Phần 3 Đặc điểm địa bàn và phương pháp nghiên cứu
3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Khái quát chung về cơ quan Thanhtra Bộ Tài chính
3.1.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển
Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng tám thành công, trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố Chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945, trong đó có Bộ Tài chính do ông Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng.Ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC cử ông Lê Trần Đức làm Tổng thanh tra tài chính. Ngày 20/11 hàng năm đã được ngành chính thức chọn làm ngày truyền thống của Thanh tra Tài chính Việt Nam.
Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75 - SL, quy định tổ chức bộ máy Bộ Tài chính, tại Điều 1 và Điều 6 quy định thành lập Nha thanh tra Tài chính.Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 159/SL ấn định nhiệm vụ của Nha Tổng thanh tra tài
chính, Sắc lệnh quy định: Chấn chỉnh và hợp lý hóa công việc kế toán của các cơ
quan các cấp; thanh tra kiểm soát việc thi hành thể lệ kế toán và tài chính của cơ quan trực tiếp hay gián tiếp dưới quyền điều khiển của Chính phủ; điều tra những việc có liên quan đến tài chính và kế toán để lập bảng kê. Khi thừa hành nhiệm vụ, Thanh tra tài chính có giấy ủy nhiệm của Tổng Thanh tra tài chính được hưởng đặc quyền tài phán định đoạt sự truy tố thuộc quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trải qua 73 năm phát triển, Thanh tra tài chính đã có những đóng góp lớn lao trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng, đổi mới đất nước.
* Giai đoạn 1945- 1975:
Thanh tra tài chính mới được hình thành, tuy còn non trẻ nhưng đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, chống đế quốc, trấn áp bọn phản cách mạng, ổn định đời sống nhân dân sau nạn đói, nạn lụt, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước. Về tổ chức bộ máy, Ngành tài chính giai đoạn này có được chấn chỉnh lại: Bộ Tài chính thành lập thêm các vụ
mới như Vụ thuế nông nghiệp, Vụ kế toán, Vụ ngân sách,... ngoài ra còn có 2 hệ thống quản lý được tổ chức từ Trung ương xuống các địa phương là Sở Kho thóc và Sở thuế. Thanh tra tài chính cũng được củng cố một bước về tổ chức, kiện toàn nội dung và phương thức hoạt động góp phần tích cực trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chính sách tài chính nhà nước.
Ngày 12/10/1956, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 1077-TTg quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức các Ban Thanh tra tài chính của Bộ, khu, thành phố và tỉnh.
Ngày 10/9/1970, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 174/CP ban hành về điều lệ tổ chức và hoạt động của Thanh tra tài chính xác định rõ tính chất hệ thống thống nhất và tính độc lập của Thanh tra tài chính gồm: Ban Thanh tra tài chính Trung ương và Ban Thanh tra tài chính địa phương.
* Thời kỳ 1976-1989:
Thời gian đầu, biên chế Thanh tra tài chính Trung ương có hơn 20 người được chia làm nhiều tổ chuyên môn, gồm: Tổ lưu thông phân phối, Tổ xây dựng cơ bản, Tổ công nghiệp, Tổ hành chính sự nghiệp, các tổ được chia nhỏ ra thành từng nhóm. Cuối những năm 1980, Ban thanh tra tài chính Trung ương có gần 40 cán bộ được tổ chức thành 6 tổ, phòng là: Tổ tổng hợp, Phòng xét khiếu tố, Phòng phân phối lưu thông, Phòng ngân sách, Phòng nông-lâm xuất nhập khẩu, Phòng công nghiệp - xây dựng.
Hàng năm, thanh tra tài chính đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra ở các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, trọng tâm là những đơn vị quản lý nhiều tài sản, tiền vốn của nhà nước, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu trong quản lý kinh tế, tài chính, điều hành ngân sách, việc chấp hành chế độ, luật lệ tài chính, kế toán, phát hiện và ngăn chặn xử lý tham ô, lãng phí, cất giấu các nguồn thu ngân sách ... Từ năm 1982, công tác thanh tra quản lý ngân sách của các tỉnh thành phố, huyện thị được đẩy mạnh, đồng thời chú trọng các cuộc thanh tra theo diện rộng, các ngành trọng điểm như lương thực, công nghiệp nhẹ, xuất nhập khẩu.
Trong ba năm 1988-1990, Thanh tra tài chính vừa tập trung vào nhiệm vụ thanh tra quản lý phân phối vật tư, vừa huy động lực lượng cán bộ tài chính tham gia 10 cuộc thanh tra ngân sách lớn, gần 20.000 lượt đơn vị và hàng chục ngành kinh tế được thanh tra theo tinh thần Chỉ thị số 38/CT của Ban bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 95/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng... Đã kiến nghị thu về
ngân sách nhà nước gần 10.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý bằng pháp luật hàng trăm người có sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế.
