Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận về công tác thanh tra, kiểmtra đối với hoạt động sản xuất kinh
2.1.3. Quy trình thanh tra, kiểmtra doanh nghiệp
Mỗi một cơ quan quản lý Nhà nước, trong phạm vi quản lý Nhà nước của mình đều ban hành và thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo một quy trình. Để thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước được giao, Bộ Tài chính đã ban hành 02 Quy trình thanh tra đối với doanh nghiệp:
- Quy trình thanh tra tài chính doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 3140 /QĐ-BTC ngày 27/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Quy trình thanh tra đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá và Nhà nước thực hiện bình ổn giá ban hành kèm theo Quyết định số 2126/QĐ-BTC ngày 01/9/2011 của Bộ trưởng BTC.
Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp [1], [2] gồm:
2.1.3.1. Chuẩn bị và ra Quyết định thanh tra, kiểm tra
- Thu thập thông tin về doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra.
Thông tin từ kho dữ liệu của cơ quan (dữ liệu điện tử, tài liệu lưu trữ, theo dõi nắm tình hình); từ các báo cáo, phản ánh của các cơ quan truyền thông (báo, đài,…) và đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành Tài chính, cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan khác có liên quan.
Thông tin từ quá trình khảo sát trực tiếp tại đối tượng thanh tra, kiểm tra. + Lập báo cáo khảo sát:
Thông tin chung về đối tượng thanh tra, kiểm tra:
Quyết định thành lập doanh nghiệp; Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; Mã số thuế;
Ngành nghề kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh có liên quan);
Cơ cấu tổ chức (Cơ cấu tổ chức quản lý tại Trụ sở chính; đơn vị hạch toán phụ thuộc; Công ty TNHH một thành viên; Công ty con; Công ty liên doanh, liên kết....;
Chính sách kế toán, tài chính (Tổ chức kế toán, lập báo cáo tài chính. Chính sách kế toán, tài chính chung và đặc thù áp dụng trong kỳ kế toán).
Thông tin về tình hình tài chính, tài sản và kết quả kinh doanh.
Nguồn vốn kinh doanh: Nợ phải trả (trong đó: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn); Vốn chủ sở hữu (Trong đó: vốn đầu tư của chủ sở hữu…);
Tài sản: Tài sản ngắn hạn; Tài sản dài hạn (trong đó: tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn);
Kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu và thu nhập khác; Lợi nhuận kế toán trước thuế; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp;
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kèm theo Báo cáo khảo sát. Nhận định, xác định những nội dung trọng tâm: Nêu những nội dung có khả năng rủi ro cao trong quản lý tài chính, trong thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước cần tập trung thanh tra, kiểm tra.
Những thuận lợi, khó khăn:
Tình hình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tài chính đối với doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng về trước kể từ ngày lập Báo cáo khảo sát;
Dự báo những thuận lợi, khó khăn khi tiến hành thanh tra. Đề xuất thanh tra, kiểm tra:
Nội dung thanh tra, kiểm tra, trong đó nêu rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm khi tiến hành thanh tra;
Thời hạn và thời kỳ thanh tra, kiểm tra;
Những doanh nghiệp dự kiến thanh tra, kiểm tra, xác minh (tên, địa chỉ, …); Đoàn thanh tra, kiểm tra: Số người tham gia; yêu cầu về chức vụ, trình độ nghiệp vụ của Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra (cấp Vụ, cấp Phòng, ngạch thanh tra); phân chia tổ, nhóm.
- Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra: Kế hoạch thanh tra, kiểm tra bao gồm: + Mục đích, yêu cầu cuộc thanh tra, kiểm tra: Xác định rõ mục đích cần đạt được sau khi kết thúc thanh tra (phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách về tài chính doanh nghiệp phục vụ cho quản lý, giám sát, đánh giá toàn diện về thực trạng tài chính của doanh nghiệp; phục vụ các nhiệm vụ quản lý khác).
