2.2.1.1. Bối cảnh Hiệp định Paris
Sự kiện Mậu Thân đã tạo ra bước ngoặt ảnh hưởng đến những quyết định chính sách của Nhà trắng đối với chiến tranh Việt Nam. HK coi Mậu Thân là một thành công về quân sự, nhưng về mặt tâm lý nó là một thất bại lớn, “Lần đầu tiên các cuộc thăm dò dân ý cho biết số người chống đối chiến tranh (50%) đã vượt lên cao hơn số ủng hộ (42%)”[18, tr.34].
Những năm 60 trở đi, tình hình quốc tế của đã tạo ra những thuận lợi cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam với danh nghĩa giải phóng dân tộc. Hàng loạt các nước Châu Phi đấu tranh giải phóng dân tộc, các nước Xã hội Chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã ủng hộ, viện trợ vật chất to lớn giúp chính phủ VNDCCH đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Cũng từ đây HK bắt đầu bị chi phối mạnh bởi áp lực quốc tế và cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ.
Trong quá trình đám phán tại Paris, các cuộc họp báo diễn ra hàng tuần, VNDCCH và HK đều chú ý đến việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Cuộc đàm phán kéo dài khiến cho chính phủ HK lúng túng, lời hứa của Nixon trước khi vào Nhà Trắng tiến hành một cách chậm rãi, thậm chí còn mâu thuẫn khi Nixon có những hành động leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Điều đó tác động sâu sắc đến thái độ và chính sách của nhiều chính phủ trên thế giới đối với chiến tranh Việt Nam. Nhiều nước xa dần lập trường của Mỹ: Australia, Newzealand, Philippin… rút ra khỏi chiến tranh; chiến lược toàn cầu của Mỹ bị đảo lộn và ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn. Người Mỹ dần nhận ra rằng: “Chúng ta đã không theo nguyên tắc là các hoạt động quân sự của Mỹ - ngoài những hoạt
động nhằm đáp lại những mối đe dọa trực tiếp tới nền an ninh của chúng ta - cần được thực hiện chỉ khi có sự phối hợp với các lực lượng đa quốc gia và được cộng đồng quốc tế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoàn toàn ủng hộ”[34, tr.56].
Nếu như Mậu Thân tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ, thì chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh tạo thêm những nghi ngờ cho dân chúng về việc HK tham chiến ở Việt Nam. Trong khi quân Mỹ được rút một cách nhỏ giọt, tù binh chưa trở về, đô-la Mỹ vẫn được đổ vào Nam Việt Nam, chiến tranh lại lan rộng ra toàn Đông Dương thì dân chúng Mỹ càng cảm thấy mất niềm tin vào Chính phủ, họ nhận thấy cần phải có những biện pháp đấu tranh mạnh mẽ hơn để thúc ép nhà cầm quyền thực hiện những cam kết, và phong trào này được gọi là “lương tâm người Mỹ nổi giận”.
Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ lại dâng lên khi chính sách “hòa bình” của Nixon chưa được thực hiện. Nền chính trị nước Mỹ trở nên bất ổn định, lãnh đạo bối rối khi phong trào phản chiến lan rộng trong nhiều trường Đại học, trên nhiều đường phố; hàng chục ngàn người đã biểu tình trước Nhà trắng đòi chấm dứt hoạt động của Lầu Năm Góc. Năm 1970, các cuộc phản đối chống lại sự xâm nhập nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia lan khắp toàn cầu. Những cuộc biểu tình tiếp tục, tháng 5 năm 1971, 12.000 người biểu tình tại Washington bị bắt. Ngày 28 - 12 - 1971, 16 cựu chiến binh ở Việt Nam gửi thư cho Tổng thống Nixon: “Chúng tôi không thể chịu đựng chiến tranh ở Đông Nam Á nữa bất kể màu da của người chết hay phương pháp thực hiện”[96, tr.284]. Chiến tranh tiếp diễn, chưa có lối thoát làm dân chúng ngày càng mất tinh thần. Ngay từ cuối năm 1967, nhà bình luận nổi tiếng Wanter Lipman đã sớm rút ra kết luận: cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh “không được lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”, là cuộc chiến tranh “làm phương hại sâu sắc nhất lương tâm dân chúng Mỹ”.