* Thời kỳ 1990-2000:
Năm 1990, năm đầu của thời kỳ đổi mới và cũng là điểm mốc quan trọng của Ngành thanh tra Nhà nước, ngày 1/4/1990 Pháp lệnh thanh tra được Hội đồng Nhà nước ban hành. Sau đó Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của Hệ thống thanh tra nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra. Ngày 21/5/1991, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 173/TC/QĐ/TCCB ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành tài chính. Ban Thanh tra tài chính ở Trung ương được gọi là Thanh tra Bộ Tài chính, hoạt động của Thanh tra Bộ tài chính đã chuyển sang một giai đoạn mới, từng bước được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1990, Thanh tra Bộ Tài chính được phép thành lập bản tin thanh tra tài chính, xuất bản số đầu tiên vào tháng 3/1991.
Ngày 8/2/1992, Bộ Tài chính có Quyết định số 62-TC/QĐ/TCCB sắp xếp lại tổ chức các phòng Thanh tra của cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính thành lập 07 phòng gồm: Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng thanh tra nội bộ và xét giải quyết khiếu tố, Phòng thanh tra ngân sách nhà nước, Phòng thanh tra vốn đầu tư XDCB, Phòng thanh tra tài chính các đơn vị HCSN, Phòng thanh tra doanh nghiệp.Năm 1995, Thanh tra Bộ Tài chính được thành lập thêm Phòng phúc tra và xử lý kết quả thanh tra. Đến thời điểm này cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính có tổng số hơn 50 cán bộ.
Trong thời kỳ này, công tác Thanh tra Tài chính thường xuyên đổi mới, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế, tài chính trong giai đoạn mới. Thanh tra Tài chính hoạt động theo kế hoạch được Bộ Tài chính duyệt, chủ yếu trên cơ sở nắm bắt đối tượng quản lý đối với từng lĩnh vực. Với mục tiêu nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và giúp đỡ các đơn vị chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quan lý tài chính và NSNN, đồng thời chú trọng phát hiện các sơ hở, vướng mắc của chính sách, chế độ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.Nội dung Thanh tra trên các lĩnh vực luôn được đổi mới và hoàn thiện.
Công tác xây dựng quy trình thanh tra đối với từng lĩnh vực luôn được chú trọng, thường xuyên đổi mới cho phù hợp với từng giai đoạn, vì thế chất lượng công tác thanh tra đã được nâng cao rõ rệt, kiến nghị thanh tra được các đơn vị chấp nhận và thực hiện đầy đủ.
Thanh tra Bộ Tài chính đã cử các đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm với các nước Thái Lan, Trung Quốc, Cộng hoà Pháp về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính. Thông qua dự án Tài chính Pháp- Việt các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính đã có nhiều chuyến viếng thăm, trao đổi kinh nghiệm và học tập mô hình tổ chức của cơ quan Tổng Thanh tra tài chính Cộng hoà Pháp.
* Thời kỳ 2001- 2010:
Năm 2002: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ nhất có Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002 quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ. Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2002/NĐ - CP ngày 5/11/2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 1/7/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; theo đó Bộ Tài chính trở thành Bộ đa ngành, có thêm nhiều chức năng mới.Thanh tra Bộ Tài chính được bổ sung thêm chức năng thanh tra giá và thêm Phòng Thanh tra Giá (Quyết định số 121/2003/QĐ-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) trên cơ sở Ban Thanh tra Giá của Uỷ ban Vật giá Nhà nước (do UBVGNN sáp nhập về trực thuộc Bộ Tài chính).
Thành lập Tạp chí Thanh tra Tài chính trên cơ sở Bản tin Thanh tra Tài chính (Giấy phép hoạt động báo chí số 181/GP-BVHTT ngày 22/4/2002 của Bộ Văn hoá- Thông tin và Quyết định thành lập số 67/2002/QĐ-BTC ngày 27/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Luật Thanh tra được Quốc hội ban hành ngày 24/6/2004 (thay thế Pháp lệnh Thanh tra năm 1990) có hiệu lực thi hành từ 1/10/2004. Ngày 25/3/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Ngày 22/6/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính. Theo đó, hệ thống Thanh tra tài chính bao gồm: ở Trung ương có Thanh tra Bộ và có 3 Tổng cục có cơ quan
thanh tra: Thanh tra Tổng cục Thuế, Thanh tra Tổng cục Hải quan, Thanh tra ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ở Sở Tài chính có Thanh tra Sở Tài chính.
Ngày 20/1/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 05/2006/QĐ - BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính. Theo đó, tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính gồm có 11 phòng, bộ phận, gồm có: Phòng Kế hoạch - tổng hợp, Phòng Thanh tra ngân sách, Phòng Thanh tra vốn đầu tư, Phòng Thanh tra tài chính hành chính sự nghiệp, Phòng Thanh tra tài chính doanh nghiệp, Phòng Thanh tra Giá, Phòng Thanh tra nội bộ Ngành, Phòng Xử lý sau thanh tra, Phòng Thanh tra giải quyết Khiếu nại, tố cáo, Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí thanh tra Tài chính.
