Những yếu tố tác động đến sự biến đổi của việc phụng thờ QMTT

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Workship Quoc Mau Tay Thien in Tam Dao district - Vinhphuc province (Trang 89)

6. Bố cục luận văn

2.4 Những yếu tố tác động đến sự biến đổi của việc phụng thờ QMTT

Như các hiện tượng văn hóa - xã hội khác, sự biến đổi của tục thờ QMTT cũng chịu những tác động nhất định của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội.

Trước hết, có thể nói chính sách cải cách kinh tế của Việt Nam bắt đầu với đường lối của Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986) là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Thời kì Đổi mới thực sự bắt đầu từ năm 1989 liên tục đưa nền kinh tế nước ta đi lên. Kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các nhu cầu văn hóa - xã hội cũng không ngừng được thay đổi. Kinh tế phát triển, một mặt đem đến sự giàu có cho con người nhưng nó cũng đem đến nhiều điều bất ổn khi nền kinh tế thị trường đòi hỏi con người luôn luôn phải suy nghĩ, tính toán về những cái được - mất. Vì thế, họ luôn mong muốn có một vị thần không chỉ che chở và bảo vệ cho mình mà còn ban tài ban lộc để cuộc sống ngày càng sung túc hơn.

Trong khi đó, nhiều người theo chủ nghĩa Mac từng cho rằng, khi khoa học phát triển, với sự trợ giúp của các thiết bị khoa học công nghệ thì nhận thức của con người về thế giới tự nhiên cũng như bản thân con người sẽ được nâng lên, những bí ẩn sẽ được giải đáp và tôn giáo tín ngưỡng sẽ không còn cơ sở để tồn tại, dẫn đến tự triệt tiêu. Song, trên thực tế, điều này lại diễn ra ngược lại, thể hiện ở chỗ: các tôn giáo mới xuất hiện ngày càng nhiều và số lượng các cơ sở thờ tự của các tôn giáo ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, chỉ tính riêng Phật giáo ở nước ta, số cơ sở thờ tự đã tăng gấp 10 lần trong vòng 20 năm kể từ Đổi mới1, số tín đồ cũng không ngừng tăng lên: năm 1997 có 7.204.380 phật tử [78, tr.272] thì đến năm 2003 đã tăng lên 9.038.0642

. Mặt khác, khoa học công nghệ ngày càng phát triển đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người nhưng

nó lại mang đến những mối nguy hiểm mới không thể lường trước được. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh dịch mới có nguy cơ lây lan toàn cầu là nỗi sợ hãi của con người trong thời đại mới. Đứng trước nỗi sợ đó cùng những bất ổn về cuộc sống, nhiều người đã tìm đến chùa chiền, đền phủ, nhà thờ… những mong tìm thấy một chỗ dựa về mặt tinh thần. Tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì thế luôn thường trực trong mỗi cá nhân.

Ở bất kì thời đại nào, dù mông muội hay văn minh, con người cũng vẫn cần đến một chỗ dựa tâm linh. Đối với Việt Nam, một dân tộc từ xưa đã có truyền thống coi trọng người phụ nữ, luôn đặt niềm tin vào Mẫu - Mẹ, đã hình thành cho mình một nguyên lý - nguyên lý Mẹ và tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là Mẫu Tứ phủ. Nhiều người đã tìm đến những tôn giáo với giáo lý cao siêu như Phật giáo, Thiên Chúa giáo nhưng cũng không ít người tìm đến cửa điện, nơi thờ Mẫu để được Mẫu ban phúc, độ tài cũng như thỏa mãn những ước ao đời thường nhất. Trong khi Phật giáo, Thiên Chúa giáo… chú trọng đến việc giáo dục con người và nhấn mạnh đến cuộc sống của con người sau khi chết thì tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ lại hướng đến đời sống của con người ở hiện tại, quan tâm đến những khát khao thế tục của con người. Ở một khía cạnh nào đó, Mẫu cũng “đáp ứng” những khao khát, ước vọng của con người về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần trong xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Đó là những lý do khiến cho hình thức tín ngưỡng dân gian này ngày càng lan rộng và xâm nhập vào các phủ, điện của các tôn giáo, tín ngưỡng khác, trong đó có các đền thờ QMTT và thu hút ngày càng đông đảo nhiều người thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nghề nghiệp trong xã hội.

