Thần núi Tam Đảo tiền thân của QMTT

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Workship Quoc Mau Tay Thien in Tam Dao district - Vinhphuc province (Trang 45 - 54)

6. Bố cục luận văn

2.1 Từ Thanh Sơn đại vương đến Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu sự hình thành

2.1.1 Thần núi Tam Đảo tiền thân của QMTT

Tục thờ QMTT bắt nguồn từ một hình thức tín ngưỡng cổ sơ của người Việt - tín ngưỡng bái vật giáo, kết hợp với tục thờ thổ thần của cư dân bản địa.

Theo quan niệm vạn vật hữu linh, con người tin rằng mọi thứ đều có linh hồn. Bất kì một con sông, một ngọn núi nào cũng có một vị thần trú ngụ. Nếu như tục thờ các thần sông nước - thủy thần - phổ biến ở ven sông ven biển, thì tục thờ thần núi - sơn thần - lại khá phổ biến ở miền đồi núi. Đây là tín ngưỡng cổ sơ, phổ biến ở nhiều tộc người trên thế giới. Tín ngưỡng này

thường gắn liền với tục thờ đá thiêng mà cho đến nay vẫn có thể quan sát được ở nhiều nơi. Chẳng hạn, ở Pháp, có đống đá được gọi là Plan des Dames mà ai đi qua cũng ném một hòn đá vào đó để cầu vị thần núi ban phúc, hay ở Tây Tạng, nơi ở của thần núi lại là một đống đá ở đỉnh đèo [75, tr.35-36].

Việt Nam, một đất nước vừa có mạng lưới sông ngòi dày đặc, lại có 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi nên ngoài môi trường sông nước thì rừng núi cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong đời sống tinh thần của người dân. Cùng với những vị thần sông, thần biển thì từ sớm, thần núi đã được cư dân ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng rừng núi thờ cúng. Khó có thể xác định tín ngưỡng này có từ bao giờ nhưng có thể khẳng định rằng đây là tín ngưỡng nguyên thủy, có mặt lâu đời trên đất nước ta.

Những ghi chép đầu tiên về thần núi rất sơ sài và ít ỏi. Vị thần núi đầu tiên được nhắc đến trong sử sách Việt Nam là một “sơn thần” chưa rõ danh tính, được thờ cúng trong động mà vua Đinh Tiên Hoàng theo mẹ vào trú ẩn khi còn nhỏ. Điều này cũng không khó hiểu khi mà ngay từ thời kì đầu độc lập tự chủ, đạo Phật - một tôn giáo nhập ngoại - đã được các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng. Do đó, các tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ các thần tự nhiên được ghi chép khá muộn cùng với sự quan tâm ở mức độ nhất định của triều đình phong kiến. Ở hai triều Đinh, Tiền Lê, tín ngưỡng dân gian chưa nằm trong phạm vi coi sóc của triều đình. Sự kiện đầu tiên đánh dấu sự quan tâm của nhà nước phong kiến đối với tín ngưỡng này là cuộc tế vọng thần núi vào năm 1016, đời vua Lý Thái Tổ do có động đất. Tiếp đó, đến năm 1028, vua Lý Thái Tông sau khi lên ngôi đã phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ và dựng miếu để tuế thời cúng tế do thần có công âm phù giúp vua chống được loạn “tam vương” [13, tr 171]. Từ đây, các vị thần núi được triều đình coi trọng và thường xuyên làm lễ tế mỗi khi nước nhà có việc lớn. Năm 1038, nhà vua tế thần nông và lập đàn tế thần nông thì

cũng làm cỗ thiếu lao để tế thần sông núi. Năm 1044, nhà vua thân đi đánh Chiêm Thành, trước khi đi cũng làm lễ cúng thần núi.

Như vậy, cho đến thời Lý, tục thờ thần núi mới được triều đình để ý đến. Tuy nhiên, mức độ quan tâm của vua tôi nhà Lý cũng chỉ dừng lại ở một số vị thần như thần Đồng Cổ, thần Tản Viên. Các vị thần núi khác, trong đó có thần núi Tam Đảo thì chưa được ghi chép rõ ràng.

Tam Đảo là dãy núi lớn che chắn cho đồng bằng sông Hồng về phía Bắc. Cùng với Ba Vì, Tam Đảo từ sớm đã được biết đến là nơi nổi tiếng linh thiêng nhưng so với núi Tản Viên thì Tam Đảo cùng vị thần ngự ở núi này lại được ghi chép vào chính sử khá muộn màng. Lần đầu tiên thần núi Tản Viên được ghi chép trong chính sử là năm 1073, nhân sự kiện “rước phật Pháp Văn về kinh để cầu tạnh” [13, tr.199], vua Lý Nhân Tông cũng làm “lễ cúng thần núi Tản Viên”. Đến năm 1145, dưới thời vua Lý Anh Tông đền thờ thần núi Tản Viên đã được xây dựng. Trong khi đó, thần núi Tam Đảo sau bốn thế kỉ (năm 1449) mới thấy xuất hiện trong chính sử với vai trò là một vị thần làm mưa.

Tước hiệu đầu tiên của thần núi Tam Đảo theo như các tư liệu xưa còn lưu lại là Thanh Sơn đại vương (Vương lớn núi xanh). Việt điện u linh1, phần “tục biên” (biên chép tiếp) của tác giả Nguyễn Văn Chất được xem là thư tịch cổ xưa nhất ghi chép về vị thần này:

Núi Tam Đảo là một danh sơn ở nước ta, dãy núi vòng quanh phương bắc, dài tới nghìn dặm. Đời Lý, Trần trước có ghi tên núi trong tự điển nhưng chưa được rõ rệt, sau gặp nhiều lần binh lửa nên bỏ mất. Đến đời vua Nhân Tông nhà Lê, trong hai năm Kỷ Tỵ và Canh Ngọ (1449-1450) bị đại hạn luôn, cầu đảo khắp các thần đều không thấy

1Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên không có bản in. Những bản hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (tám

bản) đều do người đời sau chép lại, giữa các bản có nhiều điểm khác biệt. Trong đó, bản A.751 được xem là đầy đủ và ít lầm hơn cả. Ở đây, chúng tôi cũng sử dụng bản A.751 và bản dịch của Nxb Văn học để làm tài

mưa. Triều đình họp bàn: Tam Đảo là núi có tiếng mà sự thờ cúng lại qua chểnh mảng, nay nên cho sửa sang để tế lễ cầu đảo. Vua liền sai soạn văn, phong thần núi là Thanh Sơn Đại Vương và cho lên làm lễ cầu mưa. Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối tăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút, rồi năm ấy được mùa. Từ đấy về sau hễ gặp đại hạn, lên cầu mưa liền ứng nghiệm. Thần núi được tôn làm phúc thần một phương và núi được ghi vào tự điển từ đấy [84, tr.115-116].

Theo tư liệu này, có thể thấy rằng: tục thờ thần núi Tam Đảo đã tồn tại ít nhất là từ thời Trần, điểm thờ tự có thể đã có từ lâu đời song chưa được triều đình liệt kê vào tự điển thờ cúng, danh tính của thần chưa được quy tụ vào hệ thống thần linh quốc gia. Đến thế kỉ XV, đời vua Lê Nhân Tông, thần núi Tam Đảo mới được triều đình phong kiến phong tặng tước hiệu Thanh Sơn đại vương do đã giúp nhà vua cầu đảo được mưa. Đối với một đất nước lấy nông nghiệp lúa nước làm trọng thì nước là yếu tố quan trọng hàng đầu “nhất nước, nhì phân”, nhất là khi hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo được lượng nước cần thiết cho mùa màng thì nước mưa đóng vai trò chủ yếu. Đến đây, thần núi Tam Đảo cùng với thần núi Tản Viên đã trở thành vị thần bảo hộ rất quan trọng trong ý thức hệ triều đình Nho giáo với hạ tầng cơ sở là nông nghiệp lúa nước.

Như nhiều vị thần núi khác, thần núi Tam Đảo cũng được thờ cúng từ sớm với hình thức ban đầu là thờ đá: “Không có gì khó khăn lắm khi chúng ta đi tìm khởi nguồn của tín ngưỡng thờ QMTT ở tục thờ núi, mà thường biểu tượng của nó là thờ đá thiêng” [66, tr.237]. Đây là tín ngưỡng phổ biến ở các làng xã thuộc sơn hệ Tam Đảo như tục thờ hòn đá dựng (lập thạch), Tam Triệt Thạch (đá ba roi) ở Lập Thạch hay Bạch Thạch (đá trắng) ở Tam Dương. Địa danh Lập Thạch ở Vĩnh Phúc vốn được đặt tên từ một hòn “đá dựng”: “Xã Lập Thạch có một gò đất ước 5, 6 trượng dựng đứng. Nhân thế mà gọi thành