+ Nội dung thanh tra, kiểm tra:
Xác định nội dung tiến hành thanh tra; trong đó nội dung trọng tâm, trọng điểm; Xây dựng nội dung chi tiết cho từng nội dung thanh tra; phương pháp tiến hành; những nơi đến thanh tra, kiểm tra, xác minh; thời gian thực hiện cho mỗi nội dung.
+ Thời kỳ, thời hạn và đối tượng thanh tra, kiểm tra:
Thời kỳ thanh tra, kiểm tra của toàn bộ nội dung hoặc cho từng nội dung cụ thể; Thời hạn thanh tra, kiểm tra cho toàn cuộc thanh tra theo Quyết định thanh tra; Đối tượng thanh tra, kiểm tra, xác minh.
+ Lực lượng thanh tra, kiểm tra: Số lượng người tham gia thanh tra, kiểm tra, bao gồm: trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, tổ trưởng, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra và cộng tác viên (nếu có).
+ Tổ chức thực hiện.
+ Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện từng nhiệm vụ theo đề cương, kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Giao nhiệm vụ và trách nhiệm cho trưởng đoàn, tổ trưởng (nếu có). + Nêu nguyên tắc phối hợp và việc chấp hành các quy trình, quy chế. + Phân công chuẩn bị triển khai thanh tra, kiểm tra.
+ Người giám sát và chỉ đạo đoàn thanh tra, kiểm tra. - Ra quyết định, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra:
Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm trình Chánh thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước dự thảo Quyết định thanh tra, kiểmtra kèm theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra và báo cáo khảo sát.
Chánh thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xem xét ký ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra; phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Quyết định thanh tra, kiểm tra phải nêu rõ các căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra; tên doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm tra; nội dung, thời kỳ và thời hạn thanh tra, kiểm tra; thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan công tác thanh tra, kiểm tra; gửi các cơ quan đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật.
- Chuẩn bị triển khai thanh tra, kiểm tra:
+ Thông báo cho doanh nghiệp về kế hoạch triển khai thanh tra, kiểm tra: Sau khi quyết định thanh tra, kiểm tra được lưu hành, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo cho đối tượng thanh tra về kế hoạch công bố quyết định thanh tra gồm:
Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự công bố quyết định thanh tra; Yêu cầu đối tượng thanh tra chuẩn bị những nội dung cần thiết và báo cáo đoàn thanh tra tại buổi công bố.
Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra, kiểm tra để quán triệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt, kế hoạch triển khai thanh tra, kiểm tra; bàn các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ thanh tra, từng thành viên đoàn thanh tra.
Đối với cuộc thanh tra có nhiều nội dung phức tạp, cuộc thanh tra diện rộng hoặc thành phần đoàn thanh tra có các thành viên là người của nhiều cơ quan, đơn vị tham gia; Trưởng đoàn thanh tra hoặc người được người ra quyết định thanh tra giao nhiệm vụ, tiến hành quán triệt và tổ chức tập huấn những nội dung cần thiết, thống nhất phương pháp tiến hành thanh tra.
Chuẩn bị đầy đủ văn bản về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến nội dung thanh tra.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, từng thành viên hoàn chỉnh kế hoạch chi tiết của mình, trình trưởng đoàn phê duyệt trước khi triển khai thanh tra. Kế hoạch phải nêu rõ nội dung công việc, phương pháp tiến hành, thời gian thực hiện.
Chuẩn bị phương tiện, thiết bị, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ cho hoạt động của đoàn thanh tra.
2.1.3.2. Tiến hành thanh tra, kiểm tra
- Công bố quyết định thanh tra, kiểm tra:
Trong thời hạn theo quy định của pháp luật, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.
Thực hiện công bố đầy đủ nội dung, quyết định thanh tra và nêu rõ mục đích, yêu cầu, cách thức làm việc, kế hoạch tiến hành thanh tra.
Yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo Đoàn thanh tra những nội dung mà Trưởng đoàn đã thông báo về từng nội dung thanh tra theo Quyết định thanh tra.
