6. Bố cục luận văn
1.2 Điều kiện kinh tế xã hội
1.2.2 Điều kiện xã hội
Nằm ở đỉnh của châu thổ sông Hồng, khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, Vĩnh Phúc trở thành nơi dừng chân của nhiều tộc người thiểu số - những cư dân miền ngược - trên con đường tiến xuống khai phá vùng đồng bằng. Sự có mặt của các tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh như Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Nùng… cùng với người Kinh nói lên sự đa dạng về thành phần tộc người ở đây. Trong đó, người Sán Dìu, người Dao và người Cao Lan có số lượng đông hơn cả (lần lượt là 3%,0,6% và 1% dân số toàn tỉnh1). Họ tập trung chủ yếu ở xung quanh dãy Tam Đảo, thuộc các huyện Tam Đảo, Lập Thạch và Bình Xuyên, sống dựa vào đồi núi.
Thuộc không gian đồi rừng ở phía bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, vùng chân núi Tam Đảo là nơi có sự hiện diện của con người từ rất sớm, song cho đến cuối thế kỉ XIX, nơi đây vẫn là vùng rừng núi rậm rạp, dân cư thưa thớt. Những làng lâu đời nhất ở chân núi Tam Đảo như Đạo Trù, Hà Nậu chỉ có khoảng 20 hộ gia đình. Theo sổ đinh của huyện Tam Dương, cuối thế kỉ XIX, tổng Yên Dương bao gồm các xã: Yên Dương, Bồ Lý, Vĩnh Ninh, Đạo Trù (mà ngày nay chủ yếu thuộc địa bàn huyện Tam Đảo) chỉ có 280 suất đinh, trong khi đó, tổng Hoàng Chuế (nay thuộc địa bàn huyện Tam Dương) ở phía nam, số đinh lên tới 3080 suất [30, tr.44].
Ngày nay, người Kinh và người Sán Dìu là hai tộc người có dân số đông nhất ở Tam Đảo nhưng lịch sử phát triển của các tộc người tại địa phương cho thấy, qua các thời kì khác nhau, nơi đây đã diễn ra những cuộc di cư và nhập cư lớn.
Những cư dân sinh sống đầu tiên tại vùng núi Tam Đảo, đặc biệt là khu vực xã Đại Đình và Tam Quan, nơi có những cơ sở thờ tự chính về QMTT, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngày nay, đây là địa bàn sinh tụ
chính của người Sán Dìu nhưng theo các tư liệu điền dã của chúng tôi, trước khi người Kinh và người Sán Dìu đến định cư, nơi đây có thể là địa bàn cư trú của một tộc người khác. Các cụ cao niên ở đây cho biết, khi họ đi phát rẫy thường bắt gặp những ngôi nhà nát. Đó là những ngôi nhà sàn, làm theo kiểu kết hợp giữa cột và ngoãm, không đục đẽo, dựng ở bên sườn đồi và dưới chân núi, mặt hướng ra cánh đồng. So sánh với các cứ liệu dân tộc học đã công bố, chúng tôi nhận thấy những ngôi nhà này khá gần gũi với nhà của người Tày. Tuy nhiên, do tư liệu còn hạn chế nên việc xác định đó là tộc người nào còn là vấn đề cần làm sáng tỏ trong tương lai.
