3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hòa nhập của trẻ khuyết tật tại trung tâm
3.4.4. Yếu tố gia đình
Quan điểm, suy nghĩ của gia đình ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và tính cách của TKT. Với những gia đình biết rõ nguyên nhân TKT hay có sự hiểu biết thì thường có tư tưởng và cách thích ứng tích cực hơn.
“con mình bị như vậy là không ai mong muốn cả, em nó bị tai nạn nặng đến nỗi tưởng là không cứu được, vậy nên em nó còn sống và trí óc bình thường là đã cảm ơn trời phật lắm rồi. Giờ chỉ mong em nó học nghề cho tốt để có cái nghề nuôi sống bản thân thôi” (PVS GĐ, nam, 40 tuổi, công chức nhà nước)
Đối với những gia đình không biết hay chưa hiểu rõ nguyên nhân trẻ bị khuyết tật thì thường có cảm giác đau đớn, thất vọng nhiều hơn. Thậm chí là trở nên hắt hủi con mình.
“Gia đình và họ hàng nghĩ em là tai họa mà họ phải gánh nên sinh ra mới bị dị hình, dị dạng như vậy nên tình cảm giữa em và gia đình không được gần gũi, thân thiết” (PVS TKT vận động, nam, 16 tuổi, lớp tin học)
Chính những sự khác biệt trong tư duy, quan điểm mà cách nhìn nhận đưa đến thái độ đối xử với TKT khác nhau giữa các bậc cha mẹ. Mặc dù khi chuyển vào trung tâm, sự liên hệ trực tiếp giữa TKT và gia đình có giảm bớt đi nhiều nhưng gia đình vẫn là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến sự hòa nhập của các em ở môi trường mới. Cha mẹ trẻ dù không trực tiếp chăm sóc trẻ thời gian này nhưng sự động viên qua thư từ hay thỉnh thoảng đến thăm các em tại trung tâm đã giúp các em bớt cô đơn và dễ dàng thích nghi với môi trường mới hơn rất nhiều.
“Cứ khoảng một thời gian là gia đình và em nó lại viết thư cho nhau, kể về sinh hoạt hiện tại và tình hình hiện tại, xem nó ở quen chưa, học tập ra sao rồi”(PVS GĐ, 37 tuổi, nữ, làm nông)
“Lúc đầu cứ cách một khoảng thời gian là gia đình lại lên chơi với em nó 1, 2 ngày nhưng sau khi đã đã quen với nơi ở mới rồi thì thỉnh thoảng gia đình mới đến thôi. Cứ hè, nghỉ lễ là em lại được về mà” (PVS GĐ, 37 tuổi, nữ, làm nông)
“Ba mẹ cũng viết thư hỏi thăm rồi động viên chúng em cố gắng học tập, nghe lời thầy, cô giáo, cố gắng để học được cái nghề. Sự động viên của ba mẹ là động lực rất lớn cho em cố gắng học tập” (PVS TKT vận động, 17 tuổi, nữ, học may)
Bên cạnh những trẻ được cha mẹ quan tâm và lo lắng khi đi học xa nhà thì có một số trẻ lại không được nhận sự quan tâm như vậy. Một số em nói
rằng cha mẹ chỉ đưa các em đến trung tâm, sau đó chỉ đến thăm các em một lần thì không đến thăm hay thư từ hỏi han gì nữa.
“Ba chỉ đưa em đến trung tâm nhập học thôi rồi ở thêm ngày nữa là về. Từ lúc em ở trung tâm đến giờ đã bao nhiêu năm mà ba mẹ có bao giờ hỏi han là em học như thế nào, ăn ở ra sao đâu. Về nhà thì cứ hỏi lúc nào mới đi học tiếp, nghe mà nản” (PVS TKT vận động, nam, 16 tuổi, lớp tin học)
Tuy nhiên, một số trường hợp không thường xuyên đến thăm trẻ hay thư từ thường xuyên là do sự cách trở về địa lý xa xôi, hẻo lánh.
“Nhà chúng em ở xa lắm, đường đi lại hiểm trở, viết thư mà gửi về thì không biết lúc nào mới đến nơi nên cũng lâu lâu mới viết thư rồi đợi gia đình hồi âm. Thỉnh thoảng chúng em mới về nhà khi có việc thôi, chủ yếu là ở lại trung tâm vì nhà xa, đi lại cũng bất tiện nữa, với lại chúng em để dành dến nghỉ hè rồi về nhà luôn” (PVS TKT vận động, nữ, 16 tuổi, lớp học may)
đây, sự quan tâm, thăm hỏi của gia đình tới TKT là rất quan trọng khi các em đi học xa nhà, với những em luôn được gia đình thăm hỏi động viên thì tinh thần của các em cũng lạc quan và vui vẻ hơn rất nhiều, những em ít được quan tâm thì có xu hướng thường hay im lặng và ít chia sẻ với người khác.
