Tình hình Campuchia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 48 - 53)

1.2. Tình hình Trung Quốc và Campuchia

1.2.2. Tình hình Campuchia

Campuchia vốn là một nước nghèo ở Đông Nam Á nằm trên bán đảo Đông Dương. Trước năm 1991, các cuộc chiến tranh vệ quốc cùng với cuộc nội chiến liên miên đã đẩy nhân dân Campuchia đứng trước sự diệt chủng. Tháng 10/1991, hiệp định Pari về việc lập lại hòa bình trên lãnh thổ Campuchia được ký kết, đất nước Campuchia bước vào một thời kỳ mới- thời kỳ xây dựng và phát triển.

Thời kỳ hồi sinh, kinh tế Campuchia từng có mức tăng trưởng bình quân khá ấn tượng, khoảng 7%/năm trong những năm 1993 -2004. Phần lớn tăng trưởng kinh tế của Campuchia có dấu hiệu khả quan là nhờ giá trị xuất khẩu tăng thường xuyên, liên tục của ngành dệt may. Ngoài ra, trong một số năm đầu của thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia còn đạt mức trên 10%.[3, tr.68]

Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng này không mang tính bền vững khi xuất hiện cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Các ngành chủ chốt của Campuchia chịu tác động lớn do sự suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trầm trọng, trong số đó phải kể đến ngành may mặc. Sở dĩ ngành này chịu tác động mạnh mẽ do các đơn đặt hàng từ thị trường lớn là Mỹ có sự biến động. Ngành nông nghiệp vẫn trong tình trạng lạc hậu và năng suất thấp, đồng thời các khoản đầu tư cho ngành này còn rất hạn chế. Do đó, sản phẩm của Campuchia gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cạnh tranh trên thị trường. Du lịch là ngành có đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế của Campuchia hiện cũng đang có dấu hiệu suy giảm khi tình trạng bất ổn của Thái Lan ngày càng gia tăng.

Bước sang năm 2011, kinh tế Campuchia có sự phục hồi và phát triển. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, tăng trưởng GDP của Campuchia năm 2011 đạt khoảng 7%, tăng hơn so với mức dự đoán trước đó là 6,4% do sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành kinh tế mũi nhọn (xuất khẩu hàng dệt may, du lịch, nông nghiệp và xây dựng).

Về nhập khẩu, giá trị hàng hóa nhập khẩu của Campuchia đạt 5,98 tỷ USD, tăng 40% so với con số 4,28 tỷ USD cùng kỳ năm 201018. Về xuất khẩu, Theo thống kê của Bộ Thương mại Campuchia, đến cuối năm 2011, xuất khẩu của Campuchia đạt 4,5 tỷ USD, tăng 42% so với con số 3,16 tỷ USD cùng kỳ năm 2010. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 3,95 tỷ USD, tăng 40%; xuất khẩu gạo đạt 87,5 triệu USD, tăng 196%; xuất khẩu hàng nông sản khác và cao su đạt 285,6 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt của Campuchia như may mặc, gạo, cao su, sản phẩm nông nghiệp đều tăng so với năm 2010 do nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao. Các hiệp định thương mại mới mà Campuchia ký với các nước trong khu vực đang phát huy tác dụng và việc EU cho Campuchia hưởng thuế suất bằng 0 khi xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường này từ đầu năm 2011 đã tạo điều kiện cho mặt hàng này có tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, nhất là các thị trường khó tính như EU.19

Về vấn đề thu hút vốn đầu tư của Campuchia, theo Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC): cho đến tháng 10/2011, Campuchia đã thu hút được thêm 126 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, số vốn đăng ký lên tới 6 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước (5,8 tỷ USD). Trong các dự án đầu tư trên, có 23 dự án với số vốn đăng ký là 1,39 tỷ USD là của các nhà đầu tư Campuchia; Anh có một dự án đầu tư sản xuất phân bón trị giá 2,2 tỷ USD liên doanh với Tập đoàn Royal Group của Campuchia. Trung Quốc với số vốn là 1,16 tỷ USD; Việt Nam với số vốn đầu tư 246 triệu USD; Malaysia với số vốn là 230 triệu

18 Xem thêm Tình hình kinh tế Campuchia năm 2011, ngày 12/01/2012,

http://www.ttnn.com.vn/nuoc-lanh-tho/44/tai-lieu/33248/tinh-hinh-kinh-te-campuchia-nam-2011.aspx

19 Số liệu khai thác từ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Tình hình kinh tế Campuchia năm 2011, ngày 12/01/2012

USD. Tổng thư ký CDC Sốc Chanda cho biết: tính từ 1994 đến hết tháng 11/2011, tổng FDI của Trung quốc vào Campuchia là 8,8 tỷ USD, đứng thứ nhất; tiếp đến là Hàn Quốc với số vốn FDI 4 tỷ USD; Malaysia đứng thứ ba với số vốn FDI là 2,6 tỷ USD. Do đó, tính đến tháng 6/2011, tổng mức dự trữ ngoại tệ của CPC là 3 tỷ USD, tăng so với mức 2,7 tỷ USD vào cuối năm 2010.20 Nguồn dự trữ ngoại tệ này đã giúp Campuchia củng cố nguồn lực tài chính cũng như thanh toán một số khoản nợ công của Chính phủ. Mức dự trữ ngoại tệ này của Campuchia còn góp phần gia tăng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Campuchia. Hiện nay, với sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là tận dụng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm tăng cường tiềm lực trong nước, Campuchia không ngừng đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng nhằm hiện đại hóa đất nước. Nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu được nâng cấp và làm mới đảm bảo cho việc lưu thông được thông suốt. Campuchia tăng cường thúc đẩy cho sự phát triển của một số ngành mũi nhọn có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao như du lịch, dầu khí hay ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành điện.

