Vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sơn mài của làng nghề

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững làng nghề sơn mài truyền thống tương bình hiệp tỉnh bình dương (Trang 67 - 72)

Theo kết quả điều tra trên các hộ làm sơn mài thì những cải tiến, thay đổi trong sản xuất so với trước đây là trình độ tay nghề người thợ chiếm 11% trong tổng số những thay đổi, nguyên vật liệu sử dụng là sự thay đổi nhiều nhất chiếm 60%, máy móc thiết bị chiếm 15% và quy trình sản xuất thay đổi 14%.

Hình 2.6. Biểu đồ đánh giá cải tiến trong sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp

Nguồn: Tổng hợp, xử lý số liệu từ phiếu điều tra khảo sát thực tế tháng (5/2012)

Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp được đánh giá trên các yếu tố sau:

- Phân bố sản xuất - Lao động

- Về vốn và nguyên vật liệu sản xuất - Công nghệ sản xuất, mẫu mã - Thị trường tiêu thụ

2.5.1.1. Phân bố sản xuất

Đa số các cơ sở sản xuất sơn mài tại các hộ gia đình và nằm tập trung tại xã Tương Bình Hiệp với quy mô cá thể và có các đặc điểm chung như các làng nghề truyền thống hiện nay:

- Các cơ sở sản xuất nhỏ xen lẫn khu dân cư hoặc tập trung thành cụm

- Không có ranh giới rõ rệt giữa khu sản xuất và khu sinh hoạt tại cơ sở, hầu hết các cơ sở sản xuất cũng là nhà ở

- Chính sự phân tán, tự phát, quy mô nhỏ là một yếu tố làm hạn chế việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, trạm điện, cấp thoát nước...) và đặc biệt là khó khăn trong việc quản lý chất thải (xử lý, thu gom) để giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường...

- Cơ sở sản xuất cũng là nơi sinh hoạt của gia đình. Vì vậy, các chất thải trong quá trình làm sơn mài gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, ung thư…

2.5.1.2. Lao động

Về tình hình nguồn nhân lực sản xuất sơn mài tại Tương Bình Hiệp: - Thiếu lao động có tay nghề

- Trình độ tay nghề chênh lệch - Ít thu hút lực lượng lao động trẻ

- Lao động ngoài địa phương có phần gia tăng

Nguyên nhân của tình trạng thiếu lao động có tay nghề là do việc đào tạo nguồn nhân lực trong những năm qua còn hạn chế nên nhu cầu lao động không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài.

Trong số những thay đổi liên quan đến sản xuất sơn mài thì thay đổi về trình độ tay nghề người thợ so với trước đây chiếm 11%. Hiện nay, chủ yếu là sử dụng nguyên liệu hóa chất có sẵn, quy trình rút ngắn hơn, mẫu mã chủ yếu làm theo nhu cầu thị trường nên sự sáng tạo của người thợ giảm bớt, số thợ có khả năng thực hiện những sản phẩm có độ tinh xảo giảm đi.

Trình độ tay nghề khác nhau giữa mỗi người thợ, thiếu công nhân lành nghề được đào tạo toàn diện, thiếu nghệ nhân, thường nghề qua kinh nghiệm và tự học

hỏi. Việc này dẫn đến nguồn lao động không đồng đều trong ngành sản xuất, chưa khai thác hết năng suất lao động tại địa phương, tay nghề non dẫn đến việc hao phí trong sử dụng nguyên nhiên liệu.

Theo khảo sát thì nguồn thợ địa phương giỏi bớt dần, họ đi tìm những nghề khác lương cao hơn như thợ hồ, làm công nhân trong nhà máy hoặc đi làm ăn xa, một số thợ lớn tuổi đã nghỉ việc. Hiện nay để có nguồn thợ ổn định, các doanh nghiệp đã phải tăng lương cho phù hợp với giá cả hiện tại và tuyển thợ học nghề từ các địa phương khác đến, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì ngành sơn mài yêu cầu người thợ cần có sự gắn bó với nghề, đầu tư cho việc nâng cao tay nghề nhưng việc này đòi hỏi thời gian khá lâu, vì vậy, hiện nay ít người có khả năng đáp ứng. Do đó, có những đơn hàng mà doanh nghiệp không dám nhận vì không đủ thợ có tay nghề khá, giỏi.

Mặc khác, điều này dẫn đến thiếu hụt lao động ổn định của địa phương, có phần khó khăn cho việc quản lý tình hình xã hội, đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng khi thành phần lao động ngoài địa phương tăng lên.

2.5.1.3. Về vốn và nguyên liệu cung cấp cho làng nghề

 Về vốn

Hiện nay các cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ, các cơ sở này muốn mở rộng sản xuất thì phải cần có vốn, nhưng hầu hết tài sản tại cơ sở không đủ tính pháp lý để thế chấp, nên việc vay vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế. Theo kết quả phỏng vấn các hộ sản xuất sơn mài thì mặc dù có chính sách cho người làm sơn mài vay vốn ngân hàng nhưng chế độ ưu đãi không có, ví dụ: khi đi vay vốn thì người làm sơn mài vẫn chịu một mức lãi suất cao nên việc đầu tư cho sản xuất và lắp đặt hệ thống xử lý là khá khó khăn.

 Nguyên liệu sử dụng

Nguyên liệu sử dụng trong ngành sơn mài trước dây là sơn Phú Thọ - Nam Vang, hiện nay hầu hết đã được thay thế bằng các loại sơn hóa chất, sơn hạt điều, sơn Nhật, sơn Tây pha với dung môi, keo bóng, màu vẽ pha dung môi…Nhằm rút ngắn thời gian hoàn tất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với vốn sản xuất.

