1.1 Bối cảnh quốc tế và khu vực
1.1.2.3. Gia tăng tranh chấp Biển Đông tác động đến hoà bình và ổn định khu vực
Tranh chấp trên Biển Đông ngày càng gia tăng có tác động mạnh mẽ tới cách ứng xử của Trung Quốc với ASEAN nói chung và với mỗi thành viên của Hiệp hội này nói riêng.Biển Đông là vùng biển có ý nghĩa bao hàm tổ hợp các yếu tố cả về địa chiến lược, chính trị, kinh tế vô cùng quan trọng. Đây có thể coi là tuyến đường hàng hải quốc tế then chốt nối liền các châu lục. Biển Đông còn là nguồn dự trữ lớn
về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên.9 Đây cũng là khu vực xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa các nước tuyên bố chủ quyền bao gồm: Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp trên biển Đông có xu hướng căng thẳng hơn khi những yêu sách và hành động của Trung Quốc ngày càng kiên quyết. Trung Quốc thể hiện quyết tâm đòi hỏi phần lớn diện tích biển Đông với “đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích khu vực này. Trong khi đó, Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, và Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông
(COC) chưa có nhiều tiến triển.
Những động thái cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và những phản ứng của các bên có liên quan tranh chấp, nhất là Philippines, khiến cho Bắc Kinh cảm thấy lo ngại cho môi trường an ninh xung quanh. Điều này bắt buộc Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp trong việc lôi kéo một số quốc gia láng giềng về phía mình. Bằng phương thức “ngoại giao kinh tế và viện trợ”, Trung Quốc tích cực lôi kéo một số quốc gia Đông Nam Á đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á lục địa như Lào, Campuchia, Myanmar trở thành “đồng minh” của mình, và gia tăng áp lực đối với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với mình ở khu vực.