Nhìn chung, đến năm 2011, nền kinh tế Campuchia vẫn tiếp tục tăng trưởng khá vững chắc, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như xuất khẩu hàng may mặc, du lịch, nông nghiệp và xây dựng đều có sự tăng trưởng khá cao. Đây là nguyên nhân chính góp phần tạo ra mức tăng trưởng GDP của Campuchia đạt 7% năm 2011, cao hơn mức dự đoán ban đầu khoảng 6.5% của Chính phủ.

Mặc dù giống như các nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Campuchia vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng song với những nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, tạo niềm tin cho các đối tác thì nguồn vốn đổ vào Campuchia cũng ngày càng lớn hơn. Ngoài ra, việc Campuchia chú trọng quan hệ kinh tế đối ngoại với các nước láng giềng (Việt Nam, Thái Lan), đặc

20 Số liệu khai thác từ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Tình hình kinh tế Campuchia năm 2011, ngày 12/01/2012, http://www.ttnn.com.vn/nuoc-lanh-tho/44/tai-lieu/33248/tinh-hinh-kinh-te-campuchia-nam- 2011.aspx

biệt là các đối tác kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Campuchia vừa tận dụng được thị trường cho hàng xuất khẩu, vừa tận dụng được nguồn FDI, ODA của các nước này. Ngoài ra Chính phủ Campuchia còn chủ trương thể hiện rõ quan điểm ưu tiên thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào nước này và coi đây là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Campuchia.

Về đối ngoại, trong xu thế toàn cầu, Campuchia với xuất phát điểm không cao, trình độ phát triển còn hạn chế, nhất là việc khai thác, sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên, Campuchia cần phải nỗ lực hơn nữa, học hỏi hơn nữa kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.

Trong giai đoạn hiện nay, Campuchia thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa song chủ yếu vẫn là tranh thủ các nước lớn trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực. Chính phủ Campuchia đặc biệt coi trọng việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Những lợi ích to lớn mà nước này đem đến cho Campuchia thông qua các chương trình đầu tư và viện trợ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng đã giúp Campuchia vượt qua cơn bão táp lạm phát nghiêm trọng. Campuchia coi Trung Quốc là “người bạn số một”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Campuchia Keat Chhon đã từng nói: Trung Quốc không chỉ là một nhà hàng xóm tốt, giàu… mà còn biết được những gì Campuchia cần, mà sự thực Trung Quốc đã đem lại cho Campuchia những gì cần thiết và khẩn cấp nhất như: đường giao thông, điện lực, hay các khoản đầu tư viện trợ “không điều kiện”. Những khoản viện trợ đó đã đem lại lợi ích to lớn cho Campuchia, nó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội.

Trong những năm gần đây, bằng việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Campuchia đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ. Với một nước nghèo như Campuchia, mặc dù nhìn thấy những bất lợi đằng sau những khoản viện trợ, đầu tư này, song dù sao nó cũng hết sức quan trọng cho nền kinh tế của họ.

Việc Trung Quốc gia tăng các khoản đầu tư viện trợ cho Campuchia tạo cho nước này lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khác. Sự cạnh tranh giữa các nhà đầu

tư sẽ làm dòng chảy viện trợ không ngừng đổ vào Campuchia. Vì vậy, tăng cường quan hệ với Trung Quốc giúp Campuchia củng cố và nâng cao vị thế trong khu vực.

Hiện nay, mặc dù cuộc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tại Campuchia rất gay gắt, song, Chính phủ Campuchia thể hiện rõ quan điểm ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trên cơ sở có định hướng và có chọn lọc. Campuchia chú trọng việc thu hút và khả năng sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất, coi đây là điều kiện cần thiết đảm bảo nguyên tắc phát triển ổn định. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) được gắn với quy hoạch phát triển cụ thể từng ngành, từng vùng nhằm hạn chế những hậu quả xấu, những tác hại cho môi trường hoặc không tạo công ăn việc làm cho người dân.

Để thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư, Chính phủ Campuchia luôn thực hiện chủ trương đường lối chính sách thông thoáng, mở cửa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động dễ dàng. Đồng thời, giúp Campuchia nhanh chóng bổ sung lượng vốn thiếu hụt, thu hút công nghệ và trình độ quản lý, góp phần nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất trong nước và mở rộng thị trường ra bên ngoài. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, Campuchia rất coi trọng hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài, hướng tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia cũng không quên vạch ra định hướng phát triển cụ thể cho một số ngành, một số vùng nhằm đảm bảo cho sự phát triển cân đối và bền vững của nền kinh tế. vì vậy, trong những năm tới, Campuchia chủ trương lựa chọn kỹ càng các dự án đầu tư, hướng các nhà đầu tư Trung Quốc vào một số lĩnh vực chủ chốt mà Campuchia có thế mạnh như: nông – lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ du lịch, khách sạn – nhà hàng, giáo dục, v.v.

Như vậy, trong thời gian tới Campuchia cần tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, viện trợ từ bên ngoài nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Hơn nữa, tình trạng bất đồng về quan điểm chính trị của các đảng phái trong việc thực hiện chính sách đối ngoại với nhiều nước trong đó có Trung Quốc và Mỹ buộc chính phủ phải có những

chính sách điều chỉnh nhằm hướng tới tiếng nói chung, đây có thể coi là yếu tố quan trọng góp phần chi phối quan hệ Trung Quốc – Campuchia trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)