Sự kiện Buôn Ma Thuột và cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 94 - 98)

3.1 .Tình hình sau Hiệp định Paris

3.3. Sự kiện Buôn Ma Thuột và tác động của nó đối với quan hệ Việt Nam

3.3.1. Sự kiện Buôn Ma Thuột và cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên

Đầu năm 1975, quân Giải phóng quyết định chọn Tây Nguyên nơi mà đối phương có nhiều sơ hở nhất để mở đầu kế hoạch Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam. QLVNCH tập trung phần lớn lực lượng ở Vùng I Chiến thuật (phía Bắc đèo Hải Vân) và Vùng III Chiến thuật (quanh Sài Gòn) nên Vùng II Chiến thuật, đặc biệt là ở Tây Nguyên, lực lượng khá mỏng. Hơn nữa chính quyền Sài Gòn cho rằng ở Tây Nguyên thì Bắc Tây Nguyên, nhất là thị xã Kon Tum mới là nơi dễ bị LLCM tấn công nhất nên chủ yếu tập trung phòng thủ ở đó.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột được chọn làm trận then chốt mở màn. Để thực hiện chiến dịch, “bên cạnh các sư đoàn 320, 10, và 968 đóng sẵn ở Tây Nguyên, cuối tháng 12 năm 1974, Bộ Tổng tư lệnh Quân

đội Nhân dân Việt Nam điều thêm 316 lên Tây Nguyên, đưa lực lượng tại đây lên bốn sư đoàn, cùng với bốn Trung đoàn bộ binh 25, 29B, 271, 95A, Trung đoàn đặc công 198; hai Tiểu đoàn đặc công 14, 27; hai Trung đoàn pháo binh 40, 675, Trung đoàn tăng thiết giáp 273, ba Trung đoàn phòng không 232, 234, 593; hai Trung đoàn công binh 7, 575 và Trung đoàn ô tô vận tải...”[16, tr.205]. Ngoài ra, sư đoàn 3 của Quân khu 5 tại Bình Định đánh chia cắt Đường 19 và tấn công sư đoàn 22 QLVNCH không cho ứng cứu để phục vụ trực tiếp chiến dịch này.

Tại Tây Nguyên, lực lượng phòng thủ của VNCH gồm có Sư đoàn 23 Bộ binh (gồm 3 trung đoàn 44, 45, 53), bảy liên đoàn biệt động quân (tương đương 10 trung đoàn), 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân số 6, ngoài ra còn các tiểu đoàn bảo an đồn trú. Do phán đoán sai, cho rằng vùng Bắc Tây Nguyên là nơi sẽ bị đánh đầu tiên, nên hầu hết lực lượng của họ bố trí tại Bắc phần Tây Nguyên để bảo vệ các thị xã Pleiku và KonTum trong khi Nam phần với thị xã Buôn Mê Thuột có vai trò trụ cột phòng thủ Tây Nguyên lại chỉ có sở chỉ huy Sư đoàn 23, một trung đoàn số 53, hai chi đoàn thiết giáp, hai tiểu đoàn pháo binh, 3 liên đoàn bảo an, và Liên đoàn biệt động quân 21, Trung đoàn 8 Thiết giáp, Trung đoàn 222 pháo binh, căn cứ Trung đoàn 45 bộ binh. Tổng số quân khoảng 8.400 người.

Nếu so sánh tương quan lực lượng, QLVNCH nhiều hơn quân Giải phóng nhưng do phần lớn tập trung phòng thủ ở Bắc Tây Nguyên nên tại điểm quyết chiến Buôn Ma Thuột, lực lượng đối phương rất mỏng, tỉ lệ: bộ binh 5:1, thiết giáp 2:1, pháo lớn 2:1.