Người Sán Dìu vốn là một tộc người thiểu số, sinh sống ở vùng núi phía nam Trung Hoa. Vào khoảng thế kỉ XVII, cuối đời Minh, đầu đời Thanh, những cuộc tàn sát của phong kiến Trung Hoa đã đẩy hàng loạt các tộc người thiểu số lùi sâu xuống phía nam. Một bộ phận đã vượt qua biên giới Việt - Trung để vào Việt Nam, trong đó có người Sán Dìu. Ban đầu, từ một bộ phận của người Dao, do quá trình lưu tán mà tộc người này đã phân chia thành những nhóm nhỏ [7, tr.15]. Họ tự nhận mình là “San Déo Nhín”, phiên âm Hán Việt là “Sơn Dao nhân”, tức là người Dao ở trên núi. Vào nước ta, họ cư trú chủ yếu trên những triền núi thấp, những gò đồi thuộc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và “ở rải rác khắp chu vi đồng bằng trong các vùng Đầm Hà, Hà Cối, Quảng Yên, Phủ Lạng Thương, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Tuyên Quang. Lác đác ngoài các hải đảo trong vịnh Bắc Việt như Kẻ Bào, Cát Bà” [14, tr.78]. Suốt một dải bán sơn địa rộng lớn từ tả ngạn sông Hồng về phía đông đều có tộc người này cư trú. Các tộc người xung quanh căn cứ vào đặc điểm cư trú, đặc điểm trang phục mà gọi họ bằng các tên khác nhau như: Trại Đất, Trại Cộc, Mán Quần Cộc, Sán Nhiêu, Slán Dao. Đến khoảng giữa thế kỉ XVIII, người Sán Dìu mới di cư đến chân núi Tam Đảo, thế chỗ cho các gia đình Kinh đã chết hàng loạt do dịch bệnh và sốt rét,
tuân theo chiếu chỉ của vua An Nam[30, tr.46]. Vùng núi Tam Đảo vì thế, trở thành một trong những địa bàn tập trung đông nhất tộc người Sán Dìu1
. Họ tập trung chủ yếu ở chân núi phía đông nam và đông bắc dãy Tam Đảo. Ban đầu, họ sống thành từng chòm xóm nhỏ ở những chân núi thấp, trên những đồi bằng, dựa lưng vào dãy Tam Đảo và không ở lẫn với người Kinh, tạo nên những nhóm dân cư thuần nhất: “Dọc theo khối núi về phía đông, xã Xạ Hưng là nơi cư trú của một trong ba cộng đồng dân Sán Dìu lớn nhất, nơi đây không có một người Kinh nào… Sự phân biệt sắc tộc hằn rõ trong không gian của làng xã” [30, tr.46]. Mặc dù vậy, giữa người Sán Dìu với người Kinh đã có sự giao lưu văn hoá từ sớm. Nhiều phong tục của người Sán Dìu đều theo người Kinh, cả về cách ăn mặc và phương thức canh tác “không có công nghệ gì khác” [14, tr.9]. Cư trú trên những vùng đồi núi thấp và trung du, người Sán Dìu cũng làm ruộng nương, soi bãi, khai thác lâm thổ sản, săn bắn và đánh bắt cá. Trong trồng trọt, họ trồng các loại cây lương thực như lúa ở những ruộng thấp và trồng màu: ngô, khoai, lạc, mía… trên nương hoặc ngoài soi, bãi. Ban đầu họ cũng trồng lúa nương nhưng dần dần chuyển sang trồng lúa nước theo kiểu người Việt. Ngoài ra, họ cũng chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm: trâu, bò, lợn, gà, vịt… Bởi thế, họ còn có tên gọi khác là Trại Ruộng để phân biệt với các tộc người thiểu số làm nương rẫy. Từ thế kỉ XVIII cho đến đầu thế kỉ XX, đặc biệt là khi thực dân Pháp mở rộng công cuộc khai phá thuộc địa, đất đai ở những vùng chân núi ngày càng được khai phá nhiều hơn thì địa bàn cư trú của người Kinh và người Sán Dìu luôn có sự thay đổi.
1 Trong quá trình điền dã tại các xã Tam Quan và Đại Đình, huyện Tam Đảo, nơi người Sán Dìu tập trung khá đông, chúng tôi thu thập được một câu chuyện mà có lẽ người Sán Dìu đã truyền thuyết hóa việc di cư của mình. Truyền thuyết kể rằng: Đông Lộ khi đó là một ngôi làng đông đúc, có 99 nóc nhà, 99 chiếc cối xay, 99 con trâu đực. Người Tàu thấy đây là một vùng đất giàu có, bèn cử một ông giáo (có lẽ là thầy địa lý) sang thử lòng dạ người dân nơi đây. Họ đem một đứa trẻ đến gửi rồi bỏ đi. Ba năm sau, họ quay lại hỏi thăm về đứa bé thì được biết nó đã bị những người dân nơi đây giết hại. Họ sinh lòng căm hận và bàn cách triệt hại bằng cách đào mương cắt đứt long mạch của vùng này. Nhưng khi đào xuống dưới thì họ gặp phải một gành đá. Họ bèn huy động đổ trấu và dầu dọc, đốt ba đêm bảy ngày thì gành đá vỡ ra, người dân vùng này bị chết. Từ đó, vùng đất này bị hoang hóa. Đến khi người Sán Dìu di cư đến đây thì vùng đất này mới được khai phá trở lại.