Từ phong trào phản chiến của những sinh viên, giảng viên trong các trường đại học đến những người dân có con em chiến đấu tại Việt Nam, còn có
những cựu chiến binh đã tham chiến tại Nam Việt Nam, phong trào phản chiến thực sự đã tạo ra “những chấn động dữ dội trong lòng nước Mỹ”[30, tr.16]. Nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, các chính khách nóng lòng và thúc bách hơn trong vấn đề tiến tới một Hiệp định “hòa bình trong danh dự”.
Chiến tranh đã đưa nước Mỹ ngày càng lún sâu vào những khó khăn. Lời hứa để Nixon bước vào Nhà trắng đã không trở thành yếu tố đảm bảo cho chính phủ Mỹ cải thiện tình hình trong nước dẫn đến sự phân hóa trong nội bộ chính
quyền HK và ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ trong quan hệ với VNCH. Sự
thất bại về chính trị có lẽ là điều mà những người đứng đầu Nhà trắng có thể nhìn thấy rõ ràng nhất.
Ngay từ dưới thời Johnson, trong khi một số chính khách cấp tiến chỉ trích “gay gắt” Tổng thống về việc leo thang cuộc chiến thì những người theo phái “diều hâu” (được ủng hộ bởi các tham mưu Liên quân) lại gây sức ép đòi mở rộng cuộc chiến (45% số người ủng hộ tăng sức ép bằng quân sự, 41% số người ủng hộ việc rút quân). Sau những chiến lược chiến tranh lần lượt bị thay thế, người ta đặt dấu chấm hỏi về những thắng lợi được tung hô ở nước Mỹ. Nếu Mỹ thắng lợi về quân sự, tại sao Westmoreland lại phải xin thêm 206.000 (40%) quân và tại sao nước Mỹ lại phải đổ thêm kinh phí vào chiến tranh?. Nhiều chính trị gia yêu cầu chấm dứt chiến tranh, Thống đốc bang California Ronald Regan nói: “Nếu nó là một cuộc tắm máu thì hãy chấm dứt luôn đi”[96, tr.279] hay “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết dân tộc. Chúng ta đã không duy trì được sự đoàn kết đó”[34, tr.55]. Sự khác biệt sâu sắc quan điểm giữa các cố vấn của Tổng thống về vấn đề Việt Nam đã làm chia rẽ nội bộ nước Mỹ.
Trở lại cuộc bầu cử năm 1968, thời điểm mà Nixon trúng cử nhiệm kỳ lần thứ nhất, người ta cho rằng “Nixon đã nợ Thiệu một món nợ chính trị”. Với món nợ đó, liệu những mục đích, tính toán của Thiệu và Nixon có khớp nhau?, điều đó có ảnh hưởng gì đến việc điều hành chiến tranh của Nixon ở Việt Nam?. Bài diễn văn trước cuộc bầu cử (1968) ba ngày của Thiệu đã phá hỏng hoàn toàn
những dự định của Johnson. Tuyên bố của Thiệu đã làm đảo ngược tình thế: Nixon thắng cử chỉ với 43,4% tổng số phiếu trong khi Humphrey với 42,7%. Đại sứ Bunker, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổng thống Johnson đã vô cùng tức giận và định lật đổ Thiệu. Kissinger báo động cho Nixon về mưu đồ lật đổ Thiệu: “Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù với Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết”[27, tr.48]. Sau khi vào thăm Johnson ở tòa Bạch Cung và được hướng dẫn về chính sách đối ngoại, Nixon tuyên bố: “Chính phủ Johnson không những có thể hành động nhân danh chính quyền hiện nay mà còn nhân danh cả toàn quốc, và như thế có nghĩa là nhân danh cả chính quyền (của Nixon) sắp tới nữa”[27, tr.49]. Tuy nhiên, sau khi trúng cử vài ngày Nixon lại yêu cầu Thiệu nên tham dự hòa đàm, cho rằng việc gửi đại diện hòa đàm là quan trọng. Với Thiệu, Nixon được bầu là ông ta đã góp một phần quyết định, và cho rằng Nixon đã nợ ông một món nợ chính trị. Còn với Nixon, thúc ép Thiệu lúc này là đã cứu Thiệu tránh khỏi bi kịch của Diệm trước đó.
Năm 1972, Mỹ tích cực dùng chính sách ngoại giao tam giác với các nước lớn, hòa hõa với Liên Xô và Trung Quốc nhằm khai thông bế tắc tại Hòa đàm, giải quyết những khó khăn trong nước. Chiêu hòa bình mà Nixon và Kissingger tung ra, thêm lần nữa đã giúp cho Nixon thắng cử ở nhiệm kỳ hai, số phiếu tín nhiệm ông 60,7% so với 37,5% cho Mc Govern. Đây là số phiểu cử tri cao thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, và là số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên Cộng hòa đã đạt được. Thành công của Nixon được người Mỹ mô tả là sự kiện “long trời lở đất”.