LLCM chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghi binh để đánh lạc hướng quân VNCH. Sư đoàn 968 có nhiệm vụ nghi binh ở Kon Tum và Pleiku, giả làm Sư đoàn 10. Một “sở chỉ huy” giả của sư đoàn 320 đặt tại phía Tây Pleiku liên tục phát tín hiệu radio liên lạc, tướng Phạm Văn Phú - tư lệnh Quân đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật tin rằng sư đoàn 320 vẫn đóng tại đây. Trong khi đó hai sư đoàn 320 và 10 từ Bắc Tây Nguyên, Sư đoàn 316 từ miền Bắc bí mật tiến về khu vực Buôn Ma Thuột. Cho đến cuối tháng 2, CIA tại Sài Gòn vẫn chưa biết gì về

việc tập trung quân của LLCM tại Nam Tây Nguyên mà vẫn đoán rằng mục tiêu tấn công tiếp theo là ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Những hành động nghi binh của LLCM đã làm phía VNCH nhầm tưởng, ngay cả CIA ở đó cũng không phán đoán được tình hình. Những người phân tích tình hình của CIA sau này thú nhận rằng: “Mưu mẹo này đã đánh lừa được tất cả chúng tôi. Nó dẫn đến những hậu quả nguy hại của chế độ Sài Gòn”[58, tr.841]. Ngay cả khi tướng Phạm Văn Phú chỉ thị cho Bộ Tham mưu Quân đoàn II lần ra dấu vết của quân Giải phóng thì với cách đánh nghi binh ở hướng Pleiku - Kon Tum, tướng Phú không hề biết những lực lượng đã triển khai quanh vùng Buôn Ma Thuột: “Chúng tôi, (CIA và DAO ở Sài Gòn) lại càng không biết Bắc Việt chuẩn bị một bước mới của chiến dịch mùa khô, nhưng không ai quan tâm đến những tin tức về cuộc chuyển quân của họ xuống phía Nam cao nguyên, không ai dự đoán được mục tiêu chính của Bắc Việt nhằm vào hướng Nam này. Người ta dự kiến rằng, trong những tuần tới, chỉ có những biến đổi nhỏ ở các tuyến phòng thủ Nam Việt Nam…”[58, tr.841]. Vậy là CIA đã để lọt ngoài tầm mắt cả ba điều cần biết về đối phương: lực lượng, mục tiêu và quy mô tiến công. Frank Sneep - một cựu quan chức CIA thú nhận: “Có một điều quan trọng mà tôi không thể nào mò ra được: mục tiêu tiến công đầu tiên của cộng sản là ở đâu?. Tôi chú ý đến những cuộc chuyển quân không bình thường ở phía Tây và phía Bắc Buôn Ma Thuột, nhưng thật thảm hại là tôi không dám nghĩ tới tình hình xấu nhất có thể xảy ra. Đáng lẽ phải nói tới một trận đánh thẳng vào thành phố (Buôn Ma Thuột), tôi lại phán đoán rằng cộng sản chỉ cố gắng bao vây cô lập nó bằng cách cắt đứt các đường giao thông trong vùng mà thôi. Hiển nhiên, đây là một sai lầm rất lớn của tôi, một sai lầm do sự dốt nát nhiều hơn là vô ý thức…”[58, tr.842].

Cứ đinh ninh rằng mục tiêu tiến công đầu tiên của đối phương là Bắc Tây Nguyên nên tướng Phú không nghĩ đến việc tăng cường phòng thủ Buôn Ma Thuột. Phần lớn lực lượng đã bị thu hút lên hướng Pleiku - Kon Tum. Việc điều động lực lượng đối phó chỉ diễn ra sau khi Buôn Ma Thuột bị tấn công.

Sau khi mất Ban Mê Thuột, tướng Phạm Văn Phú liền đưa hai Trung đoàn 44 và 45 còn lại của Sư đoàn 23 Bộ binh VNCH về tái chiếm lại hậu cứ của mình. Việc quân Giải phóng cắt đường 14 đã không cho phép QLVNCH phản kích đi đường bộ, với số lượng lớn và vũ khí nặng, họ phải trực thăng vận trong hai ngày (12 và 13 tháng 3) xuống khu vực Phước An. Tại đó, Sư đoàn 10 của quân Giải phóng đã chờ sẵn và tấn công các lực lượng ứng cứu chưa kịp đứng chân. Các lực lượng này chưa hề có hành động phản kích nào mà đã phải lo bảo vệ mình và bị đẩy lùi xa dần khỏi Ban Mê Thuột và cuối cùng bị đánh tan tại Chư Cúc ngày 18 tháng 3.

