Thông tin về thực phẩm an toàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi sử dụng thực phẩm an toàn của người dân thành phố hà nội nghiên cứu trường hợp tại quận thanh xuân, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 47 - 52)

8. Khung lý thuyết

2.1. Hành vi lựa chọn thực phẩm an toàn

2.1.3. Thông tin về thực phẩm an toàn

Trong thời đại công nghệ phát triển, các phương tiện truyền thông mới cũng xuất hiện để việc tìm kiếm thông tin của con người ngày càng trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, những thông tin như phân biệt nông sản sạch, những chú ý trong cách chế biến, những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm và hình thức xử lý… đã và đang được đề cập rất nhiều vì tính thời sự của nó. Trao đổi với 242 mẫu khảo sát về phương tiện cũng như nguồn tin tìm hiểu về vấn đề này, kết quả thu được như sau:

Bảng 2.4. Phương tiện tìm hiểu thông tin về thực phẩm an toàn của người dân

(Đơn vị:%)

Phƣơng tiện Không sử dụng Có sử dụng Tổng

Đài phát thanh 64,5 35,5 100 Tivi 26,4 73,6 100 Mạng internet 43,8 56,2 100 Báo in 82,6 17,4 100 Sách chuyên khảo 89,3 10,7 100 Truyền miệng 42,1 57,9 100

Theo số liệu thống kê từ bảng trên, có thể thấy phương tiện truyền thông đại chúng nhất hiện nay chính là tivi với tỉ lệ 73,6% tìm hiểu thông tin về an toàn thực phẩm qua kênh này. Tivi là thiết bị gần gũi với mỗi gia đình, những thông tin chiếu trên truyền hình quốc gia thường có tính chính xác và nhận được sự tin tưởng cao, mang tính chính thống nên được nhiều người lựa chọn là kênh tham khảo và nâng cao sự hiểu biết cho bản thân mình. Đặc biệt khi thực phẩm thiếu an toàn đang trở thành vấn đề nóng hiện nay, các đài quốc gia cũng có những chương trình như “Nói không với thực phẩm bẩn” để người dân cảnh giác hơn với các loại thức ăn thiếu vệ sinh đang được bày bán hiện nay và để biết tới những thương hiệu thực phẩm an toàn thì lượng người xem tivi để tìm hiểu thông tin chính thống về vấn đề này ngày càng nhiều. Ngoài ra, trên tivi, một trong những chương trình xuất hiện thường xuyên nhất ngay cả trong các kênh quốc gia đó chính là chương trình quảng cáo. Nó là phương tiện để người dân có thể nắm được những thông tin cơ bản về sản phẩm và đưa ra lựa chọn tiêu dùng của mình.

Nói đến thực phẩm là nói đến thứ không thể thiếu được với bất cứ ai, con người luôn cần lương thực, thực phẩm để duy trì cuộc sống, để khỏe mạnh và minh mẫn. Qua hàng ngàn năm trước, ông cha ta đã làm ăn, sinh hoạt theo chu kì của thời vụ, lịch tiết và đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm ẩm thực tùy thuộc vào chu kỳ nhật - nguyệt, thời tiết trong năm để lựa chọn được những sản vật đồ ăn thức uống có chất lượng cao như “Mùa nào thức ấy”; “Mùa hè cá sông, mùa đông cá biển”;“Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè”… Một năm có 12 tháng, theo kinh nghiệm dân gian thì tháng 10 (âm lịch) là tháng mà các sản phẩm nông nghiệp đạt tỷ lệ hàm lượng vitamin cao, ngon, béo, chất lượng cao nhất. Ví dụ như: Bầu tháng chín, bín tháng mười (bín: bí đao); ếch tháng ba, gà tháng mười. Sở dĩ các loại cây trồng và con vật nuôi phát triển tốt vào thời gian này là vì thời tiết mát mẻ. Hơn nữa đây là dịp thu hoạch vụ mùa nên gia súc, gia cầm, thủy sản được ăn uống đầy đủ cả về chất và lượng từ các loại cây hoa màu và thóc lúa dư thừa, rơi vãi. Kinh nghiệm về ẩm thực không chỉ giúp chúng ta chọn lựa vật phẩm theo thời gian, mùa vụ mà còn giúp chúng ta chọn lựa bộ phận này ngon