Viễn tượng hòa bình Việt Nam một lần nữa đóng góp cho sự thành công của Nixon. Chiêu “hòa bình” đã được vận dụng một cách trái ngược trong hai lần tranh cử. Lần thứ nhất (1968) thì hòa bình ngoài tầm tay; lần thứ hai (1972)
hòa bình trong tầm tay[27, tr.96].
Ngay từ khi bước vào Tòa Bạch Ốc, Nixon và Kissinger đều muốn giải quyết nhanh chóng vấn đề Việt Nam nhưng là ở thế thượng phong, trong danh
dự. Giờ đây, Tổng thống Nixon và “người kiến tạo hòa bình” - Kissinger lại muốn gặt hái nhiều thành quả hơn nữa về ngoại giao; trong khi Nixon muốn chú trọng vào việc bang giao với Trung Quốc, Liên xô, Kissinger lại muốn hướng về Âu châu và Trung Đông nên ông gọi năm 1973 là “Năm của châu Âu”.
Trong nhiệm kỳ lần thứ nhất của mình (1969 - 1972), Nixon chiếm được nhiều lợi thế. Việc rút quân Mỹ về nước và chiều hướng chiến tranh ở Đông Dương có phần dịu xuống đã tạo nên uy tín khá cao cho Nixon. Tuy nhiên, mặt khác, uy tín này sớm bị mai một. Công chúng HK ngày càng nhận rõ bản chất thật sự của “Việt Nam hóa” chiến tranh và “Đông Dương hóa” chiến tranh. Năm 1971, Quốc hội HK đã xóa bỏ đạo luật “vịnh Bắc bộ” mà họ đã thông qua năm 1964 (điều này có nghĩa là Tổng thống HK không còn được quyền đưa quân đội ra chiến đấu dài ngày ở nước ngoài như đạo luật “vịnh Bắc bộ” trước đây). Đảng đối lập của Nixon lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam ngày càng gay gắt. Sự phản đối của nhân dân và các chính khách HK tỷ lệ nghịch với quan hệ Sài Gòn - Washington: sự phản đối càng lên cao thì quan hệ càng chùng xuống. Dù bản thân Nixon ngoan cố trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam (đồng nghĩa với việc “xiết chặt thêm quan hệ với Sài Gòn”), nhưng lịch sử đã vượt khỏi tầm khống chế của Tổng thống hiếu chiến nhất trong 5 đời tổng thống Mỹ đã từng “dính líu” đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hơn thế nữa, chính bản thân Nixon cũng không giữ được ngôi vị của mình: Năm 1974 đã buộc phải từ chức.
Luận điệu của những người Mỹ chủ trương tiến hành chiến tranh luôn cho rằng họ chưa bao giờ thất bại quân sự tại Việt Nam, nhưng thực tế cũng chứng minh rằng Mỹ và đồng minh - VNCH chưa bao giờ có được thắng lợi để người ta thấy được sự tác động tích cực về mặt quân sự. Với hàng loạt các chiến dịch tấn công và phòng thủ, sức mạnh của sự phối hợp giữa quân VNCH và không quân Mỹ yểm trợ tạo thành một lực lượng to lớn, nhưng trên thực tế chiến dịch Lam Sơn 719 không thể coi là một thắng lợi của quân lực VNCH, trái lại đó là một thiệt hại vô cùng nặng nề. Nước Mỹ giờ đây không những phải đối diện với thất
bại về quân sự trên chiến trường Nam Việt Nam mà còn là những khó khăn về kinh tế.
Kinh tế Mỹ cuối những năm 60 gặp nhiều khó khăn, tháng 9 năm 1969, tạp chí Phoóc-tuyn trong cuộc thăm dò dư luận những người đứng đầu của 500 công ty hàng đầu của Mỹ cho rằng: vấn đề lạm phát, tình trạng náo động trong lòng nước Mỹ đặc biệt là các trường đại học là một trong những vấn đề trầm trọng nhất mà đất nước phải đương đầu. Năm 1969 - 1970 là năm đỉnh cao của sự lạm phát kể từ sau 1951, ngân sách thâm hụt 3 tỷ đô-la và tăng lên đến 23 tỷ trong năm 1971, thị trường chứng khoán cũng xuống dốc. Bên cạnh đó, tình hình chiến cuộc bất ổn và việc mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương đã khiến nền kinh tế Mỹ bị suy thoái nghiêm trọng.
