(đơn vị: người) Năm Quân Mỹ 1971 184.000 1/5/1972 69.000 31/3/1974 4.873 1975 6.000
Nguồn: Đặng Phong, Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975, tr.87.
Bảng số liệu trên cho chúng ta thấy số quân Mỹ giảm một cách nhanh chóng qua các năm (do tiến hành những đợt rút quân gấp rút cuối cùng). Riêng năm 1975 có tăng lên bởi một lực lượng bổ sung, được giữ lại đột lốt dân sự để giúp VNCH củng cố lực lượng và một phần nữa là số quân được đưa sang để giúp di tản người Mỹ.
Sau Hiệp định Paris, hàng ngàn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật của Mỹ phần lớn là mặc áo dân sự vẫn còn ở lại để chỉ huy và làm cố vấn cho QLVNCH, giúp họ củng cố bộ máy chính quyền các cấp, lực lượng và liên thông viện trợ với hi vọng rằng VNCH có thể tự đứng vững được để đối đầu với LLCM. Mỹ vẫn muốn giữ “con đê” ngăn chặn “Cộng sản” ở đây, vì vậy đã trang bị cho QLVNCH
những loại vũ khí tối tân nhất và dạy cho họ cách sử dụng, QLVNCH bắt đầu được đào tạo sử dụng điều khiển những vũ khí mới.
Bên cạnh đó, quân đội Nam Việt Nam cũng có những điều chỉnh về tái phối trí lực lượng vì, sau khi quân Mỹ rút đã để lại một khoảng trống rất lớn là sự thiếu hụt về quân số. Nằm trong kế hoạch tái thiết đất nước, vấn đề đặt ra là làm sao giữ được quân số và đảm bảo cung cấp được lương bổng cho binh lính. Kế hoạch là giảm thiểu quân đội, giải ngũ những lớp quá hạn, nhưng khi thiếu lại có thể ép lấy binh lính, “Nếu muốn giữ được số quân 1,1 triệu người, quân đội Việt Nam Cộng hòa cần tuyển hàng năm từ 200.000 đến 240.000 tân binh để thay vào số quân thương vong, tai nạn, đào ngũ và giải ngũ, nhưng số quân đó không thể bù đắp được vì lúc nào cũng thiếu từ 90.000 đến 100.000 quân hàng năm”[62, tr.79]. Lý do không lấy được cho các đơn vị đủ số quân cần thiết là vì: thứ nhất, “do tình trạng đào ngũ, hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên đến 1,5 hay 2 % tổng số quân, hàng năm quân đội mất đi 1/4 quân số. Thứ hai, không tuyển được đủ số tân binh như được phỏng dịch hàng năm vì nạn trốn quân dịch”[62, tr.79].
Mặc dù QLVNCH sau Hiệp định Paris đã có một số điều chỉnh dưới sự giúp sức của cố vấn quân sự Mỹ, nhưng vốn dĩ có tâm lý phụ thuộc nên việc huấn luyện hay điều chỉnh không đạt được hiệu quả to lớn, cùng đó viễn tượng về hòa bình, về tự lực tái thiết nền kinh tế không theo kế hoạch được bởi viện trợ bị cắt giảm không đủ để củng cố quốc phòng. Trong khi đó, sự chuyển giao, viện trợ và giúp củng cố lực lượng quân đội VNCH của HK chỉ ở mức độ nhất định vì Quốc hội Mỹ không còn muốn can thiệp sâu vào các vấn đề ở Nam Việt Nam. Với sự cố gắng cứu vớt, giúp VNCH điều chỉnh lực lượng, củng cố quân đội sau Hiệp định Paris, Mỹ hi vọng chính quyền Nam Việt Nam có thể tự đứng vững được, nhưng nó lại càng bộ lộ “con bệnh kinh niên” của sự phụ thuộc.
Ở miền Nam, sự hiện diện của nửa triệu quân đội HK một thời đã từng là biểu hiện sinh động nhất của lịch sử quan hệ VNCH - HK. Vì vậy, việc quân đội
Hoa Kỳ cuốn cờ về nước là biểu hiện nổi bật của thời kỳ ảm đạm trong 21 năm thăng trầm của sự cam kết Sài Gòn - Washington.
Một biểu hiện khác, rất đậm nét trong quan hệ Đồng minh giai đoạn này là việc Mỹ cắt giảm viện trợ về quân sự và kinh tế đối với VNCH. Chiến tranh kéo dài hơn một phần tư thế kỷ, VNCH không có gì để đóng góp vào cuộc chiến ngoại trừ nhân lực và máu; về vật chất, tài chính hoàn toàn bị phụ thuộc vào viện trợ của HK. Sau Hiệp định Paris, chính sách chiến tranh của Quốc hội HK đã có những thay đổi đối với Nam Việt Nam, việc xin viện trợ không còn dễ dàng như trước, thậm chí HK đã thẳng tay cắt giảm mọi nguồn viện trợ.
Từ năm 1967 đến 1970 - giai đoạn HK còn đang “dấn thân” vào cuộc chiến ở Việt Nam, mỗi năm tổn phí cho chiến tranh là 25 tỷ đô-la. Trong hai năm 1970 và 1971, chi phí mỗi năm giảm xuống còn 12 tỷ. Giờ đây, sau khi quân Mỹ triệt thoái, VNCH gần như một mình phải đảm nhận cuộc chiến, những khó khăn dồn dập mà VNCH gặp phải đã phản ánh sự lệ thuộc quá mức vào Mỹ.
Trong lúc tình hình kinh tế Nam Việt Nam khó khăn, Quốc hội Mỹ lại cắt giảm viện trợ với lý do miền Nam đã có hòa bình, có điều kiện để phát huy tiềm năng vì vậy không cần nhiều viện trợ như trước nữa. Nhưng trên thực tế, cuộc chiến kéo dài, mức sản xuất tiêu hao, nền kinh tế vốn dĩ đã quen lệ thuộc thì sau khi Mỹ rút nó không thể chuyển sang độc lập ngay được. Vì vậy, viễn tượng kinh tế “hậu chiến” của Thiệu bất chợt trở nên bấp bênh. Năm 1974, mức viện trợ đã giảm trên 50%, tia hy vọng lóe sáng tái thiết nền kinh tế vừa mới đi được một bước đã bị khựng lại và tất cả đều nằm trên kế hoạch.
Số viện trợ mà Mỹ định chi cho Đông Dương, sau khi trừ đi khoản cho Campuchia và Lào, chỉ còn 313 triệu đô-la cho miền Nam, thực tế, cuối cùng chỉ còn 226 triệu đô-la cho chương trình nhập cảng (CIP), đó là mức chi thấp nhất kể từ khi Mỹ tham chiến năm 1965.