Đối với những trẻ học ngoại trú thì các vị phụ huynh cũng có những suy nghĩ khác nhau. Hiện tại, vấn đề cho trẻ nhỏ học hòa nhập vào các trường học cơ sở bình thường đang được khuyến khích, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh vẫn cảm thấy cho trẻ vào học trong trường chuyên biệt vẫn thích hợp hơn cả.
“Đi khám biết cháu bị tự kỷ, gia đình rất buồn và quá trình nuôi nó cũng thật là khó khăn, nhất là đến tuổi đi học. Thầy cô thấy nó có vấn đề thì ngại, chả muốn nhận, mà lúc nào cũng nghe phàn nàn, gia đình cũng mệt mỏi, vì vậy khi biết thông tin trung tâm mở lớp cho trẻ có nhu cầu, chúng tôi rất mừng” (PVS GĐ, nam, 30 tuổi, công chức nhà nước).
Theo phụ huynh lý giải, dù vấn đề học hòa nhập cho trẻ đã được chú trọng nhưng ở Nghệ An thì trình độ giáo viên được đào tạo để can thiệp cho một trẻ “khác biệt” so với những trẻ khác trong một lớp bình thường là rất khó và rắc rối, biết rằng nếu được học trong môi trường bình thường thì sẽ dễ dàng hòa nhập hơn cho trẻ nhưng với tình hình hiện tại thì chưa thể. Họ cũng cho biết, từ khi đi học, được thầy cô ở đây uốn nắn, dạy dỗ, trẻ đã có những tiến bộ nhất định và họ cũng cảm thấy yên tâm hơn khi cho trẻ học tại trung tâm.
Ngay chính TKT cũng có những suy nghĩ là thích học trong môi trường tại trung tâm hơn, các em cho rằng khi học tại đây các em cảm thấy dễ chịu và ít bị cảm giác thương hại nhiều hơn. Sự đồng cảm đã khiến các em dễ dàng chia sẻ và tâm sự với nhau.
“Em đã từng học tại lớp bình thường rồi, có những bạn rất ác ý, lúc đông người, có cô giáo thì không nói gì, còn tỏ ra thân thiện nhưng sau lưng lại khác, điều đó khiến em cảm thấy rất buồn và không muốn tiếp tục theo học. Ở đây thì khác, chúng em có sự giống nhau và dễ dàng chia sẻ với nhau nhiều hơn” (PVS TKT vận động, nam, 16 tuổi, học văn hóa)
Khi học tại trung tâm, trẻ đã có những tiến bộ rõ rệt, sự tiến bộ đó theo các bậc phụ huynh là các em đã có thể tự làm những sinh hoạt cá nhân cơ bản, biết chú ý và tương tác khi nói chuyện, biết nghe lời… nhiều em đã có thể chơi với những trẻ bình thường nhưng phải có sự giám sát, để ý của phụ huynh.
Sự trao đổi giữa thầy, cô giáo và phụ huynh (đối với trẻ học ngoại trú) về tình hình của trẻ cũng khá thường xuyên, chủ yếu là về tình hình của trẻ ở trên lớp và một số hướng dẫn cho cha mẹ khi giáo dục cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, những kiến thức được trao đổi này chưa nhiều và ít có tài liệu hướng dẫn cụ
thể cho cha mẹ trẻ. Chính vì vậy, việc giúp đỡ trẻ hòa nhập trong môi trường xung quanh chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
“Lúc đón cháu về gia đình cũng có hỏi thăm tình hình cháu nó hôm nay học ra sao, cô giáo cũng hướng dẫn cho gia đình ở nhà phải chú ý những cái gì… nhưng thời gian của cô thì có hạn nên cũng ngại, mà lại không có tài liệu hướng dẫn gì cả” (PVS GĐ, nữ, 33 tuổi, buôn bán nhỏ)
Như vậy, từ những cách tiếp cận khác nhau trong quan điểm, suy nghĩ đã đưa tới thái độ, cách đối xử của các gia đình tới TKT là khác nhau. Có gia đình yêu thương, mong ngóng trẻ được đi học và giao lưu với bạn bè, được học nghề để có thể tự lập, nhưng cũng có một số gia đình xem trung tâm là nơi trút gánh nặng khi không phải quan tâm tới trẻ nữa. Chính gia đình là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng hòa nhập cho trẻ, khi trẻ được gia đình yêu thương, quan tâm sẽ cho nhiều cơ hội được mở lòng, được tự tin và lạc quan về một tương lai tươi sáng hơn. Với những trẻ ít nhận được sự quan tâm của gia đình thì thường có xu hướng sống khép kín và tự ti nhiều hơn.