Nhân vật Thánh Chử ĐồngTử trong lễ hội dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết về các nhân vật Tứ bất tửtrong không gian văn hóa châu thổ Bắc Bộ (Trang 85 - 87)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

3.2. Truyền thuyết về các nhân vật “Tứ bất tử” với lễ hội dân gian

3.2.3. Nhân vật Thánh Chử ĐồngTử trong lễ hội dân gian

Các lễ hội về nhân vật Chử Đồng Tử trong “Tứ bất tử” được sử dụng để khảo sát trong Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt NamLễ Hội Việt Nam đó là:

- Hội đền Chử ĐồngTử của tác giả Nguyễn Minh San – Nguyễn Chí Bền [46, tr.334-347].

- Lễ hội Chử Xá của tác giả Đỗ Lan Phương [46, tr.347 – 358].

- Hội đền Hóa Dạ Trạch của tác giả Nguyễn Minh San – Nguyễn Chí Bền [46, tr.358 – 367].

- Hội xã Tự Nhiên của tác giả Nguyễn Nhị Hà [46, tr.1008 -1017]. - Lễ hội Chử Đồng Tử ở Đa Hòa [80, tr.706-709].

Nằm trong hệ thống lễ hội Việt Nam, trong dòng chảy bản sắc văn hóa Việt, lễ hội gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở tỉnh Hưng Yên từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng nổi bật. Theo thống kê của tác giả Đỗ Lan Phương năm 1998, “hiện có 68 làng thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử ở khắp các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, nhưng việc thờ phụng Chử Đồng Tử tập trung nhiều nhất ở Hưng Yên với 49 làng” [54, tr.22].

“Hỡi ai đi ngược về xuôi

Nhớ hội Đa Hòa mùng mười tháng hai”.

Hai câu thơ này đã đi sâu vào lòng tâm khảm của người dân Việt với một lòng tôn kính Đức Thánh Chử Đồng Tử. Lễ hội Chử ĐồngTử - Tiên Dung là một trong 12 lễ hội lớn của Việt Nam.

Truyền thuyết là lời giải thích của nhân dân trong vùng về lễ hội Chử Đồng Tử. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử là nơi lưu giữ, truyền tải sự tích về nhân vật phụng thờ trong lễ hội Chử Đồng Tử và truyền thuyết được tái hiện trong các lễ hội về người. Đức Thánh Chử Đồng Tử gắn với nghi lễ lấy nước để làm lễ mộc dục. Đã thành lệ, cứ 3 năm một lần, đền Đa Hòa mở hội tổng Mễ từ 10-15 tháng 2 âm lịch gọi là hội Kỳ Yên (hội cầu mát). Lễ hội mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng, ngoài những hoạt động tế lễ truyền thống như: rước kiệu từ 9 làng của tổng Mễ xưa về lễ hội và du thuyền rước nước trên sông. Lễ hội này do nhân dân địa phương tiến hành, có sự tham dự, cộng cảm của các làng lân cận và khách thập phương. Lễ diễn ra rất tưng bừng náo nhiệt, nhất là vào ngày rước nước, tất cả dân làng quanh vùng đều tập trung về đền tham dự lễ hội.

Mở đầu hội là lễ khai mạc, mọi người cùng nhau ôn lại truyền thuyết về mối thiên duyên giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung cùng tiên nữ Tây Sa. Sau lễ khai mạc là lễ rước nước, tức là lễ lấy và mang nước ở sông

Hồng về đền. Theo tục lệ thì nước dùng trong việc Thánh ở đền trong cả năm như làm lễ mộc dục (tắm tượng), nước cúng phải là nước được lấy ở giữa dòng sông Hồng. Hàng đoàn người trong trang phục ngày hội nối tiếp nhau theo đám rước tới bờ sông. Người được chọn ra múc nước là một người già đức độ, khỏe mạnh, mặc lễ phục, tay cầm chiếc gáo dừa sơn đỏ cúi xuống múc từng gáo đổ vào chóe tới khi đầy. Lễ rước nước trong lễ hội Chử Đồng Tử mang rõ nét tín ngưỡng cầu mưa của những cư dân nông nghiệp. Lễ rước nước hình thành như một hành động thiêng liêng biểu trưng cho sự cầu mong trời cho nước và trở thành một nghi lễ mở đầu cho rất nhiều hội làng vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bên cạnh lễ rước nước độc đáo, ngày nay, làng Chử Xá (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) quê hương của Đức Thánh Chử Đồng Tử vẫn lưu truyền một điệu múa cổ - múa lễ chữ. Điệu múa dâng Thánh bốn chữ “Thiên- Hạ -Thái- Bình” với một niềm tin thành kính cuộc sống của người dân sẽ được Đức Thánh che chở, quốc thái dân an.

Lễ hội Chử Đồng Tử tái hiện một cách sinh động truyền thuyết về thiên tình sử đẹp nhất của dân tộc cũng như thể hiện sự biết ơn, kính trọng Đức Thánh Chử Đồng Tử. Lễ hội mang một giá trị sâu sắc, thể hiện bức tranh sinh động và mộc mạc đời sống văn hóa của người Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Lễ hội đền Chử Đồng Tử còn là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, thể hiện đậm nét về mảnh đất, con người Hưng Yên.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Truyền thuyết về các nhân vật Tứ bất tửtrong không gian văn hóa châu thổ Bắc Bộ (Trang 85 - 87)