Những khó khăn khi lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi sử dụng thực phẩm an toàn của người dân thành phố hà nội nghiên cứu trường hợp tại quận thanh xuân, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 67 - 71)

8. Khung lý thuyết

2.3.Những khó khăn khi lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình

2.3.1. Chia sẻ kiến thức về an toàn thực phẩm cho người thân.

Bảng 2.11. Mức độ thƣờng xuyên chia sẻ kiến thức về thực phẩm an toàn với ngƣời thân trong gia đình.

(Đơn vị:%)

Tần suất Tỉ lệ

Thường xuyên 36,4 Thỉnh thoảng 35,5 Hiếm khi 20,7 Không bao giờ 7,4

Tổng 100

Nguồn: Điều tra của đề tài tháng 4-5/2017

Trong mỗi gia đình luôn có một thành viên giữ vai trò chính trong việc nội trợ, mua sắm thực phẩm. Việc trao đổi những kiến thức về thực phẩm an toàn với người thân trong gia đình là điều bình thường thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên. Ví dụ: bố, mẹ nhắc nhở con cái chọn địa điểm ăn sáng cho hợp vệ sinh, đưa ra những lưu ý khi mua một loại thực phẩm nào đó, cách nhận biết hàng Trung Quốc và nông phẩm Việt… Tất cả những trao đổi đó sẽ trở thành kinh nghiệm để mọi người tiêu dùng thực phẩm có chọn lọc hơn. Thống kê từ bảng trên cho thấy, có 36,4% tổng mẫu khảo sát “thường xuyên” trao đổi những thông tin như vậy với người thân của mình. 35,5% chia sẻ ở mức “thỉnh thoảng”, 20,7% ở mức “hiếm khi” và chỉ có 7,4% tổng mẫu khảo sát cho biết họ không bao giờ chia sẻ với người thân về kiến thức an toàn thực phẩm. Số liệu trên thể hiện mức độ quan trọng của thực phẩm sạch đối với mỗi gia đình. Trên 70% mẫu khảo sát có ý thức trao đổi với nhau kinh nghiệm về an toàn thực phẩm với người thân của mình, cho thấy vấn đề này là vấn đề quen thuộc, gần gũi với đời sống, là vấn đề đáng được lưu tâm. Đặc biệt, với xã hội hiện nay, khi nhiều người vẫn buôn gian, bán lận, kinh doanh những thực phẩm bẩn để mang lại lợi ích cho bản thân mình, bất chấp sức khỏe cộng đồng thì những câu chuyện về thực phẩm giữa những người thân với nhau lại càng quan trọng và có

ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ gia đình mình. Tỉ lệ 7,4% là một tỉ lệ nhỏ, cho thấy vẫn còn một số lượng ít những gia đình chưa chú tâm đến vấn đề này hoặc chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để trao đổi với người thân của mình.

2.3.2. Những khó khăn khi lựa chọn thực phẩm an toàn

Không phủ nhận được rằng, thực tế có những rất nhiều người dân lo ngại thực phẩm bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và gia đình, họ thận trọng trong việc mua sắm đồ ăn, đồ uống,… nhưng trong nhiều trường hợp, dù nghi ngờ về sự an toàn, họ vẫn tiêu dùng vì những lý do khác nhau. Tìm hiểu về những khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn của người dân, kết quả thu được như sau:

Bảng 2.12. Những khó khăn của ngƣời dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn

(Đơn vị %)

Khó khăn Tỉ lệ

Không đủ kinh tế chi trả 14,8 Không đủ tin tưởng để mua 25,6 Hạn chế kiến thức về TPAT 38,8 Ít thời gian tìm hiểu thông tin về TPAT 18,2 Thiếu kinh nghiệm phân biệt TPAT 19 Không có khó khăn gì 9,1

Nguồn: Điều tra của đề tài tháng 4-5/2017

Từ bảng số liệu trên, có thể thấy khó khăn lớn nhất trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn của người dân chính là kiến thức của họ về thực phẩm an toàn còn hạn chế với tỉ lệ lựa chọn 38,8%. Mặc dù đồ ăn thức uống là điều gần gũi với mỗi người, nhưng không phải ai cũng có những hiểu biết cơ bản nhất về nó, đó cũng là nguyên nhân khiến người dân thường lo ngại nhưng lại không tìm hiểu để có thể trở thành người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm với bữa ăn gia đình. Khi thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường và gây hoang mang cho người tiêu dùng thì việc tìm hiểu và trang bị những kiến thức về thực phẩm an toàn là vô cùng cần thiết để đảm bảo có những bữa ăn chất lượng cho mỗi

người, mỗi nhà. Có nhận thức đúng về thực phẩm an toàn, người tiêu dùng mới có thể tự tin lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, có khả năng phát hiện và tố giác hành vi buôn bán thực bẩn, góp phần đẩy lùi tình trạng thị trường tràn lan hàng nhiễm độc chất kích thích, tăng trọng, thuốc trừ sâu…

Ngoài ra, những chú ý trong tiêu dùng thực phẩm như vấn đề về nguồn cung cấp thực phẩm, hạn sử dụng các loại thực phẩm, cách đọc thành phần trên bao bì… cũng cần được người dân quan tâm hơn để đánh giá mặt hàng nào thực sự cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng mà mình hướng tới. Có 18,2% tổng mẫu khảo sát cho biết họ thiếu thời gian để tìm hiểu những thông tin trên. Như đã phân tích ở trên, thời gian dành cho việc mua sắm thực phẩm của người dân thường dao động từ 30 phút – 60 phút, rất có thể với thời gian đó, họ chỉ có thể chọn được thức ăn mình muốn chứ chưa tìm được địa điểm bán phù hợp nguyện vọng của mình.

Khó khăn thứ hai trong tiêu dùng thực phẩm của người dân là họ thiếu tin tưởng về sản phẩm để chọn mua nó với tỉ lệ đánh giá 25,6%. Hiện nay, các cơ quan chức năng như Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ y tế, Bộ công thương cũng ban hành một số văn bản quy định đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản cụ thể. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào trên thị trường đang được bày bán cũng đã qua kiểm định, thậm chí, dấu kiểm định còn có thể được làm giả phục vụ mục đích xấu của gian thương. Chính vì điều này, người dân sẽ có tâm lý chung là hoang mang trước sự đa dạng về hàng hóa nhưng cũng lo ngại về chất lượng mà khó lựa chọn được sản phẩm an toàn cho gia đình mình. Thiếu kinh nghiệm phân biệt thực phẩm an toàn là khó khăn của 19% tổng mẫu khảo sát. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hàng giả đã đánh lừa người tiêu dùng như gạo giả, trứng giả, trái cây giả,… chúng được tạo nên từ các loại hóa chất, phẩm màu, hương liệu, với vẻ ngoài rất giống thực phẩm thật. Không chỉ hàng giả mà những thực phẩm được nuôi trồng với quy trình thiếu an toàn như sử dụng thuốc kích thích, tăng trọng… cũng khiến người tiêu dùng hoang mang. Bên cạnh đó, có chia sẻ của một phụ nữ trung tuổi về niềm tin trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn: “Cháu

ơi! Tưởng nó đưa vào cửa hàng, đưa vào siêu thị nọ kia mà tin nó là thức ăn sạch, an toàn à? Nó còn biến được thành thực phẩm tên tuổi, bẩn thành sạch, không an toàn thành an toàn. Mình có được chứng kiến đâu mà biết. Bây giờ không tự trồng, tự nuôi, tự tiêu thụ thì khó lắm cháu ơi. Sống ở thành phố có cái sướng mà nhiều cái khổ. Bây giờ nhiều người bệnh tật mắc đầy vì ăn thức ăn hóa chất.” (Phỏng vấn sâu, Thanh Xuân, nữ cao tuổi, 67 tuổi, nội trợ ở nhà)