Qua khảo sát, dễ dàng nhận ra rằng tín ngưỡng Tứ phủ đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là tại các cơ sở thờ nữ thần, mẫu thần. Ở đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh - Hà Nội), nữ anh hùng chống giặc Hán, bên cạnh gian chính điện thờ Hai Bà cùng các thuộc hạ thì gian bên trái đền là một thần điện của

Mẫu Tứ phủ khá hoàn chỉnh. Không chỉ xâm nhập vào các đền thờ mẫu thần, các vị thánh trong tín ngưỡng Tứ phủ còn đi vào cả tục thờ cá Ông của cư dân ven biển miền Trung và được địa phương hóa với hình thức: Cá Cha, Cá Mẹ, Cá Cô, Cá Cậu… Sự linh hoạt, mềm dẻo và tính “dân gian” của hình thứ tín ngưỡng này khiến cho nó dễ dàng thích ứng trong một môi trường mới, bởi “với truyền thống tự thích ứng để tồn tại, tín ngưỡng này đã đi vào lòng người bởi “tâm”, không hẳn bởi “pháp” [80, tr.79]. Như nhiều nơi khác, hiện tượng Tứ phủ hóa các di tích thờ QMTT ở Tam Đảo đã bắt đầu cách nay hàng trăm năm nhưng do những điều kiện kinh tế - xã hội mà trong một thời gian dài, nó chỉ diễn ra một cách âm ỉ. Chỉ khi chính sách mở cửa cùng chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng đi vào cuộc sống thì nó mới thực sự sôi động.

Bên cạnh đó, hiện tượng Tứ phủ hóa điện thần và nghi lễ thờ QMTT còn một nguyên nhân khác là sự tương đồng về nguồn gốc, hành trạng của Quốc Mẫu Tây Thiên và Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ nhất. Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là nàng tiên thứ hai trên trời, theo lệnh của Ngọc Hoàng mà đầu thai làm con nhà họ Phạm ở thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định, có tên là Tiên Nga. Ngay từ nhỏ nàng đã tỏ ra là một người con chí hiếu. Sau này, khi cha mẹ mất, nàng Tiên Nga đã không lấy chồng mà dành nhiều thời gian, công sức và tiền của làm công đức, làm việc thiện giúp nhân dân. Khi mất, nàng được nhân dân lập đền thờ phụng và thêu dệt nên nhiều câu chuyện về sự linh thiêng. Trong khi đó, QMTT cũng là một nàng tiên trên thiên đình, đầu thai làm con gái trưởng ông Đông Lộ, từ nhỏ đã thể hiện là con người siêu phàm. Lớn lên bà lại có công giúp vua Hùng đánh giặc. Điều đáng chú ý là cả hai Mẫu sau khi mất đều rất linh thiêng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường hiển linh giúp đỡ những người nghèo khổ và trừng trị những kẻ tham lam độc ác, còn QMTT thường hiển linh âm phù diệt giặc ngoại xâm. Không những thế, bà còn ban

những kẻ mạo phạm đến bà. Như vậy, cả Mẫu Tây Thiên và Mẫu Liễu Hạnh đều là con cầu tự, có gốc gác là thần tiên, là người duy hiếu, duy trinh, có công trạng với dân với nước. Những câu chuyện liên quan đến hai Mẫu được người đời truyền tụng và thêu dệt khá nhiều, đặc biệt là những chuyện ban phúc, ban lộc hay những chuyện trừng phạt của hai bà. Chính vì yếu tố thần tiên và linh thiêng khá gần gũi giữa QMTT và Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà dân gian dễ dàng chấp nhận sự phối thờ Mẫu Liễu cùng chư vị thánh thần của bà trong điện thờ QMTT.

