Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
2.2. Cấu trúc truyền thuyết với các dạng motif tiêu biểu
2.2.1. Cấu trúc truyền thuyết về Thánh Tản Viên và những motif tiêu biểu
2.2.1.1. Cấu trúc truyền thuyết về Thánh Tản Viên
Hệ thống truyền thuyết, truyện kể về Thánh Tản Viên “đã tạo nên truyền thuyết về người anh hùng văn hóa – anh hùng chiến trận – bản trường ca bất hủ về cuộc đời, hành trạng – chiến công và sự bất tử của nhân vật đã được thần thánh hóa” [45, tr.31].
Nguồn gốc nhân vật
Một là, nhân vật là người thường, có nguồn gốc tự nhiên được dân gian thần thánh hóa. Truyền thuyết kể rằng: Thánh Tản Viên là con của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Đen, người làng động Lăng Xương, bên bờ sông Đà, thời Hùng Vương thứ XVIII. Hai vợ chồng tuổi đã cao, chịu khó tu nhân tích đức và cầu tự khắp nơi mà chưa có con. Một hôm, người chồng thấy một con rồng vàng xuống giếng lấy nước, phun sóng ngọc châu. Khi rồng bay lên thì gió nhẹ thổi, người vợ như bị nhấc bổng lên bờ giếng. Hương thơm ngào ngạt khiến bà cảm thấy phấn chấn, trong lòng cảm động mà có thai. Sau 14 tháng, bà sinh được một người con trai thần sắc tuấn tú, cao lớn hơn người trong mây lành, hào quang rực rỡ. Họ đặt tên con là Nguyễn Tuấn [21]. Nguyễn Tuấn về sau chính là thần núi Tản Viên, Thánh Tản Viên.
Hai là, nhân vật có nguồn gốc thần linh. Nguồn gốc thần linh của nhân vật có nhiều dị bản với những cách lý giải khác nhau. Có bản kể Thánh Tản Viên - Sơn Tinh là con hoang và là kết quả của sự thụ thai và sinh nở thần kỳ, do dẫm vào bước chân trên đá, do uống nước tiên,… Có nhiều bản kể khác lại cho rằng, Sơn Tinh là đứa trẻ được sinh ra giữa núi rừng, được người tiều phu
đem về nuôi, gặp được Thái Bạch Kim Tinh ban cho gậy thần có phép thuật cứu người. Sơn Tinh dùng gậy thần cứu sống con trai Long Vương, được trả ơn bằng cuốn sách ước. Từ đó, ngài trở thành vị thần cứu nhân độ thế, định cư ở núi Tản Viên, nên được gọi là thần Tản Viên hay Sơn Tinh.
Hình dáng nhân vật
Ngay từ khi sinh ra, Sơn Tinh đã biết nói, biết cười. Khi trưởng thành, có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú, hình dáng cao lớn.
Chiến công của nhân vật
(1) Chiến thắng thần nước: Khi vua Hùng kén rể, nhân vật cùng với Thủy Tinh thi tài. Nhờ sách ước, nhân vật mang lễ vật tới trước và giành phần thắng, rước được công chúa về làm vợ. Thủy Tinh tới muộn, không lấy được công chúa Mỵ Nương nên đã tức giận đem quân đến đánh nhưng thua trận. Do vậy, hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước để trả thù [24].
(2) Đánh bại giặc Thục: Khi quân Thục xâm lược, Sơn Tinh đã hai lần đánh bại nhưng khuyên Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Nhà vua nghe theo, Sơn Tinh cùng vợ bay lên trời. Thục Vương biết ơn đã lập 100 đền thờ các vị anh hùng đời vua trước.
Hiển linh, âm phù
Trải qua các đời vua, Thánh Tản Viên đều dùng phép thuật thần tiên giúp nước, cứu dân.