hơn hoặc ít ngon hơn bộ phận kia. Thói quen trong dân gian từ xưa đã là vậy, vấn đề thực phẩm quá gần gũi và quen thuộc nên mọi người hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin về chúng qua những cuộc trò chuyện với nhau, bằng kinh nghiệm truyền miệng từ xưa trong dân gian và bằng trải nghiệm của mỗi người nội trợ truyền đạt lại sẽ trở thành khối kiến thức khổng lồ về cách phân biệt, chế biến thực phẩm ngon và an toàn. Nghiên cứu chỉ ra có 57,9% tổng mẫu khảo sát đang tìm hiểu thông tin về thực phẩm an toàn qua kênh “truyền miệng”, kém phương tiện tivi 15,7%. Chỉ kém hình thức truyền miệng 1,7% là đánh giá của người dân trong tìm hiểu thông tin thực phẩm qua nguồn internet (56,2%). Có thể gọi thời đại hiện nay chúng ta đang sống là thời đại công nghệ thông tin. Không chỉ kết nối mọi người ở khoảng cách xa xôi, không chỉ tìm hiểu được những thông tin mang tính khoa học cao mà sự phát triển của mạng xã hội và các website tìm kiếm đã giúp con người dễ dàng có được kiến thức về thực phẩm an toàn, tra cứu được nguồn gốc thực phẩm, phương pháp chế biến khoa học đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho bữa ăn. Thậm chí, một mẹo nhỏ trong nội trợ từ một người có thể lan tỏa tới rất nhiều người thông qua mạng xã hội bởi máy tính, điện thoại thông minh, những thiết bị cao cấp, hiện đại đang được sử dụng với tần suất cao trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, với nguồn tin từ internet, điểm mạnh là có sức lan truyền nhanh nhưng điểm yếu lại là thông tin thường khó kiểm chứng, vì dễ dàng đăng tải nên đa phần không mang tính chính thống cao, chính điều đó đã khiến người dùng hoài nghi về tính chân thực dẫn tới một tỉ lệ khá cao là 43,8% mẫu khảo sát không tìm hiểu thông tin về an toàn thực phẩm qua kênh này.

Ba phương tiện truyền thông về thực phẩm an toàn chưa được người dân sử dụng nhiều đó là đài phát thanh, báo in và sách chuyên khảo với tỉ lệ lần lượt là 35,5%; 17,4% và 10,7%. Đài phát thanh cũng là một kênh thông tin có tính chính xác cao, tuy nhiên nó có hạn chế về mặt nội dung cũng như số lượng kênh của đài phát thanh là rất ít. Báo in hay sách chuyên khảo không được lựa chọn nhiều vì trong một xã hội công nghê, chúng trở thành những thứ không phổ biến, sử dụng mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí để sở hữu.Điều này cũng được thể

hiện qua chia sẻ của một nam giới trung tuổi khi được phỏng vấn về sự quan tâm tìm hiều về thực phẩm an toàn: “Ngày nào chú cũng đọc báo, không báo giấy thì

báo mạng. Tin tức về an toàn thực phẩm đăng thường xuyên. Các chương trình trên tivi họ cũng hay làm các chương trình về thực phẩm, dinh dưỡng và đặc biệt về kiến thức dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cao tuổi. Nên các thông tin về thực phẩm muốn tìm hiểu thì lên mạng tra là có.” (Phỏng vấn sâu, Hà Đông, nam trung tuổi, 58 tuổi, bán hàng tạp hóa)

Như vậy, có thể thấy hiện nay, thông tin về an toàn thực phẩm được người dân tìm hiểu nhiều nhất qua các phương tiện phổ biến và quen thuộc như Tivi, qua sự truyền miệng với nhau và qua công nghệ internet. Các hình thức khác như đài phát thanh, báo in hay sách chuyên khảo với những hạn chế về nội dung, gây tốn kém chi phí và thời gian không phải là phương tiện truyền thông được ưa chuộng.