Những tin tức đầu tiên từ Cao nguyên vọng về khiến Thiệu và chính quyền Sài Gòn bàng hoàng. Thiệu vội vàng họp các tướng và phân tích vị trí quan trọng của Buôn Ma Thuột rồi đi đến kết luận: Nếu bị mất, thành phố này cần phải được chiếm lại ngay.

Buôn Ma Thuột đã thất thủ, Thiệu vẫn còn quan tâm đến phản ứng của HK, đó là lẽ đương nhiên của vị tổng thống VNCH khi ông ta đứng trước mỗi thử thách. Trong khi đó, đại sứ Martin đang nghỉ ngơi nơi quê nhà sau thất bại trong cuộc vận động viện trợ ở Quốc hội, Tổng thống G.Ford vẫn im hơi lặng tiếng, ngoại trưởng Kissinger đang bận rộn với hoạt động ngoại giao giữa các thủ đô châu Phi - Trung Đông. Trước đó, với sự kiện Phước Long, Mỹ đã không có phản ứng, giờ đến Buôn Ma Thuột Sài Gòn vẫn tiếp tục hi vọng và mong chờ ở người bạn đồng minh HK. CIA bị chỉ trích không giúp đỡ cho Bộ tổng tham mưu VNCH phán đoán đúng mục tiêu, rồi khi bị tấn công họ lại im hơi lặng tiếng. Trong bối cảnh đó, một tin không hay đã lọt vào Dinh Độc Lập: người Mỹ đang tập trung lo chuẩn bị di tản người của họ ở Cao Nguyên hơn là có hành động thiết thực giúp chính quyền Sài Gòn đối phó với tình hình. Nguyễn Văn Thiệu cảm thấy một cách chua chát rằng chính quyền của ông ta không thể trông chờ gì người Mỹ trong những ngày nóng bỏng này. Sự rạn nứt trong quan hệ VNCH - HK tiếp tục bị khoét sâu thêm.

Khi mới hay tin Buôn Ma Thuột bị tấn công, Thiệu nhất quyết hạ lệnh giữ bằng được địa bàn này, giờ đây sau hồi phân tích lui tới, Thiệu quyết định:

“bỏ những vùng phi sản xuất và một phần đất của quân khu I và II để tập trung lực lượng về những địa bàn có ích nhất”[58, tr.846]. Đó là chiến lược co cụm để giữ vững chắc vùng chung quanh Sài Gòn khi không thấy động tĩnh gì từ phía HK. Thiệu mỉa mai, chua chát thừa nhận: Không nên trông chờ ở ông bạn Đồng minh HK. Chắc chắn họ không phản đối việc co cụm lực lượng, không phản đối và cũng không động lòng nếu phía Sài Gòn trao đổi với họ về một vấn đề có tầm quan trọng như vậy. Sau nhiều tính toán, Thiệu có một quyết định định mệnh: “Chúng ta sẽ bỏ Cao Nguyên. Cuộc rút lui sẽ bắt đầu từ hai thành phố Playku và Kon Tum… Rút lui như vậy là hợp lý và cần thiết. chúng ta sẽ giải thoát được lực lượng ở Cao Nguyên đưa về giữ ở vùng duyên hải Trung phần… Mọi vấn đề phải được định đoạt từ Buôn Ma Thuột”[58, tr.848].

Sau này, người ta cho rằng kết cục cuộc chiến bắt đầu từ Buôn Ma Thuột, hay đúng hơn, mọi hậu quả đến dồn dập sau quyết định chiến lược sai lầm của Thiệu khi được tin Buôn Ma Thuột thất thủ. Thiệu cũng quyết định giấu người Mỹ về kế hoạch triệt thoái khỏi Tây Nguyên bởi Thiệu cho rằng Mỹ có cơ hội, có điều kiện giúp VNCH nhưng họ đã dửng dưng, án binh bất động như người ngoài cuộc. Và Thiệu kết luận Mỹ đã phản bội Nam Việt Nam. Có lẽ từ giờ phút đó trở đi, quan hệ VNCH - HK đã dần cạn kiệt niềm tin.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)