Hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại trung tâm dạy nghề người tàn tật nghệ an (Trang 51 - 54)

2.2. Hoạt độnghỗ trợ trẻ khuyết tật trong trung tâm:

2.2.1. Hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật

Hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật là một trong những hoạt động cơ bản của trung tâm. Trung bình thời gian mỗi trẻ sinh hoạt nội trú từ 5 đến 7 năm, với đối tượng nhận nuôi dạy dài hạn thì độ tuổi tiếp nhận phải trên 10 tuổi với điều kiện trẻ đã có ý thức có thể tự lo sinh hoạt cá nhân. Tại đây, trung tâm thực hiện việc tuyển sinh, quản lý số lượng TKT theo các hình thức là thường xuyên, hằng quý và hằng năm. Trung tâm trực tiếp đến các huyện, thành để tuyển sinh và tuyển sinh tại trung tâm.

“Thực hiện theo chỉ thị đề ra của Tỉnh nhằm theo dõi sát sao tình hình thực tế, trung tâm đã yêu cầu một số cán bộ đến các huyện, vùng núi xa xôi để

tìm hiểu rõ hơn một số trường hợp có trẻ khuyết tật có đủ điều kiện mà vì những lí do khác nhau mà gia đình đã không cho trẻ đi học, sau khi xác định mức độ của đối tượng, các nhân viên sẽ nói rõ quan điểm và thuyết phục gia đình cho trẻ theo học tại trung tâm”(PVS Ban lãnh đạo trung tâm, nam, 45 tuổi)

“Đối với những trường hợp tuyển sinh tại trung tâm là những gia đình thuộc diện chính sách ưu tiên mà đến tận trung tâm đưa đơn nguyện vọng thì chỉ cần đúng thủ tục giấy tờ thì sẽ được nhận vào trung tâm. Năm nay trung tâm đang mở thí điểm một lớp học văn hóa dạy trẻ khuyết tật dành cho những gia đình mong muốn được cho trẻ vào học theo hình thức đưa đi, đón về sau mỗi buổi học” (PVS Ban lãnh đạo trung tâm, nam, 45 tuổi)

Hiện tại, trung tâm đang quản lý 177 em nội trú và 51 em ngoại trú, công tác rèn luyện nề nếp ăn ở, sinh hoạt học tập được thực hiện tương đối tốt. Việc quản lý sinh hoạt trong trung tâm được thực hiện khá tốt với các hình thức như quản sinh làm nhiệm vụ giám sát trực tiếp, nắm chắc diễn biến sinh hoạt hàng ngày để có những biện pháp ngăn ngừa những biểu hiện xấu nảy sinh, lập các đội tự quản trong học sinh, bảo vệ đôn đốc duy trì học sinh ăn ở đi vào nề nếp.

“Việc quản lý, phụ trách ăn ở cho các con ở trung tâm thì được chúng tôi phụ trách, cùng một số cán bộ, nhân viên khác kiêm nhiệm làm thêm. Để quản lý sát sao hơn tình hình của các con thì chúng tôi có lập thêm các đội tự quản, các con đã sinh hoạt ở trung tâm từ trước thì có nhiệm vụ giúp đỡ,hướng dẫn cho những em mới vào trung tâm làm quen với những quy định của trung tâm.” (PVS nữ, 44 tuổi, nhân viên phụ trách sinh hoạt nội trú)

Công tác chăm sóc về vấn đề dinh dưỡng cho các em cũng được chú trọng, với chế độ được Nhà nước trợ cấp 360.000đ/học sinh/tháng và gia đình đóng góp 140.000đ/tháng, tổng là 500.000đ/học sinh/tháng cho tất cả các chi

phí, trung tâm đã cố gắng căn chỉnh để phù hợp với sự biến động của giá cả thị trường mà vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong ngày ba bữa của các em, đảm bảo chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm. Ngoài chi phí được trợ cấp, để cải thiện bữa ăn và tiết kiệm chi phí, trung tâm cũng đã tận dụng những khoảng đất trống trong trung tâm để trồng rau, tiết kiệm chi phí thực phẩm. Nhờ những hoạt động nghiêm túc trong an toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2012 vừa qua, trung tâm đã không để xảy ra một trường hợp bị ngộ độc nào hay có dịch bệnh tiêu chảy xảy ra.

“Như cháu cũng biết đấy, bây giờ cái gì nó cũng tăng, thực phẩm cũng thế, để đảm bảo được ba bữa đầy đủ cho các con cũng chẳng dễ dàng gì. Các cô và các con trồng thêm các loại rau để phục vụ thêm cho các bữa ăn, vừa tiết kiệm chi phí vừa không sợ rau phun thuốc, vậy nên ăn uống cũng đảm bảo hơn. Thịt thà, cá thì liên hệ với những cửa hàng nhất định rồi, các cô cũng cứ đi chợ ngày một, phải tươi thì mới mua vậy nên các con có ai bị ngộ độc hay tiêu chảy đâu. Chỉ có một số trường hợp em mới đến trung tâm nếu ăn không quen thì có đau bụng một chút, nhưng sau đó thì bình thường” (PVS nữ, 44 tuổi, nhân viên phụ trách sinh hoạt nội trú)

Công tác y tế học đường được duy trì thường xuyên như công tác vệ sinh và phòng chữa bệnh. Công tác y tế được thực hiện dưới các hình thức như thường xuyên vệ sinh môi trường theo định kì. Hoạt động này thường có sự trợ giúp của các câu lạc bộ tình nguyện viên các trường đại học giúp đỡ. Phòng y tế trung tâm thường xuyên quan tâm đến việc điều trị và cấp thuốc cho các em khi các em có vấn đề về sức khỏe. Trong năm vừa qua, y tế trung tâm đã đưa 78 lượt học sinh đi khám ở bệnh viện, học sinh điều trị tại bệnh viện là 2 em, số em được điều trị tại trung tâm là 1026 lượt, cấp thuốc phát giun là 223 em và 100% em được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Nhìn chung, hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng TKT của trung tâm thực hiện khá bài bản và linh động. Điển hình cho vấn đề đó là việc kiêm nhiệm công việc giữa các cán bộ, nhân viên với nhau. Trong công tác quản lý thì có lập ra các đội tự quản nhỏ để dễ dàng nắm bắt tình hình nhằm can thiệp kịp thời khi có vấn đề. Công tác nuôi dưỡng và y tế được thực hiện nghiêm túc, các quản sinh dành nhiều thời gian, công sức trong việc chăm lo cho sức khỏe của TKT.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại trung tâm dạy nghề người tàn tật nghệ an (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)