Từ giữa năm 2010 đến nay, giá cả nguyên liệu tăng cao hầu hết vật tư để sản xuất đều phụ thuộc vào giá xăng dầu như các loại sơn, keo…, ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm. Cụ thể giá vật tư đầu vào từ đầu năm 2010 đến nay đã tăng từ 25-30%, có vài loại tăng giá đến 40%, giá 1 cal sơn hạt điều 10kg đầu năm 2010 là 233.000 đồng thì hiện nay là 300.000 đồng (tăng 34%), giá 1kg keo PU bóng đầu năm 2010 là 65.000 đồng thì hiện nay là 95.000 đồng (tăng 45%).

Để đảm bảo cho thị trường tiêu thụ thì nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng các loại sơn, keo không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh thị trường. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất sơn mài.

2.5.1.4. Công nghệ sản xuất – mẫu mã

Hiện nay, các cơ sở sơn mài sử dụng công cụ sản xuất thủ công truyền thống hoặc một phần máy móc, trong quá trình sản xuất sơn mài, máy móc chỉ đóng vai trò phụ trợ cho người lao động vì hầu hết các khâu yêu cầu phải thực hiện thủ công. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ví dụ: máy hơi để thổi sơn, keo, máy mài nước, máy đánh bóng được sử dụng khi làm các sản phẩm có hình khối đơn giản, các máy này được người dân tự độ chế và lắp đặt cho phù hợp với tính chất công việc và tăng năng suất. Máy móc thường được người dân cải tiến từ các máy cũ và không chuyên dụng cho ngành sơn mài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn và vệ sinh môi trường. Những yếu tố này dẫn tới hậu quả là hoạt động sản xuất tiêu hao nhiều nhiên nguyên liệu, làm tăng phát thải các chất ô nhiễm môi trường.

Về mẫu mã đa số mẫu sao chép từ các mẫu truyền thống, ít có sự sáng tạo, hay sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng. Các cơ sở eo hẹp về vốn và đầu ra cho sản phẩm nên chưa đầu tư nhiều trong việc tìm tòi mẫu mã, sản xuất tích trữ sản phẩm, một phần là do trình độ tay nghề của người thợ và số thợ giỏi ít đi.

Các mặt hàng chủ yếu là về sơn mài ứng dụng, sơn mài trang trí như bình, hũ, hộp, khay, lọ, án gió, bàn ghế, tranh ảnh…

2.5.1.5. Thị trường tiêu thụ

Chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, một phần thị trường nước ngoài như Châu Âu, Mỹ, Thái Lan… Đầu ra là do người dân tự nghiên cứu và tìm kiếm vì vậy, có một số vấn đề sau:

- Thiếu sự liên kết, hợp tác: Hầu hết là các cơ sở vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, nên luôn xảy ra tính cạnh tranh mua bán, sao chép mẫu mã, vì vậy gây khó khăn khi khách hàng đặt hàng với số lượng nhiều.

- Nghiên cứu thị trường chưa đồng bộ, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng phụ thuộc nhiều vào trung gian, môi giới, kế hoạch sản xuất không ổn định. - Các sản phẩm sơn mài phần lớn được tiêu thụ qua cơ sở môi giới, thu mua.

Khi bán hàng thông qua các ông chủ nhỏ, tiền công cho mỗi sản phẩm sẽ rất thấp, do vậy lợi nhuận thu được không cao trong khi giá chi phí đầu vào cho sản xuất ngày một tăng.

Theo Trưởng Hiệp Hội làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp – ông Thái Kim Điền thì sản phẩm sơn mài hầu hết là do các cơ sở tự tìm thị trường ngoài tỉnh vì vậy kim ngạch xuất khẩu cho lĩnh vực này đối với ngân sách của tỉnh là khó thống kê được nên vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sơn mài chỉ được xem xét và thống kê sơ lược và chưa có con số cụ thể đầu vào và đầu ra sản phẩm. Vì vậy, việc bổ sung thêm ngân sách cho môi trường làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cũng tương đối khó khăn.

Năm 2006, chỉ tính riêng 6 ấp sản xuất chính tại xã, nghề sơn mài đã thu hút 1015 hộ tham gia sản xuất chiếm 38,68% tổng số hộ tại địa phương. Giá trị sản phẩm của ngành nghề sơn mài đạt 25,5 tỷ đồng, chiếm 67,46% tổng giá trị sản xuất của địa phương.

Theo cán bộ phụ trách TTCN xã Tương Bình Hiệp - Ông Hồ Minh Thương cho biết: Năm 2007, toàn xã có 1.003 hộ làm nghề sơn mài, đến năm 2011 giảm còn khoảng 900 hộ với trên 3.000 lao động. Mỗi năm làng nghề xuất khẩu đạt kim ngạch gần một triệu USD. Năm 2008, xã Tương Bình Hiệp được tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống, được hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề sơn mài, tổ chức hội chợ, hội thảo để đưa sản phẩm tiếp cận rộng với thị trường. Trong năm

2010 tình hình sản xuất kinh doanh sơn mài điêu khắc có nhiều khả quan hơn năm 2009, các doanh nghiệp có được nhiều đơn hàng hơn, tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn chưa mấy cải thiện, trước mắt làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả nguyên liệu tăng mạnh.

Trước tình hình thực tế của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp như vậy, cần phải có giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề môi trường hiện tại và hướng đến mục tiêu phát triển làng nghề bền vững trong tương lai.

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững làng nghề sơn mài truyền thống tương bình hiệp tỉnh bình dương (Trang 67 - 72)