2.2.1.2. Những motif tiêu biểu xây dựng nên hình tượng Sơn Tinh – Thánh Tản Viên
Motif thụ thai, sinh nở thần kì
Cấu trúc của motif thụ thai, sinh nở thần kì là sự kết hợp của những yếu tố hiện thực và thần kỳ, với chức năng lý tưởng hóa, ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ, nhân vật đã được thần thánh hóa. Nhân vật ra đời là kết quả của những mối giao cảm kì diệu giữa con người với lực lượng siêu nhiêu, huyền bí. Trong
truyền thuyết về Thánh Tản Viên, người mẹ thụ thai do sự giao cảm kì lạ với thần linh, có thể là với rắn, dấu chân đại bàng hay với mây ngũ sắc,…
Motif thụ thai, sinh nở thần kì có rất nhiều bản kể khác nhau. Bản kể
Truyền thuyết Sơn Tinh ở Hà Tây do Hà Kinh – Đoàn Công Hoạt sưu tầm có chi tiết mẹ Sơn Tinh mang thai 14 tháng [37]. Bản kể của người Mường ở Phú Thọ lại viết người mẹ mang thai ba năm ba tháng mới sinh ra Sơn Tinh, khi mang thai phải chịu sự ghẻ lạnh của dân làng, bị quan lang đuổi khỏi làng nên phải sinh con một mình tại động Lăng Xương. Chính vì thế, motif sự thụ thai và sinh nở thần kì nhằm bảo vệ, khẳng định đề cao nhân vật, xóa tan sự kỳ thị của xã hội. Thay vào đó là sự thần thánh hóa, lý tưởng hóa người mẹ được thần linh lựa chọn để gửi gắm một vị thần linh – một người anh hùng xuống trần gian cứu nhân, độ thế.
Motif tài năng
Motif tài năng ở truyền thuyết về Sơn Tinh là sự tiếp nối motif thụ thai, sinh nở thần kì để phù hợp với cốt truyện và sự phát triển của các tình tiết.Sự tài năng đã giúp nhân vật vượt qua mọi thử thách tạo nên chiến công hiển hách để thay đổi số phận của nhân vật cũng như giúp ích cho nhân dân.
Tài năng của Sơn Tinh – Thánh Tản Viên không chỉ gắn với xã hội nông nghiệp mà còn gắn với thời kỳ xây dựng bảo vệ đất nước. “Chàng đi một bài quyền, trông thật đường đường là một võ tướng, một trang phong lưu tuấn kiệt… tự nhiên có trái núi hiện ra. Rồi trái núi biến mất, để thay vào đó, lần lượt là đồi đất, rừng cây, khúc sông, cánh đồng ... cho đến cả lâu đài, thành quách. Tất cả vừa thoắt hiện rồi lại thoắt biến, như có phép lạ thần thông vậy”. Tài năng của Sơn Tinh được bộc lộ sinh động và rõ nét qua cả tướng mạo và phép lạ: “mặt mày sáng sủa, da dẻ hồng hào” [37], “tuấn tú và tài giỏi khác thường, chỉ tay về phía Đông, phía Đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về phía Tây, phía Tây mọc lên hàng dãy núi”. Chính vì thế mà Chàng
được mệnh danh là “Chúa vùng non cao” [33, tr.127]. Hơn nữa chính nhờ tài năng, sự nhanh nhẹn, mưu trí hơn người mà chỉ trong một thời gian rất ngắn Sơn Tinh đã sắm đủ đồ sính lễ: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi” [33, tr.127] dâng lên vua Hùng trong cuộc thi kén rể để đón được công chúa Mỵ Nương về làm vợ.
Trong nhiều bản kể về Sơn Tinh – thần Núi Tản Viên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt: “Nhân vật Sơn Tinh hay Nguyễn Tuấn, thần núi Tản Viên được sinh ra do sự kết tinh sức mạnh và vẻ đẹp của cộng đồng, mang tầm vóc vũ trụ để đảm nhiệm sứ mạng lớn lao là cải tạo và chinh phục thiên nhiên, cứu nhân độ thế, chinh phục bộ lạc, sáng tạo văn hóa” [45, tr.43]. Thần Tản Viên bộc lộ là con người anh minh sáng suốt, không màng danh vọng chỉ lo cho muôn dân được sống thái bình. Bằng tài năng và sức mạnh của mình, thần núi Tản Viên đã thực hiện những hành động đẹp đẽ, cao cả, lập nên chiến công hiển hách được nhân dân tôn làm Thánh, để đi vào cõi bất tử, trở thành vị thánh đứng đầu “Tứ bất tử” của Việt Nam.
