3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hòa nhập của trẻ khuyết tật tại trung tâm
3.4.2. Phương thức quản lý của trung tâm và hoạt động của nhân viên
đều tự mày mò, sáng tạo nên những bài tập thích hợp cho trẻ” (Thảo luận nhóm cán bộ, nhân viên)
Vấn đề về tài liệu hướng dẫn dạy và học, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu làm việc của các giáo viên và học sinh. Tương tự như vấn đề phục hồi chức năng, các thầy cô giáo luôn trao đổi kinh nghiệm và mày mò tìm hiểu một số phương pháp đan xen để có thể dạy cho các em được dễ hiểu và sinh động nhất.
Như vậy, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu hỗ trợ bị hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của trung tâm, ảnh hưởng đến tâm lý của TKT khi dụng cụ học nghề thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng của trẻ khi thiếu trang thiết bị hỗ trợ và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo khi tài liệu hướng dẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
3.4.2. Phương thức quản lý của trung tâm và hoạt động của nhân viên viên
Phương thức quản lý và hoạt động của cán bộ nhân viên tại trung tâm có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và khả năng thích nghi vào các hoạt động hòa nhập của TKT. Để quản lý có hiệu quả một tổ chức, cùng với việc tuân thủ đúng các nguyên tắc quản lý các nhà quản lý cần phải vận dụng sáng tạo và linh hoạt các phương thức quản lý.
Phương thức quản lý là tổng thể những cách thức tác động có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý (cấp dưới và các tiềm năng của tổ chức) và khách thể quản lý (các hệ thống khác, các ràng buộc của môi trường…) trên cơ sở lựa chọn những công cụ và phương tiện thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức [13]. Phương thức quản lý chủ yếu được chia
theo bốn nhóm phương thức cơ bản là kinh tế; hành chính – tổ chức tổ chức; tâm lý – xã hội; các phương pháp và kỹ thuật quản lý cụ thể [5].
Trong thực tiễn, phương thức quản lý tại trung tâm có sự ứng dụng linh hoạt của phương thức hành chính – tổ chức, tâm lý – xã hội, các phương pháp và kỹ thuật quản lý cụ thể mà ít thấy yếu tố phương thức quản lý kinh tế do tính chất nhân văn, mục đích và điều kiện kinh tế, vật chất của trung tâm.
“Một cán bộ, nhân viên phải đảm nhiệm 2 đến 3 vai trò khác nhau là chuyện bình thường, tuy nhiên vấn đề lương thưởng cho các vai trò đó thì ít được tính đến do trung tâm không đủ chi phí để chi trả cho cán bộ, nhân viên” (PVS Ban lãnh đạo trung tâm, nam, 45 tuổi)
Cơ cấu tổ chức, hoạt động của trung tâm tương đối gọn nhẹ và có sự linh hoạt trong các vai trò hoạt động của các CB, NV. Các phương pháp, quy chế, quy định được đặt ra rõ ràng nhưng lại có sự sắp xếp linh động cho từng phòng ban.
“Cơ cấu tổ chức trong trung tâm thì cũng rõ ràng và gọn nhẹ thôi, nhưng hầu như là ai cũng sẽ kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc. Vào các kỳ họp thì trung tâm sẽ có các buổi họp để phân công nhiệm vụ về từng phòng, ban. Từ đó thì các cán bộ, nhân viên sẽ họp lại để cùng thống nhất công việc của nhau” (PVS ban lãnh đạo, nam, 45 tuổi)
Trung tâm luôn khuyến khích các CB, NV nghiên cứu và sáng tạo trong các hoạt động hỗ trợ trẻ hay trong các hoạt động của phòng. Theo ban lãnh đạo trung tâm, tạo nên không gian thoải mái, thân thiện cho cán bộ, nhân viên là rất quan trọng.
Mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều vai trò nhưng các CB, NV thấy đó là chuyện bình thường và chấp nhận làm nhiều việc vì cho đó là tình trạng chung.
“Ở trung tâm nào cũng vậy thôi em, đã làm nghề dạy học cho TKT thì luôn phải có tư tưởng sẵn sàng là lượng công việc thì nhiều nhưng tiền lương
thì cũng chỉ như vậy, khó khăn chung mà, quan trọng là cái tâm của mình thôi” (PVS nữ, 32 tuổi, giáo viên văn hóa – phục hồi chức năng)
Các CB, NV cũng cho biết rằng, dù lượng công việc nhiều nhưng các giáo viên vẫn rất ít phàn nàn, mặc dù nhiều lúc cũng có sự chán nản. Tuy nhiên, vì nhận được sự quan tâm và động viên từ ban lãnh đạo và sự chia sẻ từ từ các đồng nghiệp nên mọi người vẫn cảm thấy thoải mái.
“Tiền lương thì không nhiều nhưng ban lãnh đạo cũng thường xuyên động viên, chia sẻ, rồi cố gắng tạo điều kiện cho nhân viên đi tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng khi có dịp nữa nên đấy cũng là một niềm an ủi cho nhân viên” (PVS nam, 27 tuổi, giáo viên dạy tin)
Trước khi vào làm việc tại trung tâm, ban lãnh đạo cũng đã nêu rõ những vấn đề cần chú ý trước khi CB, NV làm việc tại trung tâm, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm và cái tâm đối với TKT, bởi lẽ đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Chính nhờ vào sự thẳng thắn, trao đổi và môi trường làm việc thân thiện, chia sẻ giữa các đồng nghiệp với nhau trong trung tâm mà thái độ làm việc, cách nhìn nhận đối với TKT luôn theo chiều hướng tích cực. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự thân thiết, cởi mở giữa các CB, NV và TKT trong quá trình học tập và sinh sống tại trung tâm.
