3.1 .Tình hình sau Hiệp định Paris
3.1.1. Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ
Ngày 29 - 3 -1973, Bộ tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam (MACV) làm lễ cuốn cờ, đây là thời điểm tuyên bố kết thúc quá trình rút lui của quân đội viễn chinh Mỹ đông hơn nửa triệu người ra khỏi Việt Nam.
Trước đó, năm 1970, số quân Đồng minh của Mỹ đã hoàn toàn rút ra khỏi Nam Việt Nam, từ 1971 trở đi chỉ còn lại số quân chính quy Mỹ nhưng giảm dần hàng năm:
Bảng 3.4: Quân số Mỹ tại miền Nam
(đơn vị: người) Năm Quân Mỹ 1971 184.000 1/5/1972 69.000 31/3/1974 4.873 1975 6.000
Nguồn: Đặng Phong, Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975, tr.87.
Bảng số liệu trên cho chúng ta thấy số quân Mỹ giảm một cách nhanh chóng qua các năm (do tiến hành những đợt rút quân gấp rút cuối cùng). Riêng năm 1975 có tăng lên bởi một lực lượng bổ sung, được giữ lại đột lốt dân sự để giúp VNCH củng cố lực lượng và một phần nữa là số quân được đưa sang để giúp di tản người Mỹ.
Sau Hiệp định Paris, hàng ngàn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật của Mỹ phần lớn là mặc áo dân sự vẫn còn ở lại để chỉ huy và làm cố vấn cho QLVNCH, giúp họ củng cố bộ máy chính quyền các cấp, lực lượng và liên thông viện trợ với hi vọng rằng VNCH có thể tự đứng vững được để đối đầu với LLCM. Mỹ vẫn muốn giữ “con đê” ngăn chặn “Cộng sản” ở đây, vì vậy đã trang bị cho QLVNCH
những loại vũ khí tối tân nhất và dạy cho họ cách sử dụng, QLVNCH bắt đầu được đào tạo sử dụng điều khiển những vũ khí mới.
Bên cạnh đó, quân đội Nam Việt Nam cũng có những điều chỉnh về tái phối trí lực lượng vì, sau khi quân Mỹ rút đã để lại một khoảng trống rất lớn là sự thiếu hụt về quân số. Nằm trong kế hoạch tái thiết đất nước, vấn đề đặt ra là làm sao giữ được quân số và đảm bảo cung cấp được lương bổng cho binh lính. Kế hoạch là giảm thiểu quân đội, giải ngũ những lớp quá hạn, nhưng khi thiếu lại có thể ép lấy binh lính, “Nếu muốn giữ được số quân 1,1 triệu người, quân đội Việt Nam Cộng hòa cần tuyển hàng năm từ 200.000 đến 240.000 tân binh để thay vào số quân thương vong, tai nạn, đào ngũ và giải ngũ, nhưng số quân đó không thể bù đắp được vì lúc nào cũng thiếu từ 90.000 đến 100.000 quân hàng năm”[62, tr.79]. Lý do không lấy được cho các đơn vị đủ số quân cần thiết là vì: thứ nhất, “do tình trạng đào ngũ, hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên đến 1,5 hay 2 % tổng số quân, hàng năm quân đội mất đi 1/4 quân số. Thứ hai, không tuyển được đủ số tân binh như được phỏng dịch hàng năm vì nạn trốn quân dịch”[62, tr.79].
Mặc dù QLVNCH sau Hiệp định Paris đã có một số điều chỉnh dưới sự giúp sức của cố vấn quân sự Mỹ, nhưng vốn dĩ có tâm lý phụ thuộc nên việc huấn luyện hay điều chỉnh không đạt được hiệu quả to lớn, cùng đó viễn tượng về hòa bình, về tự lực tái thiết nền kinh tế không theo kế hoạch được bởi viện trợ bị cắt giảm không đủ để củng cố quốc phòng. Trong khi đó, sự chuyển giao, viện trợ và giúp củng cố lực lượng quân đội VNCH của HK chỉ ở mức độ nhất định vì Quốc hội Mỹ không còn muốn can thiệp sâu vào các vấn đề ở Nam Việt Nam. Với sự cố gắng cứu vớt, giúp VNCH điều chỉnh lực lượng, củng cố quân đội sau Hiệp định Paris, Mỹ hi vọng chính quyền Nam Việt Nam có thể tự đứng vững được, nhưng nó lại càng bộ lộ “con bệnh kinh niên” của sự phụ thuộc.
Ở miền Nam, sự hiện diện của nửa triệu quân đội HK một thời đã từng là biểu hiện sinh động nhất của lịch sử quan hệ VNCH - HK. Vì vậy, việc quân đội
Hoa Kỳ cuốn cờ về nước là biểu hiện nổi bật của thời kỳ ảm đạm trong 21 năm thăng trầm của sự cam kết Sài Gòn - Washington.
