6. Bố cục luận văn
3.1 Giá trị của việc phụng thờ QMTT
3.1.1 Giá trị lịch sử văn hóa
Như nhiều hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác, tục thờ QMTT chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo.
Trước hết, ẩn trong việc phụng thờ Quốc Mẫu là những câu chuyện, những truyền thuyết lịch sử về một thời dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là những câu chuyện về người con gái ở Đông Lộ đã giúp vua luyện quân đánh giặc. Đến với các di tích ở Tây Thiên, ngoài việc cầu cúng, lễ lạt, người ta còn tìm thấy ở đó truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc ngay từ buổi đầu dựng nước. Bên cạnh đó, tục thờ QMTT còn chứa đựng trong đó câu chuyện tình đẹp trong lịch sử giữa vua Hùng thứ bảy và nàng Lăng Thị Tiêu mà thế hệ trẻ ngày nay nên biết và học tập.
Có thể khẳng định rằng việc thờ phụng QMTT là một trong những hình thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Do nhiều lần có công âm phù diệt giặc ngoại xâm, bà được kết tập vào hệ thống Hùng Vương, được tôn vinh là Quốc Mẫu, trở thành một trong sáu bà mẹ của đất nước cùng với Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Thánh Ân Diệp phu nhân, Quốc Mẫu Vương Bà Tứ vị Thánh nương, Quốc Mẫu làng Vàng và Cung từ Quốc Thái Mẫu. Do đó, việc thờ phụng QMTT không chỉ có ý nghĩa là phụng thờ một vị thần tự nhiên mà hơn thế là phụng thờ “bà mẹ Tổ của đất nước, thuộc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam” [87, tr.42]. Nó giáo dục cho con người ý thức “uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc.
Từ xa xưa, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là một đất nước có vị trí địa - chính trị đặc biệt, nhiều lần phải đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, về kinh tế lại lấy nền nông nghiệp lúa nước làm trọng nên người phụ nữ Việt Nam không chỉ tham gia vào quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc, lập nhiều chiến công mà còn trực tiếp tham gia vào sản xuất ra của cải vật chất và đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Do đó, trong tâm thức người dân từ xưa đã hình thành nên truyền thống tôn thờ người phụ nữ. Đối với người Việt Nam, Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu không chỉ có công giúp dân làm mưa, đảm bảo mùa màng cho nông nghiệp mà bà còn có công âm phù, giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm. Từ thời Hai Bà Trưng đến thời Trần, thời Lê, bà đã nhiều lần hiển linh giúp quan quân đánh giặc. Với những công lao ấy, bà đã được các triều đại Lê, Nguyễn tôn vinh lên hàng Thượng đẳng thần và nhiều lần ban tặng sắc phong, mĩ tự như: Dực vận, phù tộ, hoằng tế đại vương (Đạo năm Cảnh Hưng 36 - 1775), Văn vũ, thần biện, thông duệ đại vương (Đạo năm Cảnh Hưng 44 - 1783), Trấn an chi thần (Đạo năm Minh Mệnh 2 - 1821).... Chỉ tính riêng Thỏng và đền Tổng làng Khang Điền đã có đến 12 sắc phong dành cho bà thuộc các triều vua: Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Khải Định, Duy Tân.
Đối với Việt Nam, một đất nước có truyền thống nông nghiệp lúa nước thì vai trò của các yếu tố tự nhiên là rất quan trọng. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tục thờ QMTT nói riêng còn thể hiện ý thức tôn trọng tự nhiên. Từ xa xưa, trong việc nhận thức thế giới, người Việt đã đồng nhất tự nhiên với con người, người Mẹ của con người cũng là Mẹ của tự nhiên, họ không chỉ nhân hóa mà còn nữ tính hóa tự nhiên. Việc tôn thờ Mẫu không chỉ là tôn thờ, sùng bái các hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, sấm, chớp… mà còn là sự sùng bái lực lượng cai quản tự nhiên: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn. QMTT, tiền thân là một vị thần tự nhiên, từng có công
làm mưa, mang đến cuộc sống ấm no cho con người. Vì thế, như các Mẫu Thiên, Địa, Thoải, Thượng Ngàn, Mẫu Tây Thiên cũng là hiện thân của sự che chở, bao bọc và mang lại những điều tốt lành cho con người. Việc phụng thờ QMTT do đó còn là sự phụng thờ tự nhiên. Điều đó giúp cho con người ngày nay có cái nhìn trân trọng và có ý thức hơn trong việc bảo vệ tự nhiên, đặc biệt khi vùng thờ QMTT lại nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo - lá phổi xanh của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Việc thờ phụng QMTT còn thể hiện sự hội nhập văn hóa tộc người ở vùng núi Tam Đảo. Đây là khu vực tập trung nhiều tộc người thiểu số, trong đó người Sán Dìu chiếm số lượng đông hơn cả. Những nơi có đền thờ Mẫu, đặc biệt là các điểm thờ tự chính như đền Mẫu Sinh, Mẫu Hóa, đền Thỏng, đền Thượng… đều là địa bàn cư trú của người Sán Dìu. Do đó, mặc dù là tộc người nhập cư vào Việt Nam chưa lâu nhưng trong sinh hoạt văn hóa, người Sán Dìu luôn thể hiện vai trò chủ thể của mình đối với tục thờ QMTT. Những ngày tiệc lệ cũng như ngày giỗ Mẫu, bên cạnh người Kinh, họ cũng tham gia làm cỗ, rước kiệu và nhiều người trong số họ coi Mẫu Tây Thiên chính là vị Mẫu thần của tộc người mình. Sự hội nhập văn hóa này khiến cho mối quan hệ giữa người Kinh và người Sán Dìu trong vùng càng trở nên gắn bó.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa như trên, việc phụng thờ QMTT cùng khu di tích danh thắng ngày càng thu hút nhiều người dân trên khắp cả nước tìm đến, nhất là vào dịp lễ hội, để chiêm ngưỡng và tưởng nhớ công đức của bà.