6. Bố cục luận văn
2.1 Từ Thanh Sơn đại vương đến Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu sự hình thành
2.1.3 Sự kết tập nữ thần núi Tam Đảo vào hệ thống Hùng Vương
Thần núi Tam Đảo chuyển sang tính nữ khi được gắn kết vào tục thờ thổ thần - thành hoàng làng của cư dân ở chân núi Tam Đảo. Tuy nhiên, vị thần vẫn mang tước hiệu là Thanh Sơn đại vương và chỉ khi thần được kết tập vào hệ thống Hùng Vương thì tước hiệu “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương” mới xuất hiện.
Chức năng chính của thần núi Tam Đảo cũng như thần Tản Viên là chức năng của vị thần nông nghiệp, giúp dân làm mưa. Song, nếu như thần núi Tản Viên được biết đến nhiều hơn với những công lao của một vị thần nông nghiệp: trị thủy, làm mưa, dạy dân trồng trọt, săn bắt, đánh cá… thì thần núi Tam Đảo ngoài chức năng làm mưa còn được nhắc đến với công lao âm phù đánh giặc. Từ thời Hai Bà Trưng đến thời Trần, thời Lê đều có những câu chuyện về sự âm phù của thần. Bản thần tích làng Yên Tĩnh, xã Đồng Thịnh,
huyện Lập Thạch ghi lại việc Quốc Mẫu hội đủ bách thần sông núi về sông Hát, nguyện giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định. Thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông rút lui khỏi kinh thành đã sai người mật đảo bách thần sơn thủy, Mẫu lại hiển linh dẫn đường cho quân sĩ đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi. Đến thời Lê, khi quân của Bình Định Vương Lê Lợi tiến quân ra bắc, đến ngã ba Hạc, Nguyễn Trãi đã sai người cầu đảo và được Mẫu linh ứng âm phù. Bản thần tích ở đền thôn Thượng Trù do Hoàng Tín đại phu, tri phủ Triển Vu Thị bái soạn năm Cảnh Hưng 45 (1784) đã ghi rõ công đức của thần là “âm phù Lê Thái Tổ”, tức ngầm giúp vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh.
Sự kiện đáng chú ý nhất về sự âm phù của thần núi giúp quan quân đánh giặc là sự kiện cha con người bán dầu Lưu Trung khi đi qua làng Quan Ngoại thì gặp mưa gió phải vào trong đền trú và được thần báo mộng: “…Hôm nay, trên thiên đình yết bảng cho Lê Lợi, là dân thôn Như Áng, sách Khả Lãm, huyện Lương Giang, lộ Thanh Hóa làm vua” [45, tr.179]. Cha con Lưu Trung từ đó mới tìm vào Thanh Hóa, phò giúp Lê Lợi, lập được nhiều công trạng và được ban quốc tính. Theo Đại Nam nhất thống chí thì đây là ngôi đền Cẩm, hay còn gọi là đền Tổng, thôn Quan Ngoại, huyện Tam Dương, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây chính là trung cung - một trong ba cung chính thờ QMTT. Lý do để ngôi đền này trở thành một trong những điểm thờ tự chính QMTT có thể liên quan đến sự kiện cha con Lê (Lưu) Nhân Chú được thần báo mộng. Sau khi thành danh, họ đã tạ ơn thần bằng cách công đức tu sửa đền hoặc xin tặng sắc phong [87, tr.39]. Đồng thời, việc Lê Khắc Phục - con của Lưu Trung, em cùng mẹ của Lê (Lưu) Nhân Chú lên tế thần ở núi Tam Đảo và khắc bia “ma nhai” cũng có thể liên quan đến ơn nghĩa của Quốc Mẫu với gia đình ông. Như vậy thì tước hiệu “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương” rất có thể là được phát tích từ sự kiện này. Có lẽ vì vậy mà vua Gia Long (1802-1820) triều Nguyễn ngay khi mới lên ngôi đã liệt Lê Chú vào hàng
khai quốc công thần nhà Lê và cho một người dòng dõi được tập ấm, trông nom việc thờ tự ở đây. Từ điển Bộ Lễ triều Lê lập năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) đời vua Lê Hiển Tông xếp QMTT vào danh sách thứ hai trong 19 vị sơn thần ở phần thường lệ gồm 128 vị thần quốc gia Đại Việt, sau Tản Viên Sơn Thánh. Bài vị của thần được chép trong từ điển là: “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương”. Đây là văn bản sớm nhất nói đến tước hiệu này. Phần đề mục có lời dẫn:
Xem trong lịch sử nước nhà, núi Tam Đảo ở Lĩnh Nam là ngọn núi giữa của núi Tổ, thuộc địa phận Thái Nguyên. Thần của ngọn núi ấy họ Lăng Thị, tên là Tiêu, lại có tên là bà Cẩm Giang, là người Đông Lộ, huyện Tam Dương. Bà được hun đúc bởi khí tốt của ngọn núi cao nhất dãy Tam Đảo mà sinh ra, chỉ giữ lấy điều chính yếu mà không theo phàm tục, noi theo cũ mà không so đo, nên có tầm sâu rộng. Rồi bỗng nhiên biến hóa như thần, không thể tưởng tượng được, ẩn hiện khôn lường, không biết đâu mà đoán…[85, tr.86-87]
Chính công lao âm phù diệt giặc của thần núi Tam Đảo là lí do để các triều đại sau này tôn vinh bà lên hàng Quốc Mẫu. Song, việc nữ thần ở chân núi Tam Đảo được phong tước hiệu “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu” còn một nguyên nhân khác là do bà đã được kết tập vào hệ thống Hùng Vương.
