS phản ánh thì Tòa án cũng không kịp thời giải thích bản án. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp người phải THA lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm đơn khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án kéo dài, chưa thể thi hành được.

- Bên cạnh đó, mặc dù PLTHADS năm 2004 có quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác THA. Tuy nhiên, những quy định này phần lớn mang tính nguyên tắc, chưa quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ

quan trong công tác phối hợp, một số ít quy định trong những lĩnh vực cụ thể nhưng ở góc độ quản lý cấp trên. Vì vậy, chưa thể tạo thành một cơ chế phối hợp hiệu quả thống nhất trong hoạt động THADS theo đúng nghĩa. Trong quá trình tổ chức THA, các CHV phải luôn sẵn sàng ứng phó với thái độ bất hợp tác của người phải THA, do đó, các CHV cũng rất mệt mỏi khi lại vấp phải sự thiếu thiện chí của các cơ quan liên quan. Việc người phải THA trốn tránh nghĩa vụ, che giấu tài sản,... gần như là đương nhiên. Nhưng đáng nói là việc trốn tránh này có sự bao che, tiếp tay của một số cơ quan liên quan. Ví dụ: Phát hiện người phải THA có tiền trong tài khoản ngân hàng, nhưng khi cán bộ THA đến xác minh để phong tỏa tài khoản thì bị khất, hẹn, đến khi trở lại thì tiền đã được đương sự rút ra. Có khi CHV đang làm việc với lãnh đạo phòng giao dịch ở tầng trên thì ở tầng dưới người phải THA đã kịp đến rút tiền gây trở ngại cho việc THA.

- Thêm vào đó, kinh phí, cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động THA còn hạn chế. Tình trạng thiếu trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động đang là vấn đề bức xúc hiện nay trong công tác THADS, đặc biệt là ở các đơn vị, địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Một phần của tài liệu xã hội hóa thi hành án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 29)