THỰC TRẠNG XÃ HỘI HOÁ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.3.2. Về xác minh thi hành án dân sự
Để tổ chức THA được nhanh chóng và đúng đắn, ngoài việc nắm vững nội dung quyết định bản án, quyết định, nội dung yêu cầu THA của đương sự thì CQTHADS còn phải nắm vững tất cả những vấn đề khác liên quan đến THA dân sự như địa chỉ, tài sản của người phải THA v.v.. Trong THADS, người yêu cầu THA có nghĩa vụ cung cấp cho CQTHADS những thông tin liên quan đến vấn đề đó. Tuy vậy, thực tiễn THA cho thấy trong nhiều trường hợp họ không có điều kiện cung cấp cho CQTHA. Hơn nữa, thông thường người phải THA thường giấu giếm các thông tin về tài sản, thu nhập của họ để trốn tránh việc THA. Trong những trường hợp đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà CHV tiến hành các biện pháp để xác minh các vấn đề THA. Để xác minh địa chỉ của đương sự mặc dù pháp luật không có quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành nhưng trên thực tế CHV thường gặp những người đã từng sống, công tác với đương sự, đại diện chính quyền, tổ chức nơi đương sự đã cư trú, làm việc yêu cầu họ cho biết các thông tin về nơi ở của đương sự. Để xác minh tài sản của đương sự CHV có thể gặp những người sống, công tác cùng đương sự, người
quản lý, bảo quản tài sản cho đương sự và yêu cầu họ cho biết thông tin về tài sản của đương sự... Trong khi đó, việc THA có tác động trực tiếp đến lợi ích của người phải THA nên vấn đề xác minh THA không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là đối với những người phải THA có tư tưởng chống đối, chây ỳ và là người có “máu mặt” thì việc xác minh thật sự rất khó khăn.
THADS về cấp dưỡng là một trong những loại việc khó thi hành, mất nhiều thời gian công sức và không đơn giản để kết thúc nhanh một vụ việc THA. Loại việc này, CHV phải kiên trì, chịu khó và rèn luyện kỹ năng thuyết phục hai bên đương sự hoặc theo dõi thi hành dần hàng tháng, hàng quí. Thực tế, nhiều trường hợp đối tượng phải THA có đủ điều kiện nhưng họ không tự nguyện thi hành, thì CQTHA cũng phải “đợi” và “chờ” đến một năm, hai năm hoặc nhiều hơn nữa… để xác định được số tiền đưa ra thi hành khá mới có đủ cơ sở, điều kiện tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản. Và chỉ có thể kê biên tài sản có giá trị như: Ti vi, xe máy... để khấu trừ số tiền phải THA trong giai đoạn THA đó mà thôi, chứ không thể tiến hành kê biên một tài sản có giá trị lớn (nhà ở, quyền sử dụng đất…) để khấu trừ hết một lần được.. Thế rồi, số tiền cấp dưỡng định kỳ ở giai đoạn kế tiếp cũng phải theo dõi thi hành cho đến khi nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt theo quy định pháp luật mới kết thúc. Chính vì lẽ đó, mà thực tiễn THA đối với loại việc này vẫn tồn tại và kéo dài, khó kết thúc nhanh được vụ việc THA. Để chứng minh cho thấy sự khó khăn và vướng mắc trong thực tiễn THA, tác giả nêu ra một vụ việc đang tổ chức thi hành vào thế “Tiến thoái lưỡng nan” . Đó là việc ly hôn giữa anh Trần Văn Tám và Chị Phạm Thị Loan, được Toà án nhân dân thành Phố H xử cho ly hôn tại Bản án số: 99/HNGĐ-ST ngày 30/7/2003. Chị Loan được nuôi hai cháu (Nga- sinh năm 1997, Tuyết- sinh năm 1999). Anh Tám, phải cấp dưỡng nuôi hai đứa con, mỗi tháng 290.000đ/tháng đến khi hai cháu đủ 18 tuổi.