Dưới thời thực dân - phong kiến, tổ chức xã hội của người Việt và người Sán Dìu về cơ bản là giống nhau. Thôn là đơn vị hành chính thấp nhất, trên thôn là xã, rồi đến tổng, châu và phủ. Cư dân sống trong các địa hạt của những đồn điền được tổ chức thành các trại, thôn, làng, xã, tổng do các kỳ hào, tổng lý cai quản. Đứng đầu tổng có chánh quản, phó quản, làng xã có lý trưởng, phó lý, cấp thôn có khán trại. Những người này có nhiệm vụ đốc thúc nhân dân nộp thuế, bắt lính, bắt phu. Mọi hoạt động phụ thuộc vào các chủ đồn điền, nhất là các chủ người Pháp. Ở nhữngnơi người dân làm “ruộng xứ”, tức ruộng họ tự khai phá thì lý dịch chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với châu, phủ.
Ngoài tổ chức hành chính thì còn có tổ chức chịu trách nhiệm về mặt quân sự: xã có xã đoàn, tổng có tuần tổng để chỉ huy lính dõng và dân binh khi làm quân sự. Trong tổ chức làng xóm còn có hội đồng kỳ mục, hay còn gọi là hội đồng hương thôn. Đây là hình thức bầu cử một người cao tuổi đứng đầu làng, do dân đinh trong làng xã bầu ra để đảm nhiệm một số công việc như đôn đốc nhân dân tu sửa đường sá, cầu cống, đình miếu, và cúng thành hoàng, duy trì những tục lệ cổ truyền.
Dưới chế độ cũ, xã hội của người Sán Dìu cũng phân chia thành nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau. Nông dân do chế độ tư hữu ruộng đất mà có bần nông, cố nông, trung nông và địa chủ. Trong xã hội người Sán Dìu còn có một lớp người làm nghề cúng bái. Những người này có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân lao động bởi họ còn là cố vấn cho bộ máy chính quyền và bọn địa chủ trong làng xã. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tầng lớp thanh niên, học sinh các trường hương học và các trường phổ thông rất hăng hái, sôi nổi, dễ tiếp thu những cái mới, nhiều người sau này đã trở thành nòng cốt cho phong trào cách mạng của địa phương.
Ngày nay, người Sán Dìu ở Tam Đảo đã xuống đến các vùng đất bằng phẳng, ở lẫn với người Kinh và các tộc người khác, cùng nhau sinh hoạt, lao động
sản xuất. Xã hội của người Sán Dìu cũng có những thay đổi căn bản. Người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc quản lý kinh tế, văn hoá và các cấp lãnh đạo của Đảng, chính quyền cũng như hoạt động của các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành khoa học - kỹ thuật khác.
Bên cạnh những biến động về dân cư, cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Tam Đảo nói riêng luôn có những bất ổn trong đời sống xã hội. Năm 1907-1908, nạn quân Cờ Đen đột nhập vào các làng và đốt phá tất cả trên đường chúng đi qua. Cùng với đó là các trận lụt do vỡ đê liên tiếp xảy ra từ năm 1851 cho đến các năm 1909, 1911, 1913, 1926 không chỉ làm mất nhiều trâu bò, gia súc, mùa màng thất bát mà còn gây ra những trận dịch tả và đậu mùa trầm trọng trong cả tỉnh Vĩnh Yên cũ. Nhiều người đã phải rời bỏ làng quê đến nơi khác kiếm sống. Chính giai đoạn này, vùng núi Tam Đảo đã trở thành một trong những vùng dân cư tập trung đông đúc nhất. Ngoài sự gia tăng tự nhiên, số dân từ nơi khác đến đây khai phá là nhân tố chính khiến cho dân cư ở đây gia tăng nhanh chóng. Từ năm 1901 đến năm 1930, dân số của tổng Yên Dương tăng lên 200% và dân cư di chuyển dần về các vùng chân núi chưa được khai phá [31, tr.49]. Nhiều gia đình từ Vĩnh Yên, đặc biệt là từ Bình Xuyên đã lên khai phá và cư trú ở chân núi Tam Đảo. Nguyên nhân của sự tập trung dân cư này là do phong trào thực dân hóa nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhượng đất nông nghiệp cho người Pháp khiến cho nhiều người phải rời bỏ ruộng đất của chính mình và đi tìm vùng đất mới để khai hoang, số còn lại phải chấp nhận trở thành tá điền cho người Pháp trên chính mảnh đất của mình. Vùng chân núi Tam Đảo, đất đai màu mỡ, dân cư thưa thớt đã nhanh chóng trở thành nơi tập trung của dân tứ xứ.
Trong quá trình điền dã tại các xã Đại Đình và Tam Quan ở chân núi Tam Đảo, chúng tôi nhận thấy hiện tượng nhiều gia đình người Sán Dìu mang
họ Diệp và họ Lưu đã đổi sang họ Lăng và họ Viên, thậm chí, nhiều gia đình người Kinh vốn từ Bình Xuyên đến định cư ở đây cũng đổi sang họ Lăng. Tuy nhiên, ở người Sán Dìu, khi thực hành các nghi lễ cúng giỗ hay khi cần phải nhắc đến tên người đã mất trong gia đình, dòng họ của mình thì họ vẫn sử dụng họ cũ. Điều này rất có thể liên quan đến phong trào thực dân hóa nông nghiệp như đã nói trên. Năm 1913, theo Nghị định ngày 27/12 của thực dân Pháp, những cư dân “bản địa”, với cương vị “bề tôi được Pháp bảo trợ” có thể nhượng đất cho nhau. Đất nông nghiệp được phát triển bằng cách khai phá và chiếm đoạt đất trống. Có nghĩa là vào thời gian đó, ở vùng núi này đã tồn tại một số dòng họ có “quyền thế”, được Pháp “bảo trợ”, mà những dòng họ đó có thể chính là địa chủ họ Lăng và họ Viên. Những điền chủ này sau đó đã thuê những người từ nơi khác đến để khai hoang và canh tác ruộng đất. Việc đổi họ của những người Sán Dìu cũng như của một số người Kinh có lẽ xuất phát từ việc họ cần có công việc, ruộng đất để làm và/hoặc họ rất biết ơn các địa chủ này đã tạo điều kiện cho họ.
Sự tập trung dân cư ở Tam Đảo trong thời gian này đã khiến nơi đây trở thành địa bàn có sự đa dạng về thành phần tộc người. Tuy nhiên, có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa - xã hội trong vùng chính là người Kinh và người Sán Dìu.
Bảng 1.3: Tình hình phân bố của các tộc người theo đơn vị hành chính của huyện Tam Đảo năm 2008 (đơn vị: người)
Xã, thị trấn Tổng số Trong đó
Kinh Sán Dìu Tộc người khác
Đạo Trù 12971 1287 11684 0
Yên Dương 5561 2746 2807 8
Bồ Lý 5492 3768 1145 579
Tam Quan 12132 11252 878 2 Hồ Sơn 6079 4343 1728 8 Hợp Châu 7449 4334 3055 60 Minh Quang 10503 4496 5975 32 TT.Tam Đảo 624 613 9 2 Tổng số 69729 38755 30282 692
(Nguồn: số liệu của Ban Dân tộc và Tôn giáo huyện Tam Đảo)
Theo bảng số liệu trên thì chỉ tính riêng năm 2008, người Kinh chiếm tỉ lệ 55,58% và người Sán Dìu là 43% trong tổng số dân của huyện Tam Đảo; chỉ có 1,42% còn lại là các tộc người khác, bao gồm: Cao Lan, Nùng, Hoa, Tày, Mường, Lào, Mông.
Như vậy, lịch sử phát triển của Tam Đảo đã diễn ra những cuộc di cư và nhập cư lớn cùng những bất ổn trong đời sống xã hội. Song, với vị trí chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng, Tam Đảo trở thành nơi tụ cư của cư dân từ nhiều nơi đến đây và với bàn tay con người, nơi đây từ một vùng hoang hóa đã trở thành một vùng dân cư trù mật.