Sự kiện Mậu thân 1968 và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 38 - 43)

7. Bố cục của Luận văn

1.4. Sự kiện Mậu thân 1968 và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Việt Nam

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 do quân Giải phóng tiến hành nổ ra khắp miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã và các căn cứ quân sự của đối phương. Đây là một sự kiện gây chấn động thế giới và có tác động mạnh mẽ đến tình hình cuộc chiến cũng như mối quan hệ VNCH - HK.

Sau thất bại nặng nề trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 - 1967, Mỹ tiếp tục tăng quân lên 525.000 người, đưa tổng số quân tham chiến lên 1,2 triệu người. Chúng chủ trương tiếp tục cuộc phản công chiến lược mùa khô tiếp theo (1967 - 1968) vào Đông Nam Bộ, nhưng mới bắt đầu hành quân thì Mỹ phát hiện phía quân Giải phóng có sự di chuyển lớn vào các hướng quan trọng trên chiến trường miền Nam nên đã hủy bỏ kế hoạch phản công đó, rút lực lượng về chốt giữ những vùng chiến lược quan trọng. Mặc dù dự đoán trước sẽ có cuộc tiến công lớn của LLCM, nhưng quân Mỹ và VNCH không thể phán đoán được chính xác thời gian và địa điểm. Cuộc tiến công đồng loạt nổ ra vào

đêm 30 Tết Mậu Thân (ngày 30 tháng 1 năm 1968) trên khắp các đô thị miền Nam. Ngay đêm đầu tiên, các mục tiêu chiến lược ở Sài Gòn đã bị tiến công như: Toà Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống, Đài phát thanh, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... VNCH và đồng minh HK hoàn toàn bất ngờ, bị động trước cuộc tấn công này. Chính sự bất ngờ đó cho thấy 3 năm “tìm - diệt” của quân lực VNCH và HK đã không đạt được hiệu quả.

Có thể nói “Cuộc tiến công Tết 1968 là sự phát triển phức tạp và quan trọng nhất của chiến tranh Việt Nam”[76, tr.337]. Đối với LLCM, cuộc Tổng tiến công đó đã gây tiếng vang lớn, đạt được một lợi thế khá quan trọng trong cuộc chiến tranh, nhằm tới dư luận và chính giới Mỹ. Nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn cho rằng đó là một cú đánh mạnh làm tan vỡ các “khả năng chính trị”, buộc HK xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán. Còn với HK, sự kiện Mậu Thân đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm nước Mỹ căng thẳng, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội... trong khi tương lai cuộc chiến ở Việt Nam (nơi mà Mỹ đã tốn sức người và đô- la) chưa biết biết đến bao giờ mới có hồi kết. Chi phí và tổn thất của Mỹ cho cuộc chiến này quá lớn, Washington tìm mọi lý lẽ để lừa dối Quốc hội và công chúng về những chi tiêu thực sự, do đó, họ cũng đã tự dối chính mình vì không còn làm chủ được đồng tiền, nền kinh tế mất cân đối: “Đơn đặt hàng quân sự và các hợp đồng tăng gấp đôi giữa năm 1965 và 1967, chi tiêu cho chiến tranh ghi trong ngân sách đã tăng từ 5,8 tỷ đô-la năm 1966 lên 20,1 tỷ năm 1967 và 26,5 tỷ năm 1968”[76, tr.325]. Sự hoài nghi đó đã đưa nhiều người Mỹ đi đến kết luận: HK không thể thắng trong cuộc chiến này. Nhiều chính trị gia trong Quốc hội gây sức ép lên Chính phủ, đòi xem xét lại cam kết trong cuộc chiến, huỷ bỏ uỷ quyền cho Chính phủ tiến hành chiến tranh mà không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng.

Sự kiện Mậu thân đã có tác động to lớn và mạnh mẽ đến tâm lý của dân chúng Mỹ. Khi các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ mô tả về tình hình chiến trận tại Nam Việt Nam đã làm cho nhiều người Mỹ tin rằng chính phủ

đang lừa dối họ. Thay cho khả năng giành thắng lợi về quân sự trong một tương lai gần thì chiến tranh ngày càng tiêu hao sức mạnh tinh thần binh lính và vật chất của nước Mỹ. Dân chúng Mỹ càng nổi giận khi sự thật về cuộc chiến bị Chính phủ bưng bít mà với đa số người dân cho đó là hành động trái đạo lý. Các phóng viên, nhà báo đã đưa ống kính vào tình cảnh của Nam Việt Nam về cuộc tiến công vào Sứ quán HK, Dinh Tổng thống… Dư luận HK mất kiên nhẫn và tin tưởng; phong trào phản chiến ngày càng lên cao, đòi chấm dứt chiến tranh và đưa quân về nước. Một mặt, dân chúng Mỹ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội; mặt khác, các hành động bạo lực mất nhân tính được trình chiếu trên kênh thông tin đánh vào lương tâm người Mỹ, họ coi chiến tranh là bẩn thỉu… Johnson hiểu rằng, thực tế, cho dù HK có thắng lợi về quân sự đi nữa thì, việc VNDCCH đang đánh vào tâm lý của chính công dân Mỹ cũng đã tác động vào “phong trào phản chiến” đang trên đà phát triển và lan rộng. Chính phủ HK càng bối rối hơn bởi ngoài những vấn đề trên chiến trường cách xa hàng ngàn dặm, giờ đây, nhà cầm quyền Mỹ còn phải lo đối phó với một “cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ”.