Mặt khác, trong tâm thức của người đi lễ không có sự phân biệt quá khắt khe giữa việc lễ Mẫu Tây Thiên hay lễ Mẫu Tứ phủ, thậm chí nhiều người đến Tây Thiên mà không biết thần chủ di tích là ai. Họ đi lễ Mẫu, dù là Quốc Mẫu hay Thánh Mẫu cũng đều là đi lễ Mẹ - người có lòng bao dung, che chở, vị tha - để cầu mong được sức khỏe, tài lộc và bình an. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho tín ngưỡng Mẫu Tứ phủ có thể “lách luật” để vào “ngự” trong điện thờ QMTT một cách khá dễ dàng và ngày càng phổ biến. Hơn nữa, mỗi thời đại, mỗi thế hệ có thái độ và cách ứng xử khác nhau đối với một hình thái tôn giáo, tín ngưỡng nào đó do nhu cầu tâm linh giữa các thế hệ là không giống nhau. Khi nhu cầu tâm linh đã thay đổi thì vai trò của thần thánh cũng thay đổi theo. Chẳng hạn, xưa kia, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, mỗi khi có hạn hán, người ta lại lên núi Tam Đảo để cầu mưa thì nay, trong kinh tế thị trường, việc kinh doanh và lợi nhuận luôn chi phối cuộc sống của con người thì người ta lại đến đây để cầu tiền tài, danh lợi…

Như vậy, cùng với chính sách mở cửa nền kinh tế thì xã hội Việt Nam trong khoảng hai chục năm trở lại đây có nhiều thay đổi. Sự phát triển về kinh tế, sự nâng cao của đời sống vật chất khiến cho nhu cầu văn hóa của người dân cũng có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh ấy, hiện tượng Tứ phủ hóa điện thần và nghi lễ thờ QMTT là hiện tượng văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của con người trong cuộc sống đương đại.

Tiểu kết chƣơng 2

Từ một nhiên thần, trải qua thời gian, cùng với sự tác động của các vương triều phong kiến, thần núi Tam Đảo đã được nhân hóa đồng thời nữ tính hóa, trở thành một nhân thần - một nữ thần có nguồn gốc, lai lịch rõ ràng. Điều đó thể hiện sự vận động trong tư tưởng của nhân dân ở các thời đại khác nhau trong tín ngưỡng thờ cúng các vị thần. Qua lần kết tập vào tín ngưỡng thờ thổ thần - thành hoàng làng, vị thần đã “xuống núi”, trở thành một nữ thần được nhân dân thờ cúng rộng rãi ở vùng chân núi Tam Đảo. Với công lao âm phù diệt giặc ngoại xâm, thần núi Tam Đảo đã được kết tập vào hệ thống Hùng Vương, được triều đình phong tặng tước hiệu “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương”. Đây có thể coi là lần “tăng quyền” lần thứ nhất của Mẫu Tây Thiên.

Trải qua thời gian, việc phụng thờ QMTT vẫn được nhân dân trong vùng duy trì cùng với một hệ thống các di tích rải rác trên khắp vùng đồi núi Tam Đảo. Tuy nhiên, trên một vùng đất dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, các di tích chủ yếu được xây dựng bằng nguyên liệu tre, gỗ, dễ bị mục nát, khó có thể giữ được kiến trúc ban đầu. Hầu hết các di tích thờ QMTT ở Tam Đảo đều được xây dựng lại trong những năm gần đây. Trong quá trình khôi phục và mở rộng di tích, dưới tác động của tình hình kinh tế, xã hội và nhu cầu của con người trong thời đại mới, QMTT một lần nữa được “tăng quyền”. Diện mạo di tích cùng các hoạt động nghi lễ thờ QMTT có sự biến đổi theo hướng Tứ phủ hóa. Đây là xu hướng chung đối với phần lớn các di tích thờ nữ thần, mẫu thần trên đất nước ta dù với mức độ nhiều ít khác nhau.

Mặc dù đang có những biến đổi mạnh mẽ, song, lễ hội Tây Thiên cùng các nghi lễ thờ Quốc Mẫu theo thể chế bách thần vẫn được thực hiện thường xuyên là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt tục thờ QMTT với tín ngưỡng Tứ phủ.

Chƣơng 3

TỤC THỜ QUỐC MẪU TÂY THIÊN - GIÁ TRỊ VÀ SỨC SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY 3.1 Giá trị của việc phụng thờ QMTT

3.1.1 Giá trị lịch sử - văn hóa

Như nhiều hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác, tục thờ QMTT chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo.