Thống kê cho thấy có 19% tổng mẫu khảo sát đánh giá bản thân thiếu kinh nghiệm trong việc phân biệt thực phẩm an toàn. Trong nền kinh tế thị trường khiến nhiều gian thương chạy theo lợi nhuận như hiện nay thì đó thực sự là vấn đề đáng được quan tâm và có biện pháp xử lý. Bởi ngay cả với những người thường xuyên đi chợ, có kinh nghiệm nhưng việc mua phải thực phẩm thiếu an toàn cũng là điều khó tránh khỏi. Chỉ có 9,1% tổng mẫu khảo sát cho biết họ không gặp khó khăn gì trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Đây là tỉ lệ rất nhỏ phản ánh số ít người dùng tự tin với kiến thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực thực phẩm.

Có một thực tế không thể phủ nhận là tùy từng địa điểm mà mức giá của các loại thực phẩm lại có sự khác nhau. Cụ thể: Nếu như trước kia mọi mặt hàng thường được người dân mua tại chợ truyền thống thì giờ đây có rất nhiều địa điểm khác để họ lựa chọn. Sinh sống tại độ thị, sự xuất hiện của chợ cóc, siêu thị, của hàng thực phẩm sạch… biểu thị cho sự cung – cầu. Người dân cần một địa điểm mua hàng tiện lợi, gần nhà, người bán thì ngày càng nhiều, cần có những địa điểm mới, đông dân cư để kinh doanh. Hàng rong sẽ có giá rẻ hơn do không cần thuê mặt bằng, các chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch hay các trung tâm thương mại, các siêu thị lại có giá thành thực phẩm cao hơn bởi hình thức kinh doanh ở trên đi kèm với rất nhiều phí dịch vụ như thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng, thu ngân… chứ không phải kinh doanh đơn lẻ, cá nhân hay hộ gia đình. Bên cạnh đó, tại hai địa điểm trên, sự cam kết về chất lượng giữa người bán và người mua được thông qua nguồn gốc xuất xứ cũng như tem xuất khẩu, nhập khẩu theo từng mặt hàng. Chất lượng sản phẩm cũng như phụ phí chính là nguyên nhân đẩy giá trị hàng hóa lên cao. Thống kê cho

thấy có 14,8% tổng mẫu khảo sát cho biết mình không đủ kinh tế để chi trả cho thực phẩm. Sống trong môi trường đô thị, kinh tế phát triển hơn, nhu cầu của người dân không còn là ăn no nữa mà thay vào đó là ăn sạch và có chất lượng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, để mua được thực phẩm an toàn, người dân sẽ phải trả mức giá cao hơn mà ăn uống là vấn đề thiết yếu hàng ngày nên 14,8% nói trên cho thấy nhu cầu của con người sẽ chịu sự chi phối của kinh tế gia đình.

Tóm lại, người dân đô thị hiện nay rất coi trọng giá trị của bữa ăn an toàn, đa số các gia đình chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức, hiểu biết của mình cho các thành viên trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để có được phương pháp cũng như chú ý hơn tới thực phẩm sạch. Có rất nhiều khó khăn để người dân có thể lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình mình, trong đó, khó khăn lớn nhất chính là thiếu hiểu biết trong lĩnh vực này. Đa phần mọi người đều có những bất lợi khi đưa ra quyết định mua thực phẩm nào đó bởi họ hoang mang trước thực trạng hàng hóa tràn lan trên thị trường mà lại chưa được kiểm định chất lượng nghiêm túc. Một trong số những yếu tố ảnh hưởng đến việc mua thực phẩm sạch chính là giá thành của nó chênh lệch khá nhiều so với thực phẩm chưa qua kiểm định, điều này khiến nhiều gia đình có ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn cũng phải đắn đo, cân nhắc trong khả năng tài chính của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi sử dụng thực phẩm an toàn của người dân thành phố hà nội nghiên cứu trường hợp tại quận thanh xuân, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 67 - 71)