Cuộc họp công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản và được ký giữa Trưởng đoàn thanh tra và người đại diện theo pháp luật của đối tượng thanh tra.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra:
Sau khi công bố Quyết định thanh tra, kiểm tra Đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra từng nội dung được ghi trong Quyết định thanh tra, kiểm tra.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư) theo phạm vi các nội dung thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra, đối chiếu, xác minh
việc chấp hành của doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật; xác định hành vi sai phạm, mức độ sai phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng sai phạm để kiến nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý thu hồi các tổn thất về tài chính, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với hành vi vi phạm.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật theo phạm vi các nội dung thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện, chấp hành của doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật; xác định sự bất hợp lý của cơ chế chính sách quản lý để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền bải bỏ, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
- Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính:
Trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giá, hoá đơn chứng từ, thuế, kế toán, chứng khoán. Đoàn thanh tra tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn gửi biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định pháp luật. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giá là 02 năm; đối với lĩnh vực thuế là 05 năm.
2.1.3.3. Kết thúc thanh tra, kiểm tra
- Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra, kiểm tra.
Kết thúc thanh tra tại từng đơn vị được thanh tra theo quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra lập, thông qua và ký Biên bản thanh tra với đối tượng thanh tra trong thời hạn của cuộc thanh tra theo chỉ đạo của người được giao chỉ đạo Đoàn thanh tra. Biên bản ghi rõ tình hình, những sai, đúng so với quy định của pháp luật.
Trong thời hạn theo quy định, Trưởng đoàn thanh tra lập báo cáo kết quả thanh tra, ký và gửi tới người ra quyết định thanh tra kèm theo Dự thảo kết luận thanh tra.
Báo cáo kết quả thanh tra nêu rõ kết quả công việc theo kế hoạch thanh tra đã được duyệt, những ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra; đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính,... với đối tượng thanh tra; Đề xuất kiến nghị đối với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Dự thảo Kết luận thanh tra phản ánh tình hình chung, nội dung kết luận và kiến nghị xử lý. Mỗi nội dung kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành.
Trưởng đoàn thanh tra tổ chức lấy ý kiến tham gia của các thành viên đoàn thanh tra vào báo cáo Kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra. Các ý kiến tham gia phải bằng văn bản và lưu hồ sơ thanh tra. Kiến nghị của Trưởng đoàn và của các thành viên đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Kết luận thanh tra và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra:
Trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, người ra quyết định thanh tra xem xét và ra Kết luận thanh tra.
Trong quá trình xem xét, người ra kết luận thanh tra có thể yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, các đối tượng được thanh tra giải trình, bổ sung tài liệu, chứng cứ về những vấn đề dự kiến kết luận chưa rõ.
Trước khi ra Kết luận thanh tra người ra quyết định thanh tra hoặc người được giao quyền tổ chức làm việc với đối tượng được thanh tra về Dự thảo Kết luận thanh tra. Cuộc họp làm việc phải được lập thành biên bản ghi ý kiến các bên tham gia.
Kết luận thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra và thực hiện công khai theo quy định của Luật Thanh tra và quy định cụ thể của Bộ Tài chính.
- Bàn giao, lưu trữ hồ sơ thanh tra, kiểm tra:
Sau khi lưu hành Kết luận thanh tra, trong thời hạn theo quy định, Trưởng Đoàn có trách nhiệm bàn giao hồ sơ cuộc thanh tra cho những bộ phận, người được giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan.
Hồ sơ, tài liệu bàn giao phải được lập thành biên bản, lưu cùng hồ sơ thanh tra.
- Họp rút kinh nghiệm Đoàn thanh tra, kiểm tra:
Trong thời hạn theo quy định, Trưởng đoàn có trách nhiệm triệu tập các thành viên trong Đoàn thanh tra, họp rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu, nhược điểm của cuộc thanh tra từ khâu chuẩn bị cho đến bàn giao hồ sơ tài liệu, rút ra những bài học kinh nghiệm; đề xuất khen thưởng người làm tốt và xử lý những cán bộ có sai phạm. Cuộc họp rút kinh nghiệm được lập thành biên bản, lưu hồ sơ thanh tra.