Với chủ trương cơ cấu tổ chức Chính phủ tiếp tục kiện toàn ngày càng tinh gọn hơn, hướng tới thống nhất, thông suốt, hiện đại; Quốc hội Khoá XII, kỳ họp thứ nhất có Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 quy định danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ. Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 118/2008/NĐ-CP qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Theo đó Bộ Tài chính là Bộ đa ngành, có thêm nhiều chức năng mới, chức năng quản lý nhà nước của Bộ rộng, lớn hơn với việc bổ sung thêm chức năng quản lý Dự trữ Nhà nước, tài sản Nhà nước, tài chính hợp tác xã, kinh tế tập thể, chứng khoán, bảo hiểm...; Cơ cấu tổ chức có 29 đơn vị (trước có 26), trước chỉ có 3 tổng cục nay có 5 tổng cục. Với yêu cầu quản lý ngày càng lớn hơn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chủ trương tăng cường lực lượng thanh tra, trong đó chú trọng thanh tra chuyên ngành.
Ngày 27/7/2009 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1799/QĐ- BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính. Quyết định này bổ sung thêm so với Quyết định số 05/2006/QĐ- BTC ngày 20/1/2006 chức năng "tham mưu, giúp Bộ trưởng Tài chính thống nhất quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
- Quan hệ hợp tác với nước ngoài:
Thanh tra Bộ Tài chính có 04 Chương trình, Dự án hỗ trợ kỹ thuật với nước ngoài:
(1) Thanh tra Tài chính Pháp thông qua ADETEF (bắt đầu lại từ năm 2007) theo thoả thuận hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam với Cơ quan hỗ trợ công ích ADETEF;
(2) Ngân hàng Thế giới (bắt đầu từ năm 2006) về xây dựng năng lực kiểm toán nội bộ;
(3) Thanh tra Bộ Tài chính Lào (bắt đầu từ năm 2006) trao đổi kinh nghiệm về công tác thanh tra với Thanh tra Tài chính Lào;
(4) Dự án: “Tăng cường năng lực tổng thể thanh tra Bộ Tài chính đến năm 2014” là dự án Hợp phần của Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra giai đoạn 2009 - 2014” do Thanh tra Chính phủ chủ trì với sự tài trợ của Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch.
- Về lực lượng:
Tính đến hết tháng 9/2010 lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra toàn hệ thống là 9.806 người (trong đó, có 7.729 người làm công tác kiểm tra trong hệ thống kiểm tra Thuế. Số cán bộ trong hệ thống thanh tra 2.077 người, gồm: 6 thanh tra viên cao cấp, 161 thanh tra viên chính, 348 thanh tra viên, 235 ngạch công chức khác; trong đó: Thanh tra Bộ 143 người (4 Thanh tra viên cao cấp, 66 Thanh tra viên chính, 41 Thanh tra viên, 32 ngạch công chức khác,trong đó, có 1 Tiến sỹ, 26 Thạc sỹ); Thanh tra Thuế 1.152 người (01 thanh tra viên cao cấp, 37 thanh tra viên chính; 397 thanh tra viên); Thanh tra Hải quan 143 người; Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước 22 người; Thanh tra Dự trữ Nhà nước 64 người; Thanh tra Kho bạc Nhà nước 239 người; Thanh tra Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm 2 người; Thanh tra các Sở Tài chính: 551 người (01 Thanh tra viên cao cấp, 81 Thanh tra viên chính, 288 Thanh tra viên). Biên chế của Thanh tra Sở bình quân là 8,7 người/Sở.
* Thời kỳ 2010 đến nay:
Năm 2011 là năm đầu triển khai thực hiện theo những quy định mới của Luật Thanh tra (2010), Nghị định số 82/2012/NĐ-CP gồm 6 chương, 29 điều quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Tài chính; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Tài chính; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Tài chính. Nghị định quy định rõ, cơ quan thanh tra nhà nước là Thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Sở Tài
chính; các cơ quan đợc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Ở cấp Cục thuộc Tổng cục gồm: Cục Thuế; Cục Hải quan; Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc Kho bạc Nhà nước. Ở cấp Chi cục có Chi cục Thuế.
Việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong ngành Tài chính tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tránh sự chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đảm bảo được sự thống nhất phân cấp trong công tác thanh tra đối với các Tổng cục, Cục, Chi cục Thuế trong ngành Tài chính.
3.1.1.2. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức
Theo Quyết định số 2088/QĐ-BTC ngày 16/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính.
* Vị trí, chức năng:
Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài
chính và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra