6. Bố cục luận văn
1.3 Đời sống văn hóa tinh thần
Từ lâu, Tam Đảo đã trở thành nơi tụ cư của nhiều tộc người cả miền xuôi lẫn miền ngược. Do đó, đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây, trong đó đáng chú ý nhất là của người Kinh và người Sán Dìu, khá phong phú.
1.3.1 Tôn giáo, tín ngưỡng
Qua các tài liệu ghi chép và những dấu tích ở vùng đất này, có thể nhận định rằng, Tam Đảo đã từng là nơi tồn tại nhiều tôn giáo lớn như Phật giáo và Đạo giáo, đồng thời cũng là nơi tồn tại nhiều tín ngưỡng dân gian.
Đảo - Tây Thiên chứng tỏ rằng đây đã từng là nơi thịnh hành của đạo Phật. Trung bình 200.000m2
lại có một ngôi chùa. Các chùa ở Tây Thiên - Tam Đảo có thể chia làm hai hệ thống: hệ thống chùa làng ở vùng trước và chân dãy Tam Đảo (vùng thấp) như: chùa Báo Ân, chùa Sùng Ân, chùa Dật Châu, chùa Chò, chùa Đại Đồng… và hệ thống chùa mang tính quốc tự trên đỉnh Tam Đảo (vùng cao), trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Tây Thiên, chùa Đồng Cổ, chùa Phù Nghì. Chùa Tây Thiên trên núi Thạch Bàn không rõ có từ bao giờ. Truyền thuyết kể rằng từ thời Hùng Vương, nhân dân đã lên đây cầu phật, vọng tiên. Đây cũng chính là nơi Hùng Chiêu Vương lập đàn cầu tiên nhiều ngày và nhà vua đã được gặp tiên nữ núi Tam Đảo, làm nên một mối tình đẹp trong lịch sử thời dựng nước. Chùa Tây Thiên có thể là nơi nhiều vị sư chọn để tu hành. Hiện nay, khảo cổ học đã phát hiện tại đây bia mộ các vị sư: Cúc Khê thiền sư, Cương Sơn thiền sư và nhiều hiện vật mang đặc điểm văn hóa thời Trần (thế kỉ XIII). Thấp hơn chùa Tây Thiên, Chùa Đồng Cổ là một ngôi chùa toàn bằng đồng, chiều rộng 0,6m, chiều dài 0,8m và cao 0,6m, nằm ở độ cao 100m trên núi Thạch Bàn. Chùa được đặt ở đây ít nhất cũng từ thời Trần (thế kỉ XIII-XIV), trong chùa có pho tượng bằng đồng trong tư thế đang nằm nghỉ đầu hướng về phía bắc, một quả chuông và một cái chiêng nhỏ cũng bằng đồng. Đến thế kỉ XX, thực dân Pháp xâm lược đã phá huỷ và lấy đi ngôi chùa cũng như các hiện vật bằng đồng ở đây.
Với một vùng dân cư không đông, kinh tế lại kém phát triển như Tam Đảo thì nhu cầu về lễ bái của người dân nơi đây không quá lớn để xây dựng một hệ thống chùa chiền đồ sộ. Sử sách đã ghi lại việc chúa Trịnh Cương sai các hoạn quan đi sửa sang chùa ở các núi Độc Tôn và chùa Tây Thiên để làm nơi nghỉ ngơi khi đi du ngoạn qua đây vào tháng 11 năm Bảo Thái thứ 8 (1727) đời vua Lê Dụ Tông [44, tr.806]. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của các ngôi chùa ở Tây Thiên - Tam Đảo trong hệ thống đền chùa của cả
nước và cùng với Yên Tử, Tây Thiên - Tam Đảo có thể đã từng là một trong những trung tâm Phật giáo Việt Nam thời phong kiến.
Bên cạnh Phật giáo thì cảnh đẹp của Tây Thiên - Tam Đảo cũng thu hút nhiều đạo sĩ đến đây tu tiên mà những di tích thắng cảnh như thang Bộ Vân, am Lưỡng Phong, cầu Đái Tuyết, vườn tiên… là minh chứng cho sự phát triển của Đạo giáo ở đây: “am Vân Tiên, am Song Tuyền, cầu Đái Tuyết”, “Tiên uyển ở trong núi Tam Đảo huyện Tam Dương, nhiều loài hoa lạ, cây quý, tương truyền Tiên uyển là nơi thâm u linh thiêng, cầu đảo rất ứng nghiệm”[16, tr.343-344]. Đối với người Sán Dìu, Đạo giáo có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong đời sống tôn giáo. Tuy nhiên, họ không chấp nhận phái tu tiên của Đạo giáo mà phần đông người Sán Dìu theo Đạo giáo phù thuỷ [7, tr.112]. Trong điện thờ của họ thường treo tranh Thánh Sư, Quan Âm, Tam Thanh (Ngọc Hoàng, Thượng Thanh, Thái Thanh). Người thừa hành là các ông thầy tào, những người hành nghề tôn giáo lâu năm, được cấp sắc, ấn. Người Sán Dìu rất tin vào ma thuật, đặc biệt là ma thuật làm hại người thường ám ảnh họ nhiều nhất. Vì vậy, những người hành nghề cúng bái - những thầy tào, thầy cúng - có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của họ. Hiện nay, ở Tam Đảo vẫn còn hơn 100 người Sán Dìu làm nghề thầy cúng [50, tr.47].
Trải qua nhiều thế kỉ, những di tích thắng cảnh của Đạo giáo như ghi chép trong sách xưa không còn và những ngôi chùa như Thiên Ân, Phù Nghì, Đồng Cổ cũng chỉ còn lại dấu vết là những hệ thống kè đá tạo mặt bằng xây dựng. Song, đây là những bằng chứng chứng tỏ rằng Tam Đảo - Tây Thiên đã từng là nơi thịnh hành của Phật giáo cũng như Đạo giáo trong một thời gian dài.
Ngày nay, nói đến Tây Thiên - Tam Đảo, người ta vẫn nghĩ tới một vùng đất Phật, cõi tiên, trước hết bởi cái tên của nó. Nhưng, hơn thế, sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của Tam Đảo cũng như cả nước là điều kiện thuận lợi để đời sống tinh thần nói chung, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng nói
riêng phục hồi và phát triển. Vì thế, mặc dù không phải là trung tâm Phật giáo Việt Nam thời hiện đại nhưng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mới được xây dựng trong vài năm trở lại đây đã thu hút đông đảo Phật tử trong cả nước và là một trong những điểm nhấn quan trọng trong đời sống tôn giáo của địa phương.
Đối với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đóng vai trò rất quan trọng. Bàn thờ tổ tiên là nơi tôn nghiêm nhất trong nhà mà gia đình nào cũng có để thờ cúng vào những dịp tuần tiết và những khi cần thiết. Người Việt ở Tam Đảo thường thờ các vị tổ tiên từ đời thứ ba - bốn đời trở lại nhưng đối với người Sán Dìu, tuỳ từng dòng họ, tổ tiên được thờ từ sáu, bảy đời cho tới mười, mười hai đời.
Ngoài những tôn giáo, tín ngưỡng trên, cư dân Tam Đảo còn thờ các vị thần như thần núi, thần thành hoàng, thổ địa. Tiêu biểu cho việc thờ thần núi, thần rừng ở Tam Đảo là ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn và đình Xạ Hương. Bà Chúa Thượng Ngàn, tương truyền là một người con gái của núi rừng Tam Đảo, đã có công giúp vua Hùng đánh giặc. Ngôi đền thờ bà tọa lạc ở thị trấn Tam Đảo đã có từ xa xưa, đến năm 1938, đền được trùng tu và tồn tại đến ngày nay. Đình Xạ Hương, xã Minh Quang thờ bảy vị sơn thần làm thành hoàng: Cao Sơn, Quý Minh, U Sơn, Danh Sơn, Cai Sơn, Mẫu Tinh Sơn, Thần Hóa, trong đó thần Cao Sơn và Quý Minh được nhân dân nhiều nơi thờ phụng.
Một trong những hình thức tín ngưỡng cổ sơ của người Việt còn tồn tại cho đến ngày nay có thể quan sát thấy ở Tam Đảo cũng như nhiều nơi ở Vĩnh Phúc là tín ngưỡng thờ đá. Ngôi đền Thạch Kiếm trên núi Mỏ Quạ được lập trên một tảng đá có hình lưỡi kiếm khi xây dựng con đường lên khu nghỉ mát Tam Đảo, đến nay, đền vẫn là nơi nhân dân trong vùng thường xuyên đến cầu cúng.
Bên cạnh các vị thần có nguồn gốc tự nhiên thì nhân dân Tam Đảo còn thờ các vị thần là những danh tướng hoặc những người có công. Chẳng hạn, làng Bồ Lý thuộc xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo thờ 7 anh em họ Lỗ có công phù
trợ cho Lê Phụ Trần đánh giặc Nguyên. Hoặc cư dân Tam Đảo cũng rước chân hương từ Kiếp Bạc về lập đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền thờ Đức Thánh Trần nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Tam Đảo ở độ cao 800m, được xây dựng vào năm 1938, vào ngày kỵ 20 tháng tám hàng năm, nhân dân trong vùng đến đây làm lễ, cầu tài lộc.
Tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần vốn là tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt, có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cũng như các địa phương khác, từ xa xưa, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Tam Đảo nói riêng đã phổ biến tín ngưỡng thờ mẫu thần, trong đó, có những vị được tôn vinh là Thánh Mẫu như Thánh Mẫu Dưỡng, Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa, Thánh Mẫu Phùng Lữ Lương và tiêu biểu nhất là QMTT Lăng Thị Tiêu. Tương truyền, bà là con gái của trưởng ông thôn Đông Lộ, vốn thông minh tài giỏi hơn người. Khi đất nước có giặc phương Bắc xâm lược, bà đã tập hợp nhân dân trong vùng, kéo về Phong Châu giúp vua Hùng đánh giặc cứu nước. Khi mất, bà được nhân dân nhiều nơi trong vùng thờ phụng. Hiện nay, các di tích thờ bà vẫn tồn tại xung quanh chân núi Tam Đảo, thuộc các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Lập Thạch và chỉ tính riêng huyện Tam Đảo đã có 28 di tích.
Những tín ngưỡng dân gian và những truyền thuyết tại địa phương là cơ sở để các lễ hội ra đời. Ngoài lễ hội lớn nhất trong vùng là lễ hội Tây Thiên, xã Đại Đình thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu thì có thể kể đến các lễ hội khác cũng thờ bà như lễ hội làng Hà, lễ hội làng Cửu Yên, lễ hội làng Hạ Nậu và Dị Nậu. Bên cạnh đó, còn có các lễ hội thờ các vị thần thành hoàng như lễ hội làng Bồ Lý vào ngày mồng 3 tháng Giêng thờ bảy anh em họ Lỗ; lễ hội làng Xạ Hương, xã Minh Quang vào ngày 15 tháng Giêng thờ các vị sơn thần….
Với một hệ thống cơ sở thờ tự của những tôn giáo lớn như Phật giáo, Đạo giáo và cả những tín ngưỡng dân gian bản địa như trên, có thể thấy rằng, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân Tam Đảo từ trước đến nay khá phong phú, trong đó, tục thờ QMTT đã và đang đóng vai trò chủ đạo.
1.3.2 Các nghi lễ vòng đời người
Cùng tồn tại trên một địa bàn nên giữa người Kinh và người Sán Dìu không chỉ có ảnh hưởng qua lại trong đời sống văn hóa vật chất mà trong cả đời sống văn hóa tinh thần cũng như các nghi lễ vòng đời người như: sinh đẻ, hôn nhân và tang ma.
Xưa kia, khi trong nhà có đứa trẻ chào đời thì gia đình thường làm lễ đặt tên mụ, đến khi đầy tháng lại có lễ cúng thôi nôi, lễ đặt tên. Ngày nay, các nghi thức này vẫn được nhân dân ở nhiều nơi trong huyện thực hiện. Đối với người Sán Dìu, khi nhà có trẻ chào đời, họ còn treo một cành lá xanh hoặc một cành xương rồng để người lạ biết khỏi vào nhà.
Hôn nhân vốn được coi là việc hệ trọng của đời người. Dưới chế độ cũ, việc hôn nhân của trai gái xưa thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thậm chí yếu tố “môn đăng hộ đối” rất quan trọng để chọn vợ chọn chồng. Tương tự như vậy, hôn nhân của người Sán Dìu dưới chế độ cũ là chế độ hôn nhân một vợ một chồng mang nặng tính chất mua bán. Nhà trai bỏ ra một số tiền của để cưới người con gái về. Thách cưới trở nên công khai trong việc gả bán con gái. Quan hệ hôn nhân xưa kia chủ yếu vì mục đích lấy người nối dõi tông đường hơn là lấy tình yêu đôi lứa làm trọng. Người Sán Dìu rất coi trọng vấn đề “môn đăng hộ đối” và họ cũng rất tin vào lá số tử vi. Vì thế, cha mẹ có vai trò chủ yếu trong việc cưới xin của con cái. Từ lúc dạm hỏi đến khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải tiến hành khá nhiều nghi thức: lễ dạm hỏi (hị sử nghén giang); lễ mừng “lục mệnh” (hị hạ thênh) để báo cho nhà gái biết tuổi của đôi trẻ có hợp không; lễ ăn hỏi (hị mun nghén cạ); lễ dứt lời (hị cộ nghén)
nghĩa là ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới cùng trầu cau; lễ cưới chính thức (sênh ca chỉu). Sau đám cưới còn có lễ lại mặt (chọn thạp kióoc chiêếc). Trong việc cưới hỏi, vai trò của người mối rất quan trọng. Mọi hoạt động giao tiếp giữa nhà trai và nhà gái đều do người làm mối thực hiện.
được cởi mở hơn, trai gái có thể tự do tìm hiểu và kết hôn trên cơ sở có sự góp ý của cha mẹ.
Cùng với cưới hỏi thì ma chay cũng là việc hệ trọng đối với bất cứ tộc người nào. Những nghi thức trong ma chay xưa kia thường bao gồm: lễ mộc dục, lễ phạn hàm, khâm liệm, nhập quan, đưa đám và hạ huyệt. Ở người Sán Dìu, các nghi thức này có phần phức tạp hơn. Một đám ma thông thường của họ bao gồm các nghi thức: lễ tắm rửa (thlảy meen bỉ thlỉ nhin), lễ khâm liệm
(phọng nhip con soi), lễ nhập quan (hôộc liẹm), lễ mở đường cho người chết
(trụ củi), lễ dâng cơm (hạm phan), lễ giải oan (phả nhộôc), lễ trao nhà tang
(pha côốc khạy), lễ đưa ma (Slộng thlông thlan), lễ hạ huyệt (hũ con soi lọc hụt), lễ mở cửa mồ (phộc hụn), lễ chuộc hồn (baác nhịt). Hiện nay, các lễ thức rườm rà trong đám ma đã được loại bỏ bớt và họ cũng thực hiện việc cải táng sau ba năm cho người chết như phong tục của người Việt.
Nhìn chung, các nghi lễ vòng đời người của người Kinh và người Sán Dìu - hai tộc người có vai trò quan trọng nhất trong đời sống văn hoá ở Tam Đảo - do có sự ảnh hưởng qua lại nên có những nét tương đồng với nhau.
1.3.3 Văn nghệ dân gian
Trong các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian ở Tam Đảo, đáng chú ý hơn cả là các hình thức văn nghệ dân gian của người Sán Dìu.
Người Sán Dìu có những hình thức văn nghệ dân gian khá phong phú và độc đáo mà hát Soọng cô là nét văn hoá đặc trưng cho đời sống tinh thần của họ. Soọng cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát. Nội dung những bài hát chủ yếu nói lên những hình ảnh thiên nhiên nơi họ sinh sống, giãi bày những tâm tư, tình cảm, và suy nghĩ về cuộc sống của họ. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn các bài hát nói về tình yêu nam nữ, tình cảm lứa đôi và những bài này cũng được hát nhiều nhất.
Người Sán Dìu không có những ngày hội lớn, tuy nhiên, họ ăn tết liên tục trong một năm: tết thanh minh vào tháng 3, tết giữa năm vào mùng 5
tháng 5 (người Kinh gọi là tết Đoan Ngọ), tết thượng điền ngày 12 tháng 7, tết cơm mới vào tháng 10 và lớn nhất là tết Nguyên Đán vào đầu năm. Trong các ngày tết này, ngoài các loại bánh như bánh chưng vào tết Nguyên Đán và tết giữa năm; xôi đen vào tết thanh minh; bánh nghé, bánh rợm, bánh trứng kiến... họ còn tổ chức các trò chơi như: ném còn, đánh quay, kéo co, đuổi gà vào chuồng, đuổi chó vào cũi và cà kheo tre - trò chơi đặc trưng của cư dân vùng núi. Cà kheo được làm bằng hai đoạn tre có mấu, được lắp hai bàn chân giả giống như chiếc guốc để xỏ chân vào. Trò chơi này được ra đời từ thực tế cuộc sống của người Sán Dìu. Sinh sống trên địa bàn rừng núi là chủ yếu, cà kheo tre giúp họ di chuyển ở khu vực đồi gò dễ dàng hơn. Người chơi cà kheo có thể đi lại nhanh nhẹn trên nhiều địa hình khác nhau như gò đồi, đường mòn… và có thể chơi trò đuổi bắt hoặc các trò chơi khác khi đi cà kheo.
Về chữ viết, bên cạnh chữ quốc ngữ và tiếng Việt được sử dụng rộng rãi trong nhiều tộc người thiểu số hiện nay thì người Sán Dìu ở Tam Đảo còn có tiếng dân tộc của mình và chữ Nôm Sán Dìu. Trong giao tiếp hàng ngày, họ vẫn thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Sán Dìu nhưng chữ viết thì chỉ có ít người còn biết đến. Loại chữ này ngày nay chỉ thấy ở một số dòng họ, chủ yếu dùng để ghi chép gia phả, hoặc các thầy cúng, thầy lang dùng để hành nghề.
Người Sán Dìu rất tin theo Đạo giáo. Vì thế, xưa kia nhiều gia đình thường treo tranh thờ. Hiện nay, tranh thờ vẫn được các thầy cúng, thầy tào sử dụng trong việc hành nghề với khoảng hơn 100 bộ.
Nhìn chung, đời sống tinh thần của cư dân Tam Đảo khá phong phú và