Bản “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” xã Hy Cương và bản chép tay của viện Nghiên cứu Hán Nôm đều thống nhất kể rằng: nàng Ngọc Tiêu là con gái của trưởng ông Đông Lộ, được vua Hùng thứ bảy lên núi cầu tiên và cưới về làm vợ, sau này làm mẹ của vua Hùng thứ tám là Hùng Vĩ Vương. Bản ngọc phả xã Hy Cương do viên quan Trực học sĩ viện Hàn lâm Nguyễn Cố soạn vào năm Hồng Đức thứ nhất - 1470, khá gần với thời gian thần núi Tam Đảo được phong là Thanh Sơn đại vương - năm 1450. Nếu lấy thời điểm năm 1470 bản ngọc phả này ra đời là chính xác thì thời điểm xuất hiện sự tích về các vua Hùng cũng gần với thời gian thần núi Tam Đảo được
phong tước hiệu Thanh Sơn đại vương. Theo đó thì nàng Ngọc Tiêu chỉ là vợ vua Hùng thứ bảy chứ không có thành tích giúp vua đánh giặc.
Truyền thuyết ở địa phương (trong Hồ sơ di tích danh thắng Tây Thiên) thì kể rằng nàng Ngọc Tiêu là người tiên, tham gia đánh giặc rồi lại trở về núi, không lấy vua.
Giữa hai bản kể có sự khác nhau về hành trạng của Mẫu. Vì vậy, để “hợp lí hóa” nguồn gốc của bà, người biên soạn sau này đã cố ý lồng ghép hai truyện làm một: nàng Lăng Thị Tiêu ở Đông Lộ là con cầu tự, thông minh tài giỏi, giúp vua Hùng đánh giặc và kết duyên với hoàng tử Lang Liêu, sau trở thành mẹ của vua Hùng thứ tám.
Nhìn chung, các bản phả lục Hùng Vương xuất hiện khá muộn, nếu sớm thì cũng trùng hoặc sau khi thần núi Tam Đảo đã được phong. Khi xây dựng ngọc phả, trong tâm thức đối sánh giữa Tản Viên với núi cha, Đức Thánh Tản là con rể vua Hùng, người ta cũng dễ dàng liên hệ Tam Đảo với núi mẹ, nàng Lăng Thị Tiêu là vợ vua và mẹ vua. Hơn nữa, vùng địa - văn hóa Ba Vì - Tam Đảo - Nghĩa Lĩnh là vùng đất thiêng, là “ba trường thành” của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc nên khi hệ thống huyền thoại về cội nguồn dân tộc được hình thành thì ba ngọn núi này cũng được tích hợp vào hệ thống huyền thoại thời vua Hùng. Đây chính là sự khẳng định và thiêng hóa nguồn gốc “con rồng cháu tiên” của người Việt: “Toàn bộ câu chuyện về Hùng Chiêu Vương cầu tiên trên núi rồi gặp Ngọc Tiêu đưa về làm vợ là nằm trong ý tưởng thiêng hóa gốc gác “con rồng cháu tiên” của các triều vua Hùng, nhờ đó mà vị sơn thần - nữ thủ lĩnh ở Đông Lộ đã từ vùng núi Tam Đảo về núi Nghĩa Lĩnh trở thành một Quốc Mẫu của thời đại Hùng Vương” [87, tr.42].
Như vậy, do có công giúp dân làm mưa và âm phù diệt giặc, thần núi Tam Đảo đã được kết tập vào hệ thống huyền thoại lập quốc thời Hùng Vương và được triều đình phong kiến nhà Lê phong tước hiệu “Tam Đảo
sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương”, được liệt vào tự điển Bộ Lễ năm Cảnh Hưng 24. Từ một sơn thần - một vị thần tự nhiên đến Quốc Mẫu - một vị nhân thần, là một quá trình dài thể hiện sự vận động trong tư tưởng của nhân dân ở các thời đại khác nhau trong việc thờ cúng các vị thần. Đây chính là sự “tăng quyền” của dân gian dành cho vị nữ thủ lĩnh vùng chân núi mà họ ngưỡng mộ.