Trong quá trình đi chợ, lựa chọn mua thực phẩm, có rất nhiều thông tin mà người dùng cần nắm được để biết chất lượng của một sản phẩm là như thế nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm và am hiểu hết về các nhãn hàng, kỹ năng kiểm tra thực phẩm an toàn của người dân được phản ánh qua số liệu sau:

Bảng 2.5. Cách kiểm tra thực phẩm an toàn của ngƣời dân Hình thức Tỉ lệ (%)

Hỏi người bán 38,8

Kinh nghiệm bản thân 63,6

Đọc thông tin trên bao bì 43,8 Sử dụng công nghệ (máy đo nitrat…) 5,8 Không kiểm tra (mua của người thân) 22,3

Nguồn: Điều tra của đề tài tháng 4-5/2017

Từ số liệu trên, có thể thấy đa phần người dân đã sử dụng kinh nghiệm của bản thân để chọn lựa thực phẩm an toàn cho gia đình. Thực phẩm là thứ gắn liền với cuộc sống hàng ngày, dù ít dù nhiều thì ai cũng có kinh nghiệm tiêu dùng thực phẩm để chọn lựa được những mặt hàng như ý của mình. Tới 63,6% tổng mẫu khảo sát cho biết họ dùng kinh nghiệm để kiểm tra thực phẩm an toàn, đây là một tỉ lệ rất cao, phản ánh nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của con người. Sau

kinh nghiệm bản thân, hình thức đọc thông tin trên bao bì sản phẩm được khá nhiều người sử dụng trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, tỉ lệ này lên tới 43,8%. Theo đúng quy định của pháp luật, với tất cả những loại thực phẩm đóng gói sẽ đều phải ghi rõ thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng và lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn cũng như trung thực với người tiêu dùng. Một người thông thái trong mua sắm sẽ có kĩ năng đọc được thành phần của sản phẩm, sẽ biết được mức độ năng lượng, thành phần dinh dưỡng cũng như sự an toàn của thực phẩm đó với người dùng thế nào. Ngoài ra, hỏi người bán hàng cũng là cách được 38,8% người tiêu dùng lựa chọn để biết về thông tin thực phẩm mình quan tâm. Hầu hết người bán hàng sẽ là người rõ nhất về thành phần, nguồn gốc thực phẩm mà mình nhập về, tuy nhiên, để có lợi nhuận cao hơn, để bán được nhiều hàng hóa hơn, sẽ có không ít người nói quá về công dụng, thành phần cũng như cố tình không nhắc tới tác dụng phụ hay những thành phần phụ gia không tốt trong mặt hàng mà mình đang bán. Ý kiến của người bán hàng đôi khi chưa đủ khách quan để người tiêu dùng có thể tin tưởng và chọn lựa. Khảo sát cũng chỉ ra có 22,3% người dùng tin tưởng về nguồn gốc thực phẩm mà không kiểm tra thông tin về chất lượng của chúng bởi người bán hàng là người thân quen với mình. 22,3% là một tỉ lệ không nhiều nhưng cũng phản ánh phần nào người dân chưa có sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và chưa có kĩ năng tiêu dùng thông thái.

Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, các loại máy móc đã khiến cho con người thuận tiện hơn trong rất nhiều việc. Sự ra đời của các phần mềm quét mã vạch trên những thiết bị thông minh như máy đo nitrat, ứng dụng icheck… sẽ giúp người mua hàng dễ dàng tra cứu được thông tin về sản phẩm. Ví dụ: Một thương hiệu rau sạch khi đăng kí mã với Cục An toàn thực phẩm, họ sẽ có mã vạch để người tiêu dùng nhận diện và kiểm tra chất lượng nông sản mà họ trồng được. Người tiêu dùng có thể thông qua một phần mềm là icheck, quét mã vạch đó thì thông tin về nguồn gốc, địa điểm nuôi trồng sẽ hiện lên để họ có thể an tâm lựa chọn hàng hóa của thương hiệu này. Tuy nhiên, ứng dụng thông minh này chỉ được 5,8% mẫu khảo sát áp dụng, nó phản ánh mức độ cập nhật thông

tin còn chậm, người dân chưa có sự chủ động tìm hiểu các phương tiện hỗ trợ họ trong quá trình tiêu dùng, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi sử dụng thực phẩm an toàn của người dân thành phố hà nội nghiên cứu trường hợp tại quận thanh xuân, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 47 - 52)