Việt Nam Cộng hòa và quá trình thi hành Hiệp định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 85 - 87)

3.1 .Tình hình sau Hiệp định Paris

3.1.2. Việt Nam Cộng hòa và quá trình thi hành Hiệp định

Hiệp định Paris được ký kết với điều khoản rõ ràng ngừng bắn, chờ chuyển tiếp lực lượng Hội đồng hòa giải dân tộc và bầu cử. Nhưng chiến tranh chỉ thật sự kết thúc ở miền Bắc còn ở miền Nam cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Trên thực tế, VNCH coi đây là giai đoạn cuối cùng của chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh, trong khi chính quyền VNDCCH lại cho đây là bước khởi đầu để thực hiện mục tiêu cuối cùng của Cách mạng.

Giai đoạn 1973 - 1975, cán cân lực lượng nghiêng mạnh về phía quân Giải phóng. Quân số được bổ sung đầy đủ, từ miền Bắc hành quân vào Nam bằng cơ giới trên đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm, đèn pha bật sáng mà không sợ bị không lực HK oanh tạc. Đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng hơn để đảm bảo cung cấp quy mô lớn cho chiến trường. Trang thiết bị đạn dược, lương thực đã đủ số trong các kho, xăng dầu cũng được bơm thẳng theo tuyến đường ống cung cấp từ miền Bắc vào tận miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, ưu thế quan trọng nhất áp đảo đối phương là tinh thần chiến đấu. Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận thức được cơ hội thuận lợi để chấm dứt chiến tranh, giành chiến thắng hoàn toàn nên khí thế lên rất cao và sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, Quân đội VNCH ngày càng gặp khó khăn, dù phương tiện chiến tranh vẫn còn nhiều trong kho,nhưng họ bị hạn chế về tài chính vì viện trợ bị cắt giảm, khó khăn trong việc trả lương binh lính và nhất là trong việc tăng cường, bổ sung quân số. Tuy QLVNCH hơn hẳn đối phương về không quân, nhưng quân chủng này đòi hỏi rất nhiều tài chính khi hoạt động, viện trợ của HK

lúc đó không đủ nên không quân không phát huy được nhiều. Các kho dự trữ xăng dầu của VNCH luôn là nơi bị đặc công Biệt động đối phương đánh phá nên việc cung cấp nhiên liệu thường xuyên bị gián đoạn. Nhưng khó khăn lớn nhất cho QLVNCH là tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp. Sau Hiệp định Paris, các sĩ quan và binh lính đã thấy tương lai mờ mịt cho họ, tâm trạng bi quan chán nản và tinh thần chiến đấu sa sút nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đào ngũ, trốn nghĩa vụ rất nhiều, quân số bổ sung không kịp.

Đối với VNCH, Hiệp định Paris thực chất chỉ đem lại một nền hòa bình mong manh. Còn LLCM vẫn quyết tâm với mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước, trong khi Mỹ cố gắng và nhanh chóng lẩn tránh mọi trách nhiệm trong vấn đề giữ gìn hòa bình theo Hiệp định.

Ngay sau Hiệp định, ngày 1 - 3 - 1973, VNCH chủ trương không để mất một ấp nào, tiến hành chiếm lại những khu vực đã bị mất từ ngày 28 - 1 - 1973. Từ tháng 2 - 1973 đến giữa năm 1973, lợi dụng Hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, quân VNCH mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm chiếm đất và giành dân, thực hiện chương trình “bình định đặc biệt” nhanh chóng lấy lại các vùng đã bị mất trước ngày ngưng bắn, chủ yếu tập trung vào các vùng ngoài như Tây Trị Thiên, Quãng Ngãi, Bắc Bình Định, Tây Kon Tum, khu tiếp giáp với vùng giải phóng và khu trung tuyến Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, vùng biên giới thuộc Kiến Tường, Châu Đốc.

Từ cuối năm 1973 đến cuối năm 1974, QLVNCH lại tăng mật độ, cường độ hoạt động và chuyển ra khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, mở các cuộc hành quân kéo dài đánh vào các căn cứ kháng chiến; trong khi đó, quân Giải phóng cũng chủ động tiến hành mở rộng các vùng làm căn cứ: “Nếu trong năm 1973 quân Việt Nam Cộng hòa đã lấn thêm được 1.900 ấp, đóng thêm 1.474 đồn bốt, Cộng sản chỉ lấn lại được 131 ấp và 797 đồn, thì trong năm 1974, trong số 830 ấp, 2.742 đồn, một số quận lỵ bị mất, quân Cộng hòa chỉ lấn lại được 153 ấp và 614 đồn. Tính đến tháng 12 năm 1974, phía Cộng hòa

kiểm soát 6.481 ấp, giảm hơn trước 677 ấp; có 7.647 đồn, giảm 2.128 so với tháng 12 năm 1973”[54, tr.21].

Với ưu thế áp đảo trên chiến trường đã nghiêng hẳn về LLCM, việc quân Giải phóng nhanh chóng đè bẹp quân đội VNCH và Chiến dịch mùa xuân năm 1975 là phản ánh đúng cán cân lực lượng trên chiến trường.

HK cho rằng phía VNDCCH sẽ nhanh chóng vi phạm Hiệp định và họ sẽ có cớ can thiệp trở lại Việt Nam. Nhưng sau Hiệp định không lâu, Thiệu thực hiện ngay chính sách bình định lấn chiếm để nhằm xóa bỏ hình thái “da báo” với mong muốn đẩy lùi LLCM. Quân Giải phóng cũng chủ động phản công lại, tranh thủ giành đất và dân. Mỹ không bằng lòng với việc Thiệu nhanh chóng vi phạm Hiệp định, họ cũng không tỏ phản ứng trả đũa đối phương như lời hứa với Thiệu. Bởi, tình hình chính trị ở Mỹ đang rắc rối, Nixon không còn đủ quyền hành để điều khiển chiến tranh; đạo luật cấm tiến hành chiến tranh ở Đông Dương và vụ Watergate đã khiến Nixon bó tay trước sự tiến công của quân Giải phóng ở miền Nam. Với người Mỹ, Hiệp định Paris đưa chiến tranh Việt Nam lùi dần vào quá khứ.

Tình hình chiến trường Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris rất phức tạp. Mỹ tiến hành rút hết lực lượng quân sự và chỉ để lại một số nhằm giúp VNCH củng cố lực lượng quân sự. Theo tính toán của HK, viện trợ và ủng hộ của họ ở mức độ nào đó ngăn cản được bước tiến VNDCCH, cho miền Nam cơ hội giải quyết sự chia rẽ hai bên bằng một giải pháp chính trị để có thể tạo ra một “miền Nam tự do”. Nhưng với việc cắt giảm viện trợ của HK, một mặt gây nên sự hoang mang cho VNCH, họ có cảm giác bị bỏ rơi và, trên một phương diện khác, lại thúc đẩy LLCM nhanh chóng mở cuộc tiến công vào Nam Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ việt nam cộng hòa hoa kỳ (1969 1975) (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)