Để hoàn thành một sản phẩm sơn mài cần phải thực hiện 6 bước cơ bản, trong mỗi bước gồm nhiều khâu nhỏ, một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh trải qua khoảng hơn 20 khâu nhỏ. Các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Mộc
Thực hiện cốt mộc (Từ trong nghề gọi là xác mộc)
Công đoạn này tạo ra các hình dạng khác nhau như: bình hoa, hũ, hộp, tủ, bàn, ghế… Có thể làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như: MDF, gỗ, nhựa poly, nhựa PVC, nhôm, gốm, tre, vải hoa, giấy bột ép…
Công đoạn xử lý cốt mộc
Nếu cốt là MDF, bột giấy ép, tre thì cần xử lí keo chống thấm nước.
Bước 2: Hom (công đoạn quét sơn đầu tiên)
Dùng bột thạch cao trộn đều với sơn chiết xuất từ hạt điều, sau đó dùng cọ (thép) quét (hom) sơn lên sản phẩm ít nhất 3 lần. Mỗi một nước sơn sẽ khô trong vòng 1 đến 2 ngày, người thợ sẽ dùng giấy nhám chà cho liền mạch sơn mới tiếp tục quét nước sơn thứ 2, làm tương tự tới nước sơn thứ 3.
Đối với tranh cẩn ốc chìm thì qua một lớp sơn hom, mài phẳng ra. Sau đó chuyển qua cho thợ ốc. Miếng ốc ban đầu khá to thô, sần sùi và có mùi tanh. Miếng
ốc này sẽ được mài nhẵn khi đưa qua một máy mài ốc có phần phun nước để rửa sạch miếng ốc. Người thợ sẽ cưa ốc theo hình dáng cần tạo và gắn lên bức tranh kết dính bằng keo sình, để miếng ốc dính chặt vào tranh thì ốc được ép lại bằng máy. Sau đó tiến hành hom nước sơn tiếp theo, rồi mài khô ra, cứ như vậy cho đủ 3 nước sơn nữa để sơn được phủ đều.
Sau khi hom xong đem mài tại hồ nước bằng giấy nhám nước cho liền, phẳng, sau đó dựng cho ráo nước và khô.
Bước 3: Sơn lót
Dùng sơn dầu nhựa điều pha loãng với dầu hỏa hoặc xăng chạy xe khuấy đều. Dùng cọ hoặc phun sơn để sơn lót với mục đích sơn cho đều, liền lạc, nếu dùng cọ quét thủ công thì pha với dầu hỏa để hỗn hợp bay hơi chậm, nếu dùng máy thì pha bằng xăng, hỗn hợp sẽ lỏng hơn, nhanh bay hơi hơn. Sau 1 đến 2 ngày nước sơn khô, tiếp tục mài nhám tại hồ mài để sạch bụi dơ và tạo độ phẳng, quy trình này được lặp lại thêm 1 đến 2 lần nữa, công đoạn sơn lót này sẽ làm cho sơn lỏng rút vào sơn hom tạo ra nền cứng, liền mạch các lỗ nhỏ li ti. Đối với tranh cẩn ốc phải dùng đá mài cho thẳng ốc mới sơn lót.
- Đối với các sản phẩm vẽ
Sau khi qua 3 lần sơn lót sẽ tiến hành vẽ hay làm phong, nếu khách hàng yêu cầu đắp bạc thì tiến hành đắp lá bạc nhỏ lên.
Làm phong, thổi màu cho sản phẩm dùng sơn thơm công nghiệp như sơn TOA hoặc sơn Expo v.v… pha loãng bằng xăng thơm và phun đều lên sản phẩm.
Nếu muốn dán lá bạc dùng sơn dầu Bạch Tuyết pha loãng với dầu hôi hoặc xăng chạy xe quét đều lên sản phẩm hoặc phun sơn chờ vừa khô rồi dán lá bạc vào
Bước 4: Sơn bóng
Sau khi đã hoàn tất công đoạn sơn lót, các lỗ nhỏ li ti đã liền mịn cũng như đã được làm phong, hay cẩn ốc, đắp bạc theo yêu cầu, sau đó sẽ tiến hành sơn bóng. Hiện nay các cơ sở dùng phổ biến loại sơn nhựa điều bóng pha loãng với dầu hôi hay sơn keo PU pha loãng với xăng thơm, sơn cánh gián, polycashew đen của Nhật
sản xuất, 2K, dầu bóng, những loại keo bóng dùng trong sơn xe hơi….người thợ có thể dùng nhiều loại keo bóng khác nhau.
Cũng như những công đoạn sơn khác, nếu làm bằng tay thì dùng cọ thép, sử dụng máy móc thì thổi pitule. Sau khi sơn bóng được thổi đều lên sản phẩm, để sơn khô trong khoảng 1 đến 2 ngày, tiếp tục mài nhám tại hồ mài. Tiến hành lặp lại 3 lần để tạo độ bóng đẹp cho sản phẩm, sau đó dựng cho khô ráo. Tuy vậy, sản phẩm vẫn còn những bụi dơ, độ nhăn của sơn keo.
Bước 5: Mài quang – đánh bóng
Bột chu (có độ ma sát) pha với chút nước thoa lên mặt bóng, dùng máy đánh bóng hoặc môtơ có gắn mus mịn chà sản phẩm cho bóng đều là được. Sau khi đánh bóng sản phẩm sẽ sạch, phẳng, nhưng sẽ bị mờ, sau khi đánh bóng xong ta có thể dùng nước để rửa, lau sạch bột chu còn dính trên mặt.
Bước 6: Lau dầu
Dùng bass đánh bóng hoặc thoa dầu bóng và lau đều, lấy vải mịn lau cho sản phẩm bóng hơn, trơn mịn hơn để khỏi bám bụi; loại dầu thường dùng là Turtlex wax, Carwass dùng cho xe hơi.
Bước 7: Đóng gói sản phẩm
Sản phẩm được đóng gói trong các thùng carton có lót một lớp muss mỏng để bảo vệ sản phẩm khỏi vỡ, nứt, trầy xước.