Đây là thời kỳ Nam Việt Nam được sự cung ứng dồi dào về vũ khí và đô-la từ Mỹ và quan hệ VNCH - HK đạt tới đỉnh cao trên tất cả các mặt, đặc biệt là kinh tế và quân sự. Nhưng thực tế, tình hình chiến cuộc ở Nam Việt Nam đã cho thấy nếu không nói là một thất bại thì nó cũng không hề có một chiến thắng nào xứng đáng với sự huy động về trang bị vũ khí, binh lực của HK cho VNCH... Tết Mậu Thân là một “quả đấm mạnh” đối với các chính trị gia Nam Việt Nam và HK, tạo nên sự bất hòa chia rẽ quan điểm trong giới lãnh đạo. Tổng thống Johnson và các cố vấn hàng đầu buộc phải xem xét lại mối quan hệ, đặc biệt là các cam kết giữa hai bên HK - VNCH. Họ thoái chí đi đến kết luận không thể tăng quân thêm nữa theo yêu cầu của giới quân sự mà phải xuống thang chấp nhận đàm phán chấm dứt ném bom miền Bắc.

Ngày 30 - 3 - 1968, tướng Westmoreland đến Sài Gòn để phổ biến chủ trương của chính phủ Mỹ: Bỏ chiến lược “tìm - diệt và bình định”, thay thế bằng

chiến lược “quét và giữ”. Đây được xem là chiến lược có “chiều sâu”: “Giữ” là giữ các vị trí chiến lược quan trọng, giữ cho quân Mỹ không bị thiệt hại nặng, giữ cho quân VNCH không bị sụp đổ; “quét” cũng là để “giữ”. Cùng đó, quân đội VNCH sẽ thay thế dần quân đội Mỹ trên toàn chiến trường và giữ vai trò chính; tính chất chiến tranh ở Việt Nam sẽ nặng về chống du kích, các cuộc hành quân quy mô lớn sẽ giảm. Thực chất đó là chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh, thay cho chủ trương “Mỹ hóa” chiến tranh (Chiến tranh cục bộ) của Johnson đã thất bại ở Việt Nam.

Tiểu kết

Từ năm 1954 đến 1968 là thời kỳ mở đầu cho quá trình can thiệp trực tiếp của HK vào nội bộ của Nam Việt Nam. Bắt đầu bằng việc gạt bỏ Pháp, Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng với Diệm phá bỏ Hiệp định Genève, lập ra Quốc gia riêng biệt thân Mỹ làm “chiến tuyến chống Cộng” nhằm “ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản”. Từ đây, mối quan hệ VNCH - HK được hình thành và xác lập.

Thời kỳ này Mỹ bắt đầu viện trợ trực tiếp cho VNCH về quân sự lẫn kinh tế, đặt nền móng cho quan hệ VNCH - HK, tạo đà cho sự dính líu của Mỹ ngày càng sâu vào chiến tranh Việt Nam. Việc nhận viện trợ Mỹ của VNCH đã dần biến họ trở thành kẻ phụ thuộc không những về quân sự, kinh tế mà kèm theo cả vấn đề chính trị. Những biến động ở chính trường Sài Gòn trong những năm 60 đã minh chứng cho điều đó.

Trong hơn một thập kỷ, mối quan hệ VNCH - KH chỉ mới bắt đầu nhưng cũng đã có không ít vấn đề và những bước thăng trầm. Ở giai đoạn hình thành và phát triển, mối quan hệ này rất cần để xây đắp cho chính sách “ve bờ chống Cộng”, nhằm hướng tới những vấn đề mang tính “chiến lược” cần cho sự tồn tại lợi ích của mỗi bên, nên những mâu thuẫn giữa đồng minh VNCH và HK chưa đến mức độ nghiêm trọng và vẫn được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, sự thất bại lần lượt của hai chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ, đặc biệt là sự kiện Mậu Thân đã tạo nên bước ngoặt mới trong quan hệ VNCH và HK. HK phải thay đổi chiến lược bằng cách tiến hành các đợt rút quân về nước, cắt giảm dần viện trợ và chuyển giao dần trách nhiệm cho VNCH. Sau sự kiện Mậu Thân, quan hệ VNCH - KH bước sang một giai đoạn khác - giai đoạn Mỹ giảm dần và tiến tới chấm dứt sự dính líu ở MNVN.

Chương 2

QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA – HOA KỲ TRONG THỜI KỲ “VIỆT NAM HÓA” CHIẾN TRANH (1969 - 1973)

2.1. Phi Mỹ hóa, “Việt Nam hóa” chiến tranh và sự rạn nứt trong quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ

Năm 1967, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên nhiếp chính, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng triền miên về lãnh đạo ở chính trường miền Nam và bắt đầu nền Đệ nhị Cộng hòa. Từ đó cho đến khi Nixon trúng cử tổng thống HK, mối quan hệ Sài Gòn - Washington được được viết lên không chỉ bằng hai bộ máy chính quyền mà ở đó còn ghi dấu ấn sâu sắc quan hệ cá nhân của hai Tổng thống Thiệu - Nixon.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)