Khái quát quan hệ kinh tế hai nước trước năm 1991

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 70 - 73)

1. 3 Vị trí của Campuchia trong chiến lược phát triển củaTrung Quốc

2.3. Trung Quốc gia tăng quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư và viện trợ đối vớ

2.3.1. Khái quát quan hệ kinh tế hai nước trước năm 1991

Quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Campuchia tuy được thiết lập từ khá sớm nhưng xét trên phương diện quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư và viện trợ, quan hệ ấy chỉ đặc biệt được thúc đẩy sau sự kiện ký kết Hiệp định hòa bình về vấn đề Campuchia ký kết tại Paris tháng 10/1991.

Trên thực tế, mặc dù dưới thời phong kiến, quan hệ thương mại đã diễn ra giữa hai dân tộc Trung Hoa và Campuchia, song hình thức mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi buôn bán. Sang thời hiện đại, do những chuyển biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước26 mà quan hệ ấy có những lúc bị gián đoạn.

Dưới thời vương quốc Campuchia độc lập (1953-1970), trong chuyến thăm đầu tiên của Hoàng tử Sihanouk sang Trung Quốc tháng 2/1956, Campuchia nhận được 80.000 Nhân dân tệ từ Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Tháng 6/1956, hai bên đã đi đến kí hiệp định song phương, theo đó, từ 1956-1957 Trung Quốc sẽ cung cấp cho Campuchia khoản viện trợ khoảng 8 triệu Bảng Anh cho việc xây dựng cơ sở

26 Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cả Trung Quốc và Campuchia đều trở thành thuộc địa của các nước đế quốc nên trong thời gian dài bản thân các nước này không thể kiểm soát được các hoạt động ngoại thương. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Campuchia lại trở thành thuộc địa của Pháp nên tất cả các hoạt động kinh tế của Campuchia do Pháp nắm giữ. Về phía Trung Quốc, sau Chiến tranh thế giới, Trung Quốc lâm vào tình trạng nội chiến (1946-1949). Cho đến khi nội chiến kết thúc, chính phủ mới ở Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm và thiết lập lại quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. do đó từ năm 1950, Trung Quốc bắt đầu có những viện trợ cho các nước Đông Dương (thời điểm ấy chủ yếu là Việt Nam).

vật chất hạ tầng. Từ đây, Campuchia trở thành quốc gia thuộc nhóm nước Á -Phi – Mỹ Latinh đầu tiên nhận viện trợ kinh tế của Trung Quốc. Năm 1963, Trung Quốc giúp Campuchia xây dựng một nhà máy dệt tại thành phố Kampong Cham, nâng giá trị sản lượng sản xuất công nghiệp của Campuchia lên 50%.

Theo nghiên cứu của một học giả người Đức – Wolfgang Barkte về vấn đề viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia trong giai đoạn 1956-1970 ta thấy: năm 1956 là 21,4 triệu USD, năm 1958 là 6,6 triệu USD, năm 1960 là 11,2 triệu USD, nâng tổng số viện trợ lên 39,2 triệu USD.[72]

Trong thời gian này, ngoài viện trợ về kinh tế, Trung Quốc còn viện trợ cho Campuchia cả về quân sự. Tuy không có những dữ liệu cụ thể nhưng có thể thấy rằng khi cuộc chiến tranh Đông Dương bước vào giai đoạn cuối, Trung Quốc đã có những viện trợ nhất định cho nhân dân Đông Dương về vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn đóng một vai trò không nhỏ cho những quyết định của hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Sau hội nghị Giơ-ne-vơ, quan hệ hai bên chưa có nhiều tiến triển cho đến khi Mĩ giúp Non Lon lật đổ Sihanouk. Khi Sihanouk liên minh với các lực lượng Khmer Đỏ chống lại Non Lon, Trung Quốc lại đóng vai trò là người luôn ủng hộ lực lượng này khi đưa ra các gói viện trợ cả về kinh tế và quân sự. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai từng phát biểu sẽ hỗ trợ cho Khmer Đỏ và Sihanouk để chống lại Mỹ. Năm 1970, Trung Quốc viện trợ cho Campuchia lên tới 400 tấn thiết bị quân sự và khoảng 50 xe tải.

