Chƣơng 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
1.5. Các điều kiện hình thành và phát triển du lịch cộng đồng
1.5.1. Tài nguyên du lịch
Theo Luật Du lịch: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các
giá trị nhân văn khác có thể sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”[15,tr.9]. Như vậy có thể chia tài nguyên du lịch gồm hai mảng là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Điều kiện để tài nguyên thiên nhiên được xem là tài nguyên du lịch khi và chỉ khi chúng có khả năng hấp dẫn du khách bởi giá trị thẩm mỹ, giá trị tâm linh…Bên cạnh đó, môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm du lịch. Ở những vùng có tài nguyên phong phú, mới lạ đối với du khách thường là những vùng xa xôi, hẻo lánh như các vùng núi, vùng hải đảo…thì ở đây, cuộc sống của cư dân thường lấy tài nguyên thiên nhiên để mưu sinh như chặt phá rừng, săn bắt động vật làm đa dạng sinh thái bị đe dọa, chưa kể là nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Vì vậy, không ai khác, chính cư dân địa phương là nhân tố đầu tiên và quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ tài nguyên tự nhiên nếu muốn khai thác chúng trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Mặt khác, để tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng không thể không kể đến các tài nguyên văn hóa gắn liền với cộng đồng dân cư, do chính họ sáng tạo, phát triển và duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các tài nguyên du lịch văn hóa gồm tài nguyên vật thể và phi vật thể, cũng như tài nguyên thiên nhiên thì tài nguyên vật thể chỉ được xem là tài nguyên du lịch khi mà chúng phải có được các giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tâm linh…để thu hút khách du lịch như cầu Trường Tiền (Huế), chùa Một Cột (Hà Nội), thành nhà Hồ (Thanh Hóa)... Bên cạnh đó, tài nguyên văn hóa phi vật thể lại mang tính cộng đồng cao, tính hấp dẫn đối với du khách bởi nó ăn theo lối sống, nếp sinh hoạt của cộng đồng địa phương, nó có tính lưu truyền. Tuy nhiên, vì nó mang tính cộng đồng nên chúng cũng dễ bị du nhập, biến dạng khi có một cộng đồng khác tác động vào. Hay chính sự phát triển của du lịch cũng sẽ làm mất đi những nét thuộc về truyền thống của cộng đồng sở tại. Đây cũng là một trong những thách thức của phát triển du lịch cộng đồng.
Nói tóm lại, tài nguyên du lịch là nhân tố quan trọng đối với việc hình thành phát triển của du lịch nói chung cũng như của DLCĐ nói riêng. Tài nguyên du lịch phong phú sẽ là cơ hội tốt để phát triển DLCĐ vì sức hấp dẫn lớn, song không phải đầu tư nhiều, đặc biệt đây lại là điều kiện tốt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội cho địa phương, góp phần cân bằng cuộc sống và xóa đói giảm nghèo.
1.5.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cơ sở hạ tầng (CSHT) và cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) là những điều kiện ban đầu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm du lịch. CSHT phục vụ du lịch bao gồm các công trình, phương tiện đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như cần có hệ thống giao thông thuận lợi, thông tin liên lạc, cung cấp điện nước… CSVCKT bao gồm các công trình, phương tiện có chức năng tạo ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, khu vui chơi giải trí…khi khách đến mỗi điểm có tài nguyên du lịch. và đảm bảo an toàn cho khách trong quá trình tham quan.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng thời cũng quyết định giá trị của sản phẩm du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng. Muốn khai thác nguồn tài nguyên du lịch đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bao gồm toàn bộ phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ hàng hóa du lịch nhằm đóng góp mọi nhu cầu của khách du lịch.
1.5.3. Sự tham gia của cộng đồng
Đối với DLCĐ thì sự tham gia của cộng đồng được xem là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển du lịch. Tuy nhiên cần quan tâm, cộng đồng phải là những người dân địa phương đang sinh sống trong hoặc liền kề với khu vực chứa tài nguyên du lịch, và không bao gồm các doanh nghiệp từ nơi khác đến làm việc hay kinh doanh. Họ là những người am hiểu các điều kiện về địa hình, lịch sử, đặc điểm nguồn tài nguyên nơi họ sinh sống, cũng chính họ sáng tạo nên những giá trị nhân văn như phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa… Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
và nhân văn đó sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư trong quá trình tổ chức và phát triển DLCĐ.
Ở Việt Nam về khuôn khổ pháp lý, sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch đựơc quy định tại điều 7 Luật Du lịch năm 2005 như sau:
“1. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và huởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi truờng để tạo sự hấp dẫn du lịch.
2. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống; sản xuất hàng hoá của địa phuơng phục vụ hách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương”. [15,tr.14]
Song, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch còn được xác định qua các tiêu chí:
Hiểu biết, nhận thức của cộng đồng địa phương về phát triển du lịch.
Kỹ năng làm du lịch của cộng đồng địa phương.
Thái độ của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch tại địa phương.
Hành vi, ý thức của cộng đồng địa phương trong việc tổ chức cung cấp các dịch vụ phát triển du lịch
1.5.4. Chủ chương, chính sách của chính quyền địa phương
Có rất nhiều nơi, nhiều vùng có tài nguyên phong phú và độc đáo, người dân địa phương cũng đã biết nắm bắt cơ hội làm du lịch khi dòng du khách đổ về, đặc biệt theo kiểu du lịch homestay. Tuy nhiên, đó là kiểu làm du lịch tự phát, và cũng có những rủi ro, kém bền vững bởi thiếu những chủ chương, chính sách và hợp tác từ phía chính quyền địa phương. Chính vì thế, những chính sách, đường lối từ ban quản lý chính quyền địa phương sẽ là điều kiện thúc đẩy sự phát triển du lịch. Các cấp chính quyền có thể hỗ trợ cho hoạt động DLCĐ bằng cách khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho khách
du lịch đến tham quan, hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc duy trì và phát huy giá trị của các làng nghề, thủ công truyền thống, đồng thời chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đia phương…