Trước hết, ẩn trong việc phụng thờ Quốc Mẫu là những câu chuyện, những truyền thuyết lịch sử về một thời dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là những câu chuyện về người con gái ở Đông Lộ đã giúp vua luyện quân đánh giặc. Đến với các di tích ở Tây Thiên, ngoài việc cầu cúng, lễ lạt, người ta còn tìm thấy ở đó truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc ngay từ buổi đầu dựng nước. Bên cạnh đó, tục thờ QMTT còn chứa đựng trong đó câu chuyện tình đẹp trong lịch sử giữa vua Hùng thứ bảy và nàng Lăng Thị Tiêu mà thế hệ trẻ ngày nay nên biết và học tập.

Có thể khẳng định rằng việc thờ phụng QMTT là một trong những hình thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Do nhiều lần có công âm phù diệt giặc ngoại xâm, bà được kết tập vào hệ thống Hùng Vương, được tôn vinh là Quốc Mẫu, trở thành một trong sáu bà mẹ của đất nước cùng với Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Thánh Ân Diệp phu nhân, Quốc Mẫu Vương Bà Tứ vị Thánh nương, Quốc Mẫu làng Vàng và Cung từ Quốc Thái Mẫu. Do đó, việc thờ phụng QMTT không chỉ có ý nghĩa là phụng thờ một vị thần tự nhiên mà hơn thế là phụng thờ “bà mẹ Tổ của đất nước, thuộc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam” [87, tr.42]. Nó giáo dục cho con người ý thức “uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc.

Từ xa xưa, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là một đất nước có vị trí địa - chính trị đặc biệt, nhiều lần phải đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, về kinh tế lại lấy nền nông nghiệp lúa nước làm trọng nên người phụ nữ Việt Nam không chỉ tham gia vào quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc, lập nhiều chiến công mà còn trực tiếp tham gia vào sản xuất ra của cải vật chất và đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Do đó, trong tâm thức người dân từ xưa đã hình thành nên truyền thống tôn thờ người phụ nữ. Đối với người Việt Nam, Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu không chỉ có công giúp dân làm mưa, đảm bảo mùa màng cho nông nghiệp mà bà còn có công âm phù, giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm. Từ thời Hai Bà Trưng đến thời Trần, thời Lê, bà đã nhiều lần hiển linh giúp quan quân đánh giặc. Với những công lao ấy, bà đã được các triều đại Lê, Nguyễn tôn vinh lên hàng Thượng đẳng thần và nhiều lần ban tặng sắc phong, mĩ tự như: Dực vận, phù tộ, hoằng tế đại vương (Đạo năm Cảnh Hưng 36 - 1775), Văn vũ, thần biện, thông duệ đại vương (Đạo năm Cảnh Hưng 44 - 1783), Trấn an chi thần (Đạo năm Minh Mệnh 2 - 1821).... Chỉ tính riêng Thỏng và đền Tổng làng Khang Điền đã có đến 12 sắc phong dành cho bà thuộc các triều vua: Tự Đức, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Khải Định, Duy Tân.

Đối với Việt Nam, một đất nước có truyền thống nông nghiệp lúa nước thì vai trò của các yếu tố tự nhiên là rất quan trọng. Do đó, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tục thờ QMTT nói riêng còn thể hiện ý thức tôn trọng tự nhiên. Từ xa xưa, trong việc nhận thức thế giới, người Việt đã đồng nhất tự nhiên với con người, người Mẹ của con người cũng là Mẹ của tự nhiên, họ không chỉ nhân hóa mà còn nữ tính hóa tự nhiên. Việc tôn thờ Mẫu không chỉ là tôn thờ, sùng bái các hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, sấm, chớp… mà còn là sự sùng bái lực lượng cai quản tự nhiên: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn. QMTT, tiền thân là một vị thần tự nhiên, từng có công

làm mưa, mang đến cuộc sống ấm no cho con người. Vì thế, như các Mẫu Thiên, Địa, Thoải, Thượng Ngàn, Mẫu Tây Thiên cũng là hiện thân của sự che chở, bao bọc và mang lại những điều tốt lành cho con người. Việc phụng thờ QMTT do đó còn là sự phụng thờ tự nhiên. Điều đó giúp cho con người ngày nay có cái nhìn trân trọng và có ý thức hơn trong việc bảo vệ tự nhiên, đặc biệt khi vùng thờ QMTT lại nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Workship Quoc Mau Tay Thien in Tam Dao district - Vinhphuc province (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)