Đối với các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu sự ảnh hưởng của Làn sóng Hàn tới lối sống, hành vi ứng xử của học sinh THPT Hà Nội giai đoạn 2009 - 2013 (Trang 93 - 96)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3. Đề xuất kiến nghị với Thành phố Hà Nội

3.3.1. Đối với các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội

Thành phố giao cho Sở Ngoại Vụ, Sở Văn hoa Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tổ chức các sự kiện của Quỹ văn hóa theo hướng đa dạng và hiệu quả, tăng nguồn kinh phí cho các hoạt động tổ chức sự kiện. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa biểu diễn nghệ thuật với Thủ đô các nước. Thực hiện việc hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế và khu vực theo kế hoạch hàng năm. Từ năm 2015, tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Thủ đô tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài; chú ý chất lượng nghệ thuật và hình thức biểu diễn. Giới thiệu và quảng bá được những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống của văn hóa Thăng Long đến bạn bè quốc tế.

Hà Nội sớm có lộ trình và kế hoạch phát triển “sức mạnh mềm” trong các các chính sách phát triển kinh tế, chính trị. Các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa nên lồng ghép với kế hoạch hợp tác quốc tế các lĩnh vực khác như xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, …và ngược lại khi tiến hành hợp tác quốc tế về kinh tế, chính trị cũng nên có kế hoạch lồng ghép các hoạt động quảng bá và giao lưu văn hóa của Hà Nội vào, như vậy công tác hợp tác quốc tế sẽ rất hiệu quả vì hợp tác quốc tế về văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ mà Hà Nội có thể phát huy lợi thế so sánh từ chính nội lực của mình.

Các cơ quan chức năng của Thành Phố Hà Nội cần tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, không ngừng bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc kết hợp với giáo dục nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh tình mới. Đặc biệt là việc giáo dục pháp luật nhằm làm cho thanh niên, học sinh hiểu biết pháp luật và làm theo pháp luật. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra được môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các loại hình văn hóa độc hại, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục thể chất ở các trường học; chú trọng quy hoạch, xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao ở cấp Thành phố, các quận, huyện và các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ở các khu dân cư, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa, tinh thần của thanh niên, học sinh. Giải pháp về lâu dài để giảm bớt, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa, các nhà quản lý các cấp nên bố trí thêm những khu vui chơi, giải trí cho lứa tuổi thanh niên, học sinh THPT Hà Nội; Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền từ nhà trường và các cơ quan chức năng đến thanh niên, học sinh THPT Hà Nội về những tác động mặt trái của giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa không đúng cách.

Ngoài ra, các cấp Chính quyền cần tạo điều kiện để các cơ quan đoàn thể địa phương có thể tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho thanh niên, học sinh THPT tại địa phương. Cần tổ chức các khóa học để các bậc phụ huynh có thể tham gia nhằm có thêm các kỹ năng làm cha, làm mẹ; các buổi nói chuyện chuyên đề về quan hệ cha mẹ - con cái đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh THPT.

Giáo dục để học sinh THPT cùng các thầy cô giáo chăm sóc các di tích, qua đó tìm hiểu, học tập, sưu tầm, giới thiệu với các bạn Hàn Quốc, các du khách, với những người thăm quê, thăm trường, thăm di tích trên địa bàn TP.Hà Nội. Việc này nhằm tạo nên sự hiểu biết và lòng yêu mến, biết ơn đối với cha ông, đối với quê hương, trên cơ sở đó là đối với đất nước. Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần phối hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc miễn và giảm các vé khi học sinh phổ thông của H à Nội vào các bảo tàng, di tích tham quan, học tập, tạo thuận lợi cho việc đổi mới việc dạy văn, dạy sử, các môn khoa học, xã hội và nhân văn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và đổi mới tổ chức, nội dung, các cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về văn hóa là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội hiện nay. Tăng cường phân cấp về công tác quản lý văn hóa nhằm nâng cao

hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa. Cần rà soát, bổ sung các văn bản quy định về cơ chế, chính sách văn hóa, các quy chế quản lý hoạt động văn hóa phù hợp với yêu cầu mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội cần sớm thành lập Trung tâm Hà Nội học, nơi tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về Hà Nội học vừa có kiến thức sâu về chuyên môn vừa giỏi về ngoại ngữ nhằm giúp tham mưu cho Thành phố Hà Nội xây dựng những kế hoạch, chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu sự ảnh hưởng của Làn sóng Hàn tới lối sống, hành vi ứng xử của học sinh THPT Hà Nội giai đoạn 2009 - 2013 (Trang 93 - 96)