Motif kết hôn
Trong thuyền thuyết Việt Nam thường xuất hiện những nhân vật anh hùng, có sức mạnh phi thường vượt qua thử thánh được kết hôn với người con gái đẹp người, đẹp nết. Motif kết hôn trong truyền thuyết như một phần thưởng cho những công lao, vượt qua thử thách của nhân vật, để nhân vật có được một kết thúc có hậu, theo luật nhân quả mà nhân dân vẫn tin theo. Trong truyền thuyết Sơn Tinh, sự xuất hiện của Sơn Tinh và Thủy Tinh gắn liền với một sự kiện, đó là lễ kén rể của vua Hùng. Truyền thuyết Sơn Tinh kể rằng:
Vua Hùng thứ 18 có một Công chúa đã đến tuổi cập kê, rất xinh đẹp tên là Mỵ Nương. Vua mới ban truyền trong nhân gian tìm nhân tài kén làm phò mã
điểm chung là đều tài giỏi khác thường và cùng muốn kết hôn với công chúa Mỵ Nương. Chính vì thế mà vua Hùng mới đưa ra điều kiện về lễ vật để có thể chọn được chàng rể của mình. Đặc biệt, lễ vật mà vua yêu cầu có: một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi [37]. Chi tiết sính lễ này cũng thể hiện được phong tục thách cưới của người Việt xưa kia, theo đó, những chàng trai khi muốn lấy cô gái về làm vợ thì phải chuẩn bị đủ những vật thách cưới mà bố mẹ cô gái yêu cầu. Đó là những giá trị cô đọng nhất của nền văn hiến Văn Lang, người đưa lễ vật đến sớm nhất sẽ là người được làm rể của vua. Hôm sau, trời vừa hửng sáng, Sơn Tinh đã đến trước cổng thành với tất cả lễ vật cầu hôn công chúa. Vua Hùng rất mừng bèn gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh.
Sự kết hôn của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương không chỉ là sự se duyên hạnh phúc lứa đôi mà còn là sự chọn mặt gửi vàng để trao quyền cho người cho người kế vị, tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần của dân tộc, bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước.
Motif kết hôn trong truyền thuyết về Sơn Tinh cũng là motif thi tài trong truyền thuyết dân gian và motif thách cưới trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam. Motif kết hôn một phần thể hiện thái độ của nhân dân đối với những người anh hùng, nhờ tài năng và vẻ đẹp thần thánh mà nhân vật đã chiến thắng trong cuộc thi tài kén rể. Đó cũng chính là mong muốn của nhân dân, người tốt và tài giỏi bao giờ cũng xứng đáng có được những điều tốt đẹp nhất.
Thủy Tinh đến muộn, Sơn Tinh đã rước công chúa về núi. Thủy Tinh không lấy được công chúa nên đã nổi giận dâng nước lên bao vây núi. Suốt ngày đêm, trời đất tối đen, mưa gió mịt mùng, đồng ruộng, đất đai chìm trong nước. Sơn Tinh bình tĩnh tìm cách chống trả Thủy Tinh. Thủy Tinh đánh mãi vẫn không thắng được Sơn Tinh. Cuối cùng Thủy Tinh đành rút nước, lui quân về.
Sau khi kết hôn, Sơn Tinh ngày càng bộc lộ hết khả năng thần kì của mình để làm những điều tốt đẹp, ý nghĩa giúp dân, giúp nước và sáng tạo những giá trị văn hóa bất diệt.
Motif vật phù trợ
Motif vật phù trợ như một sự giúp đỡ của thế lực siêu nhiên, motif quen thuộc trong truyện dân gian. Motif vật phù trợ thể hiện ở những vật thần kì có những phép lạ và sức mạnh phi thường. Motif này thể hiện những yếu tố kì ảo trong rất nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian như: Tấm Cám, An Dương Vương, Chử Đồng Tử,…
Truyền thuyết về Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, trong rất nhiều bản kể đều có chi tiết Thánh Tản Viên nhận được sự giúp đỡ của thần linh, được ban tặng vật thần. Nhân vật thần linh ban những vật phẩm cho Thánh Tản Viên chính là Thái Bạch Kim Tinh và Long Vương. Vật phẩm đầu tiên mà Sơn Tinh nhận được từ Thái Bạch Kim Tinh đó chính là Cây gậy đầu sinh đầu tử. Trong một lần đi chặt củi ở khu rừng dưới chân núi Tản ở bên kia sông Đà, Nguyễn Tuấn rất ngạc nhiên là hễ cây gỗ mình chặt xuống, hôm sau nó lại được dựng lên và xanh tươi như lúc đầu. Sau nhiều lần bị như thế, Nguyễn Tuấn mới rình xem và bắt gặp một cụ già râu tóc trắng xóa, gương mặt lại trẻ như mặt con trai, cầm một cái gậy gỗ, chỉ gậy vào thân cây tùng mà Nguyễn Tuấn đã chặt đổ, thì lạ thay, cây tùng đã sừng sững vươn mình đứng reo trong gió, khắp thân không có một vết chặt nào. Nguyễn Tuấn từ trong bụi chạy ra, ôm lấy cụ già mà nói rằng: “Tôi nuôi mẹ già chỉ nhờ có nghề kiếm củi lấy gỗ, nay cụ làm thế, tôi lấy gì mà sống?” [84]. Cụ già tươi cười bảo chàng không nên chặt cây cổ thụ và trao cho chàng cây gậy thần. Cụ còn dặn Nguyễn Tuấn về cách sử dụng gậy thần: “Chỉ đầu thượng thì sống, chỉ đầu hạ là trừ ác hại, chỉ núi núi lở, chỉ nước nước cạn, phép rất linh nghiệm phải cẩn thận không được coi thường” [84]. Nguyễn Tuấn nghe lời thần dặn đã dùng gậy thần để cứu nhân
độ thế, diệt trừ hung bạo, làm những điều tốt đẹp cho dân. Cụ già lại giao cho Nguyễn Tuấn trông nom núi Tản.
