Chƣơng 2 .THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊC HỞ BA VÌ
2.2. Điều kiện phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Vì
2.2.2. Điều kiện tài nguyên du lịch văn hóa
Xã Ba Vì là vùng đất sinh sống chủ yếu của người Dao, Mường, Kinh, trong đó phần lớn là người Dao với khoảng gần 2100 nhân khẩu. Đây chính là nơi vẫn còn bảo lưu, giữ gìn được nhiều nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc.
Ở Ba Vì, người Dao có rất nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống. Ca hát và sáng tác thơ là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của người Dao. Có hai hình thức thể hiện là hát đơn và hát đối đáp, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Tục ngữ, ca dao phản ánh nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các kinh nghiệm sản xuất và sinh hoạt xã hội. Câu đối cũng đa dạng và phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống lao động và thiên nhiên xunh quanh con người. Nhạc cụ dân tộc của người Dao chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, gồm có trống, thanh la, chũm choẹ, chuông nhạc và tù và. Ngoài ra, người Dao còn có các loại nhạc cụ khác như nhị, sáo, đàn môi...
Hát Páo dung là điệu hát dân ca tiêu biểu của dân tộc Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất được thể hiện trong những làn điệu Páo dung chính là định hướng giáo dục
con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương; đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung được chia thành các loại hình: hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như lễ Cấp sắc, lễ cưới, đám tang…và hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hts vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ…
Tuy nhiên, phần lớn các làn điệu Páo dung được ghi bằng chữ Nôm Dao (chữ viết riêng của dân tộc Dao) mà những người biết tiếng Nôm – Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng nhưng họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, do đó nguy cơ thất truyền, mai một của các làn điệu Páo dung là rất lớn.
Hình thái tín ngưỡng vạn vật hữu linh giáo tồn tại rộng rãi ở người Dao. Đó là quan niệm đa thần, vạn vật hữu linh - tức là vạn vật đều có linh hồn. Vì vậy, người Dao tin là có thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và thần chăn nuôi. Đó cũng là lý do tồn tại rất nhiều nghi lễ như lễ cúng nương, lễ cúng cơm mới, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, lễ Cấp sắc khá phổ biến và rất quan trọng đối với người đàn ông Dao.
Lễ Cấp sắc là một trong những phong tục lâu đời và độc đáo nhất của người Dao và được coi là thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao. Đối với họ, được Cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm lễ cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Lễ được diễn ra rất thiêng liêng, có thầy cúng và bà con trong bản chứng kiến. Lễ Cấp sắc khá tốn kém, nên gia đình muốn tổ chức phải chuẩn bị, đến khi có điều kiện mới làm. Theo phong tục, nếu chưa làm lễ Cấp sắc thì khi chết, làm lễ đưa ma chỉ được rải cầu bằng giấy dưới đất để đưa ra khỏi nhà, trong khi những người được Cấp sắc rồi thì được đục cửa, bắc một cái cầu cao đưa ra khỏi nhà, coi như đưa lên trời. Ngày nay, việc tổ chức nghi lễ này đã có nhiều đổi mới nên trong gia đình có thể làm lễ Cấp sắc cho nhiều người cùng một lúc, và không chỉ tiến hành cho những người đã trưởng thành mà cả những đứa trẻ 4
– 5 tuổi trở lên, nhưng với điều kiện là ông thầy đứng ra làm lễ cho đứa bé ấy phải có trách nhiệm truyền dạy, kèm cặp đứa trẻ đó đến khi trưởng thành. Bản chất văn hóa của nghi lễ này mang đầy tính nhân văn của con người hướng đến sự hoàn thiện năng lực làm chủ xã hội và thế giới tự nhiên.