2.1.4 Họ Lăng và sự gắn kết tục thờ thần núi với thành hoàng làng
Như đã nói ở trên, giữa các truyền thuyết có sự khác nhau đáng kể về lai lịch và hành trạng của Mẫu. Đồng thời, việc QMTT mang họ Lăng không phải ngay từ đầu đã có, đây chính là minh chứng cho thấy có sự gắn kết tục thờ thần núi với thờ thành hoàng làng của địa phương.
Nếu lấy năm 1470 là năm Ngọc phả Hùng Vương được soạn thảo thì có thể thấy vào thời điểm này họ Lăng ở Tam Đảo chưa thấy xuất hiện trong thư tịch, có nghĩa là cho đến cuối thế kỉ XV, họ Lăng chưa phát triển ở vùng núi này. Văn bản nhắc đến họ Lăng sớm nhất là tấm bia “Tạo lập bi kí” đặt ở đình Lan Thông, được lập vào năm Chính Hòa 22 (1701) đời vua Lê Hy Tông, trên đó có đề tên họ của nhiều người họ Lăng ở thôn Lan Thông như Lăng Hữu Lễ, Lăng Quang Nghĩa, Lăng Thế Thụ… đã đóng góp để tu sửa chùa Phù Nghì trên núi Phù Nghì theo sắc chỉ của triều đình. Tiếp đó, tấm bia “Tam Đảo sơn Tây Thiên thiền tự” trong lần trùng tu vào năm Long Đức thứ hai (1733) cũng chép danh sách những người công đức sửa chữa chùa Tây Thiên, trong đó có nhiều người họ Lăng: Lăng Hữu Bản, Lăng Thế Lộc, Lăng Công Đăng… ở xã Sơn Đình. Ngoài ra, tấm bia “Tam Đảo sơn” ghi lại công việc sửa chữa, tô tượng, đón tăng chủ trì ở chùa Thiên Ân do nữ hội chủ là Đệ nhị công chúa Lê Thị Ngọc Ân, nguyên quán xã Bố Vệ, hương Lam Sơn, huyện Thủy Nguyên, phủ Thiệu Thiên đứng đầu. Đứng tên sau vị hội chủ thứ nhất là ông Lăng Hữu Bản, cũng được ghi là hội chủ, cùng vợ là bà Hoàng Thị
Triêm, người thôn Khổn Thông, xã Sơn Đình. Qua các văn bia này, có thể khẳng định rằng, ít nhất là đến thế kỉ XVI, họ Lăng đã định hình ở Tam Đảo để đến thế kỉ XVIII trở thành một họ lớn mạnh ở vùng này.
Tự điển Bộ Lễ triều Lê soạn năm 1763 có thể coi là văn bản đầu tiên chép tên họ đầy đủ của QMTT là Lăng Thị Tiêu. Đây chính là cơ sở để truyền thuyết về Mẫu từ lâu đã lưu truyền trong dân gian đến lúc này được bồi đắp và dần dần hoàn chỉnh. Sự kiện vị trưởng ông ở Đông Lộ có người con gái nhan sắc, tài giỏi được cụ thể hóa bằng nhân vật có tên họ đầy đủ do nhu cầu hợp thức hóa thần vị và lai lịch Mẫu của người đời. Do đó, tên gọi Lăng Thị Tiêu chỉ có thể xuất hiện khi họ Lăng đã ổn định và phát triển ở vùng đất này. Song, đây là họ của tộc người nào thì cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Vùng núi Tam Đảo từ lâu đã là nơi cư trú của nhiều tộc người. Qua các tư liệu về dân tộc học từ thì từ thế kỉ XVII trở lại đây, người Kinh và người Sán Dìu là hai tộc người có số dân đông nhất. Truyền thuyết về QMTT thì khá phong phú, song các thư tịch cũng như văn bia tại các di tích ở Tây Thiên không nói rõ bà là người dân tộc nào. Nếu căn cứ vào các bản thần tích và truyền thuyết, Mẫu sống vào thời vua Hùng, dù là vua Hùng thứ bảy hay vua Hùng thứ 18, thì bà chỉ có thể là người Việt, một tộc người chủ thể và đã có lịch sử hơn hai nghìn năm. Tuy nhiên, các kết quả khảo cổ học khai quật được ở khu vực Tây Thiên - Tam Đảo lại chỉ tìm được các hiện vật có niên đại thời Trần mà không tìm thấy chứng tích nào của thời Đông Sơn hoặc thời hậu Đông Sơn. Đến đây, trước những chứng cớ của khảo cổ học, truyền thuyết khó có thể chứng minh lai lịch của nhân vật được thờ. Song, đây không phải là nhiệm vụ của truyền thuyết mà chức năng của nó là thể hiện tình cảm, lòng thành kính và niềm tự hào của người dân đối với vị anh hùng nên trong tâm thức người dân, nhân vật của họ phải xuất hiện từ “ngày xưa”, “vào thời vua Hùng”, là con người phi thường và lập nên những chiến công hiển hách.
Nếu căn cứ vào các truyền thuyết thì Quốc Mẫu có thể là người Kinh. Nhưng họ Lăng lại chỉ xuất hiện trong các thư tịch vào thế kỉ XVIII trên các bia ghi lại việc công đức và tu sửa đền, chùa ở khu vực Tây Thiên. Trong danh mục các dòng họ Việt Nam được lập ở Lạc cảnh Đại Nam (khu du lịch văn hóa Đại Nam ở Bình Dương) thì họ Lăng được xếp thứ 475/1055 theo thứ tự A,B,C chữ cái đầu tên các dòng họ Việt Nam. Điều đó cho thấy đây không phải là họ phổ biến của người Việt. Trong quá trình điền dã ở Tam Đảo, xung quanh khu vực Tây Thiên, chúng tôi cũng gặp khá nhiều người Kinh họ Lăng nhưng nhiều người trong số này lại di cư từ Vĩnh Yên và Bình Xuyên đến đây mới chỉ được khoảng 5-6 đời, còn một số người tự nhận là dân bản địa ở đây thì lại không có văn bản hay tư liệu gì về dòng họ của mình. Bên cạnh đó, hiện tượng một số người Tày, người Nùng ở Bắc Cạn và Lạng Sơn mang họ Lăng [87, tr.47] liệu có liên quan gì đến họ Lăng ở Tam Đảo hay không và những nét văn hóa vật chất tương đồng giữa các tộc người này cũng là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Một số ý kiến khác lại cho rằng Mẫu Tây Thiên là người Sán Dìu. Như đã nói trên, khu vực Tây Thiên - Tam Đảo vốn là nơi tập trung nhiều tộc người thiểu số trên con đường di cư xuống phía nam. Chân núi Tam Đảo, trên địa bàn các xã Đại Đình, Đạo Trù, Tam Quan là nơi người Sán Dìu tập trung đông đúc từ thế kỉ XVIII trở lại đây, khi tình hình xã hội ở khu vực này có nhiều biến động. Đây là cơ sở để nhiều người tin rằng mẫu là người Sán Dìu, do những người di cư từ nam Trung Hoa mang theo trên con đường thiên di. Tuy nhiên, nếu mẫu là người Sán Dìu thì bà không thể xuất hiện ở vùng đất này vào thời vua Hùng (dù vào thời Hùng Vương thứ bảy hay Hùng Vương thứ 18), lại càng không thể là hoàng phi của một ông vua Hùng nào đó, như nhiều truyền thuyết nói đến. Hơn nữa, họ Lăng cũng không phải là họ của người Sán Dìu. Hiện tượng một bộ phận người Sán Dìu mang họ Lăng ở Tam
Đảo hiện nay là do họ đã đổi họ, chủ yếu là họ Diệp đổi sang họ Lăng và khi cúng tế thì họ vẫn đọc theo họ gốc của mình (như đã trình bày ở chương 1, mục 1.2.2). Vì vậy, theo chúng tôi, Mẫu không phải là người Sán Dìu. Cùng ý kiến này, nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên cho rằng Mẫu là người Kinh, được người Sán Dìu thờ cúng “do ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống bản địa, họ đã hòa nhập vào nền văn hóa địa phương, trong đó có tín ngưỡng thờ QMTT Lăng Thị Tiêu” [85, tr.55].
Như vậy, QMTT chỉ mang họ Lăng kể từ khi họ này ổn định và phát triển thành một họ có thế lực ở vùng Tam Đảo vào khoảng thế kỉ XVIII trở lại đây. Điều này càng chứng tỏ cho sự gắn kết giữa tục thờ thần núi Tam Đảo với thần thành hoàng làng của cư dân bản địa. Hiện tượng này diễn ra từ thế kỉ XV cho đến thế kỉ XVIII và truyền thuyết về Mẫu ngày càng được bồi đắp, hoàn thiện để cho nhân vật được thờ có một lai lịch rõ ràng hơn.
2.2 Biến đổi về di tích và điện thần
2.2.1 Biến đổi về di tích