tên xã, tên huyện đều lấy là Lập Thạch (đá dựng). Bên cạnh có một gò đất cao hơn, dân chúng đến quét dọn, cầu cúng rất linh thiêng” [85, tr.14-15]. Tục thờ “Tam Triệt Thạch” cũng gắn liền với việc thờ đá. Tương truyền, ở xã Bằng Chỉ có một pháp sư, biết phép thuật thần tiên nhưng không truyền cho ai, khi sắp chết, ông cầm roi quất vào một phiến đá, phiến đá mở ra. Ông bỏ hết bùa chú vào rồi lại quất một roi bên trái, một roi bên phải khiến cho phiến đá ngậm lại, từ đó có tên là “triệt tích” (giấu roi). Ngay ở trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo cũng xuất hiện một ngôi đền có tên là Thạch Kiếm mà tương truyền, đền được dựng trên tảng đá có hình lưỡi kiếm. Sự đa dạng và phong phú trong tục thờ thần đá ở các khu vực thuộc sơn hệ Tam Đảo cho thấy đây là tín ngưỡng phổ biến rộng rãi trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Đỉnh núi Thạch Bàn, một trong ba ngọn cao nhất của dãy Tam Đảo có những “vách đá dựng đứng” cao ngất giữa trời, là nơi tiên trên trời thường xuống quần tụ, cũng xuất hiện một vị thần “được hun đúc bởi khí tốt của ngọn núi cao nhất dãy Tam Đảo mà sinh ra” [85, tr.86-87]. Như vậy, việc thờ cúng thần núi Tam Đảo cũng bắt nguồn từ việc thờ cúng linh khí của ngọn núi - núi đá: “Lúc đầu người ta thờ bản thân quả núi… Về sau, tiến thêm một bước người ta quan niệm có một vị thần tách biệt với quả núi và ngự trị trên quả núi ấy. Vị thần ấy dần dần mang hình dáng người” [26, tr.281]. Đây là khởi nguồn cho sự xuất hiện tục thờ QMTT sau này trên cơ sở gắn kết với tín ngưỡng thờ thành hoàng của địa phương và sự kết tập thần núi Tam Đảo vào hệ thống Hùng Vương.

2.1.2 Sự gắn kết tục thờ thần núi Tam Đảo với thờ thổ thần - thành hoàng làng ở vùng chân núi Tam Đảo và quá trình nữ tính hoá

Thần núi Tam Đảo có nguồn gốc từ một nhiên thần. Song, danh tính của thần còn chưa rõ rệt. Để đi đến một hình tượng Quốc Mẫu, thần núi Tam

Đảo đã trải qua nhiều lần kết tập vào hệ thống tín ngưỡng khác, mà trước hết là quá trình nhân thần hóa, đồng thời nữ tính hóa trên cơ sở gắn kết với tục thờ thổ thần - thành hoàng làng của các cư dân bản địa.

Cũng như tục thờ thổ công, thổ địa của người Việt, thờ thổ thần là phong tục phổ biến của các cư dân miền núi. Nếu như ở người Việt, thổ công, thổ địa là những vị thần đất, cai quản một lãnh thổ nhất định nào đó thì ở các cư dân miền núi, thổ thần có thể là một vị tổ làng, tổ họ, hay những người có công khai làng lập ấp, những vị thần bảo hộ làng, bản, mùa màng, tức là những nhân thần. Chẳng hạn, người Tày, người Nùng ở Việt Bắc có tục thờ thổ công, thổ địa là những người đầu tiên có công khai phá làng bản, miếu thờ đặt dưới một gốc cây to hoặc trong đám cây cổ thụ ở đầu làng. Mỗi bản hoặc vài bản lại có một ngôi đình thờ “đủ các thần thánh, kể cả các thánh ở địa phương. Những thánh thần này ngự tại những khu rừng, quả núi, gọi là rừng thánh, núi thánh” [27, tr.126].

Vùng núi Tam Đảo là địa bàn chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, nơi dừng chân của nhiều tộc người thiểu số trên con đường di cư xuống phía nam, lại nằm trong vùng đất cổ của người Việt, gần trung tâm nhà nước cổ Văn Lang nên nơi đây chắc hẳn cũng từng tồn tại tục thờ thổ thần. Qua các tư liệu, có thể nhận định rằng vị thổ thần - thành hoàng được thờ cúng rộng rãi ở chân núi này chính là người con gái của trưởng ông Đông Lộ, đã có công giúp vua Hùng đánh giặc. Sau khi mất, bà được nhân dân trong vùng lập đền thờ phụng và thêu dệt nên nhiều câu chuyện li kì. Khi khảo sát các truyền thuyết về QMTT ở Tam Đảo, chúng tôi thấy nổi lên bốn dạng:

Dạng thứ nhất: Vào thời Hùng Vương thứ sáu, ở rừng núi Tam Đảo có một cô gái người rừng, giỏi leo trèo, săn bắt và đặc biệt là có tài ném đá. Khi đất nước có giặc Ân xâm lược, cô gái đã xuống núi giúp nhà vua đánh giặc. Sau khi thắng trận cô quay trở về rừng. Khi Lang Liêu lên nối ngôi, nhà vua đã lên núi tìm người con gái và cưới làm vợ.

Dạng thứ hai: Mẫu là con gái của trưởng ông Đông Lộ, do cầu tiên mà sinh ra. Từ nhỏ đã rất thông minh, lớn lên lại giỏi võ nghệ và giúp vua Hùng đánh giặc Thục. Khi đất nước hòa bình, cô trở về Đông Lộ phụng dưỡng cha mẹ.

Dạng thứ ba: Mẫu là con cầu tự, có gốc gác tiên. Vua Hùng thứ bảy lên núi Tam Đảo cầu tiên, gặp gỡ và cưới làm vợ [24, tr.14-21].

Dạng thứ tư: Mẫu là con của trưởng ông Đông Lộ, có tài ném đá, giỏi võ nghệ, từng tham gia đánh giặc, sau đó lấy con vua Hùng.

Hai dạng đầu tiên là những truyền thuyết của địa phương. Dạng thứ ba xuất hiện trong ngọc phả Hùng Vương, kí hiệu A.227 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dạng thứ tư là sự kết hợp của ba dạng trên.

Giữa các truyền thuyết, lai lịch và hành trạng của Mẫu có sự khác nhau đáng kể. Truyền thuyết ở xã Đại Đình thì kể rằng bà có gốc gác là một cô gái người rừng, có tài ném đá, từng tham gia đánh giặc giúp vua Hùng; một truyền thuyết khác cũng ở Đại Đình lại kể bà gặp vua Hùng Chiêu Vương trên núi Tam Đảo và trở thành vợ vua chứ không tham gia đánh giặc. Ngọc phả xã Hy Cương, ngọc phả xã Vi Cương - di tích đền Hạ núi Nghĩa Lĩnh và bản chép tay của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nội dung tương tự như nhau, nhưng có một chi tiết khác nhau là: ở bản ngọc phả xã Vi Cương, bà Ngọc Tiêu là con nuôi nhà trưởng ông Đông Lộ, còn trong ngọc phả xã Hy Cương và bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì bà lại là con gái. Một số truyền thuyết thì cho rằng Mẫu chỉ tham gia đánh giặc, sau khi đất nước hòa bình bà lại trở về Đông Lộ. Có truyền thuyết lại cho rằng bà trở thành chính hoàng phi của vua Hùng thứ bảy sau khi đánh thắng ngoại xâm…Tất cả các truyền thuyết đều nói bà sống vào thời Hùng Vương. Song, có bản cho rằng bà sống vào thời Hùng Vương thứ bảy và tham gia đánh giặc Ân, có bản lại kể bà sống vào thời Hùng Vương thứ 18, tham gia đánh giặc Thục. Ở Hồ sơ di tích danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, để phù

hợp với bối cảnh lịch sử thời Hùng Vương, người ta cho rằng bà tham gia đánh giặc Tần chứ không phải giặc Thục hay giặc Ân.

Ngoài ra, giữa các bản kể, tên gọi của Mẫu cũng như trưởng ông Đông Lộ cũng không thống nhất. Trong bản Ngọc phả xã Hi Cương và bản “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì tên Mẫu chỉ là Ngọc Tiêu, không rõ họ gì. Truyền thuyết ở xã Đại Đình do ông Nguyễn Văn Hoán biên soạn gần đây nhất vào năm Mậu Thìn (1988) thì Mẫu lại tên là Thẩm, hiệu là Nhược Cẩm. Trưởng ông Đông Lộ cũng có những tên gọi khác nhau như Lăng Vỹ (Lý lịch di tích đền Mẫu Sinh, đình Ngò, đền Mẫu Hóa), Lăng Húy (Tây Thiên Quốc Mẫu ngọc phả lục), Lăng Phiêu (truyền thuyết ở xã Đại Đình). Ngoài ra, trong một số văn bản chúng tôi cũng bắt gặp hiện tượng họ Lăng của Mẫu được chuyển thành họ Năng (Tây Thiên Quốc Mẫu ngọc phả lụcHồ sơ di tích danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình). Song, cách gọi này không phổ biến, có thể là do cách phát âm sai âm đầu của một số người mà ra.

Mặc dù có sự khác nhau nhưng phần lớn các truyền thuyết đều thống nhất một điểm: Ở Đông Lộ xưa kia có một người con gái, con của một vị tộc trưởng, rất tài giỏi, từng tham gia đánh giặc, lập công và trở thành nữ thủ lĩnh của vùng này. Vị thổ thần - thành hoàng làng được cư dân vùng chân núi Tam Đảo thờ phụng chính là người con gái của trưởng ông ở Đông Lộ, có tên là

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Workship Quoc Mau Tay Thien in Tam Dao district - Vinhphuc province (Trang 45 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)