Chương trình truyền hình mua bản quyền nước ngoài ở Việt Nam hiện nay rất phong phú về nội dung và thể loại. Trong thời điểm nhiều kênh truyền hình dành cho thiếu nhi ra đời như hiện nay, kênh HTV3 cũng đã phát triển, tìm cách thu hút khán giả bằng nhiều chương trình mới lạ chỉ phát sóng trên kênh HTV3 như phim điện ảnh dành cho thiếu nhi (loạt phim về Búp bê Barbie, Alvin và những chú sóc chuột, Mèo siêu quậy…), phim hoạt hình (Đôrêmon - Chú mèo máy đến từ tương lai, Vườn chim vui nhộn…), bên cạnh những chương trình giải trí khác như trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế dành riêng cho khán giả thiếu nhi.
Có thể nói những chương trình mua bản quyền nước ngoài chiếm lĩnh khung giờ vàng vào tất cả các ngày trong tuần và cả cuối tuần trên các kênh truyền hình quốc gia và truyền hình địa phương hiện nay…. Thể loại truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi cũng đã và đang tạo được sự chú ý của khán giả cả nước qua chương trình Con đã lớn khôn. Con đã lớn khôn hiện đang
phát sóng trên các kênh: HTV7, HN1, HTV3, HTVC_Phụ Nữ, HTVC_Gia đình, HP8, NTV, DVTV, CVTV1, VTC7 với nhiều khung giờ khác nhau.
Điều không thể phủ nhận là hầu hết các trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài được phát sóng tại Việt Nam đều rất nổi tiếng, đã cuốn hút đông đảo khán giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với sự nổi tiếng sẵn có, cộng thêm với việc quảng bá rộng rãi, giới thiệu liên tục trên các kênh truyền hình, cùng với việc phát sóng trong khung giờ vàng nên các chương trình này đã thu hút được khối lượng người xem đông đảo.
Tuy nhiên, được sản xuất ở nước ngoài, cho khán giả nước ngoài, và bởi người nước ngoài, nên không phải chương trình nước ngoài được “Việt hóa” nào cũng nhuần nhuyễn, và thích hợp với thị hiếu của người Việt. Thực tế là khi các chương trình mua bản quyền ở nước ngoài về đến Việt Nam vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc bắt buộc của đối tác nước ngoài như giữ đúng định dạng về sân khấu, cách thức chơi, quy tắc tuyển chọn người chơi…
Cũng vì phải tuân thủ một cách máy móc, rập khuôn này mà một số chương trình đã ít nhiều làm cho khán giả Việt khó chịu. Có những chương trình gây phản cảm với người xem, và được nhà sản xuất lý giải rằng: Mua bản quyền, nên phải theo kịch bản của họ, kể cả phong thái, lời thoại của người dẫn chương trình sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền… có trường hợp cũng không được thay đổi và lý do được quy vào chuyện tuân thủ bản quyền. Tuy có một số hạn chế nhất định khi nhập chương trình nước ngoài về phát tại Việt Nam như tốn kém về tài chính, đặc biệt là điểm khó dung hòa giữa văn hóa của mỗi đất nước, thì doanh thu thu được từ các chương trình này thường cao do thu hút được nhiều đối tượng khán giả.