Hoạt động của CB, NV tại trung tâm rất được chú trọng và tạo điều kiện để họ có thể được phát huy khả năng của mình. Các CB, NV hầu hết đều rất nhiệt tâm với công việc, mặc dù có những lúc họ có suy nghĩ muốn bỏ việc vì những khó khăn do công việc mang lại. Một trong những khó khăn đó là thiếu trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy theo từng loại khuyết tật riêng biệt.
“Lúc mới bắt đầu thì cảm thấy khó khăn quá, nhiều khi cảm thấy chán nản mà muốn bỏ việc. Bản thân cảm thấy mình thiếu kiến thức giảng dạy về trẻ khuyết tật” (PVS nữ, 32 tuổi, giáo viên phục hồi chức năng)
Trong số những giáo viên giảng dạy tại trung tâm, người được đào tạo chuyên ngành về giáo dục TKT rất ít, hầu như các CB, NV đều chỉ mới được học qua các lớp tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ. Thông thường các giáo viên có nhiều kinh nghiệm lâu năm sẽ hướng dẫn, chỉ dẫn và chia sẻ kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ trong việc việc dạy và giao tiếp với TKT trong quá trình dạy và học, trong những buổi họp và giao ban… Trong vấn đề thiết kế giáo án và tìm hiểu phương pháp cho các loại tật chưa được đa dạng, chủ yếu là dựa theo kinh nghiệm và áng chừng theo mẫu chung của Bộ giáo dục. Điều này đã ảnh hưởng một phần đến chất lượng đánh giá về từng loại khuyết tật và đánh giá khả năng học tập, năng khiếu của TKT.
“Thật sự thì nhiều giáo viên chưa được huấn luyện bài bản về phương pháp giảng dạy với các loại tật khác nhau, chủ yếu là qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kinh nghiệm thôi. Về tài liệu giảng dạy thì vẫn chưa nhiều, chủ yếu là do mọi người chủ động tìm hiểu và linh hoạt trong cách dạy” (Thảo luận nhóm cán bộ, nhân viên)
Các thầy, cô giáo đều rất tâm huyết với nghề của mình và tìm các phương án nhằm nâng cao tay nghề cho các em, cố gắng giúp đỡ các em vào các cơ sở làm việc nếu có cơ hội. Ví dụ như trong dạy thêu, vì nhu cầu thị trường bị thu hẹp nhưng có một số trẻ lại rất có năng khiếu trong lĩnh vực này nên các CB, NV đã cố gắng tìm cách tìm đầu ra cho các em.
“Trung tâm cũng đang tìm cách, tìm các cơ sở, cửa hiệu cần nhân công giỏi trong lĩnh vực thêu thùa, liên hệ các đơn đặt hàng cho các em” (Thảo luận nhóm cán bộ, nhân viên).
“Trung tâm còn kết hợp giữa may mặc và thêu thùa, cùng tìm hiểu những kiểu mẫu đẹp, rồi thêm thắt một số chi tiết để áo nhìn thêm tinh xảo” (Thảo luận nhóm cán bộ, nhân viên)
Thái độ, tư tưởng của các CB, NV đối với các em đều có sự bình đẳng và xem các em như những đứa trẻ bình thường. Đối với họ, tuyệt đối không thể
dùng ánh mắt thương hại để nhìn nhận hay sự mất kiên nhẫn trong ứng xử, dạy dỗ các em.
“TKT rất mẫn cảm nên chỉ cần một chút sơ sót thì cũng sẽ khiến các em bị tổn thương và dễ dàng thu mình, không đoái hoài đến việc học hay không còn cởi mở” (PVS nữ, 42 tuổi, giáo viên dạy văn hóa – phục hồi chức năng)
Một số em thì sẽ phản ứng lại bằng cách tỏ ra giận giữ hay phá rối, không nghe lời các thầy cô, giữ thái độ lầm lì, không quan tâm đến bất cứ hoạt động nào trong quá trình học.
Như vậy, với phương thức quản lý gọn nhẹ, thân thiện, quan tâm, hỏi han của ban lãnh đạo và sự nhiệt tâm với TKT nên dù còn thiếu thốn về vật chất nhưng những CB, NV tại trung tâm vẫn cảm thấy thoải mái và hết mình cố gắng trong công việc. Cùng với quan điểm đối xử bình đẳng và xem trẻ khuyết tật như những đứa trẻ bình thường nhưng cần có những hỗ trợ đặc biệt, các CB, NV đã tạo nên mối quan hệ gần gũi và thân thiết với TKT, giúp các em dễ dàng cởi mở và hòa nhập hơn trong môi trường sinh hoạt và học tập tại trung tâm. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ CB, NV tại trung tâm chưa được đào tạo chuyên sâu bài bản về phương pháp và kỹ năng dạy TKT, đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo TKT.