Như vậy, từ áp lực quốc tế và cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ, sự thất bại về quân sự ở chiến trường Nam Việt Nam và những khó khăn về kinh tế, nước Mỹ đã có sự phân hóa trong nội bộ chính quyền và, điều đó đã tác động tới cuộc Hòa đàm tại Paris cũng như ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ trong quan hệ với VNCH.
2.2.1.2. Phản ứng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa
Quá trình đàm phán tại Paris diễn ra trong một thời gian dài và phức tạp. Năm 1968, đàm phán chính phủ VNDCCH với HK đưa đến việc chính quyền Washinton chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc và họp Hội nghị bốn bên. Ngày 25 - 1 - 1969, Hội nghị bốn bên chính thức khai mạc, nhưng những cuộc họp này kéo dài đến nỗi báo chí phương Tây gọi đây là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”[26, tr.314].
Năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN thành lập đã tạo ra thực tế là có hai chính quyền song song tồn tại ở miền Nam. Tại Paris, đàm phán tiếp tục nhưng không đi đến một thỏa thuận nào. VNDCCH đã khéo léo lợi dụng tình trạng kéo dài trong đàm phán để tranh thủ dư luận quốc tế, và gây áp lực cho HK khi phong trào phản chiến không ngừng phát triển. Chính quyền
Washington nóng lòng bởi những cố gắng của họ chưa đáp ứng được yêu cầu của dân chúng Mỹ là đưa tù binh trở về.
Sau hơn hai năm đàm phán, cùng với quan điểm ngoại giao của cả hai bên và do những tác động trên chiến trường, tình hình có sự biến chuyển: Lực lượng quân Giải phóng MNVN dần phục hồi sau Mậu Thân; Mỹ dần rút quân và tiếp tục thực hiện “Việt Nam hóa” chiến tranh. Trên bình diện quốc tế, Mỹ tiếp tục hòa hoãn với Liên Xô, cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, VNDCCH và Mỹ cũng bắt đầu thúc đẩy tích cực hơn cho cuộc đàm phán kín.
Ngày 26 - 6 - 1971, tại cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Xuân Thủy với Kissinger, phía VNDCCH đưa ra đề nghị hòa bình 9 điểm (về cơ bản vẫn giữ nguyên tắc đề nghị 10 điểm tháng 5 năm 1969), nhưng có 4 vấn đề mới: Thứ nhất, đòi Mỹ định thời hạn rút hết quân trước ngày 31 - 12 - 1971; Hai là, gắn vào đó, VNDCCH nêu “thời hạn rút quân cũng là thời hạn trả hết tù binh”; Ba là, đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu, lập ở Sài Gòn một chính quyền không có Thiệu, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN sẽ nói chuyện với chính quyền đó để bàn việc lập một chính phủ hòa hợp dân tộc lâm thời; Bốn là, vấn đề bảo đảm độc lập, hòa bình cho Campuchia và Lào.
Ngày 1 - 7 - 1971, tại hội nghị bốn bên, đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN đưa ra đề nghị hòa bình 7 điểm. Nội dung cơ bản giống bản 9 điểm trước đó, nhưng không có đề cập đến vấn đề Campuchia và Lào. Và đặc biệt, từ trước tới nay Mặt trận dân tộc giải phóng đòi thay bộ ba Thiệu - Kỳ - Khiêm, nhưng nay chỉ đòi thay Thiệu. Thiệu đang bị phe đối lập và phong trào quần chúng lên án và cũng không được quần chúng Mỹ ủng hộ. Bản đề nghị này rất được dư luận quan tâm.
Mùa thu năm 1971, khi “Việt Nam hóa” thất bại bước đầu, QLVNCH không mạnh lên trong khi Mỹ đã rút 400.000 quân. Mỹ tiếp tục thúc đẩy một cuộc gặp gỡ mới mang tính thiết thực hơn, với đề nghị tám điểm: Về rút quân, Mỹ đưa lịch rút hết quân bảy tháng sau khi ký Hiệp định; về vấn đề nội bộ chính
trị miền Nam: sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống sáu tháng sau ngày ký, Tổng thống và phó tổng thống từ chức trước một tháng bầu cử; điều quan trọng là trong bản đề nghị này Mỹ không nhắc tới vấn đề rút quân miền Bắc. Điều này chứng tỏ