Một biểu hiện khác, rất đậm nét trong quan hệ Đồng minh giai đoạn này là việc Mỹ cắt giảm viện trợ về quân sự và kinh tế đối với VNCH. Chiến tranh kéo dài hơn một phần tư thế kỷ, VNCH không có gì để đóng góp vào cuộc chiến ngoại trừ nhân lực và máu; về vật chất, tài chính hoàn toàn bị phụ thuộc vào viện trợ của HK. Sau Hiệp định Paris, chính sách chiến tranh của Quốc hội HK đã có những thay đổi đối với Nam Việt Nam, việc xin viện trợ không còn dễ dàng như trước, thậm chí HK đã thẳng tay cắt giảm mọi nguồn viện trợ.
Từ năm 1967 đến 1970 - giai đoạn HK còn đang “dấn thân” vào cuộc chiến ở Việt Nam, mỗi năm tổn phí cho chiến tranh là 25 tỷ đô-la. Trong hai năm 1970 và 1971, chi phí mỗi năm giảm xuống còn 12 tỷ. Giờ đây, sau khi quân Mỹ triệt thoái, VNCH gần như một mình phải đảm nhận cuộc chiến, những khó khăn dồn dập mà VNCH gặp phải đã phản ánh sự lệ thuộc quá mức vào Mỹ.
Trong lúc tình hình kinh tế Nam Việt Nam khó khăn, Quốc hội Mỹ lại cắt giảm viện trợ với lý do miền Nam đã có hòa bình, có điều kiện để phát huy tiềm năng vì vậy không cần nhiều viện trợ như trước nữa. Nhưng trên thực tế, cuộc chiến kéo dài, mức sản xuất tiêu hao, nền kinh tế vốn dĩ đã quen lệ thuộc thì sau khi Mỹ rút nó không thể chuyển sang độc lập ngay được. Vì vậy, viễn tượng kinh tế “hậu chiến” của Thiệu bất chợt trở nên bấp bênh. Năm 1974, mức viện trợ đã giảm trên 50%, tia hy vọng lóe sáng tái thiết nền kinh tế vừa mới đi được một bước đã bị khựng lại và tất cả đều nằm trên kế hoạch.
Số viện trợ mà Mỹ định chi cho Đông Dương, sau khi trừ đi khoản cho Campuchia và Lào, chỉ còn 313 triệu đô-la cho miền Nam, thực tế, cuối cùng chỉ còn 226 triệu đô-la cho chương trình nhập cảng (CIP), đó là mức chi thấp nhất kể từ khi Mỹ tham chiến năm 1965.
Bảng 3.5: Viện trợ nhập cảng CIP
(đơn vị: triệu đô-la)
Tài khóa Triệu (đô-la)
1966/1967 400
1972/1973 313
1973/1974 226
1974/1975 285
Nguồn: Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, tr.177.
Bảng số liệu cho thấy mức viện trợ cho chương trình nhập cảng của Mỹ giảm dần qua các năm, đặc biệt thời kỳ 1966 - 1967 và 1973 - 1974 giảm gần 50%.
Với số ngân khoản dành cho viện trợ quân sự, “lực lượng không quân Việt Nam Cộng hòa phải giải tán hơn 200 phi cơ bao gồm các loại như chiến đấu oanh tạc, hủy bỏ chương trình thay thế phi cơ phản lực F-5A bằng loại F- 5E, hồi hương 400 viên sĩ quan đang theo học bay phản lực và trực thăng ở Hoa Kỳ và hơn 1.000 chuyên viên không quân đang theo học Anh ngữ để chuẩn bị theo học các ngành về bảo trì,… giảm giờ bay thực tập và yểm trợ hỏa lực, sự vận chuyển bằng trực thăng bị giảm thiểu 70%. Cùng với đó là hoạt động Hải quân cũng bị cắt giảm 50%, các hoạt động ở sông ngòi chỉ còn lại 28%; mất đi số lớn phương tiện đó, hải quân không còn đủ khả năng kiểm soát hoạt động trên sông, tất cả những sơ hở đó dẫn đến việc quân Giải phóng đột nhập một cách dễ dàng. Việc thay thế vũ khí và quân dụng không được thực hiện đầy đủ, nhu cầu thay thế không hết, vũ khí đạn thì chỉ được 70%”[62, tr.86]. Một vài chương trình thay đổi quân dụng bị đình chỉ vì thiếu ngân quỹ như kế hoạch “đổi máy vô tuyến điện AN/PRC-10 bằng máy AN/PRC-25 bị gián đoạn; chỉ có 33% (tương đương 24 triệu đô-la) tổng số quân cụ vũ khí cần thiết được thay thế, thiếu phụ tùng thay thế càng tạo thêm nhiều trở ngại cho vấn đề bảo trì. Tổng số ngân sách của Lục Quân năm 1975 là 458 triệu đô-la, 52% số đó dành
cho đạn, con số này chỉ có thể cung cấp được 56% nhu cầu thực sự của lục quân. Hàng tháng, ngân quỹ cho phép lấy ra một số tiền là 19,9 triệu đô-la cho chi phí đạn dược, tức là chỉ bằng nửa chi phí của các tháng 6 - 1973 đến tháng 2 - 1974, với chi phí đó trong khi đà lạm phát tăng cao làm giá đạn tăng 27,7% từ lúc tính ước cho đến lúc mua thực sự”[62, tr.88-89]. Sự cắt giảm mạnh đã khiến QLVNCH phải trả bằng máu cho những viên đạn không được nhận sau ngày ngưng bắn.
Trong những năm chiến tranh, ngoài số tiền viện trợ lại có nguồn thu đô- la, quan trọng nữa là nhu cầu đổi sang tiền đồng Việt Nam của nguồn ngoại tệ Mỹ: quân đội, tòa Đại sứ, các công ty, dịch vụ Mỹ. Khi lính Mỹ rút, người Mỹ ra đi cũng có nghĩa là đồng đô-la cũng theo đó mà rút luôn.
Bảng 3.6: Số tiền đô-la đổi sang tiền đồng VN thu được
(đơn vị: Triệu đô-la)
Tài khóa Triệu (đô-la)
1965/1966 333
1971/1972 213
1972/1973 96
1973/1974 97
1974/1975 97
Nguồn: Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, tr.177.
Số đô-la mua được từ nguồn đổi ngoại tệ Mỹ đã giảm xuống rõ rệt, từ mức hơn 200 - 300 triệu một năm xuống còn 96 triệu (1973) và 97 triệu (1974).
Kinh tế VNCH vốn lệ thuộc vào Mỹ mà nay giá cả tăng cao, đặc biệt khủng hoảng dầu lửa đã đẩy giá cả xăng dầu tăng gấp bốn lần trong khi Mỹ lại giảm viện trợ chỉ còn 700 triệu đô-la, với ngân khoản ấy chỉ bằng 3% mức chi tiêu 1970 - 1971 cho thấy sự khó khăn mà chính quyền miền Nam phải đối mặt.
Tình hình viện trợ của Mỹ cho VNCH trong những năm cuối cùng rất rối ren. Mức ban đầu do Nixon đề nghị là 1,4 tỷ đô-la, bằng mức tài khóa năm 1974, nhưng Ủy ban quốc phòng Thượng viện Mỹ đã quyết định giảm còn 1 tỷ 126 triệu đô-la cho cả Đông Dương trong đó phần cho miền Nam là 1 tỷ đô-la, và trước khi từ chức, Tổng thống Nixon ký một mức tối đa dành cho VNCH là 1 tỷ đô-la. Sau khi Tổng thống Ford kế nhiệm, Ủy ban chuẩn chi Thượng viện cắt xuống còn 700 triệu đô-la. So với khoản viện trợ thời gian từ 1966 - 1970 Mỹ chi 25 tỷ đô-la một năm; trong hai năm 1970 - 1971 chi 12 tỷ đô-la một năm (do Mỹ đang rút quân); còn sau khi Mỹ rút, viện trợ cho VNCH:
Bảng 3.7:Viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa 1973 - 1975
(đơn vị: tỷ đô-la)
Tài khóa Tỷ (đô-la)
1973 2,1
1974 1,4
1975 0,7
Nguồn: Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, tr.223.
Từ năm 1973 đến 1975, viện trợ Mỹ đã giảm xuống 3 lần, đó là chưa kể so với thời gian 1966 - 1969, ngoài tiền viện trợ thì, còn trên nửa triệu quân đội Mỹ với trang bị tối tân, được yểm trợ bằng từng dàn phản lực siêu âm, mấy ngàn chiếc trực thăng đủ các loại, ngoài khơi có Hạm đội 7 thường trực.
Trước khoản viện trợ của Mỹ, Thiệu ngao ngán: “Mới vài ngày trước đây còn là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này?. Như là chuyện cho tôi 12 đô-la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo”[27, tr.223].
Viện trợ kinh tế và quân sự lần lượt bị cắt, rõ ràng cam kết giữa Thiệu và Nixon không còn mấy hiệu lực. Viện trợ của HK lúc này không khác gì thực hiện một trách nhiệm nặng nề với đồng minh, với mức đó, VNCH không tự đứng được thì họ đành bỏ rơi đồng minh vậy.
Viện trợ kinh tế của HK cho VNCH chính là thước đo về quan hệ giữa Washington - Sài Gòn. Theo nhịp thời gian cuối của cuộc chiến, cùng với sự “ra đi” của Tổng thống Nixon, biểu đồ kinh tế càng về “điểm chết”. Quốc Hội HK đã dứt khoát cắt mọi khoản viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, kể cả cái mà Thiệu kêu gọi “viện trợ nhân đạo” hoặc xuống thang đề nghị HK cho VNCH “vay” rồi trả sau.