“Từ khi được gậy thần, hàng ngày Tuấn vẫn kiếm củi đốt than nuôi mẹ già và chỉ dùng gậy thần cứu sống những người không may yểu mệnh, hay bị ốm đau, bệnh tật tai nạn, cứu những con vật hiền lành, bị nạn. Vì thế, Tuấn được dân kính phục, gọi là Tản Viên Sơn Thánh. Trong số những người được Tuấn cứu sống có Hoàng tử của vua Thủy Tề, dưới dạng lốt rắn lên chơi trên trần gian bị lũ trẻ chăn trâu đánh chết. Cảm ơn cứu mạng, Tuấn được Hoàng tử mời xuống chơi thủy cung, được vua Thủy Tề tặng vật báu nhất của mình là quyển sách ước” [59, tr.116-118]. Có quyển sách ước thì “cầu ước việc gì cũng đều được cả” [8]. Cũng có nhiều truyền thuyết cho rằng, chính nhờ có cuốn sách ước vua Thủy Tề tặng, nên dù ở ngay tại thành Phong Châu, Sơn Tinh chỉ việc mở sách ước ra là có đủ các vật quí, lạ của núi rừng sông bể, đủ cả “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” như vua Hùng yêu cầu.
Trong cuộc giao tranh với Thủy Tinh, “Vì Sơn Tinh có một cuốn sách thần. Lại có bí quyết thần linh cho nên Thủy Tinh không làm hại dân được” [21, tr.166]. Trong cuộc chiến với quân Thục, trước sự lớn mạnh của thế lực quân sự của nhà Thục, Thánh Tản Viên nhờ có sách ước và những lời niệm chú đã đánh thắng giặc Thục.
Motif vật phù trợ cũng chính là motif về lực lượng phù trợ, nó không chỉ phản ánh ước mơ, khát vọng mà còn phản ánh tín ngưỡng dân gian của người Việt. Yếu tố siêu nhiên cũng có thể là những yếu tố tưởng tượng đã nuôi sống tinh thần của những con người bé nhỏ trước những thế lực thù địch lớn mạnh cũng như với thiên nhiên hung dữ. Chính mong muốn chinh phục, chế ngự thiên nhiên mà dân gian mới nảy sinh những thứ thần thánh như một thứ tôn giáo thiêng liêng. Con người lương thiện luôn được sự giúp đỡ, che chở, bảo vệ của thần linh.
Với sự hiện diện của những yếu tố thần thánh, kỳ ảo qua sự giúp đỡ, phù trợ của thế lực siêu nhiên là đặc trưng không thể thiếu trong các truyền thuyết dân gian. Một nét thủ pháp nhằm làm tăng tính hấp dẫn, ly kỳ trong mỗi câu chuyện. Đặc biệt, dân gian nhờ sự thần thánh hóa này để giải thích những điều kỳ diệu trong mỗi truyền thuyết.
Motif chiến công phi thường
Các nhân vật của truyền thuyết anh hùng là những người có tướng mạo tuấn tú, sức khỏe phi thường, tài trí hơn người và đặc biệt luôn có được sự trợ giúp của thần linh. Chính những điều này đã tạo nên motif chiến công phi thường trong các truyền thuyết. Motif chiến công phi thường biểu hiện tầm vóc lớn lao của nhân vật, những sức mạnh của thần linh phù trợ cho nhân vật và khát vọng của nhân dân chiến thắng những thế lực thù địch để có được cuộc sống bình yên.
Nhân vật Thánh Tản Viên – Sơn Tinh là người anh hùng văn hóa – anh hùng chiến trận đã lập nên những chiến công hiển hách, trong đó phải kể đến chiến thắng trong cuộc giao tranh với Thủy Tinh nhiều năm liền và cuộc chiến chống lại nhà Thục để bảo vệ hòa bình, bờ cõi đất nước. Nhân vật Sơn Tinh ẩn chứa sức mạnh của tự nhiên được thần thánh hóa, hình tượng hóa. Những truyền thuyết kể về cuộc chiến giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh thể hiện cuộc chiến giữa thần Núi và thần Nước, ẩn chứa trong đó là cuộc chiến của