Tác động của mối quan hệ này đối với hai nước và khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 83 - 85)

1. 3 Vị trí của Campuchia trong chiến lược phát triển củaTrung Quốc

2.5. Tác động của mối quan hệ này đối với hai nước và khu vực

Việc gia tăng quan hệ hữu nghị Trung Quốc – Campuchia trong thời gian vừa qua là hiện tượng tất yếu trong xu thế phát triển của thế giới ngày nay. Để đảm bảo lợi ích của mình cả Trung Quốc và Campuchia đều thấy việc thúc đẩy quan hệ với đối tác kia là cần thiết. Do đó, cả hai bên đều cho rằng tình hữu nghị truyền thống là nền tảng cho quan hệ hai nước.

Về phía Trung Quốc, thắt chặt quan hệ với Campuchia, Trung Quốc đã đảm bảo được các lợi ích về kinh tế, chính trị và an ninh ở khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc đảm bảo chắc chắn có được một đồng minh ủng hộ mình trong các vấn đề tranh chấp với các nước Đông Nam Á khi cần thiết, đó là các tranh chấp với một số nước ASEAN: Philippines, Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hay ít nhất đó là sự ủng hộ cho chính sách “một Trung Quốc” mà Trung Quốc đang theo đuổi từ phía Campuchia.

Để tăng cường quan hệ với Campuchia, trong thời gian vừa qua, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy cho các cuộc thăm viếng và kèm theo đó là những khoản viện trợ ưu đãi lên đến hàng tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt, Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Campuchia. Trung Quốc từng cung cấp tài chính cho Campuchia để nâng cấp sân bay quân sự Kongpong Chhnang và mua các tàu tuần tra hải quân, song điểm đáng chú ý là việc Trung Quốc gia tăng viện trợ, nhất là về quân sự đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có nhiều quyền hành hơn trong việc sử dụng các căn cứ quân sự tại Campuchia, ví dụ như cảng Ream và cảng Sihanoukville. Vậy phải chăng việc hỗ trợ Campuchia xây dựng căn cứ quân sự, Trung Quốc đã góp phần tạo dựng căn cứ quân sự cho mình

Trong thực tế, Trung Quốc từ lâu đã có chính sách mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía nam – chính sách hướng Nam mà trọng tâm hướng đến là Đông Nam Á. Trung Quốc thực hiện chiến lược “một trục, hai cánh” nên chủ động thông qua các hoạt động kinh tế để xâm nhập vào Đông Nam Á lục địa. Việc gia tăng ảnh hưởng lên nhiều quốc gia trong ASEAN như: Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan bằng kinh tế và cả “sức mạnh mềm” đã giúp vị trí củaTrung Quốc ở khu vực ngày càng củng cố. Vì vậy, sáng kiến hợp tác tiểu vùng sông Mê Công đã làm cho vị trí của Trung Quốc càng trở nên vững chắc và Campuchia chính là bàn đạp, là chân trụ chính cho Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Về phía Campuchia, việc tăng cường quan hệ chính trị ngoại giao với Trung Quốc, Campuchia không những tận dụng được những nguồn đầu tư, viện trợ khổng lồ mà bản thân Campuchia đang cần thiết cho sự phát triển đất nước mà Trung Quốc còn trở thành lực lượng “hậu thuẫn” cho Campuchia. Đặc biệt, quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Campuchia không phải chịu những điều kiện khó khăn như các nước khác (Mỹ), Trung Quốc tỏ ra khá dễ dãi trong các vấn đề viện trợ ở Campuchia. Tuy nhiên, khi Trung Quốc cần Campuchia ủng hộ thì đó lại là vấn đề không phải quốc gia nào cũng có thể làm được. Năm 2010, việc Campuchia trục xuất 20 người tị nạn Hồi giáo Uighur mà Trung Quốc coi là phiến quân ra khỏi lãnh thổ Campuchia đã đem về cho Campuchia khoản viện trợ kinh tế trị giá khoảng 1,2 tỉ USD và 257 xe quân sự.

Hiện nay, khi xu thế hòa bình, hợp tác trở thành xu thế chính trong quan hệ quốc tế thì việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Campuchia về mặt hình thức là nhằm hướng tới sự hòa bình ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thì việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Campuchia nhằm tìm kiếm đồng minh cho giải pháp chống lại các nước Đông Nam Á trong các vấn đề tranh chấp lại không được các nước này hoan nghênh. Cuộc họp gần đây nhất ở cấp Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á là một minh chứng khi lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN không đưa ra được thông cáo chung đã cho thấy sự ảnh hưởng của nhân tố Trung Quốc đã ít nhiều làm rạn nứt ASEAN.

Rõ ràng, việc tăng cường quan hệ Trung Quốc – Campuchia đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của cả hai nước. Trung Quốc tận dụng được nguồn nguyên liệu, thị trường của Campuchia, tạo dựng được địa bàn chiến lược cho việc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nói cách khác Trung Quốc cần Campuchia hơn về mặt chính trị và chiến lược. Về phía Campuchia, Campuchia tận dụng được nguồn viện trợ không nhỏ cho chính sách phát triển đất nước mặc dù hiện nay cũng không ít người lo ngại nếu cứ quá phụ thuộc vào Trung Quốc có khi nào Campuchia lại trở thành “quân cờ” của Trung Quốc trên bàn cờ quốc tế? Eng Chhay, nghị sĩ đảng đối lập Sam Rainsy(SRP) nhận xét trên tờ Cambodia Daily: Các khoản viện trợ của Trung Quốc gây áp lực lên chính phủ Campuchia, buộc họ phải theo hệ tư tưởng của Trung Quốc. Kết quả Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 vừa qua đã không đưa ra được thông cáo chung do lập trường của Campuchia – nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN khác lập trường của một số nước ASEAN về vấn đề tranh chấp Biển Đông- Trung Quốc là minh chứng cụ thể nhất. Vì vậy, việc tăng cường quan hệ hai nước Trung Quốc-Campuchia có quan hệ mật thiết tới việc duy trì nền hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)