Bên cạnh đó, Tết Nhảy có ý nghĩa đặc trưng của người Dao từ bao đời nay. Tết Nhảy là một phần không thể thiếu đối với người Dao. Đây là Tết cầu may, cầu phúc, là dịp để tẩy oan cho con người trong thôn bản đoàn kết với nhau. Đặc biệt, đây cũng là dịp để họ cầu Bàn Vương, thủy tổ và cúng tổ tiên của các gia đình người Dao, phù hộ cho người chết được siêu tịnh, mọi người đều mạnh khỏe, làm ăn may mắn và phúc đức về sau. Tết Nhảy được tổ chức tại nhà tổ nơi có bàn thờ tổ tiên của cả dòng họ và đã khai quang bộ tranh Tam Đường. Nghi lễ trở thành lễ hội ngày Tết Nhảy.
Cách thờ tự của người Dao rất độc đáo. Nhà nào cũng có một bàn thờ nhỏ (họ không đặt giữa nhà mà đặt ở góc nhà vì đây là nơi linh thiêng nhất, đàn bà không bao giờ được đến gần hay chạm tay vào bất cứ đồ dùng nào liên quan đến cúng tế), nhưng muốn dựng bàn thờ lớn thì phải có đủ hai bộ tranh thần. Bộ tranh thần nhỏ (bộ Hành Khay) được sắm từ năm trước; bộ tranh thần lớn gồm 18 bức tranh gọi là bộ Phàm sinh, sắm vào năm sau.
Mỗi lần sắm tranh là một lần gia đình đó phải mổ ba con lợn, sáu con gà, mời ba ông thầy cúng (hai ông thầy cả, một ông thầy phụ) cúng chay hai ngày, hai đêm. Sau đó, phải thêm lễ tạ mả nữa thì nhà có bàn thờ lớn mới thành nhà Tổ. Và chỉ khi nào nhà Tổ có đủ thủ tục rước bộ tranh thần về nhà, thì gia chủ mới được làm Tết Nhảy.
Tiền sắm tranh chỉ là một phần (bộ tranh nhỏ khoảng 3 triệu đồng, tranh lớn 7 triệu) nhưng kinh phí làm lễ tốn gấp nhiều lần, vì thế nhiều gia đình phải mất hàng chục năm chắt chiu dành dụm mới làm được một Tết Nhảy.
Gia đình người Dao nào cũng đến lượt đăng cai Tết Nhảy. Ngày xưa, phải thịt một con trâu hoặc bò, ba con lợn, vài chục con gà, chưa kể xôi rượu đủ khách
khứa no say suốt tuần. Tính ra, chi phí bằng cả một đám cưới cỡ 200 mâm của người Kinh. Có gia đình làm xong một Tết Nhảy là đeo nợ nhiều đời, thậm chí khánh kiệt…
Sau khi từ bỏ cuộc sống du canh du cư, quyết định định canh định cư nơi chân núi, cuộc sống của người Dao đã có nhiều đổi thay. Phong tục lễ tết đơn giản và tiết kiệm nhiều so với trước. Hiện nay, gia đình nào đủ điều kiện mới làm Tết Nhảy, chỉ làm trong ba ngày ba đêm. được tiến hành vào giữa tháng 11 (âm lịch) đến ngày 25 tháng Chạp âm lịch trước Tết Nguyên Đán của người Kinh, và thường làm vài năm một lần nhưng không lâu quá 12 năm. Phần nghi lễ vẫn duy trì theo phong tục truyền thống còn phần hội mở rộng hơn.
Ngày tổ chức Tết Nhảy, ngay từ sáng sớm, các gia đình đã tổ chức giã bánh dầy; mổ lợn, gà; thanh niên chuẩn bị cờ làm bằng giấy bản và đẽo kiếm, dao, dìu bằng gỗ để múa. Trong Tết Nhảy, có nhiều điệu múa được trình diễn khéo léo và tinh tế như: múa dao, múa được mùa, múa bắt ba ba, múa nhảy rùa… Tất cả các điệu múa trên rất độc đáo, mang tính hình tượng cao, trong suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy, các điệu múa được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi người phải nhảy múa hàng trăm lượt liên tục cả ngày cả đêm trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình người Dao vượt biển vào Việt Nam, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Những câu hát, điệu nhảy huyền bí làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới khác, thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hoà.
Tết Nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho do gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại vốn văn hoá truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa.
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ đã bị mai một dần theo thời gian. Bảo tồn những giá trị văn hoá người Dao là việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.