Quá trình THA, Anh Tám đã tự nguyện thi hành được hai năm đầu, sau đó anh Tám không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa. Nhiều lần cơ quan THA
thuyết phục hai bên đương sự bằng nhiều lời lẽ, vừa động viên vừa giáo dục để Anh Tám ý thức thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ dân sự của mình, nhưng vẫn không tác dụng gì. Cơ quan THA tiến hành xác minh điều kiện THA, thì hiện tại anh Tám đã kết hôn với Chị Huệ và có một ngôi nhà cấp 4 do anh Tám và Chị Huệ đứng tên sở hữu, trong nhà còn có một số tài sản có giá trị như :Ti vi, tủ lạnh… Nói chung là Anh Tám có đủ điều kiện THA, nhưng vẫn không thể tiến hành kê biên được. Nếu kê biên ngôi nhà thì giá trị tài sản của ngôi nhà rất lớn so với số tiền phải THA và lại là tài sản chung của anh Tám và chị Huệ. Còn những tài sản khác, chị Huệ cho rằng là tài sản của chị, mặc dù chúng ta biết là tài sản chung của hai người, nhưng thực tế những loại tài sản điện tử này không quy định đăng ký quyền tài sản và khó xác định được là tài sản của ai? Cho nên, không đủ cơ sở để tiến hành kê biên, còn trả lại đơn yêu cầu lại càng không phù hợp theo quy định pháp luật. Nếu chúng ta tiến hành kê biên ngôi nhà thì lại là vấn đề rắc rối và phức tạp, lý do tài sản đó là tải sản chung và số tiền cấp dưỡng là thi hành dần theo từng tháng và rất ít, nên không thể thi hành khấu trừ một lần được … Đây là một trong những vấn đề phức tạp và khó khăn trong thực tiễn THA về cấp dưỡng. Vì thế, để kết thúc nhanh và đúng quy trình pháp luật đối với loại việc thi hành về cấp dưỡng, CHV thường áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục giữa các bên đương sự tự nguyện thoả thuận thi hành trực tiếp với nhau không qua CQTHA. Có nghĩa là quan hệ cấp dưỡng và được cấp dưỡng chấm dứt tại CQTHA. Hoặc có những vụ việc, CHV vận động bên cấp dưỡng nộp đủ một lần số tiền cấp dưỡng của một giai đoạn cấp dưỡng nào đó, đồng thời thuyết phục bên được cấp dưỡng nhận và thoả thuận từ bỏ quyền lợi được hưởng ở giai đoạn cấp dưỡng tiếp theo (thay vì họ chỉ được nhận số tiền rất ít của hàng tháng dần dần cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng). Có như vậy chúng ta mới có cơ sở đình chỉ và kết thúc nhanh được hồ sơ vụ việc. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản nếu là bất động sản (như quyền sử dụng đất) CHV phải trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với chính quyền địa phương, người dân có đất liền kề, hoặc Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm... yêu cầu các cơ quan trên cung cấp
thông tin liên quan để có thể xác minh một cách chính xác chủ sở hữu của mảnh đất. Nhưng không phải lúc nào yêu cầu đó của CHV cũng được đáp ứng một cách nghiêm túc và đẩy đủ, có trường hợp khi CHV yêu cầu, cơ quan, chính quyền địa phương mượn cớ là hồ sơ “mật” cần chỉ thị cấp trên gây khó khăn cho hoạt động THA. Nhưng vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi xác minh thu nhập của người phải THA, lúc này cơ quan, tổ chức nơi người phải THA công tác sẽ viện dẫn luật điều chỉnh hoạt động của mình để từ chối yêu cầu của CHV. Chính vì những lý do trên mà khi tiến hành xác minh, CHV không thể tiến hành theo những thủ tục thông thường mà phải huy động mọi mối quan hệ quen biết, người thân, thậm chí theo dõi... thì mới có thể biết được tài sản, thu nhập của người phải THA.Trong những trường hợp này, CHV phải cần đến sự trợ giúp của quần chúng nhân dân, hỗ trợ của chính quyền địa phương, có khi CHV còn phải mặc thường phục, giả làm khách qua đường... mới có thể lấy được thông tin từ người dân xung quanh, do tâm lý e ngai, sợ va chạm của họ. Thậm chí, CHV còn phải thuê cá nhân, tổ chức, thám tử tư theo dõi, điều tra người phải THA để xác minh tài sản của đương sự, qua đó có cơ sở buộc họ phải THA.