Dưới thời Campuchia dân chủ (1975-1978), Trung Quốc dưới vai trò người ủng hộ những người lãnh đạo của lực lượng này đã từng ủng hộ Sihanouk, nhưng lúc này, Sihanouk đang bị giam lỏng nên viện trợ cho ông không đáng kể, chủ yếu là viện trợ cho Khmer Đỏ. Đặc biệt, khi quan hệ Trung Quốc và Việt Nam ngày càng xấu đi thì viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia lại tăng lên mạnh mẽ. Theo ước tính khoảng 10% tổng số tiền viện trợ nước ngoài mỗi năm. Trong đó, ngoài viện trợ về kinh tế và quân sự, Trung Quốc còn gửi hàng ngàn nhân viên kỹ thuật sang giúp Campuchia.

Trong tác phẩm Tam giác Trung Quốc Campuchia Việt Nam, tác giả U.Bớc- sét đưa ra dẫn chứng về việc Khmer Đỏ đề ra kế hoạch xuất khẩu gạo từ 1977 đến 1980 là khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu tấn gạo. Theo tác giả: mặc dù bản báo cáo đề ngày 22 tháng 12 năm 1976 không nêu rõ gạo được xuất khẩu cho nước nào, nhưng rõ ràng nước đó phải là Trung Quốc, bạn hàng thương mại có ảnh hưởng duy nhất khi đó của Campuchia.[51, tr.206]

Cũng trong tác phẩm này, tác giả còn nhắc tới những tài liệu của Pôn Pốt và Iêng Xa-ry để lại có bài phát biểu của Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc – Tướng Vương Thượng Vinh sau khi thảo luận với Xon Xen – tư lệnh danh nghĩa của các lực lượng vũ trang Khmer Đỏ ngày 2/2/1976, trong đó có nhắc tới vấn đề chuyển giao vũ khí năm 1976. Hai bên thỏa thuận sẽ chuyển sang 13.300 tấn vũ khí, nhưng mới chuyển được 3.200 tấn do đó còn lại 10.000 tấn (trong đó có 4.000 tấn súng ống và đạn dược, 1.302 xe cộ các loại). Ngoài ra, trong thời gian này, Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Campuchia nhiều trang thiết bị viễn thông, xây dựng các căn cứ hải quân, không quân, các kho vũ khí và nhiều công trình khác. Trung Quốc còn hỗ trợ cho Campuchia trong việc đào tạo về hàng không và hàng hải, nhất là việc huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu và máy bay ném bom.

Tóm lại, quan hệ thương mại đầu tư và viện trợ giữa Trung Quốc và Campuchia trong giai đoạn này tuy đã được thúc đẩy, song nó chưa tạo nên bước ngoặt đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn mới, ở đó sự hợp tác đã đạt đến toàn diện. Sự viện trợ của Trung Quốc cho lực lượng Khmer Đỏ dường như là sự bồi đắp thêm cho sự thí điểm của một mô hình xã hội mới mà Trung Quốc đã vẽ ra. Đồng thời đó cũng là cơ sở để Trung Quốc từng bước thiết lập địa bàn chiến lược giúp Trung Quốc tạo dựng bàn đạp vững chắc cho chính sách hướng nam sau này. Về phía Campuchia, thúc đẩy quan hệ thường xuyên với Trung Quốc, Campuchia đảm bảo luôn có một lực lượng hậu thuẫn và hỗ trợ kinh tế cần thiết, “ít điều kiện” giúp Campuchia phát triển. Vì vậy, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ hai nước đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc campuchia từ năm 1991 đến năm 2011 (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)